LỄ CHÚA HIỂN LINH (A)

(06-01-2002)

 

NGHE

* Bài đọc 1: Is 60,1-6: Vẻ huy hoàng của Giê-ru-sa-lem

(1) Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. (2) Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. (3) Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. (4) Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. (5) Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. (6) Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền là ca tụng Ðức Chúa.

* Bài đọc 2: Ep 3,2-3a.5-6: Thánh Phaolô phục vụ mầu nhiệm Ðức Ki-tô

          (5) Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người. (6) Mầu nhiệm đó là: trong Ðức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

* Bài Tin Mừng: Mt 2,1-12: Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Ðức Giê-su Hài Nhi

(1) Có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giê-ru-sa-lem, (2) và hỏi "Ðức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà Vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng:

(6) Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa,

ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa,

vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt It-ra-en dân Ta sẽ ra đời."

(7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lạy Người." (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người, rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

NGẪM

* Câu hỏi gợi ý:

1. Thế nào là Thiên Chúa hiển linh?

2. Ðức Giê-su, Con Một Thiên Chúa hiển linh như thế nào?

3. Từ việc Thiên Chúa hiển linh nơi Hài Nhi Giê-su, chúng ta học được gì?

* Suy tư gợi ý:

1.    Ý nghĩa của Thiên Chúa hiển linh?

Trong truyền thống Thánh Kinh, có nhiều lần Ðấng Thiên Chúa siêu việt và vô hình đã tỏ mình ra cho con người một cách hữu hình, trông thấy, cảm nhận được! Nhưng vì không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống nổi nên Thiên Chúa thường tỏ mình ra trong đám mây, đám lửa, trong cảnh sấm sét bão bùng hay cảnh tầng trời mở ra. Trước cảnh Thiên Chúa hiển linh oai phong, lẫm liệt như thế thì thái độ của những người chứng kiến là phủ phục quì lạy, vì con người cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, bất xứng trước Thiên Chúa siêu việt!

Việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người có ý nghĩa quyết định cho đời sống tâm linh: Thiên Chúa rất thích được con người biết đến và Người rất muốn có mối quan hệ thân tình với họ. Hơn nữa Thiên Chúa có sáng kiến đi bước trước để con người đỡ phải vất vả tìm kiếm, vì chưng Người là Ðấng cao cả khôn lường, vượt xa mọi khả năng trí tuệ nhân trần.

2. Ðức Giê-su, Con Một Thiên Chúa hiển linh như thế nào?

Trong phụng vụ của Giáo hội Công giáo Ro-ma thì Lễ Hiển Linh đi liền sau Lễ Chúa Giáng Sinh, vì việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại là phần tiếp nối của sự kiện Thiên Chúa nhập thể làm người. Trong phụng vụ của Giáo hội Chính thống thì biến cố Chúa Giáng Sinh và tỏ mình ra cho dân ngoại được cử hành chung trong Lễ Hiển Linh. Vì thế Lễ Hiển Linh có một ý nghĩa hết sức đặc biệt: Ðức Giê-su, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, sinh ra nơi hang bò lừa Bêlem. Người là Con Một Thiên Chúa, là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng Người không chỉ ở cùng chúng ta là những người tín hữu Do Thái giáo mà Người còn tỏ mình ra cho dân ngoại tức là cho hết mọi người trên cõi đất này, mà ba nhà chiêm tinh Phương Ðông là đại diện và biểu tượng.

Chắc hẳn ba nhà chiêm tinh khi lên đường đi theo ngôi sao của Ðức Vua dân Do Thái thì họ chẳng đi một mình. Trái lại đi theo họ là cả một đoàn tùy tùng đông đảo, với ngựa xe lạc đà lủng cà lủng củng. Họ đi đến đâu lôi kéo sự chú ý đến đó. Quang cảnh ấy giống hệt như quang cảnh tưng bừng của một Giê-ru-sa-lem vào ngày Chúa đến viếng thăm thành thánh mà ngôn sứ I-sai-a đã mô tả (bài đọc 1).

Trái ngược hẳn với cảnh ồn ào náo nhiệt của đoàn ngựa xe trên đường hành hương, ba nhà chiêm tinh bỗng chốc lọt vào một quang cảnh hết sức tĩnh lặng, đơn sơ và bình dị: một hài nhi bé bỏng trong vòng tay của người mẹ hiền. Hài nhi ấy có tên là Giê-su. Người mẹ hiền ấy là Ðức Ma-ri-a. Nhưng với ngôi sao dẫn đường - tức với ơn soi sáng của Thiên Chúa- ba nhà chiêm tinh Phương Ðông nhận ra Hài Nhi ấy là Ðức Vua của Dân Do Thái, là Ðấng mà muôn người trông đợi, là Vị Thiên Sai từ trời cao, là Ðấng Cứu Ðộ chúng sinh từ Tây sang Ðông, từ Bắc xuống Nam. Vì thế mà họ có ngay thái độ xứng hợp "họ liền sấp mình thờ lạy Người, rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến."

3. Từ cách Thiên Chúa hiển linh nơi Hài Nhi Giê-su, chúng ta học được gì ?

Nếu việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại - được đại diện bằng ba nhà chiêm tinh Phương Ðông - đã được các ngôn sứ loan báo trước, thì dường như cách Thiên Chúa bộc lộ mình ra nơi Hài Nhi Giê-su vẫn chứa đựng nhiều bất ngờ. Thật vậy, trong thị kiến hay trong cái nhìn về tương lai xa xăm, các ngôn sứ trong Cựu Ước thường thấy và mô tả lại trong các sách sấm ngôn, cảnh huy hoàng, tráng lệ của việc hay của ngày Thiên Chúa tỏ mình ra. Ðàng này Thiên Chúa hiển linh chỉ là Hài Nhi Giê-su bé bỏng trong vòng tay của Mẹ Ma-ri-a, trong một khung cảnh bình dị, đơn sơ và nghèo nàn thì quả là điều hết sức bất ngờ!

Ðó phải chăng là điều mà chúng ta cần học nhất? Trong cách sống đạo, nhiều người trong chúng ta có xu hướng ưa chuộng những cách thể hiện "hình thức", "phô trương", bề ngoài", "làm oai". Ngược lại, Chúa Giê-su đã chọn cách sống âm thầm, kín đáo, bình dị, khiêm cung, khó nghèo. Và Người đã chọn cách tỏ mình là người yếu kém, bé bỏng..Bê lem có nhiều nét giống Na-gia-rét và Can-vê! Nhà thần học Tin lành Ðức Moltmann đã nói một câu đáng chúng ta suy nghĩ "Chính lúc Thiên Chúa tỏ mình ra yếu kém nhất, lại là lúc Người mạnh mẽ nhất" Không đâu Thiên Chúa tỏ ra yếu kém cho bằng ở máng cỏ Bê-lem và trên Thập tự giá! Bài học ấy, chúng ta hãy học cho thuộc lòng và áp dụng vào cuộc sống!!!

NGUYỆN

Lạy Chúa Giê-su Hài Nhi, Chúa là Thiên Chúa siêu việt, là Ngôi Lời Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, Ðấng có mặt trong buổi đầu Tạo Dựng. Thế mà vì muốn thiết lập mối quan hệ thân tình, bạn hữu với chúng con, với nhân loại, Chúa đã sinh ra làm một Hài Nhi. Chúa muốn mời gọi mọi người, mọi dân đến với Chúa để Chúa bộc lộ mình ra, nhưng Chúa lại thích bộc lộ mình trong hình hài bé nhỏ của một trẻ thơ trong vòng tay của mẹ hiền. Có phải vì Chúa muốn chúng con đến với Chúa mà không phải sợ hãi điều gì? Ôi sao Chúa thương chúng con thế! Sao Chúa đối xử với chúng con tinh tế như vậy! Chúng con cảm tạ Chúa! Chúng con đến với Chúa đây! Chúng con thờ lạy Chúa! Xin Chúa tỏ mình ra cho chúng con! Xin Chúa đón nhận lễ dâng hèn mọn của chúng con là con người chúng con với tất cả tội lỗi, yếu đuối, ươn hèn, là những nỗ lực và hy sinh bé nhỏ hằng ngày của chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội