CHIA SẺ
TIN MỪNG
Chúa Nhật
thứ 9 Thường Niên (2-6-2002)
Lễ Mình
Máu Thánh Chúa
Ðnl 8,2-3.14b-16a: (3)
Người đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em
cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ÐỨC CHÚA phán ra.
1Cr 10,16-17: (16) Khi ta
nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức
Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể
Người sao? (17) Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một
Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.
TIN MỪNG: Ga 6,51-58
Bánh hằng sống từ trời
Khi ấy, Ðức Giê-su nói với
đám đông dân chúng rằng: (51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh
này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để
cho thế gian được sống.
(52) Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao
ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? (53) Ðức Giê-su nói với họ:
Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,
các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được
sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, (55) vì thịt
tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn thịt và uống máu
tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là
Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi,
cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Ðây là bánh từ trời xuống, không
phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được
sống muôn đời.
Câu hỏi gợi ý:
1. Những câu nói của Ðức
Giê-su như: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, Thịt tôi thật là của ăn, và
máu tôi thật là của uống có ý nghĩa gì?
2. Bản thân Ðức Giê-su có thể
ví như chiếc bánh bị ăn không? Tại sao?
3. Ăn thịt uống máu Ðức Giê-su
là gì? Cụ thể là gì?
1. Bánh hằng sống từ trời xuống ở đây nghĩa là gì?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giê-su tuyên bố: Tôi là bánh hằng sống
từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng,
chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. Chúng ta cần phải hiểu câu
nói đó theo nghĩa nào? Chắc chắn không thể hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là nghĩa
vật chất được. Viết tới đây tôi nghĩ tới Ðường Tam Tạng đi thỉnh kinh trong
truyện Tây Du Ký: nhiều yêu tinh quyết bắt ông cho bằng được để ăn thịt, vì tin
rằng cứ ăn thịt ông thì sẽ trường sinh hay trường thọ. Chắc hẳn chẳng ai trong
chúng ta tin được rằng thịt của Ðức Giê-su (hiểu theo nghĩa vật chất) là một
thứ thuốc hễ ăn vào thì được sống đời đời theo kiểu các yêu tinh tin vào thịt
của Ðường Tam Tạng. Cũng khó mà hiểu được một cách thuần túy rằng Thịt đem lại
sự sống đời đời ở đây chỉ là bánh Thánh Thể mà người ta vẫn nhận lãnh khi rước
lễ. Vì quả thật không thể tin được là tất cả những ai lên rước lễ dù là hằng
ngày thì sẽ được sống đời đời mà không cần một thái độ nội tâm nào (xin nhấn
mạnh những chữ viết nghiêng này). Nếu thế thì muốn được sống đời đời quả thật
quá dễ dàng! Và nếu thế thì bánh Thánh Thể quả là một thứ phù phép hay bùa chú
vượt trên mọi thứ phù phép trong mọi tôn giáo! Những phù phép trong các tôn
giáo nhiều lắm thì hứa hẹn một cái gì tạm thời chóng qua, chứ không hứa hạn một
quyền lợi vô cùng to lớn mang tính đời đời, mà người thụ hưởng chỉ bị đòi hỏi
làm một việc mang tính vật lý quá đơn giản! Theo tôi nghĩ, chính thái độ nội
tâm của ta mới là yếu tố quyết định về phía ta để Thiên Chúa ban sự sống đời
đời cho ta hay không. Vì thế, việc ăn thịt và uống máu Ðức Giê-su là một thái
độ hay hành vi nội tâm hơn là thể lý! Không có thái độ hay hành vi nội tâm ấy,
thì có rước lễ hằng ngày suốt đời cũng chẳng thể có sự sống đời đời. Thật vậy,
có ai dám bảo đảm rằng những người rước lễ hằng ngày thì chắc chắn có sự sống
đời đời chăng? Riêng tôi, tôi tin tưởng chắc chắn 100% rằng những ai có thái độ
nội tâm giống như Ðức Giê-su thì tất nhiên sẽ được Ngài ban sự sống đời đời.
Thiết tưởng, câu nói của Ðức Giê-su đang được bàn tới cần hiểu theo
nghĩa tâm linh, huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vì nói chung, trong bất kỳ tôn
giáo nào, những câu Kinh Thánh có ý nghĩa quan trọng thường được hiểu theo
nghĩa huyền nhiệm hơn theo nghĩa đen. Vả lại, chính Ðức Giê-su đã từng dùng từ
lương thực hay thức ăn theo nghĩa tâm linh: "Thầy phải dùng một thứ lương
thực mà anh em không biết". Các môn đệ mới hỏi nhau : "Ðã có ai mang
thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" Ðức Giê-su nói với các ông: "Lương
thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình
của Người" (Ga 32-34). Thiết tưởng chữ bánh, của ăn, của uống trong bài
Tin Mừng hôm nay cũng nên hiểu theo nghĩa ấy.
2. Cuộc đời và bản thân Ðức
Giê-su là một chiếc bánh bị ăn
Một trong những đặc tính căn bản nhất của đồ ăn là nó không hiện hữu vì
ích lợi của nó, mà hoàn toàn vì ích lợi của người ăn nó. Nói cách khác, đặc
tính căn bản của đồ ăn là hoàn toàn vị tha, không vương một chút vị kỷ nào. Ðức
Giê-su cũng hiện hữu và sống hoàn toàn vì Chúa Cha và vì loài người, không hề
vì bản thân mình chút nào. Ngài từng nói: Tôi tự trời mà xuống, không phải để
làm theo ý tôi, nhưng theo ý Ðấng đã sai tôi (Ga 6,38); Tôi đến để cho chiên
được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Cả cuộc đời Ðức Giê-su, dù xét một cách
toàn thể hay theo từng chi tiết, từng hành động, ta thấy Ngài hoàn toàn vị tha,
nghĩa là sống vì Chúa Cha và vì nhân loại. Không một hành vi nào chứng tỏ Ngài
vị kỷ cả. Cụ thể và hùng hồn nhất là cuộc tử nạn hết sức thê thảm của Ngài: đau
khổ đến tận cùng và chết thê thảm không vì ích lợi gì cho mình, mà hoàn toàn vì
yêu thương Chúa Cha và nhân loại. Hãy nghe Ngài cầu nguyện hai lần với Chúa Cha
trước khi chịu tử nạn: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống
chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26,39; x. 26,42).
Sự vị tha ấy đã có từ nguyên thủy khi Ngôi Hai xuống thế: Ðức Giê-su Ki-tô vốn
dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,6-8).
Như vậy, cả cuộc đời Ngài là một cái bánh bị ăn, nhờ thế Thiên Chúa
được vinh danh. Con người cũng nhờ thế mà được sống và sống dồi dào (Ga 10,10),
được phục hồi lại sự sống đời đời đã bị mất vì tội nguyên tổ.
3. Ai ăn thịt và uống máu tôi
thì được sống muôn đời
Ðức Giê-su nói: Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
Ðiều ấy chắc chắn là sự thật, nhưng phải hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn là
nghĩa đen. Vấn đề còn lại là ăn thịt và uống máu Ðức Giê-su để được sống muôn
đời là gì? Muốn ăn thịt và uống máu Ðức Giê-su thì phải làm gì?
Khi tôi ăn hay uống một thức gì, thì thức ấy được tiêu hóa để trở thành
thịt và máu tôi, thành các tế bào của tôi. Thức ấy mà bổ dưỡng hoặc có tính
chữa bệnh thì tôi trở nên mạnh khỏe, và bệnh tôi được chữa lành. Nếu tôi ăn hay
uống những thức độc hại, thì chất độc ấy cũng trở nên những tế bào độc hại
trong thân thể tôi và làm cơ thể tôi suy yếu. Chắc chắn rằng tất cả các tế bào
hiện nay của tôi sau mấy chục năm sống ở đời đều hoàn toàn được cấu tạo từ
những thức tôi ăn hay uống vào từ bên ngoài. Chính nhờ thức ăn và thức uống mà
tôi sống được. Nhưng tôi sống mạnh khỏe hay bệnh tật tùy thuộc vào thức ăn thức
uống tôi đưa vào cớ thể, và cũng tùy thuộc cách thức tôi ăn uống nữa. Thức ăn
hay thức uống tôi ăn vào từ từ thay thế những tế bào cũ bằng những tế bào mới
trong thân thể tôi. Vì thế, nhiều thầy thuốc hay nhà sinh vật học chủ trương
người ta có thể cải tạo lại sức khỏe bằng cách thay đổi đồ ăn thức uống và cả
cách ăn uống nữa.
Từ thực tế trên, ta có thể hiểu được cách thức ăn thịt và uống máu Ðức
Giê-su. Ðức Giê-su là Ngôi Lời, nên bản chất của Ngài là Lời. Lời của Ngài cũng
chính là của ăn thức uống. Ðời sống và bản thân của Ngài cũng là của ăn thức
uống như đã nói ở phần trên. Ăn uống Ngài chính là dùng lời của Ngài, dùng
gương mẫu đời sống Ngài, để suy niệm, thực hành, bắt chước hầu thay thế dần dần
chất của ta bằng chất của Ngài, nghĩa là ta càng ngày càng trở nên có chất Giê-su
hơn trong quan niệm, tư tưởng, lời nói, và hành động của ta. Nếu mỗi ngày ta
thay thế 1% hay 1 chất tôi thành chất Ngài - ít hay nhiều tùy sự cố gắng hay
quyết định của ta - thì chỉ một thời gian sau chất tôi đầy ích kỷ, tham lam,
ghen ghét sẽ giảm đi, và chất Ngài đầy vị tha, đầy tình yêu sẽ tăng lên. Và tới
một lúc nào đó, chất Ngài ở trong tôi trở thành viên mãn, nghĩa là đạt tới mức
100% (Ðương nhiên thực tế không đơn sơ như vậy). Lúc ấy tôi có thể nói như
Phao-lô: Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi
(Gl 10,20). Lúc ấy, một cách nào đấy, tôi không còn là tôi mà là Ðức Ki-tô.
Ðiều đó không có nghĩa là tôi bị vong thân, mà tôi trở nên một cái tôi hoàn hảo
nhất, đúng với ước muốn sâu xa nhất của tôi là nên một con người hoàn hảo.
Chính lúc ấy tôi mới tìm lại được bản thân tôi một cách trọn vẹn nhất. Ðấy là
cách ăn thịt uống máu Ngài - mà tôi nghĩ theo thiển ý mình - là hợp lý và ý
nghĩa nhất. Và đó cũng là cách bảo đảm nhất để có sự sống đời đời. Vậy thiết
tưởng, mỗi khi dâng thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể, tức là ăn thịt uống máu
Ngài một cách bí tích, ta cần có một thái độ hay hành vi nội tâm tương xứng là
ăn thịt uống máu Ngài một cách huyền nhiệm hay tâm linh như đã nói trên. Có sự
phối hợp bên trong lẫn bên ngoài như thế, việc lãnh nhận Thánh Thể sẽ đem lại
cho ta sự sống và sức mạnh tâm linh bội phần.
4. Hãy trở nên chiếc bánh bị
ăn như Ðức Giê-su
Như vậy, ăn thịt và uống máu Ðức Giê-su chính là suy niệm Lời và đời
sống của Ngài để dần dần thay thế chất tôi thành chất Ngài, biến tôi thành
Ngài. Nói cách khác, đó là trở nên giống Ðức Giê-su hoàn toàn. Giống Ðức Giê-su
là giống Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8.16). Tình yêu ở đây là
thứ tình yêu hoàn toàn vị tha, không một chút vị kỷ. Vì thế, giống Ðức Giê-su
là biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha, nghĩa là sẵn sàng trở
nên chiếc bánh bị ăn như Ðức Giê-su (theo cách nói của cha Antoine Chevrier, tu
hội Prado). Bị ăn bởi những người chung quanh ta, nhất là những người gần gũi
ta nhất (vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè ta). Sống như thế, hay
ít nhất là cố gắng hết sức để sống như thế, chính là ăn thịt và uống máu Ðức
Giê-su, và như thế thì chắc chắn ta sẽ được sự sống đời đời.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con muốn ăn thịt và uống máu Ðức Giê-su bằng cách mỗi ngày
nhìn vào đời sống của Ngài biến một phần rất nhỏ chất tôi trong con thành chất
Giê-su. Nếu mỗi ngày con chỉ biến 1 (một phần ngàn) chất tôi thành chất Giê-su
một cách thật nghiêm túc và thành công, thì trên nguyên tắc chỉ 1.000 ngày sau
- tức khoảng 3 năm - con đã được biến đổi hoàn toàn nên giống Ðức Giê-su. Ðó là
tính theo kiểu toán học, thực tế không đơn sơ, dễ dàng và nhanh chóng như vậy.
Xin cho con biết ăn thịt và uống máu Ngài theo kiểu ấy, để nhờ đó con có sự
sống đời đời.
Joan Nguyễn Chính Kết