LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:       1 Cô-rin-tô 10: 16-17

        Ðoạn trích dẫn thư 1 Cr hôm nay nằm trong mạch văn của vấn đề thịt cúng mà thánh Phao-lô đã bàn đến để giải quyết thắc mắc của tín hữu Cô-rin-tô. Vấn đề như thế này: sau những lễ tế thần và ăn uống, người ngoại giáo đem thịt đã cúng tế còn dư ra chợ bán. Vậy thắc mắc nêu ra là: Ki-tô hữu có được phép mua thịt ấy về để ăn không? Thánh Phao-lô trả lời: Ki-tô hữu được tự do muốn mua về ăn tùy ý, vì Chúa dựng nên những con vật để làm thức ăn; tuy nhiên vấn đề ở đây là nếu việc ăn thịt ấy gây nên gương xấu hoặc làm cớ cho những người bối rối lương tâm sa ngã, thì vì đức bác ái, Ki-tô hữu tránh sử dụng tự do của mình. Rồi cao hứng, thánh Phao-lô đã đi ra ngoài đề, chia sẻ kinh nghiệm bản thân về việc dẹp bớt đi tự do của mình để phục vụ người khác. Sau đó ngài trở lại vấn đề tiệc cúng, khuyên tín hữu xa lánh việc thờ ngẫu tượng, nhưng hãy gắn bó với Tiệc Thánh Thể để được kết hiệp với Chúa Ki-tô và với nhau, làm thành một thân thể duy nhất.

        Rõ ràng bài đọc hôm nay nói lên hai chiều kích của việc chúng ta cử hành Thánh Thể: kết hiệp với Chúa Ki-tô và kết hiệp với nhau.

        a) Cử hành Thánh Thể là kết hiệp với Chúa Ki-tô

        Thánh Phao-lô lập lại ở đây hai cử chỉ Chúa Giê-su đã làm khi Người lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly: nâng chén tạ ơn và bẻ bánh. Những cử chỉ này nằm trong nghi thức cử hành lễ Vượt qua diễn lại lịch sử Thiên Chúa cứu thoát dân Do-thái khỏi ách nô lệ cho Ai-cập. Việc cứu thoát này chuẩn bị cho giao ước Xi-nai mà Thiên Chúa sẽ ký kết với Dân tuyển chọn của Người. Dân Do-thái đã dự phần vào lễ Vượt qua ấy và đã được đem ra khỏi Ai-cập để tham dự vào giao ước Xi-nai hầu thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn. Như vậy, cuộc Vượt qua của dân Do-thái là một tiến trình cứu thoát, khởi từ tình trạng nô lệ để tiến đến tự do phụng thờ Thiên Chúa. Khi cử hành tưởng niệm Vượt qua, cử chỉ bẻ bánh và nâng chén tạ ơn nói lên căn tính tự do và vui mừng của dân Do-thái: là những người tự do, họ có cả chiếc bánh mà ăn thay vì chỉ được ăn những vụn bánh dành cho nô lệ; là những người tự do, họ nâng chén tạ ơn Thiên Chúa về những ơn lành Người ban, một việc mà khi còn làm nô lệ họ chẳng bao giờ có thể làm.

Cuộc Vượt qua ấy cũng là một biến cố có tính cách cộng đồng, nghĩa là Thiên Chúa cứu thoát nguyên cả một dân tộc và mỗi cá nhân nếu muốn được cứu thoát cần phải tháp nhập vào dân tộc ấy.

Ở đây, khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã lấy phần quan trọng của nghi thức Vượt qua mà áp dụng cho chính Người. Chúa muốn thay thế những dấu chỉ cứu rỗi ấy bằng chính Thân Mình và Máu Người để thiết lập một cuộc Vượt qua Mới. Do đó, như dân Do-thái xưa muốn được cứu rỗi cần phải kết hiệp với Thiên Chúa qua biến cố Vượt qua thế nào, thì cũng vậy, Ki-tô hữu ngày nay phải kết hiệp với Chúa Ki-tô trong cuộc Vượt qua Mới là Bí tích Thánh Thể để tham dự vào Giao ước Mới và được cứu rỗi.

b) Cử hành Thánh Thể là kết hiệp với nhau

        Nếu nhìn cuộc Vượt qua của dân Do-thái theo chiều kích cộng đồng thì chúng ta cũng phải nhìn việc cử hành Thánh Thể cùng một chiều kích như vậy. Có nghĩa là tuy chúng ta là những cá nhân khác nhau, nhưng chỉ có một tấm Bánh và một chén Rượu. Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô là nguyên lý kết hiệp mọi chi thể lại với nhau trong Nhiệm Thể Người. Kế hoạch của Thiên Chúa trong Cựu Ước là quy tụ mọi người Do-thái trong biến cố Vượt qua và giao ước Xi-nai để họ trở thành Dân tuyển chọn của Người. Kế hoạch của Thiên Chúa trong Tân Ước là quy tụ muôn người trong Ðức Ki-tô để nhờ Ðức Ki-tô nhân loại trở về kết hiệp với Thiên Chúa. Do đó, Bí tích Thánh Thể càng trổi vượt trên bữa ăn Vượt qua của dân Do-thái, vì mức độ liên kết chặt chẽ giữa con người và Thiên Chúa cũng như tính cách phổ quát bao gồm mọi người không phân biệt ngôn ngữ hoặc dân tộc.

        c) Xét lại thái độ và tâm tình của chúng ta khi cử hành Thánh Thể    

        Có lẽ một trong những "xét lại" căn bản và nhức nhối nhất của Ki-tô hữu ngày nay phải là nhìn lại thái độ và tâm tình của họ khi cử hành Thánh Thể. Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật đã trở thành một thứ ràng buộc của luật lệ mà Ki-tô hữu chỉ cần chu toàn để khỏi mắc tội! Rước lễ đã trở thành một cử chỉ theo mốt, nghĩa là người khác lên rước lễ thì tôi cũng làm như vậy, không cần biết mình đang thuộc loại người "vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ; vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ" (câu 21)! Rồi xét lại mối quan hệ cộng đồng: rước lễ thì cứ rước lễ, nhưng rước lễ xong mà vẫn giận ghét anh chị em, vẫn gây chia rẽ cộng đoàn, vẫn làm tổn thương tinh thần hiệp nhất...! Tóm lại, phải đặt lại vấn đề và phải can đảm sửa sai, để "ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình" (1 Cr 11:28-29).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Thánh lễ đối với tôi là gì? Lòng yêu mến Thánh Thể giữ vai trò nào trong đời sống thiêng liêng của tôi?

        Trong quá khứ tôi có suy niệm và sống cả hai chiều kích kết hiệp của Bí tích Thánh Thể không? Ðã thiếu sót như thế nào? Sửa đổi lại qua những công việc cụ thể nào?

        Làm thế nào để tham dự Thánh lễ sốt sắng và sinh ích lợi thiêng liêng? Ðể sống Thánh lễ?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về Thánh Thể, hoặc đọc kinh "Lạy linh hồn Chúa Ki-tô" (Anima Christi).     

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà