LỄ NỬA ÐÊM
"Một
Người Con đã được ban tặng cho ta."
Anh
chị em rất thân yêu,
Chúng
ta vừa đi qua một hồi tưởng lịch sử trong giờ canh thức, và dù đem hết cố gắng
theo sát thực tại, chúng ta cũng không thể nào khéo léo, tài tình bằng thánh sử
Luca đã làm sống lại ký ức Ðêm Cực Thánh này qua đọan Tin Mừng chưa tới 1 trang
giấy. Sự khéo léo và tài tình của thánh ký là đã chuyển tải trọn vẹn nội dung
nhiệm mầu của biến cố.
Ðọc
Luca chúng ta gặp lại được tâm hồn Dân Chúa mà Isaia phải vay mượn những hình
ảnh văn chương tiên tri và khải huyền để diễn tả. Ðọc Luca, chúng ta còn cảm
nếm được những gì Phaolô phải dùng những suy tư thần học cứu độ với những từ
ngữ uyên thâm. Nói đúng hơn, không phải Luca có những tài nghệ phi thường,
nhưng Luca chỉ trở về với chính thực tại của biến cố và để chính biến cố lôi
cuốn ông.
Trước
hết Luca nhìn biến cố trong bối cảnh tòan diện : Dân Chúa thật cơ cực vì thân
phận nô lệ ngọai bang. Cuộc tổng điều tra dân số đủ để diễn tả những khổ nhục
và số phận bị bóc lột tàn bạo. Vì nó là phương thế hữu hiệu nhất áp đặt quyền
và chính sách khống trị. Không còn bóng tối nào dày đặc hơn bao trùm trên dân
tộc khi "người con kế thừa giang sơn tổ tiên" lại phải sinh ra nằm
trong máng cỏ súc vật giữa đồng không mông quạnh. Cũng chẳng còn cảnh ly tán
nào triệt để hơn, làm tê liệt và phân hóa tình nghĩa và sức sống dân tộc, khi
"người con" không tìm được chỗ trong qúan trọ. Dân tộc ấy trong đọan
tin mừng dường như không còn ai khác , chỉ còn lại những mục đồng sống giữa
thảo nguyên. Những con người chưa bao giờ được kể là có quyền lợi và trách
nhiệm của một công dân, xét cả về mặt tôn giáo. Tính hiện thực của Tin Mừng rõ
ràng có tính hấp dẫn hơn Isaia cũng như Phaolô . Tính hấp dẫn còn gặp thấy
trong khẳng định của sứ thần về dấu chỉ của Ðấng Cứu Ðộ, của Ðức Kitô, của Ðức
Chúa "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ
sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."
Anh
chị em rất thân yêu, chúng ta cần tập trung mọi tâm tư vào dấu chỉ lạ lùng, nếu
không muốn nói là kỳ quặc này. Giữa lòng một dân tộc bị áp bức trong xích xiềng
nô lệ, giữa từng giòng thác người bị lọai trừ, thì Ðấng Cứu Ðộ lại chính là
người chia sẻ trọn vẹn cùng một số kiếp làm người của họ, với tất cả lịch sử,
khổ đau và hy vọng. Mỗi con người bị lột trần ấy đã minh nhiên được Ðức Kitô
nhận là "Dấu chỉ" cho Người. Quan điểm cứu thế của nhân lọai
thì thật phức tạp và đa dạng, nhưng phải nói rằng chỉ duy một mình Ðức Kitô lựa
chọn con đường trở nên người con, người anh em của dân nô lệ cách triệt
để. Sự lựa chọn không chỉ là một màn trình diễn thóang qua, nhưng là cả cuộc
đời và chỉ kết thúc với cái chết như là một tử tội nô lệ. Vì vậy hết mọi người
bất kể họ là ai, cách đặc biệt, những con người trên lục địa Á Châu, đều thấy
mình có thể là "Dấu Chỉ" của "Người Con",
"Người anh em" ấy. Hay nói theo Luca "Người Con được
ban tặng" cho họ.
Sự lựa chọn ấy đừng nói nhà cầm quyền Roma, hay các
quyền lực đạo đời thời ấy không chấp nhận, mà cho đến tận hôm nay, trong thế
giới, vẫn tồn tại một sự kỳ thị đối với người Châu Á, những người nghèo khổ và
trần trụi. Thậm chí ngay cả chính chúng ta, là linh mục, là tu sỹ, là tín hữu
giáo dân, là tôi hay là anh chị em, nếu thành thật với chính mình, phải nói là
hôm nay, tôi cũng như anh chị em cũng chưa dám hết lòng lựa chọn.
Ðiều mà
thánh Luca muốn nói nhiều hơn và coi đó là thước đo tính siêu việt và quyền
năng của lựa chọn cứu độ này, chính là dấu chỉ tỏa chiếu niềm vui an bình và
hoan lạc như là ánh sáng, như là một bản trường ca vô tận. Nó lôi cuốn
chẳng những những kiếp người bị vứt bỏ, mà cả đạo binh thiên quốc cũng reo lên
theo niềm vui an bình và hoan lạc ấy. Sự lựa chọn không còn là lựa chọn khổ
đau vì khổ đau nữa, mà là trở nên kiếp người để có thể yêu thương và
chiếu gĩai niềm vui và an bình của tình yêu đến cùng. Và qủa thực bản
trường ca bình an ấy được những con người nghèo ở Palestine, ở Roma và trên
khắp thế giới, trải qua 2000 năm, vẫn không ngừng tiếp tục hợp xướng. Nó đã là
chìa khóa hình thành một thế giới mới trong yêu thương và an bình.
Ðó là
con đường cứu thế của Ðức Kitô. Con đường đem yêu thương cho người phận nhỏ.
Chúng
ta không thể loan báo tin mừng cứu độ nếu không chấp nhận trở thành "người
con" "người anh em" một cách triệt để như Ðức Giêsu đối với mọi
người. Mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh phải là mầu nhiệm của chúng ta mỗi
ngày.
Nguyện
xin ơn Giáng Sinh luôn tràn đầy nơi Quý Cha, Quý Tu Sỹ Nam Nữ, nơi mỗi gia đình
và tất cả anh chị em, để Tin Mừng Bình An được công bố trên quê hương thân yêu
của chúng ta.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên