GIÁNG SINH 2001

LỄ RẠNG ÐÔNG

 

          Anh chị em rất thân yêu,

          Trong cơ cấu Phụng Vụ Lễ Giáng Sinh, biến cố Ngôi Lời Nhập Thể được hình dung như Mặt Trời Công Chính là nguồn ánh sáng và sự sống cho nhân lọai. Dân Chúa trong cõi u tịch của đêm tối dầy đặc đang canh thức chờ đợi buổi Rạng Ðông. Và đây bình minh tới, từng tia sáng chiếu rọi và xé tan màn đêm, và họ say sưa ngắm nhìn hồng ân.

          Thánh Luca dường như bị lôi cuốn vào thái độ ấy của những tín hữu ở buổi bình minh của Giáo Hội trong bản tường thuật của ông: ông đã từng thấy ở mọi nơi, người ta hối hả đến với Giáo Hội, cách riêng trong các hành trình truyền giáo của Phaolô. Chính trong những gặp gỡ như thế, người ta "kể lại điều đã được nói tới về Hài Nhi này".

Tuy nhiên kinh nghiệm trên vạn nẻo hành trình truyền giáo cũng cho Luca thấy trong những huyên náo nhộn nhịp con người không dễ tìm được niềm tin vào Hài Nhi. Bởi vì cái hiện tượng "một Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ" có dáng dấp một câu chuyện thần thọai cổ tích kia chẳng nói lên được gì, nếu nó không được liên kết với "điều đã được nói tới...".

Ở đây, Luca cho thấy vai trò của mỗi người trong biến cố đều là những vai trò không thể thay thế, bởi vì mỗi người đều đã nhận được "một điều đã được nói tới", và "ai cũng ngạc nhiên" khi được nghe chính họ thuật lại. Rõ ràng phải khẳng định là không ai hơn Ðức Maria, và thánh Giuse, những con người được tham gia trực tiếp vào biến cố, nhưng dưới cái nhìn của Luca, chính các Ngài cũng phải "ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng", những kỷ niệm có được khi "nghe các người chăn chiên thuật chuyện".

Vì thế, hết mọi kẻ tin, và những ai tham dự vào việc loan báo Tin Mừng phải tập trung mọi cố gắng của mình làm sống lại cảnh đón Bình Minh nơi các tín hữu tiên khởi, trong đó có Giuse và Maria. Trong "ghi nhớ mọi kỷ niệm", và "suy đi nghĩ lại trong lòng" mỗi người sẽ khám phá ra như Phaolô "Không phải vì tự sức mình chúng ta...nhưng vì...nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần" mà "chúng ta được tái sinh và đổi mới", và "được thừa hưởng sự sống đời đời".

Anh chị em rất thân yêu,

Chính vì con đường đi đến niềm tin vào Hài Nhi của những thế hệ đầu tiên được Luca trình bày trong tường thuật Tin Mừng, cũng có nghĩa nó là một chân lý của Tin Mừng, nên Giáo Hội luôn xác tín và công bố. Lời công bố long trọng trở thành "Luật Cầu Nguyện" như chúng ta thấy trong cơ cấu mọi cử hành Phụng Vụ, trong đó Phụng Vụ Lời Chúa luôn là thành phần cấu tạo căn bản. Việc nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, thinh lặng đón nhận... là những yếu tố cấu thành Phụng Vụ, mà bỏ qua nó, người ta hủy họai chính cử hành thánh. Chúng ta đừng quên "Luật Cầu Nguyện" cũng là "Luật Ðức Tin", và khi không tôn trọng và yêu mến Phụng Vụ Lời Chúa trong các cử hành phụng vụ, không phải người ta hủy họai một cử hành, nhưng là hủy họai chính lòng tin của mình. Chúng ta cần nhắc lại, theo Luca mỗi người đều có vai trò không thể thay thế. Và khi đảm nhận trọn vẹn vai trò của riêng mình, mỗi người đóng góp phần cốt yếu làm nên "Rạng Ðông" của "Mặt Trời Công Chính" vậy.

Chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc, vì điều đã xảy ra từ 2000 năm trước lại được tái hiện cách rực rỡ ở 2000 năm sau: Biến cố "đã được nói tới" ở bên ngòai mọi cơ chế, ngòai đền thờ, cho những con người đã bị lề luật lọai trừ. Ðiều đó khẳng định chính thực tại văn hóa xã hội của mỗi dân tộc mỗi thời đại đều đã đón nhận được "một điều...về Hài Nhi". Và hết mọi người đang chờ đợi những tường thuật đúng với thực tại văn hóa xã hội và thời đại của họ. Trong Thương Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Ðức Thánh Cha và Giáo Hội tòan cầu "rất xúc động khi nghe tường thuật về ...Giáo Hội...tại Trung Quốc...tại Nam Hàn...cũng như sự kiên định cách khiêm tốn của cộng đòan công giáo tại Việt Nam..." và Ðức Thánh Cha kết luận "Quang cảnh một chân trời mới, đầy hứa hẹn ấy, tôi thấy đang được thực hiện tại Châu Á này, nơi Ðức Giêsu đã chào đời và Kitô giáo được khai sinh."

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên