TẾT NGUYÊN
ÐÁN NHÂM NGỌ
(12-02-2002)
NGHE
* Bài đọc 1: Ds 6,22-27: Công
thức chúc lành
(22) Ðức Chúa
phán với ông Mô-sê: (23) "Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi
chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: (24) Nguyện Ðức Chúa
chúc lành và giữ gìn anh (em)! (25) Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh
(em) và dủ lòng thương anh (em)! (26) Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình
an cho anh (em)! (27) Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ
của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng."
* Bài đọc 2: 1 Tx 5,16-26.28: Một
vài đòi hỏi của đời sống cộng đoàn
(16) Anh
em hãy vui mừng luôn mãi (17) và hãy cầu nguyện không ngừng. (18) Hãy tạ ơn
trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn. (19)
Anh em đừng dập tắt Thần Khí. (20) Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. (21) Hãy
cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; (22) còn điều xấu dưới bất cứ hình thức
nào thì lánh cho xa.
* Bài Tin Mừng: Mt 5,1-10: Tám
Mối Phúc
(1) Thấy đám đông, Ðức Giê-su lên núi. (2) Người ngồi xuống,
các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: (3) "Phúc thay ai có
tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ
được Ðất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa
ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên
Chúa cho thỏa lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa
xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy
Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên
Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
NGẪM
·
Câu hỏi gợi ý
1.
Theo văn
hóa Việt Nam thì thời gian và ngày đầu năm có ý nghĩa gì?
2. Theo Ki-tô giáo thì thời gian và ngày đầu năm
có ý nghĩa gì?
3. Chúng ta phải có những tâm tình nào cho xứng
hợp với ngày đầu năm?
* Suy tư gợi
ý
1. Ý nghĩa của thời gian và ngày
đầu năm theo văn hóa Việt Nam:
Trong việc đón mừng Năm Mới, mỗi dân tộc có cách
riêng của mình. Cách đón mừng Năm Mới của người Việt Nam - còn được gọi một
cách bình dân là cách Ăn Tết- phải nói là hết sức độc đáo: với tục lệ cúng trời
đất, cúng tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất; với phong tục biếu quà và chúc tết;
với những món ăn truyền thống là bánh chưng (bánh tét) thịt mỡ dưa hành; với
các trò chơi câu đối, đốt pháo, múa lân, đánh bạc. Nay đánh bạc và đốt pháo đã
bị nghiêm cấm vì ích lợi chung của cộng đồng và tránh lãng phí. Còn các tục lệ
khác vẫn còn được duy trì.
Sở dĩ chúng ta đón mừng Năm Mới hay ăn Tết một
cách vừa thâm trầm vừa ồn ào, náo nhiệt như thế vì chúng ta quan niệm rằng thời
gian là một điều vô cùng cao quí mà Trời Phật ban cho con người, ngày đầu năm
là thời gian cao quí nhất và giây phút giao thừa là giây phút thiêng liêng nhất
của một năm. Vì thế không khí Tết là không khí hân hoan, vui vẻ, lạc quan, yêu
đời, tràn trề hy vọng: "Vui như Tết" người ta thường nói vắn gọn như
thế!
2. Ý nghĩa của thời gian và ngày
đầu năm theo Ki-tô giáo:
Là người Việt Nam công giáo, chẳng những chúng ta
không coi nhẹ ý nghĩa văn hoá dân tộc của thời gian, của ngày đầu năm, của giây
phút giao thừa, mà còn thấy được ý nghĩa thâm sâu hơn nhờ Niềm Tin Ki-tô giáo.
Thật vậy chúng ta tin rằng thời gian là của Chúa và có giá trị đời đời theo
nghĩa thời gian là hành trình cần thiết cho sự hoán cải và trở về, cho việc nên
thánh của chúng ta. Ngày đầu năm là thời gian đặc biệt nhất của Năm Mới và giây
phút giao thừa là giây phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm, của Năm Mới.
Các bài Thánh Kinh đọc trong Thánh Lễ Giao Thừa
giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa đầy đủ của thời gian và ngày đầu Năm Mới:
* Ðầu Năm Mới
là thời gian của phúc lành (bài đọc 1): Người Việt có tập quán tốt đẹp là mọi người
chúc Tuổi Mới, chúc Phúc-Lộc-Thọ cho nhau trong dịp đầu năm. Người công giáo
không chỉ hiểu Phúc-Lộc-Thọ theo nghĩa thông thường, mà còn hiểu theo nghĩa của
tôn giáo, của Thánh Kinh mạc khải. Ðối với Ki-tô hữu thì chẳng có Phúc nào lớn
hơn, quí báu hơn Ơn Phúc của Thiên Chúa; chẳng có Lộc nào đáng mơ ước hơn Lộc
của Trời và chẳng có Thọ nào có đầy đủ ý nghĩa hơn là Sự Sống vĩnh hằng mà
Thiên Chúa hứa ban cho con người trong Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng Cứu độ chúng
sinh. Nói cách khác Phúc-Lộc-Thọ lớn nhất, cao trọng nhất đối với chúng ta là
được sống trong Tình Yêu Thương che chở của Thiên Chúa. Tình Yêu Thương bao la
ấy là bảo chứng cho sự sống đời đời và bất diệt của chúng ta.
* Ðầu Năm Mới
là thời gian của hân hoan, của cầu nguyện và tạ ơn (bài đọc 2), vì đầu Năm Mới là khởi sự một giai đoạn mới
trong cuộc đời với bao hy vọng và ước mơ trong đời sống tâm linh, trong mối
liên hệ với Thiên Chúa. Thật vậy, còn gì vui hơn khi chúng ta được sống thêm
một năm ân nghĩa cùng Thiên Chúa và hoà đồng với tha nhân? Bước sang Năm Mới
mỗi người chúng ta có biết bao điều ước nguyện và dự tính tốt đẹp, thánh thiện.
Nhưng ai nấy đều biết rằng: "mưu sự tại
nhân, thành sự tại thiên"
nên cùng với quyết tâm dùng hết sức mình để thực hiện kế hoạch, là lời cầu xin
tha thiết dâng lên Thiên Chúa là Chủ Tể Trời Ðất, Chủ Tể Thời Gian để xin Người
chúc lành cho mọi nỗ lực của chúng ta và giúp chúng ta thực hiện các dự tính
của mình. "Hãy làm việc như tất cả tùy
thuộc ở bạn và đồng thời hãy cầu nguyện như tất cả tùy thuộc vào Thiên Chúa"
đó là câu nói rất có ý nghĩa của một danh nhân mà chúng ta có thể chọn làm
phương châm cho ngày đầu năm Nhâm Ngọ này.
* Ðầu Năm Mới
là thời gian của định hướng, chọn lựa cách sống và lên
kế hoạch sống (bài
Tin Mừng & bài đọc 2): Ðây là điều quan trọng nhất cho Năm Mới. Lời Chúa mà
Giáo hội chọn đọc trong Thánh lễ Giao Thừa là định hướng tuyệt vời cho chúng ta
là những người muốn làm môn đệ Ðức Giê-su. Trước hết bài Tin Mừng đề nghị với
chúng ta cách sống theo Tám Mối Phúc: (1) khó nghèo, (2) hiền lành, (3) khát
khao nên người công chính, (4) biết xót thương người, (5) có tâm hồn trong
sạch, (6) xây dựng hòa bình, (7) chấp nhận khổ đau trong cuộc đời và (8) chịu
bách hại vì sống công chính. Sống theo Tám Mối Phúc là sống theo Chúa Giê-su
Ki-tô.
Sau đó bài đọc 2 cũng đưa ra cho chúng ta một cách
sống chuẩn mực khác: đó là biết trân trọng Thần Khí, đón nhận và phát huy các
đặc sủng Người ban (ơn tiên tri) và sống dưới sự hướng dẫn và linh ứng của
Người với phương châm: "điều gì tốt thì
giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa".
3. Những tâm tình xứng hợp với
ngày đầu Năm Mới:
Vì thế những tâm tình sau đây phải được coi là xứng hợp với ngày đầu
Năm Mới:
* Trước hết là tâm tình cảm tạ, biết ơn đối với Thiên
Chúa, đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, đối với quê hương và các bậc anh hùng dân
tộc cũng như các vị thánh.
* Kế đến là tâm tình tin tưởng, phó thác khi nhìn về
tương lai, tin chắc rằng Thiên Chúa là Cha sẽ yêu thương chăm sóc, an bài cho
mình và sẽ dẫn đưa mình qua các nẻo đường an toàn.
* Sau cùng là tâm tình khiêm cung, cầu khấn,
vì nhận thức sâu sắc sự yếu đuối, dòn mỏng của mình, với những xu hướng xấu và
mầm mống tội lỗi và sự bất lực của mình trong lãnh vực thiêng liêng.
NGUYỆN
Lạy
Cha, chúng con nhìn nhận Cha là Chủ Tể Vạn Vật và Thời Gian: chúng con dâng lời
chúc tụng, ngợi khen Cha vì Cha đã thương ban cho chúng con Năm Mới này để
chúng con sống đẹp lòng Cha và hữu ích cho những người xung quanh và cho chính
bản thân chúng con!
Lạy
Cha, chúng con quyết tâm trong Năm Nhâm Ngọ này sẽ cố gắng sống theo Ðức Giê-su
Con Cha là Ðấng đã sống khó nghèo, hiền lành, khao khát sự công chính, biết xót
thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, chấp nhận khổ đau và
bách hại vì công chính!
Lạy
Cha, chúng con xin Cha chúc lành cho quyết tâm của chúng con và xin Cha ban ơn
phù trợ chúng con trong việc thực hiện quyết tâm ấy. Amen.
Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội