NGÀY 16-07
LỄ ĐỨC MẸ NÚI CÁT MINH
CÁT MINH,
CHỐN BỒNG LAI HUYỀN NHIỆM
(Dcr 2,
14-17 ; Mt 12, 46-50)
Hôm nay cùng với Giáo Hội,
chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh. Tại sao lại có tước hiệu này? Núi Cát
Minh ở đâu? Lịch sử của lễ này như thế nào? Và, lễ này có ý nghĩa gì trên cuộc
đời của người tín hữu? Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu để thêm lòng yêu
mến Mẹ Maria dưới tước hiệu đặc biệt này.
1. Lịch sử và ý nghĩa
Núi Cát Minh là một ngọn núi có thể nói là bồng lai tiên
cảnh tại đất nước Palestine (x. Is
33,9; 35,2; Gr 46,18; 50,19; Am 1,2).
Tại ngọn núi này, vào khoảng hơn 1000 năm trước Chúa
Giáng Sinh, ngôn sứ Êlia đã đứng lên thách thức các thần Bana là những người
chống đối lại lời rao giảng của của ông, tất cả khoảng 400 vị. Cuối cùng, ngôn
sứ Êlia đã chiến thắng nhờ lời cầu nguyện mà ông dâng lên Thiên Chúa và được
Chúa nhận lời qua việc cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ thành lễ vật toàn
thiêu (x. 1V 18,16-40).
Cũng tại Núi Cát Minh, vào thời Trung Cổ, khoảng năm
1155, có những nhà ẩn tu đã tìm đến nơi đây để tu luyện, dần dần họ sống thành
cộng đoàn thay cho lối sống riêng lẻ như trước. Từ đó, nơi đây thành hình một
cộng đoàn đan tu chuyên lo việc cầu nguyện. Sau này cộng đoàn đan tu đã lấy tên
thành Dòng Cát Minh. Các tu sĩ ở đây đã chọn tiên tri Êlia làm tổ phụ của dòng.
Cũng từ đây, sau này phát xuất ra nhiều dòng tu khác trong Giáo Hội.
Bên cạnh đó, các tu sĩ còn bày tỏ lòng tôn kính Đức Maria
cách đặc biệt. Các ngài tôn sùng và noi gương Mẹ về đời sống chiêm niệm. Họ xác
tín rằng, nơi Mẹ Maria là khuôn mẫu cho đời sống chiêm niệm, bởi vì Kinh Thánh
đã nói: Mẹ luôn suy đi và nghĩ lại trong lòng cũng như đem ra thực hành trong
đời sống những điều Thiên Chúa muốn (x. Lc 2,19. 51b).
Ngoài việc các tu sĩ yêu mến Đức Mẹ ra thì chính Đức Mẹ
cũng tỏ lòng thương mến các tu sĩ cách đặc biệt, vì thế, năm 1251, tại Núi Cát
Minh, Đức Mẹ đã trao cho thánh Simon Stock trong một thị kiến tại Cambridge
khăn choàng vai, còn được gọi là “Bộ Áo Đức
Bà”. Đây là dấu chứng
tình thương của Mẹ dành cho con cái.
Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Núi Cát Minh được thiết lập
khoảng năm 1380 vào thời Đức Giáo Hoàng Honorius III (1226). Nhưng mãi đến năm
1726, lễ này mới được phổ biến rộng rãi trong toàn Giáo Hội.
2. Mẹ
Maria, gương mẫu đời sống chiêm niệm
Mỗi khi mừng kính lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, Giáo Hội mong
muốn con cái mình noi gương Mẹ về đời sống chiêm niệm trong thinh lặng, để nhận
ra thánh ý Thiên Chúa và thi hành.
Mặc dù Kinh Thánh không nói nhiều về tinh thần chiêm niệm
nơi Đức Maria. Tuy nhiên, chỉ một vài đoạn cũng đủ cho thấy Mẹ có một đời sống
cầu nguyện rất sâu xa.
Trong biến cố giáng sinh, sau khi các mục đồng đến thờ
lạy Hài Nhi Giêsu, khi họ ra về, Kinh Thánh nói về Đức Maria như sau: “Bà Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại
trong lòng!” (Lc 2,19. 51b).
Qua câu nói này, tác giả Kinh Thánh muốn diễn tả nơi nội
tâm Mẹ có một sự chiêm niệm rất sâu lắng và luôn kết hiệp mật thiết với Chúa
cách liên lỷ.
Vì thế, cả cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy Mẹ đã thể hiện một
con người với những tính cách nội tâm sâu xa như:
- Khi đủ 8 ngày, theo luật Môsê, Mẹ đã lên đền thờ thực
thi nghi lễ tẩy uế và tiến dâng Con của mình cho Thiên Chúa. Lúc ấy, cụ già
Simêon đã nói tiên tri về Hài Nhi và cũng tiên báo về những nỗi khổ đau mà Mẹ
phải chịu. Mẹ đã không tỏ ra lo sợ, ngược lại, âm thầm và hiến dâng cho Thiên
Chúa tất cả.
- Khi được thánh Giuse báo tin là sẽ phải trốn sang Aicập
để lánh nạn, rồi một thời gian sau cũng từ Aicập trở về, Kinh Thánh không nói
gì thêm, nhưng theo lẽ thường, chúng ta hiểu, Mẹ Maria đã hoàn toàn âm thầm và
vâng phục thánh Giuse để thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
- Sau khi cùng con đi lễ đền thờ Giêrusalem, khi tan lễ,
Đức Giêsu ở lại đền thờ, trong khi Mẹ Maria đã trở về. Sau 3 ngày mới phát hiện
con không cùng về với đám bà con thân thuộc, vì thế Mẹ đã hối hả quay trở lại
đền thờ để tìm, khi tìm thấy, Mẹ hết sức bình tĩnh và nhẹ nhàng.
- Biến cố tiệc cưới Cana đã làm cho chúng ta không khỏi
ngạc nhiên khi cách hành xử khôn khéo và tế nhị của Mẹ khi thấy gia chủ hết
rượu. Mẹ rất nhẹ nhàng đến bên Đức Giêsu và nói: “Họ hết rượu rồi”.
- Trong suốt lộ trình thương khó của Đức Giêsu, Mẹ đã
theo sát con yêu trên từng bước đường đau thương ấy trong âm thầm và xót
xa ! Rồi khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng
đến ghê rợn khi người ta hành hạ Con Yêu. Tuy nhiên, Mẹ vẫn âm thần nén nỗi đau
vào trong để kết hợp với Con nhằm cứu chuộc nhân loại.
- Trong thinh lặng, Đức Giêsu đã trao thánh Gioan cho Mẹ
và trao Mẹ cho thánh Gioan, Mẹ đã âm thầm đón nhận.
Và đến khi cùng với các Tông đồ quy tụ trong nhà Tiệc Ly,
Mẹ cũng âm thầm trong sự sâu lắng để tha thiết xin Chúa Thánh Thần ngự xuống.
Như vậy, nơi Mẹ Maria, chúng ta tìm thấy đời sống cầu
nguyện và chiêm niệm thật tuyệt vời được diễn ra mọi nơi, mọi lúc và trong mọi
hoàn cảnh.
3. Mẹ Maria,
khuôn mẫu của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay, tác giả đã chỉ ra cho chúng ta thấy
sự tài tình và khéo léo của Đức Giêsu khi đề cao Mẹ mình trước dân chúng.
Đức Giêus đã ca ngợi sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa nơi
Mẹ Maria qua câu nói: “Ai thi
hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ
tôi”. Có lẽ
hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu Mẹ mình hơn tất cả mọi người ! Vì thế, câu nói
này tuy gián tiếp, nhưng nó lại trực diện nơi người nghe để ai nấy hiểu rằng:
Mẹ Maria là người tiên phong trong việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Tinh thần vâng phục tuyệt đối nơi Mẹ biểu trưng cho một
tâm hồn tràn đầy Chúa. Vì thế, đời sống chiêm niệm và cầu nguyện cách sâu xa và
mật thiết là điểm nổi bật nơi Mẹ Maira.
Mừng lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh hôm nay, Sứ điệp ngày lễ và
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến đời sống cầu nguyện. Chỉ khi cầu nguyện
trong tinh thần yêu mến, chúng ta mới thực sự trở thành môn đệ của Chúa cách
trung thành. Bởi vì nhờ cầu nguyện, chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa. Nhờ
đời sống chiêm niệm, chúng ta mới nhạy bén để thực thi thánh ý của Người.
Nếu cây không có nhựa hoặc không có ánh sáng mặt trời quang
hợp, cây sẽ chết. Nếu cá không nước, cá cũng chết. Tương tự như vậy, con người
và các động vật khác, nếu không có oxy thì cũng chẳng thể tồn tại được. Đời
sống cầu nguyện nơi chúng ta cũng cần như nhựa cây, như nước, như oxy trong đời
sống thường ngày vậy.
Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy yêu mến đời sống cầu
nguyện trong thinh lặng để suy đi nghĩ lại những biến cố đã xảy đến với chúng
ta, từ đó, biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa và thi hành.
Bên cạnh đó, cần phải chuyên chăm đọc và suy gẫm Lời của Thiên
Chúa trong Thánh Kinh, để từ đó, biết sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ
Maria khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, đời
sống chiêm niệm và cầu nguyện nơi Mẹ Maria đã trở nên tấm gương sáng soi cho
cuộc đời đầy bon chen, xô bồ hiện nay trong xã hội. Xin Chúa ban cho chúng con
biết noi gương Mẹ Maria mà yêu mến đời sống cầu nguyện, để tâm hồn chúng con
lúc nào cũng có sự hiện diện của Chúa. Như thế, mỗi người sẽ sống đẹp lòng Chúa
và sẵn sàng thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời chúng con cách mau mắn. Amen.