BÁT
NHẬT PHỤC SINH
THỨ HAI
ĐỪNG GIỮ THẦY LẠI!
(Mt 28, 8 -15)
Để
diễn tả niềm tiếc thương với người mới chết, nhất là người quá cố ấy là cha,
mẹ, anh chị em hay con cháu của chúng ta, thường chúng ta hay ra mộ để cắm
nhang, đốt nến... rồi khóc lóc thảm thiết... Hành vi này là lẽ thường tình và
nó cũng rất nhân văn! Qua nghĩa cử này, người ta vừa biểu lộ niềm tiếc thương,
vừa diễn tả tâm tình biết ơn với người đã khuất.
Cũng
trong tâm trạng ấy, nên hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc các phụ nữ
đi ra mộ để khóc thương và xức thêm dầu thơm vào xác Chúa. Họ là những người đã
từng lặn lội theo Đức Giêsu trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, vì thế,
tình cảm Thầy và trò thật thắm thiết, keo sơn, nên chuyện đi ra mộ để làm những
việc trên là chuyện đương nhiên nơi một người có lòng mến...
Tuy
nhiên, những gì diễn ra trước mắt các bà khi các bà đi ra mộ và chứng kiến đã
là điều bất thường và không khỏi ngỡ ngàng! Ngôi mộ thì trống; xác thì mất; lại
xuất hiện các thiên thần kèm theo lời loan báo giật gân: Chúa đã sống lại! Sự
hốt hoảng, hoang mang chen lẫn vui mừng đang mãnh liệt xâm chiếm tâm hồn các
bà.
Khi
các bà còn đang quá bối rối, thì Đức Giêsu đã hiện ra với các bà và cất lên
tiếng nói thân thương hồi nào: "Chào chị em!". Khi nhận ra Chúa, các bà hết đỗi vui mừng và sụp lạy
Ngài. Hành vi này cho thấy thái độ trân trọng, yêu mến và tôn thờ mà các bà
dành cho Đức Giêsu. Thái độ này đi ngược
hẳn với những động thái của nhóm Thượng tế và Kỳ mục! Họ là những người vốn đã
có kế hoạch xóa sổ con người Giêsu cũng như những ảnh hưởng của Ngài trên dân
chúng và trong xã hội. Vì thế, họ lại tiếp tục đưa ra những kế sách mới, vu
khống cho các môn đệ là đang đêm đến lấy xác Đức Giêsu và loan tin đồn là Ngài
đã sống lại!
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, vì thế, Đức Giêsu đã hiện ra
trực tiếp với các phụ nữ và trấn an các bà. Đồng thời ngay lập tức, Ngài
muốn cho các bà vượt qua tâm lý, tình cảm tự nhiên, để đi đến một tình cảm
trưởng thành và một tình yêu sứ vụ. Vì thế, Ngài nói: “Về báo cho anh em của
Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó".
Sứ điệp của Đức Giêsu trao ban cho các phụ nữ cũng
chính là sứ điệp cho mỗi người chúng ta hôm nay, đó là: sống và loan truyền
Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người
chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết như mẫu gương của các phụ nữ hôm nay. Xin
Chúa giúp cho chúng con khi đã yêu mến và tin tưởng vào Chúa, thì cũng can đảm
ra đi chia sẻ niềm tin ấy cho người khác, để họ cũng gặp được niềm vui cứu độ
như chúng con. Amen.
THỨ
BA
YÊU
ĐỂ TIN VÀ LÀM CHỨNG
(Ga
20, 11-18)
Chuyện
kể rằng: sau khi Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị bắt một
thời gian, người ta không còn cách nào liên lạc được với ngài. Ngài đã đi vào
cõi biệt vô âm tín. Vì thế, giáo dân nghĩ là ngài đã chết trong tù, nên nhiều
người có lòng quý trọng, yêu mến và cảm phục ngài bởi nhân đức anh hùng, nhất
là lòng đạo đức, nhân từ, hiền hậu và yêu thương, vì thế họ đã diễn tả lòng
biết ơn và kính trọng của họ với ngài bằng cách: cầu nguyện và xin lễ cầu hồn
cho ngài. Tuy nhiên, một thời gian sau, ngài được trả tự do và xuất hiện trước
công chúng... Tin vui mừng này loan đi cách nhanh chóng, vì thế, chẳng mấy
chốc, nhiều người đã biết được tin và họ không ngừng tạ ơn Chúa, trong số những
người vui mừng nhất, có lẽ phải kể đến, đó chính là thân mẫu Đức Hồng Y.
Tin
Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy cảnh tang tóc, sầu thương, u buồn,
tuyệt vọng đang bao phủ tâm trạng Maria
Madalena! Bà buồn vì tình cảm mà bà dành cho Đấng đã yêu thương và cứu thoát bà
khỏi chết, thoát ra khỏi con đường tội lỗi, ban những lời dạy tuyệt vời..., hơn
nữa, sự hy vọng của bà vào Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống
lại, hóa bánh ra nhiều... sẽ đem lại cho bà một chỗ dựa vững chắc... Nhưng sau
những trận đòn chí mạng, những mệt nhọc của chặng đường lên Gôngôtha, và cuối
cùng là cái chết trên thập giá và được an táng trong mộ như bao nhiêu người
khác... đã làm cho bà thất vọng. Sự tuyệt vọng ấy đi đến đỉnh điểm là ngay cả
xác chết rồi mà cũng còn bị mất... Như thế, đặt mình vào tâm trạng của bà,
chúng ta mới thấy được sự xót xa buồn tủi là dường nào!
Tuy
nhiên, giữa cảnh sầu thương tang tóc ấy, đã bừng lên một niềm vui vô đối, không
gì có thể sánh bằng, đó là Tin Mừng Phục Sinh. Phần thưởng của Đức Giêsu dành
cho bà chính là cho bà thấy Ngài và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt
ngào: “Maria”.
Gọi
tên là dấu chỉ thân mật của Thầy và trò, của cha mẹ với con cái, của người mục
tử với đoàn chiên. Gọi tên là dấu nhận và biết cách cụ thể, là bảo vệ chở che.
Vì
thế, khi vừa nghe thấy Thầy gọi tên mình, bà đã vội vàng thưa: “Rapbuni”
(nghĩa là: lạy Thầy).
Nếu
việc gọi tên là dấu chỉ, cách thức cho biết người được gọi thuộc về người gọi
và người gọi phải có bổn phận với người mà họ đã gọi, thì khi người được gọi
nghe thấy và thưa lại chính là sự xác minh cách cụ thể mối tương quan trên.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Khi
lãnh nhận Bí tích này, chúng ta được đổi tên thành Kitô hữu và được gọi vào
hàng con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục
sinh.
Đứng
trước hồng ân lớn lao đó, chúng ta không ngừng tạ ơn Chúa và lo sống xứng đáng
bổn phận của mình. Nhất là trở nên chứng nhân của Chúa phục sinh trong môi
trường và xã hội hôm nay.
Lạy
Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho chúng con biết nhận ra tình thương của Chúa
khi Chúa phục sinh chúng con từ đau khổ, tội lỗi thành bình an, hạnh phúc và
niềm vui qua Bí tích Rửa Tội khi mỗi người chúng con được mang một tên mới và
thuộc về Chúa. Amen.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA ĐEM LẠI NIỀM VUI VÀ HY VỌNG
(Lc 24,13-35)
Xem
lại CN III Phục Sinh A
Có
những dấu chỉ, biến cố, sự kiện, khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay tới một người
hay nhóm người liên hệ.
Cũng
vậy, hôm nay, khi nói đến làng Emmaus, người ta nghĩ ngay đến sự kiện, biến cố
liên quan trực tiếp đến Đức Giêsu phục sinh. Emmaus cách Giêrusalem khoảng 29
km. Đây là đoạn đường mà hai môn đệ đã đi sau cái chết của Đức Giêsu.
Con
đường Emmaus mà hai môn đệ hồi hương lần này là con đường mang đậm tâm trạng
buồn chán và côi cút của hai môn đệ khi các ông trở về trong nỗi thất vọng vì
lý tưởng sụp đổ. Buồn vì người Thầy quý yêu đã bị người ta giết chết cách oan
nghiệt, phũ phàng. Thất vọng vì Thầy mình đã bị ngã gục cách ê chề dưới bàn tay
hung ác của con người. Vì thế, tương lai, lý tưởng, vận mạng của mình cũng sụp
đổ tan tành.
Những
bước đi thất thểu và lầm lũi khi trời đã về chiều, cộng thêm sự cực nhọc, đói
khát đã làm cho tinh thần và thể xác, cả hai cùng uể oải.
Đang
mang tâm trạng u ám như vậy, Đức Giêsu đã hiện ra với hai ông và bộ hành cùng
họ. Ngài nhỏ to chuyện đời, chuyện đạo với các ông. Tuy nhiên, vì nỗi kinh
hoàng của cuộc khổ nạn, và nhất là cái chết tức tưởi trên thập giá của Thầy
mình, nên các ông không hề nghĩ rằng Đấng đã chết thì cũng là Đấng Phục Sinh
đang hiện ra và trò chuyện với các ông.
Tuy
nhiên, lòng họ chỉ bừng sáng lên khi Ngài kể chuyện Kinh Thánh, và nhất là niềm
hy vọng được nhóm lên nhờ việc Ngài soi sáng để các ông hiểu được về sứ vụ của
Đấng Cứu Thế qua những đoạn Thánh Kinh nói về Ngài. Nhưng lòng họ vẫn nặng trĩu
u buồn, nên Đức Giêsu giờ này vẫn chỉ là một vị khách quý trong tâm tưởng của
họ.
Chỉ
khi trời đã tối và các ông mời Ngài ở lại với và dùng bữa với tư cách là khách
mời, rồi cũng lúc này, Đức Giêsu làm những cử chỉ quen thuộc như lúc sinh thời,
khi ấy họ mới nhận ra và lòng họ bừng cháy lên niềm tin tưởng, hân hoan vì
những lời Kinh Thánh nói về Ngài đã thực sự ứng nghiệm.
Tâm
trạng của hai môn đệ này được ví như thửa đất khô cằn nay được nước tưới...,
nên lập tức, họ đã quay lại với cộng đoàn và không ngừng tuyên tín những điều
đã thấy, đã nghe cho những anh em còn ở lại Giêrusalem.
Sứ
điệp lời Chúa hôm nay dạy cho ta những bài học sau:
Lời
Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi.
Thánh
Thể là niềm hy vọng, an ủi, là chóp đỉnh của cuộc đời chúng ta.
Khi
đã lãnh nhận được niềm vui của Lời Chúa và sức sống nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng
ta cũng hãy lên đường để làm chứng và loan báo về Chúa cho người khác như hai
môn đệ trên đường Emmaus hôm nay.
Lạy
Chúa Giêsu Phục Sinh, xin hãy đến và hiện diện trong cuộc đời chúng con, để
cuộc đời chúng con có Chúa là niềm vui, bình an, hạnh phúc. Xin cũng cho chúng
con biết sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa đến với những
người đang thất vọng và đau khổ. Amen.
THỨ
NĂM
“BÌNH AN CHO ANH EM”
(Lc
24, 35-48)
Xem lại CN III Phục Sinh B
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều người vênh
vang tự đắc, kiêu ngạo, ích kỷ, bất nhân và luôn tìm cách hại người khác bằng
nhiều thủ đoạn...! Lại có những người tự ty, buồn khổ, chán trường, thất vọng
và đôi khi lại tìm đến cái chết để kết liễu cuộc sống mà họ cho là “bể khổ” trần ai.
Cả hai lựa chọn trên đều không tốt và không có hậu.
Như thế, họ đều là những người gây gương xấu. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề
khiến cho họ có những lựa chọn như vậy là: không có bình an thực sự trong tâm
hồn.
Hôm nay, Tin Mừng thánh Luca trình thuật nỗi sợ hãi
bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus
báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông.
Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ khi
thấy Đức Giêsu hiện ra và đứng giữa các ông.
Biết được tâm lý nơi môn sinh của mình, nên sau khi
Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các ông và câu đầu tiên Ngài ban cho các
ông là: “Bình an cho anh em”.
Đây là lời trấn an, sau hàng loạt những ngày đen tối
trong lo âu sợ hãi...
Khi ban bình an cho các ông, Đức Giêsu muốn gạt đi
nơi họ lòng sợ hãi đến tự ty, sự ngờ vực đến thất vọng... và khơi gợi lên trong
lòng họ niềm tin và sự gắn bó với sứ vụ mà Ngài sắp trao phó.
Cũng từ đây, Đức Giêsu đã khai mở lòng trí để họ nhớ
lại những đoạn Kinh Thánh đã nói trước về Ngài cũng như sứ vụ cứu chuộc mà Ngài
đã thi hành.
Đến đây, các ông xác tín chính là Thầy mình đang
hiện diện ở giữa họ, nên họ vui mừng khôn tả.
Chính niềm vui và bình an của Chúa phục sinh đã làm
cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng, vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi
loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ngài
còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công Vụ
Tông Đồ nghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân
hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can
đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Trở thành nhân chứng của Ngài khi
thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.
Nhưng trước hết, chúng ta phải có được sự bình an
của Chúa trong tâm hồn, để đẩy lui những lo lắng, sợ hãi, bực bội, tức giận,
hận thù, ganh ghét, kiêu ngạo..., có thế, chúng ta mới trở nên chứng nhân của
Chúa cách đúng nghĩa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban bình an
của Chúa xuống cho chúng con, xin cho chúng con sau khi đã đón nhận được bình
an của Chúa thì cũng biết chia sẻ bình an đó cho anh chị em chúng con. Amen.
THỨ
SÁU
“CHÚA ĐÓ!”
(Ga
21,1-14)
Xem lại Chúa nhật III Phục sinh C.
Sau
khi nhận tin báo từ Maria Madalêna là các ông sẽ được thấy Đức Giêsu phục sinh
tại Galilê (x. Mt 28,10). Tuy nhiên, ngày và giờ thì không biết, nên trong khi
chờ đợi, các ông đã tranh thủ đi đánh cá. Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên của
các ông đã thất bại.
Thánh
sử Gioan trình thuật: họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng
tay, không bắt được con cá nào!
Vì
thế, họ sửa soạn giặt lưới để đi nghỉ sau một đêm vất vả cực nhọc. Đúng lúc ấy,
Đức Giêsu hiện ra và đứng trên bãi biển gọi các ông với những từ rất thân
thương, gần gũi: “Này các chú, không có
gì ăn ư”. Khi họ đáp không có, Đức Giêsu truyền lệnh cho họ thả lưới bên
phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Kết quả đúng như lời Đức Giêsu nói. Tổng
tất cả là 153 con. Ngay lập tức, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra
Thầy của họ và reo lên: “Chúa đó!”.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả cho biết đây là
lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Tuy nhiên, lần này có những điểm
đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin, chúng ta thấy có những tình tiết khác:
Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách
mỹ mãn hơn cả suy tính của con người. Có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Thuyền
đầy cá và lưới không rách chứng minh điều đó.
Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các
ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi
người, mọi nơi và mọi thời.
Thứ ba, công cuộc truyền giáo là của mọi người,
không riêng rẽ. Vì thế, sự hiệp nhất để cùng nhau thi hành sứ vụ là điều cần
thiết. Một mình không thể chu toàn. Lưới đầy cá và phải nhờ các thuyền khác
cùng kéo lên cho thấy đặc tính này.
Cuối cùng, yêu mến thì sẽ nhận ra Chúa và đi vào mối
tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt như Gioan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin
tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Ngài ngay trong những biến cố
đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm
chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm
đức tin cho chúng con. Xin củng cố lòng mến và ban cho chúng con những ơn cần
thiết để chúng con chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó trong cuộc đời. Amen.
THỨ BẢY
HÃY ĐI VÀ LOAN BÁO
(Mc 16, 9-15)
Tại
nhiều công ty, xí nghiệp, cuối năm, người ta hay có buổi tổng kết để rút ưu -
khuyết điểm cho năm tới.
Hôm
nay, tác giả Máccô cũng trình thuật một bài tổng hợp các lần hiện ra của Đức
Giêsu với cá nhân; tập thể; với phụ nữ và đàn ông, cũng như diễn biến tâm trạng
của từng lần... Cuối cùng là lệnh truyền sai đi để loan báo Tin Mừng mà các ông
đã chứng kiến và tin: “Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”.
“Hãy đi”: đây
chính là mệnh lệnh chứ không phải là lời khuyên. Lệnh truyền này được khởi đi
sau khi Chúa đã phục sinh. Điều này cho thấy: Tin Mừng và niềm vui phục sinh
phải là đích đến của người tông đồ.
“Loan báo Tin Mừng”: khi
loan báo, Đức Giêsu – Kitô phải là điểm quy chiếu, là nội dung của lời rao
giảng, chứ không phải là đối tượng hay tin nào khác...
“Loan
báo cho mọi loài thụ tạo”, điều này muốn nói lên 3 chiều kích của sứ vụ:
chiều dài tức là mọi lúc, chiều ngang là mọi nơi và chiều sâu là mọi người.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy:
Mỗi
người đều được Chúa tin tưởng và yêu thương để trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng
của Ngài cho muôn dân.
Tuy
nhiên, muốn rao giảng về Chúa cho mạnh mẽ thì người rao giảng phải là người xác
tín mạnh mẽ như Maria Mácđala, hai môn đệ ở Emmau và các tông đồ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho Tin Mừng phục sinh của Chúa luôn được chúng con loan báo đến tận chân trời góc bể. Nhưng tiên vàn, xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người. Amen.