TUẦN 01 MÙA CHAY
THỨ
HAI
YÊU
ĐỂ ĐƯỢC SỐNG!
(Mt
25, 31 – 46)
Hôm
nay, bài Tin Mừng đưa chúng ta về viễn cảnh của ngày cánh chung qua giáo huấn
của Đức Giêsu.
Hình
ảnh mà Đức Giêsu đưa ra chính là một hình ảnh về ngày phán xét, nơi đó, vị thẩm
phán công bằng, tối cao ngự đến để xét xử.
Điều
kỳ lạ, đó là vị thẩm phấn này không xét xử dựa trên chức nghiệp để thưởng công,
mà là ngang qua hành vi về sự cảm thông, lòng nhân ái đối với những người bần
cùng của xã hội. Lạ kỳ hơn nữa là kết thúc, vị thẩm phán ấy đồng hóa chính mình
với những người được giúp đỡ khi tuyên bố: “Mỗi
lần các ngươi làm cho những người bé mọn ấy là làm cho chính ta”.
Nhìn
ra thế giới hôm nay, chúng ta thấy không ít nếu không muốn nói là nhan nhản
những hành vi như: bon chen, lừa lọc, mưu mô quỉ quyệt, chiến tranh, hận thù,
khủng bố. . .
Tất
cả những điều đó đi ngược lại quy luật của tình yêu, và tất nhiên, không thể đi
vào trong mối tương quan với vị thẩm phán trong bài Tin Mừng hôm nay.
Xin
Chúa ban cho mỗi người ý thức được hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Chúa,
và chỉ có nơi Ngài mới trường tồn vạn kiếp. Vì thế, ngay trong giây phút này,
xin cho chúng ta biết sống yêu thương nhau để sau này được hưởng niềm vui, hạnh
phúc bên Thiên Chúa tình yêu. Amen.
THỨ
BA
CẦU NGUYỆN TRONG NIỀM TIN
(Mt 6, 7-15)
Có
một linh mục là giáo sư tín lý và luân lý tại nhiều chủng viện và học viện Công
Giáo, khi nói về kinh nghiệm của việc dạy Giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi,
ngài chia sẻ: “Tôi đã dạy Giáo lý cho rất
nhiều bạn trẻ dự tòng, có những bạn chỉ với thời gian rất ngắn, là tôi có thể
Rửa Tội cho họ được. Tuy nhiên, có những bạn thì năm này qua năm khác, tôi vẫn
không Rửa Tội cho!”. Khi chúng tôi thắc mắc thì được ngài giải thích rằng: “Rửa Tội được hay không, đối với ngài là họ
có biết cầu nguyện trong đức tin không? Nếu họ cầu nguyện sốt sắng và tin
tưởng, ấy là lúc chúng ta Rửa Tội cho họ được, vì họ đã gặp được Chúa thực sự.
Nếu không biết cầu nguyện, thì chúng ta có dạy hết ngày này, tháng nọ hay năm
kia thì họ vẫn chỉ là cái xác không hồn mà thôi!”.
Trình
thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi
cầu nguyện.
Trước
tiên, cầu nguyện ở những nơi kín đáo, tức là có kinh nghiệm cá nhân với Chúa
trước khi chúng ta cầu nguyện nơi tập thể, cộng đoàn.
Thứ
hai, cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu
nguyện chân thành tức là một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh
ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.
Cuối
cùng, cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên
Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em. Đây là lời cầu nguyện
sống động và hấp dẫn nhất.
Trong
đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng
lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng!
Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là
yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi
hỏi...
Mong
sao, lời kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ hôm nay cũng là lời kinh
của chúng ta. Và khi chúng ta cất lên, mỗi người hãy đọc với trọn niềm tin
kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. Có thế, đời sống đạo của
chúng ta mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em mình.
Xin
Chúa chúc lành cho những ước nguyện của chúng ta. Amen.
THỨ
TƯ
KHÔN
NGOAN THẬT
(Lc
11 , 29 –32)
Ở
đời, người ta hay đề cao những kẻ nói hay, hót giỏi, tức là nịnh bợ tốt. Họ
cũng hay khen những kẻ biết dùng mánh khóe để lừa thầy phản bạn... Người ta
cũng không tiếc đưa ra những lời ca ngợi những người thành đạt, giàu có và có
chỗ đứng trong xã hội, bất luận điều đó đến từ đâu!
Sống
trong một xã hội như vậy, chúng ta không lạ gì khi có rất nhiều người khẳng
định vị trí, vai trò của mình bằng những hành động lưu manh mà không hề áy náy!
Tuy
nhiên, những điều mà người đời cho là khôn ngoan trên đây thì lại là dại dột,
ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa
là người biết sám hối.
Tại
sao thế? Thưa! Bởi vì, sám hối là biểu hiện của một tâm hồn khiêm nhường, công
chính. Sám hối còn là dấu chỉ của người thuộc về Chúa. Sám hối là điều kiện cần
để được cứu độ.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, các Luật Sĩ và Pharisêu đòi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ
thì họ mới tin. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không làm và ngược lại, Ngài đã dạy cho
họ phải biết sám hối, nếu không thì không thể được cứu độ. Đức Giêsu đã cảnh
báo họ, khi đưa ra hình ảnh nữ hoàng phương nam, dân Ninivê sẽ được cứu độ, vì
họ đã đi tìm kiếm sự khôn ngoan, biết ăn năn sám hối, còn con cái trong nhà sẽ
bị loại vì không biết sám hối.
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết đi tìm lẽ khôn ngoan là biết
ăn năn sám hối chân thành để được cứu độ. Amen.
THỨ
NĂM
CẦU
NGUYỆN VỚI CẢ TÂM HỒN
(Mt
7, 7-12)
Có nhiều người phàn nàn và trách móc Chúa rằng: đã
biết bao nhiêu lần con cầu nguyện mà Chúa đã không nhận lời! Có nhiều lời cầu
nguyện đã kéo dài thời gian đến độ mỏi gối chân chùn cũng chẳng thấy Thiên Chúa
đáp ứng! Vậy đâu là ý nghĩa của lời hứa: “Xin
sẽ được, tìm sẽ gặp, gõ sẽ mở?”
Trước tiên, chúng ta cần xác định ngay rằng: Thiên
Chúa tốt lành và luôn tìm mọi cách để ban cho con cái của mình những điều tốt
đẹp hơn cả điều chúng xin.
Thứ hai, chúng ta phải thành thật mà nhận thấy rằng:
có nhiều điều chúng ta xin tưởng chừng như là tốt, nhưng thực ra chỉ tốt đối
với thiển ý của ta, còn thực ra thì lại là điều tai hại cho người khác hay là
nguy hiểm và mất phần rỗi cho linh hồn.
Thứ ba, nhiều khi Chúa để một thời gian dài nhằm dạy
cho chúng ta bài học kiên trì, trung thành, tín thác vào Thiên Chúa cách tuyệt
đối.
Cuối cùng, mọi lời cầu nguyện của chúng ta phải được
kết thúc bằng tâm tình: “Xin cho ý Cha
được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Và “xin được theo ý Chúa, đừng theo ý con”.
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta phỏng
chiếu lời cầu nguyện của mình theo kiểu: “Ăn
sổi ở thì”, tức là cái gì cũng muốn cho nhanh, cho mau và phải theo ý mình,
trong khi đó lời cầu nguyện là biểu hiện của đời sống tâm linh, là niền tin, là
tâm tình tín thác.
Hơn nữa, nhiều người ngay khi cầu nguyện cũng toát
lên sự cạnh tranh, đấu đá và muốn Chúa đứng về phía mình để làm hại người khác!
Hay nhiều khi cầu nguyện mà trong lòng thì kiêu ngạo, hành động thì huênh
hoang, hoặc cầu nguyện với một thái độ nhàm chán như con vẹt, như chiếc máy!
Thử hỏi, cầu nguyện như thế, chúng ta có nâng tâm
hồn lên với Chúa được không? Hay thực ra chỉ là qua lần chiếu lệ, còn lòng trí
thì vẫn trơ trọi như gỗ đá!
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cầu
nguyện và xin ban cho chúng con có được tâm tình khiêm tốn, tín thác, trung thành.
Xin cho mọi lời cầu nguyện của chúng con được làm vinh danh Chúa và ích lợi cho
phần rỗi của chúng con. Amen.
THỨ
SÁU
TÌNH
YÊU HÓA GIẢI HẬN THÙ
(Mt
5, 20 –26)
Người
Công Giáo chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha và được Người
nhận là con trong ân sủng. Hơn nữa, chúng ta được Con Thiên Chúa đến để cứu
chuộc chúng ta bằng chính cái chết trên Thánh Giá. Mặt khác, Ngài tiếp tục thi
ân giáng phúc cho chúng ta qua Giáo Hội nơi các Bí tích.
Tuy
nhiên, nếu niềm vui, hãnh diện, tự hào vì được đảm bảo bao nhiêu, thì chúng ta
phải cẩn trọng bấy nhiêu, vì chính Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn Luật sĩ và Pharisiêu thì anh em
không được vào Nước Trời”.
Đức
Giêsu đã cắt nghĩa vấn đề này bằng một loạt bài giảng về luận lý từ chương 6
đến chương 8 trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: đừng giận ghét, đừng gian dâm,
đừng nóng giận, đừng thề thốt... Về vấn đề giận dữ, thánh Gioan còn nói rõ: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra
toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.
Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Hơn
nữa, Ngài còn nói rõ điều kiện để được Chúa nhận lời là phải tha thứ: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn
thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của
lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ
vật của mình”.
Trong
cuộc sống hôm nay, biết bao mối thù hận, giận ghét ngay trong gia đình
như: mẹ chồng nàng dâu; cha mẹ với con
cái; anh chị em trong gia đình với nhau... Hay hàng xóm; nghề nghiệp, bạn bè...
Biết bao nhiêu giận hờn chồng chất!
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù, vì
chỉ có tình yêu mới cải tạo được con người; còn bạo lực, oán thù chỉ đem lại
chết chóc mà thôi. Nếu có ai đó mà chúng ta không thể thương được thì đừng làm
hại họ, nhưng hãy làm ơn cho họ.
Lạy
Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con biết yêu thương anh chị em mình bằng tình
thương của Chúa. Yêu đến nỗi đi bước trước và chết cho người mình yêu. Amen.
THỨ
BẨY
YÊU
CẢ KẺ THÙ
(Mt
5, 43 – 48)
Có
nhiều nghịch lý trong Tin Mừng! Một trong những nghịch lý ấy là lời dạy của Đức
Giêsu hôm nay. Ngài dạy: “Hãy yêu kẻ thù
và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, có thế, anh em mới trở thành
con của Cha trên trời.
Tại
sao Đức Giêsu lại dạy như thế? Thưa! Vì chính Ngài đã sống như vậy. Hơn nữa,
đây là đặc tính của Thiên Chúa Cha, vì “Người
cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên
người công chính cũng như kẻ bất lương”.
Khi
Đức Giêsu mời gọi yêu kẻ thù và nên hoàn thiện như Cha trên trời, có nghĩa là
Ngài muốn chúng ta phải hành động như Ngài và nên giống Thiên Chúa.
Tuy
nhiên, có điều chúng ta phải cẩn trọng để không bị lầm lẫn trong chuyện yêu và
thích. Yêu là làm ơn cho họ. Thích là phản ứng tự nhiên. Chính Đức Giêsu đã yêu
kẻ thù, tội lỗi và làm ơn cho họ, nhưng Ngài không chấp nhận tội, vì thế, mỗi
khi làm ơn, Ngài thường nói: “Hãy về và
đừng phạm tội nữa”.
Mẫu
gương của thánh Phanxicô cho ta thấy hai yếu tố hoàn toàn khác nhau: ngài rất
gớm người cùi, nhưng lại yêu thương người cùi cách đặc biệt. Lý do: họ là hình
ảnh của Thiên Chúa, được dựng nên vì tình yêu.
Mong
sao, lời mời gọi của Đức Giêsu: hãy yêu kẻ thù sẽ làm cho mỗi người chúng ta
đón nhận và sống trong cuộc đời chứng tá của mình, để chúng ta được trở nên
giống Thiên Chúa và hoàn thiện như lời Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn
thiện”.
Lạy
Chúa Giêsu, lời mời gọi của Chúa hôm nay khó quá! Nhưng xin Chúa ban cho chúng
con noi gương Chúa để yêu bằng một tình yêu vô vị lợi và nhân từ. Xin Chúa biến
đổi lòng chúng con và những kẻ thù đang tìm cách hại chúng con, để chúng con
được nên một trong tình yêu. Amen.