TUẦN 06 PHỤC SINH
THỨ HAI
LOAN BÁO LÀ LÀM CHỨNG
(Ga 15,26;16,4)
Trong
Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”,
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm thực hành như
sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những
chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy
cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii
Nuntiandi” số 41).
Bài
trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha,
Ngài đã giới thiệu Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ sẽ đến với
các môn đệ.
Khi
giới thiệu Chúa Thánh Thần như thế, Đức Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ rằng:
khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm chứng và giúp các ông hiểu được tất cả
những gì Đức Giêsu đã làm và những lời Ngài đã dạy trước đó. Mặt khác, Chúa
Thánh Thần sẽ ban ơn phù trợ, để các ông can đảm làm chứng và sẵn sàng đón nhận
tất cả mọi khổ đau vì Đức Giêsu.
Thật
vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, các môn đệ vẫn là những con người khờ dại,
kém tin và sợ sệt thủa nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông
trở nên những người can đảm, uyên thâm, mạnh mẽ và dám chấp nhận tất cả, kể cả
cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin. Các ông đã
thực hiện lời nói đi đôi với hành động.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của
Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng can đảm loan báo lời Chân Lý, chấp nhận mọi thử thách
đau thương để Lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Tin và sống dưới sự hướng dẫn
của Chúa Thánh Thần còn là một lời mời gọi chúng ta từ bỏ con đường, cách sống
và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, trở nên con người mới để được biến đổi như
các môn đệ khi xưa.
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần trên chúng con. Xin cho chúng con được ơn
biến đổi. Can đảm làm chứng và loan báo Lời Chân Lý của Chúa đến với muôn dân.
Amen.
THỨ BA
SỨ MẠNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
(Ga 16,4b-11)
Các nhà tu đức thường đưa ra lời mời gọi đến mỗi người tín
hữu là: mỗi tối, hãy dành ra ít phút, lắng đọng trước nhan Thiên Chúa để hồi
tâm. Tại sao vậy? Thưa, hồi tâm là một phương pháp rất có ích cho đời sống
thiêng liêng, nó giúp cho đương sự nhớ lại những điều tốt – xấu đã làm trong
ngày. Tốt thì phát huy, xấu thì loại trừ. Các thánh là những người đã đi theo con
đường này.
Hôm nay, Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ ra đi,
nhưng Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến để làm chứng cho Ngài, và Chúa Thánh Thần
sẽ đến để thực thi sứ vụ là tố cáo thế gian vì đã không tin nhận Đức Giêsu.
Người cũng tố cáo những điều sai lỗi mà thế gian đã làm.
Nói cách khác, Người đến làm cho Lời của Đức
Giêsu được bừng sáng lên, đồng thời cũng làm cho sự xấu xa, tội lỗi bị lên án.
Ngày nay, qua tiếng nói Lương Tâm và nơi các
dấu chỉ, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và thúc dục mỗi người biết làm
lành, lánh dữ. Tuy nhiên, vì còn mang nặng tính tự kiêu, ích kỷ và bảo thủ, nên
nhiều khi chúng ta đã bỏ qua tiếng nói của Lương Tâm, không đón nhận Chúa Thánh
Thần vì lý do sợ Chân lý, sợ Sự Thật. Như thế, đôi khi vẫn cứ đi sai đường
trệch lối mà không biết, nhưng cũng không thiếu những lúc ta cố tình không chịu
biến đổi, dẫu biết điều đó là không đúng, là sai.
Vì thế, việc hồi tâm là điều cần thiết. Bởi lẽ,
trong thinh lặng nội tâm, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết được đâu là
điều tốt nên làm và đâu là điều xấu cần tránh.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin
hãy chiếu soi ngọn lửa Chân Lý vào trong tâm hồn chúng con, để chúng con cam
đảm quay lưng lại với điều xấu. Xin cũng giúp sức cho chúng con biết can đảm,
yêu mến, lựa chọn những điều tốt và làm theo. Amen.
THỨ TƯ
SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG TA
(Ga 16,12-15)
Ngày
nay, con người khao khát sự thật biết là chừng nào! Tuy nhiên, con người cũng
rất sợ sự thật và ngại khi nghĩ hay nói về nó???
Khao
khát, bởi vì chỉ có sự thật chân tình, người ta mới có thể ngồi lại với nhau,
mới có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cho tốt.
Người
ta sợ sự thật, bởi vì sự thật sẽ làm cho những người ưa sống hình thức, hào
nhoáng, giả tạo bị phanh phui, bóc trần.
Người
ta ngại sự thật, bởi vì khi đối diện với sự thật, họ phải thay đổ lối sống và
cách nghĩ.
Tuy
nhiên, cái khó là: nhiều khi không biết đâu là thật, đâu là giả, nên có những
sự kiện tưởng chừng như là thật thì lại là giả; đôi khi cái tưởng là giả thì
hóa ra lại là thật.
Hôm
nay, Đức Giêsu giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Thánh Thần chính là Đấng sẽ
giúp cho các ông biết đâu là sự thật trong mầu nhiệm cứu độ, để các ông cứ theo
sự hướng dẫn của Người mà tiến bước thì sẽ được cứu độ.
Cuộc
đời của Đức Giêsu đã hoàn toàn đứng về phía sự thật, và Ngài không ngần ngại tuyên
bố: “Tôi đến trong thế gian để làm chứng
cho sự thật. Chính vì điều này mà tôi đã đến”. Ngài cũng kêu gọi: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng
tôi”. Chính vì thế, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ, các
ông mới hiểu đúng sứ mạng của Đức Giêsu là: đến để cứu chuộc chứ không phải vì
chính trị!
Trong
cuộc sống thường ngày của chúng ta, nhiều khi cũng chẳng khác gì các môn đệ khi
xưa. Có những lúc chúng ta uốn nắn Lời Chúa và phỏng chiếu dưới cái nhìn thiển
cận của mình. Lấy Lời Chúa làm bình phong để hỗ trợ cho sự gian dối hay những
mục đích phần xác hơn là phần hồn. Những lúc như thế, ấy là lúc chúng ta không
đứng về phía sự thật và không sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Mong
sao, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, chúng ta đón nhận Chúa Thánh
Thần thật dồi dào, phong phú. Đây là một hồng ân, và cũng là trách nhiệm đòi
chúng ta phải đứng về phía sự thật, làm chứng cho sự thật, dầu có phải chết.
Lạy
Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con can đảm lựa chọn sự thật và trung thành đi
theo sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng con. Amen.
THỨ NĂM
CHÚA LUÔN YÊU TA
(Ga 16,16-20)
Có một câu chuyện kể rằng:
đêm nọ, có một người thấy giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển
với Chúa. Những lúc vui, thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một
của Chúa và một của anh. Nhưng những lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi
nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi chân!
Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó khăn, thất bại, Chúa
lại bỏ con?” Chúa trả lời: “Ta không
bỏ con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy
có một đôi chân của Ta nữa mà thôi’”.
Hôm
nay, các môn đệ biết Đức Giêsu sắp rời xa mình, nên các ông buồn sầu và lo
lắng! Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các ông và báo cho các ông về sự xuất hiện của
Chúa Thánh Thần. Đây là niềm vui vô cùng to lớn, bởi vì nhờ Người, mà các ông
hiểu được con người, lời giảng dạy và sứ vụ của Đức Giêsu đúng theo chương
trình và ý định của Thiên Chúa Cha. Như vậy, sự ra đi của Đức Giêsu sẽ đem lại
cho các môn đệ niềm vui trọn vẹn qua Chúa Thánh Thần.
Trong đời sống đức tin của
mình, nhiều khi chúng ta cũng cảm thấy Chúa như xa dần chúng ta! Nhất là khi
túng ngặt về kinh tế hay đau yếu bệnh tật, bị hiểu lầm, vu vạ cáo gian hay cô
đơn... Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta vững tin rằng, Chúa không bao
giờ bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, những khi ta rối trí ngã lòng và cảm thấy lạc
lõng, chúng ta hãy tin tưởng rằng: lúc đó chúng ta đang được Chúa bồng ẵm trên
tay, để chỉ còn có một đôi chân của Chúa mà thôi.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, dù cuộc đời lắm nỗi khổ đau.
Xin cho chúng con hiểu rằng, những lúc đó Chúa đang gần chúng con hơn cả, và
xin cho chúng con được gần Ngài nhờ niềm tin. Amen.
THỨ SÁU
NIỀM VUI TRỌN VẸN
(Ga 16, 20-23)
Một
người phụ nữ đang mang thai, bà ta sẽ rất sợ hãi khi biết sắp đến giờ bà sinh.
Bà thấu được những cơn đau dữ dội, xé lòng mà mình sẽ phải gánh chịu! Tuy
nhiên, niềm vui khôn tả sẽ ập đến với bà khi mắt bà nhìn thấy đứa con của mình
cất tiếng khóc chào đời.
Thấy
được tâm trạng các môn đệ đang hoang mang lo lắng vì sắp phải lìa xa mình, Đức
Giêsu đã trấn an các ông và vén mở cho các ông thấy niềm vui sẽ nên trọn: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp
lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất
được”.
Trong
đời sống đức tin của chúng ta, cũng có những lúc đi trong đêm tối của cô đơn,
ốm đau, bệnh tật. Những lúc đó, chúng ta chán nản và muốn buông xuôi. Nhưng như
bà mẹ mệt nhọc lúc mang thai và đau đớn khi sinh hạ, sau đó, bà sẽ vui mừng khi
thấy con mình chào đời. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của cuộc đời đức tin nơi
chúng ta.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn của đức tin và hy vọng
trong nguồn ơn cứu độ, bởi vì: sau khi mưa trời lại sáng; thất bại là mẹ thành
công; và nếu ta cùng chết với Đức Giêsu thì cũng được cùng Ngài sống lại trong
vinh quang.
Lạy
Chúa Giêsu , xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ, chấp nhận hy sinh,
để từ đó, một ngày kia, chúng con được chan chứa niềm vui vì thập giá sẽ nở hoa
cứu độ. Amen.
THỨ BẨY
NHÂN DANH THẦY THÌ SẼ ĐƯỢC NHẬN LỜI
(Ga 16,23b-28)
Trong
cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng
như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn mà không được và
phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình.
Hôm
nay Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan
với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên
Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng,
chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói: “Ta
là đường, là sự thật và là sự sống”; hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Tại
sao hôm nay Đức Giêsu lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ thể đến như vậy? Thưa
là bởi vì trước kia, khi Đức Giêsu còn ở với các ông, diện đối diện, nên việc
cầu xin nhân danh Đức Giêsu là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, sau khi đã
hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giêsu sẽ về với Chúa Cha, và như
vậy, Ngài đảm nhận vai trò Trung Gian giữa con người với Thiên Chúa Cha cách
đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà
xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhân danh Đức Giêsu để dâng lên Thiên
Chúa Cha những nhu cầu và ước nguyện của mình. Khi chúng ta nhân danh Ngài mà
cầu xin, ấy là chúng ta tôn nhận vai trò Trung Gian và công nghiệp cứu chuộc
của Đức Giêsu.
Mặt
khác, khi nhân danh Đức Giêsu để cầu xin, ấy là lúc chính Ngài hiện diện và hành
động trong ta, làm cho lời cầu nguyện trở thành hiện thực.
Mong
sao mỗi khi chúng ta nhân danh Đức Giêsu để xin điều gì với Chúa Cha, chúng ta
hãy biểu lộ thái độ khiêm tốn, kết hiệp và sẵn sàng thuần phục ý Chúa hơn là ý
ta.
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết kết hợp với Chúa trong lời cầu
nguyện, để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài, những lời cầu nguyện của chúng con
được Chúa Cha thương nhận lời và chúc phúc. Amen.