TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
(Mt 12, 38-42)
Người Việt Nam chúng ta thường có câu: “Bụt chùa nhà không thiêng”. Câu nói đó hàm ý rằng: những người ở gần
và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thế
nào thì cũng chẳng có gì phải quan tâm và những lời họ nói cũng chẳng cần phải
tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi
Bụt bằng anh”.
Hôm nay, thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu khiển
trách những Kinh sư và Pharisêu cứng lòng không chịu tin vào những lời giảng và
những việc Ngài làm. Lòng họ đã trở nên trai cứng. Trái tim họ đã hóa đá. Trước
mắt họ, Đức Giêsu cũng chỉ là con Bác Thợ Mộc. Vì thế, họ thách thức Đức Giêsu
phải làm một dấu lạ để họ trông thấy thì họ mới tin.
Tại sao vậy? Thưa! Đòi hỏi dấu lạ là đặc trưng của người Dothái, nhất là
giới lãnh đạo. Trước mắt và tâm thức của những người này khi nhìn về Đấng Cứu Thế phải
là một con người oai hùng lẫm liệt. Đấng ấy phải là người đánh đông dẹp bắc. Phải
là người đưa dân Dothái đến bến bờ tự do và bá chủ mọi quốc gia. Và, như một sự
tất yếu, Đấng ấy phải làm được dấu lạ. Nếu không đáp ứng sự hiếu tri của họ thì
họ không tin.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không đi theo con đường mà họ thách đố. Con đường
cứu thế của Ngài là khiêm tốn và tự hạ, con đường của hiền lành và nhân hậu, chứ
không phải con đường của thách thức, kiêu ngạo, khoe khoang... Vì thế, Ngài sẵn
sàng làm những dấu lạ để cứu giúp và củng cố niềm tin của người đương thời,
nhưng nếu vì thách thức, đi ngược lại với sứ mạng và ích lợi cho phần rỗi của
con người thì không bao giờ Đức Giêsu làm.
Lời Chúa hôm nay muốn dạy cho chúng ta rằng:
Thứ nhất, tìm những dấu lạ để tin cũng được, nhưng đây không phải là đức
tin trưởng thành. Đức tin trưởng thành là đức tin của những người không thấy mà
vẫn tin. Bởi vì Đức Giêsu đã nói với Tôma: “Phúc
cho những ai không thấy mà tin”.
Thứ hai, không nên thuần lý để thách thức Thiên Chúa như những người Dothái. Cần
tránh cho xa ý tưởng bắt Thiên Chúa phải làm theo ý của mình.
Cuối cùng, tin Chúa
thì phải hành động. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Thật vậy, Ma Quỷ
nó cũng tin có Thiên Chúa, nhưng nó không hề hành động theo điều nó đã tin, tức
là tôn thờ Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban cho chúng con một đức tin trưởng thành. Xin cũng ban cho chúng con lòng yêu
mến Chúa tha thiết. Biết khiêm tốn để nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Amen.
THỨ BA
MẸ VÀ ANH EM CỦA ĐỨC GIÊSU
(Mt 12, 46-50)
Xem lại thứ Ba tuần 3
TN
Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều
khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học
hành hoặc vì sứ vụ... Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ
vơi đi trong lòng người xa quê! Như vậy, nếu may mắn có cơ hội gặp được người
thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha
mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Đức
Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh em của Đức Giêsu đến gặp Ngài. Khi được
tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình,
thì Đức Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói:
“Đây là mẹ và anh em của ta”. Phải
chăng có phũ phàng quá không???
Thực ra, qua câu nói này của Đức Giêsu không có ý hạ thấp, giảm nhẹ vai
trò Đức Maria là thân mẫu của mình, cũng như không hề phủ nhận tình nghĩa anh
em trong dòng họ. Nhưng mặt khác, Ngài muốn đề cao Đức Mẹ và anh em mình cách cụ
thể, bởi vì chính các ngài là những người đã vâng theo thánh ý Chúa cách triệt
để. Cũng qua câu nói này, Đức Giêsu đã đưa dân chúng đến một quan hệ khác còn
quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt, đó là những người nghe và
mau mắn thi hành Lời Chúa thì đáng được gọi là mẹ hay anh chị em của Ngài hơn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe và mau mắn thi
hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để trở thành thành viên trong đại gia
đình của Chúa thực sự. Chỉ những ai được tháp nhập vào trong đại gia đình này mới
là những người được ơn cứu độ, vì con cái thì mới được ở trong nhà.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn
thánh của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con trở nên những con chiên ngoan
ngoãn nhờ biết mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.
THỨ TƯ
HÃY LÀ THỬA ĐẤT TỐT
(Mt 13, 1-9)
Xem lại CN 15 TN A
Hôm nay, Đức Giêsu
dùng dụ ngôn “người gieo giống” để
giúp cho những người đương thời nhận ra mình đang thuộc thành phần nào trong dụ
ngôn, qua đó cần có một thái độ phù hợp với Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu
nói: “Có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời
bay đến ăn mất”. Hình ảnh này cho thấy có nhiều kẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng
Lời ấy không sinh ích lợi cho họ vì sự hời hợt chóng qua, nên Lời Chúa không thấm
nhập gì trong lòng, khiến những thứ tội lỗi sớm chiếm hữu tâm hồn họ.
Rồi:“Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất,
nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và
vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo”. Thật vậy, có người đón nhận theo trào
lưu, theo sở thích hay hiệu ứng đám đông, chứ không có chiều sâu. Vì thế, khó
khăn xảy đến, họ là những người cao chạy xa bay vì sợ liên lụy, không dám can đảm
để chấp nhận mình là người thuộc về Chúa nữa. Tâm hồn họ sẽ héo dần theo năm
tháng vì không có Chúa ở cùng.
Cuối cùng: “Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả...
”. Tuy nhiên, để trở thành thửa đất tốt theo tinh thần Tin Mừng, mảnh vườn
tâm linh của con người phải là một mảnh vườn đơn sơ, chân thành để hạt giống một
khi được gieo vãi, thì sẽ có cơ hội phát triển và trổ sinh bông hạt dồi dào.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con là hạt giống tốt và thửa ruộng màu mỡ, để Lời Chúa được lớn lên
trong tâm hồn chúng con và được phát triển qua hành động tốt chúng con làm hằng
ngày. Amen.
THỨ NĂM
XIN ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
(Mt 13, 10-17)
Xem lại CN 15 TN B
Đoạn Tin Mừng mà chúng
ta vừa nghe xem ra có vẻ khó hiểu. Vì khó hiểu,
nên các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu: "Tại
sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?". Sự khó chịu và thắc mắc này đã
được chính Đức Giêsu trả lời cho các ông biết nguyên do:
Nghe mà không chú ý,
suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối, sửa sai, thì
cũng như người có tai mà không nghe.
Thật vậy, có nhiều người
miệng thì đọc “lỗi tại tôi mọi đàng”,
nhưng tay thì lại “đấm ngực người khác”. Những
người như thế thì chẳng khác gì: “Vịt
nghe sấm”; hay “nước đổ lá khoai”, nên có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu,
trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Họ là những người không hề có thiện chí để cho Lời
Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Lời Chúa đến rồi lại đi như “khách bộ qua đường”, không để lại nơi tâm hồn họ điều gì cả, nên họ
đâu có thấy điều gì sai lỗi mà phải sửa! Vì thế, chúng ta không lạ gì vẫn còn
đó những người: “Bên ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Thái độ đón nhận Lời
Chúa như thế, hẳn không bao giờ và không thể nhận ra Lời Chúa như là vị mật ngọt
ngào hay như dòng suối mát cho tâm hồn. Ngược lại, họ coi Lời Chúa như một cái
gì đó khó ưa, khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận, chỉ “vì lòng dân này đã ra chai đá”, nên
không còn có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.
Khi nói như thế, Đức
Giêsu muốn mặc khải rằng: Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành
và yêu mến. Vì họ là những người bé mọn, đơn thành nên đã có thì lại được đầy dư. Còn kẻ không có nghĩa là không tin như Kinh sư
và Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị
lấy đi, và mọi việc họ làm đều trở nên vô ích.
Với nhiều người ngày nay, có lẽ đức tin không đến nỗi quá cứng lòng như
những Kinh sư và Pharisêu! Nhưng con người đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng
dưng, vô cảm với chính Lời Chúa và những nghĩa vụ liên quan đến đức ái qua anh
chị em đồng loại. Đây có lẽ là điều nguy hiểm không nhỏ đến ơn cứu độ, bởi vì
có thể nói: đây là căn bệnh “ung thư”
thời đại mới nơi tâm hồn rất nhiều người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn
chúng con được trở nên đơn sơ, bé nhỏ để đáng được hiểu Lời Chúa mặc khải cho
chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và mau mắn thi hành để đáng
được hưởng ơn cứu độ. Amen.
THỨ SÁU
TRỞ NÊN THỬA ĐẤT NÀO CHO HẠT GIỐNG?
(Mt 13,18-23)
Xem lại CN 15 TN A
Đức Giêsu thường dùng
dụ ngôn để giảng dạy một chân lý nào đó. Tuy nhiên, dụ ngôn người gieo giống
hôm nay không những được Đức Giêsu kể, mà chính Ngài còn đích thân giải thích ý
nghĩa của nó. Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu nhắm vào trọng tâm các đối tượng
trong việc lắng nghe Lời Chúa.
Đức Giêsu đã dùng hình
ảnh các thứ đất và số phận của những hạt giống, để nói lên sứ điệp cho các môn
đệ và những người nghe giảng cũng như cho mỗi chúng ta hôm nay.
Hạt giống rơi bên vệ
đường, chính là ám chỉ đến những người nghe mà chẳng hiểu, hay dửng dưng với Lời
Chúa, hoặc tách biệt Lời Chúa ra khỏi cuộc sống.
Hạt giống rơi vào sỏi
đá là dấu hiệu của một tâm hồn nông nổi, rất vui vẻ, sẵn sàng đón nhận Lời.
Nhưng không có chiều sâu nội tâm, nên khi ra khỏi nơi chốn, vị trí hay với thời
gian là quên hết, họ không quan tâm lưu giữ và thực hành Lời Chúa.
Hạt rơi vào bụi gai
chính là những người có quan tâm đến Lời Chúa. Nhưng họ đã để cho sự đời chèn
ép, chiếm thế. Nền kinh tế thị trường đã làm cho họ không còn chú trọng đến Lời
Chúa, vì Lời Chúa làm cho họ phải đi ngược dòng với con người và xã hội.
Cuối cùng là hạt rơi vào đất tốt. Ấy là những người có lựa chọn ưu tiên
cho Lời Chúa chiếm vị trí quan trọng trong mọi chiều kích của cuộc đời họ. Họ để
cho Lời Chúa trở thành kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành vi, vì thế, hệ quả chính
là được một vụ mùa bội thu...
Mong sao, Lời Chúa hôm nay là dịp để chúng ta xác định lại chiều
kích sống đạo của mình, nhằm hiệu chỉnh trong cuộc sống. Đừng vì hình thức, vụ
luật như hạt rơi bên vệ đường. Hay hời hợt, giỗng tuếch như hạt rơi vào sỏi đá.
Hoặc đừng để những lợi lộc trần gian, ăn chơi trác táng mà quên phần thưởng Nước
Trời như hạt rơi vào bụi gai. Nhưng hãy như thửa đất tốt để Lời Chúa trở nên
phong phú và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Amen.
THỨ BẨY
LÚA VÀ CỎ LÙNG MỌC
CÙNG LÚC
(Mt 13, 36-43)
Xem lại CN 16 TN A
Sự bất nhân và không
bao dung đã là cha đẻ sinh ra tính ích kỷ, óc bè phái nơi con người. Thật thế,
con người luôn tìm dịp để trả thù nhau... Chính vì sự hẹp hòi này mà cái ác đã
thắng cái thiện, sự tội đã thắng lẽ công chính! Vì thế, dù đối phương có tốt thế
nào, thì trước con mắt của những kẻ muốn trả thù, họ đều là xấu xa.
Quan điểm này hoàn
toàn ngược lại ý hướng và mục đích của Thiên Chúa qua hình ảnh ông chủ trong dụ
ngôn cỏ lùng hôm nay.
Câu chuyện khởi đi từ
việc gia nhân thắc mắc xem tại sao có cỏ lùng trong ruộng??? Tuy nhiên, ông chủ
đã khẳng định rõ rằng: đó là do kẻ thù gieo trộm vào nên mới có! Sau đó, gia
nhân đã không kiên trì nổi, nên xin ông chủ cho họ đi nhổ cỏ lùng kẻo nó lấn át
lúa! Tuy nhiên, ông chủ đã không đồng ý và đưa ra lý do: "Đừng! Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để
cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom
cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho
tôi".
Qua dụ ngôn trên,
chúng ta thấy toát lên lòng nhân từ, bao dung và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài
luôn yêu thương người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công
chính cũng như kẻ bất lương. Vì thế, đã có lần chính Đức Giêsu tuyên bố: “Ngài đến để cứu chuộc những người tội lỗi
chứ không phải những người công chính”.
Trong cuộc sống hôm
nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi người khác và
mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em
mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha... chỉ vì họ không làm theo ý chúng
ta.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh
chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năm thì hậu quả
ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt... Đồng thời, cần xác tín rằng:
ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người hãy khiêm tốn để trở về
với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng
là số phận của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban cho chúng con biết yêu thương, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, để mọi người
được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.