TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
KHÔN NGOAN VÀ THƯƠNG
XÓT
(Mt 14,l3- 21)
Xem lại
CN 18 TN A, CN 18 TN B,
Lễ Mình
Máu Thánh năm C và thứ Sáu tuần 2 PS và
thứ Hai tuần 18 TN.
Khi đọc chuyện các
thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy có những cuộc truy lùng của vua chúa quan
quyền rất gắt gao thời bấy giờ. Khi hay tin, các ngài thường lẩn trốn để tránh
cơn nguy biến ập đến cho mình và đoàn chiên. Sự tránh né đó không phải do nhát
đảm, cũng không phải sợ chết, nhưng đây là cách khôn ngoan vì ích lợi của con
chiên.
Hôm nay, đoạn Tin Mừng
khởi đầu bằng việc thông báo cho biết rằng: sau khi Đức Giêsu nghe tin Gioan bị
bắt, Ngài đã lẩn trốn vào nơi hoang vắng để tránh sự ra tay tàn ác của vị vua
này. Bởi lẽ Ngài thừa hiểu số phận của Gioan thì cũng là số phận của chính
Ngài. Nhưng giờ của Đức Giêsu chưa đến, nên Ngài đã tiến vào hoang mạc..., tìm
nơi thanh vắng, một mặt để thoát nạn, mặt khác để thầy trò tâm tình sau những
ngày vất vả ngược xuôi vì sứ vụ.
Tuy nhiên, vì đám đông
rất cảm phục những lời khôn ngoan, nên đã tìm đến để nghe Ngài giảng dạy. Họ
nghe đến say mê, nghe đến nỗi quên ăn, nên khi chiều đến, ai nấy đều đói. Vì thế,
Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, nên không những nuôi dưỡng họ bằng Lời Hằng Sống,
mà còn nuôi họ về mặt phần xác khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và yêu thương
chữa lành bệnh tật cho họ.
Tuy nhiên, để phép lạ
được thành hiện thực, Đức Giêsu cần sự cộng tác của người môn đệ, vì thế, Ngài
đã truyền lệnh cho các ông: “Hãy mang lại
đây cho thầy”; và “hãy cho họ ăn”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta:
Trước hết, khi giờ
chưa đến, thì cần khôn ngoan để tránh sự nguy hiểm do kẻ thù gây nên.
Thứ hai, hãy tin tưởng
vào quyền năng tuyệt đối nơi Đức Giêsu. Bởi vì khi lòng thương xót của Ngài được
đụng chạm đến chúng ta, thì mọi chuyện được dư thừa như chỉ có 5 chiếc bánh và
hai con cá. Nhưng khi đã được Đức Giêsu can thiệp nuôi cả 5 ngàn người đàn ông,
không kể đàn bà và trẻ em mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy.
Thứ ba, hãy biết
thương đến những người nghèo, nghèo về thể xác, nghèo về tinh thần. Luôn tìm
cách chữa trị những vết thương thể xác và tâm linh cho anh chị em chúng ta.
Chúa không chấp nhận việc chúng ta thương hình thức, tức là chỉ có nói, mà Ngài
muốn chúng ta thương thật, tức là hành động kịp thời.
Lạy Chúa Giêsu, phép lạ
hóa bánh ra nhiều đã thể hiện tình thương của Chúa dành cho nhân loại vô bờ.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết rung động trước nỗi khốn cùng của anh
chị em đồng loại, để chung tay cộng góp nhằm làm cho cuộc sống của họ bớt khổ
hơn. Nhưng trước hết, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết điều nên
làm và điều không nên hoặc chưa nên. Amen.
THỨ BA
HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA
(Mt 14, 22-36)
Xem lại
CN 19 TN A, CN 6 PS C,
lễ Cung
Hiến Đền Thánh Phê-rô và Phao-lô, ngày
18 tháng 11.
Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất
trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé”;
hay “ma mới bắt nạt ma cũ”; hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội
như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện... dựa vào tiền và
quyền... Vì thế, không lạ gì khi vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người
lương thiện và thấp cổ bé họng!
Đứng trước thực trạng ấy, chúng ta không thể không đặt
ra câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?”; “Ngài có
thực sự hiện hữu không?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời
hành đạo như vậy?”.
Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các môn đệ
đang trên thuyền để đi sang bờ bên kia. Trong lúc các ông trèo thuyền ra xa,
thì gió lớn nổi lên, khiến các ông lo sợ. Đúng lúc đó, Đức Giêsu hiện đến mà
các ông không nhận ra Ngài. Vì thế, trong cơn hốt hoảng, các ông đã la lên: “Ma đấy”. Thấy vậy, Ngài đã trấn an các
ông và nói: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!". Tuy
nhiên, chưa tin và vẫn còn nghi ngờ, nên Phêrô đã thử liều một phen mang tính
thách thức: "Thưa Ngài, nếu
quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài".
Sự kiện
Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho Phêrô đi trên mặt
nước với Ngài giúp cho chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời.
Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ
mạnh để vượt qua mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà
thôi!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho
chúng ta bài học: nếu có niềm tin và tín thác vào Chúa trong sự khiên tốn thì sẽ
được Chúa thương.
Mong sao trong mọi hoàn cảnh,
chúng ta hãy nhớ đến câu nói của Đức Giêsu khi xưa: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!".
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều
khi hoang mang và sợ hãi chẳng kém các môn đệ của Chúa là bao! Nhưng như các
môn đệ, các ngài đã tin vào Chúa và được Chúa cứu, thì xin cũng ban thêm đức
tin cho chúng con, để chúng con cũng được Chúa thương như các môn đệ khi xưa. Amen.
THỨ TƯ
NHỜ NIỀM TIN CỦA MẸ MÀ
NGƯỜI CON ĐƯỢC CỨU SỐNG
(Mt 15, 21- 28)
Xem lại
CN 20 TN A.
Trong câu chuyện kể về
phép lạ của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, người ta kể về gương sáng đức tin
của một bà mẹ. Chuyện kể rằng: nhờ mối liên hệ thân tình với Đức Hồng Y, lòng
quý trọng và niềm tin tuyệt đối vào ngài, vì thế, bà thường xuyên cầu khấn với
ngài khi con bà đang trong tình trạng hôn mê sâu nhiều tháng và chỉ còn chờ chết
ngay tại đất nước Hoa Kỳ văn minh tiến bộ vào hạng nhất nhì thế giới!
Quả thật, cậu chủng
sinh con bà đã thoát khỏi tử thần khi được chính Đức Hồng Y cầu thay nguyện
giúp nhờ vào lòng tin của bà mẹ.
Hôm nay, Tin Mừng cũng
trình thuật phép lạ Đức Giêsu đã làm khi cho một bé gái thoát khỏi quỷ ám nhờ
vào lòng tin của mẹ em.
Thật vậy, lời cầu xin“Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng
thương tôi” của người phụ nữ xứ Canaan đã đụng chạm đến lòng trắc ẩn của Đức
Giêsu, nên bà đã được Ngài xót thương. Nhưng Đức Giêsu còn muốn kiểm chứng đức
tin của bà xem có phát xuất từ con tim yêu mến hay chỉ là thực dụng???
Tuy nhiên, càng đi sâu
vào câu chuyện, chúng ta lại càng thấy niềm tin ấy được tỏa sáng. Tại sao vậy? Thưa,
bởi vì qua sự thinh lặng của Đức Giêsu và nhất là lời khước từ của Ngài khi
nói: “Không nên lấy bánh của con cái mà
ném cho lũ chó con”. Đồng thời, bà còn gặp khó khăn khi những người Dothái
cũng như của chính các môn đệ ngăn cản không cho bà đến gần Đức Giêsu, thế
nhưng, niềm hy vọng vào tình thương của Chúa đã làm cho bà đặt hết niềm tin tưởng
nơi Ngài. Vì thế, bà đã thốt lên: “Nhưng
mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Đứng trước
niềm tin đặc biệt đó, Đức Giêsu đã phải chạnh lòng thương đến con bà khi nói: “Lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao
thì sẽ được vậy”.
Trong cuộc sống hiện
nay của chúng ta nhiều khi đức tin mang tính nhất thời, tức là chỉ tin khi thuận
tiện. Mặt khác, niềm tin của mỗi người có lúc mang tính nửa vời, tức là tin
Chúa 50%; 50% còn lại thì dành cho những thần khác...
Tuy nhiên, niềm tin
thì hời hợt như vậy, nhưng khi có người khác thể hiện niềm tin vào Chúa thì
chúng ta lại tìm cách ngăn cản hay cho là phù phiếm... như các môn đệ và người
Dothái khi xưa. Phải chăng họ không muốn vào Nước Trời, nhưng những người muốn
vào thì chính họ lại ngăn cản không cho vào.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt niềm tin tuyệt đối nơi Chúa. Đồng thời ý thức
rằng: niềm tin trưởng thành là một niềm tin trải qua thử thách và có kinh nghiệm
thực sự về Chúa. Cuối cùng, hãy biết noi gương Chúa để thi ân giáng phúc cho những
người hoạn nạn, kể cả họ là kẻ thù của ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa ban cho mỗi chúng con biết yêu mến Chúa và luôn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối
vào Chúa. Xin cũng cho chúng con có lòng nhân hậu với hết mọi người. Amen.
THỨ NĂM
CẦN TUYÊN XƯNG ĐỂ ĐÓN NHẬN SỨ VỤ
(Mt 16, 13-23)
Xem lại
CN 21 TN A,
lễ kính
Toà Thánh Phê-rô 22/2
lễ thánh
Phê-rô và Phao-lô 29/6
"Người ta bảo Con Người là ai?".
Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi
này của Đức Giêsu có ý gì?
Thưa vì những lý do sau:
Thứ nhất, Ngài và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê,
đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm
thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn
nhau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias - thần thiên nhiên.
Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một
nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống
các tiên tri mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ
Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì thế không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân
chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ
khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Khi nghe thấy như thế,
Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó, nên đã hỏi trực tiếp các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là
ai?". Phêrô đã thay mặt anh em lên tiếng: "Thầy là Ðức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống".
Khi Phêrô tuyên xưng
điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và
các môn đệ khác.
Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn
sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa
sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa.
Còn “Con Thiên Chúa hằng
sống ”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế
“Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến
tận thế”.
Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các
môn đệ vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính
trường tồn cho một kẻ kém tin và không hiểu biết gì về Người Trao.
Vì
vậy, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”, đồng thời, Ngài cũng đặt gánh
nặng lên vai Simon Phêrô: “Trên tảng đá
này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” và “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá
Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;
dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".
Khi nói Phêrô là “Đá Tảng”, Đức Giêsu cho biết, đây là một thực tại chắc chắn, không
lay chuyển, không thay đổi.
Thứ ba, khi đặt Phêrô làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội, Đức Giêsu muốn chúng ta tin rằng:
Giáo Hội được Ngài thiết lập trên “Đá Tảng” là Phêrô, và chúng ta là người
được ở trong tòa nhà đó, hẳn chúng ta phải xác tín rằng: “quyền lực tử thần
sẽ không phá nổi”.
Thật vậy, trải qua biết bao thế kỷ, Giáo Hội
luôn đứng vững trước sự công phá của ma quỷ, không những thế, Giáo Hội còn giải
thoát con người khỏi ách của tội lỗi... và sự chết.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Đức Kitô, vì “Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống”. Tin
tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa Giải. Vâng phục, yêu mến
đấng thay mặt Chúa, kế vị Thánh Phêrô là Đức Giáo Hoàng. Đồng thời luôn biết thể
hiện tinh thần hiệp thông để xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian này, hầu
cho nhiều người nhận biết “Ðức Kitô, là
Con Thiên Chúa hằng sống". Amen.
THỨ SÁU
TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐI THEO CHÚA
(Mt 16, 24-28)
Xem lại
CN 22 TN A .
Ngày nay, khi đi phỏng vấn để xin việc, người
ta thường đòi hỏi những điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, đồng thời tùy một
số công việc đặc thù, cần phải có sự thỏa thuận cụ thể hơn. Cũng vậy, khi được
gọi để trở thành môn đệ, Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn sinh phải hội đủ
những điều kiện cần thiết để chu toàn bổn phận của người thừa sai, hầu những ai
được gọi và chọn thì đều cảm thấy hạnh phúc khi thi hành sứ vụ của người sai
đi.
Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu
đòi hỏi những người Ngài muốn gọi và chọn để ra đi thi hành sứ vụ cần phải “từ bỏ mình và vác thập giá theo Ngài”.
Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có
sự mâu thuẫn! Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh của Kinh Thánh, thì sự đòi hỏi này
của Đức Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc. Tức
là tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, hay ăn trên ngồi trước, để
lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi và niềm vui của kẻ khác.
Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là
chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con
đường hẹp. Con đường của hy sinh, thiệt thòi. Con đường của tự hủy. Con đường
khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.
Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó
nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ
mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì
con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ là: bỏ
tất cả, nhưng từ bỏ mình thì nhất quyết không, bởi vì họ từ bỏ cái tôi thì phải chăng họ không còn là họ nữa!
Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn
các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái
tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương
trình cứu độ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa
Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho
chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà
Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.
THỨ BẨY
KIÊU NGẠO SẼ THẤT BẠI
(Mt 17, 14-20)
Xem thêm
thứ Hai tuần 7 TN .
Một sự cám dỗ lớn lao nhất thường đến với con
người, đó là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.
Thật vậy, sự kiêu ngạo nó thường trực trong
con người, và mức độ nguy hiểm của chúng là rất cao. Có thể ví rằng: sự kiêu
ngạo luôn nhăm nhe bừng phát, chúng giống như bình xăng còn ma quỷ như bó đuốc.
Nếu không cẩn thận và đề phòng bằng sự khiêm nhường, ắt không sớm thì muộn,
chúng cũng làm cho bình xăng bốc cháy!
Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy, từ xa
xưa, người ta vẫn bị mắc vào cám dỗ này.
Khởi đi từ Nguyên Tổ loài người là Ađam và
Evà; rồi câu chuyện tháp Babel, đến hành động của Môsê, Aharon, Đavít, và ngay
cả đến các môn đệ, tất cả đều bị ngã gục trước sự cám dỗ của ma quỷ dưới lưỡi
hái của sự kiêu ngạo.
Thật vậy, cậy vào sức riêng của mình là chuyện
bình thường. Tuy nhiên, vì tự tin đến độ không cần đến Thiên Chúa thì lại là kẻ
bất thường, vì thế, thất bại là lẽ đương nhiên.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy việc các môn đệ
thất bại trong việc trừ quỷ. Nguyên do chính là do các ông tự mãn và cậy vào
khả năng riêng của mình chứ không phải là niềm tin vào Thiên Chúa.
Tin Mừng thuật lại, sau khi Đức Giêsu đưa ba
môn đệ lên núi Tabor, số môn đệ còn lại ở dưới núi, vì thế người ta mang đến
cho các ông một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. Các ông đã trừ mà không được.
Nên thấy Đức Giêsu xuống, dân chúng đã xúm lại và xin Ngài chữa lành. Sau khi
Ngài chữa cho bé gái khỏi quỷ ám. Các môn đệ tiến lại gần và hỏi: "Tại sao chúng con đây lại không trừ
nổi tên quỷ ấy?". Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin
lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên
kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được".
Sau khi các ông nhận ra sự thất bại của mình
và hiểu rõ về sức mạnh của niềm tin, Đức Giêsu muốn dạy các ông sự khiêm nhường
và gắn bó với Thiên Chúa cách trọn ven thì mới có thể thi hành được sứ vụ.
Trong cuộc sống đức tin của chúng ta, có lẽ
không cần phải xin Chúa cho được chuyển núi dời non theo nghĩa đen. Nhưng điều
mà chúng ta cần chuyển dời chính là ngọn núi của kiêu căng, tự ái, ghen ghét.
Có thế, chúng ta mới để cho đức tin mà Thiên Chúa ban cho chúng ta được lớn
mạnh.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gắn bó với Chúa để được
Chúa yêu thương. Amen.