TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
ĐỪNG THÁCH THỨC THIÊN
CHÚA TRONG SỰ KIÊU NGẠO!
(Lc 11, 29-32)
Xem thêm thứ Tư tuần 1 MC, thứ hai tuần 16 TN
"Tôi đã đi khắp vũ trụ, nhưng không thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”. Đó là lời thốt lên từ
một phi hành gia của Liên Xô sau chuyến thám hiểm vũ trụ.
Thật vậy, tâm thức của
con người trong thời đại này thiên về thực dụng, vì thế, họ chỉ tin khi mắt thấy,
tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Pharisêu thời Đức
Giêsu.
Sẵn có sự hiềm khích đối
với Đức Giêsu, vì thế, họ tận dụng mọi cơ hội để thử thách Ngài. Hôm nay, họ
đòi hỏi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ
vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò hay hiếu tri của con người,
nên Đức Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu bất chính của họ.
Thật vậy, nội dung và
ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang
qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối
tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha
nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại
đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Thực trạng ngày nay của
mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pharisêu khi xưa! Thường thì chúng
ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh
của mình! Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi
gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin
được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay
đổi...! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pharisêu khi xưa!
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả
thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là
tình yêu thương, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thật vậy, nếu Chúa
không yêu thương và đại lượng với chúng ta, hẳn chúng ta đã không bao giờ có được
như ngày hôm nay!
Đồng thời cần khiêm tốn
để sẵn sàng biến đổi đời sống, trở nên người hiền lành, khiêm nhường. Có thế,
chúng ta mới hy vọng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con nhận ra sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng con, để từ đó,
chúng con sống trong sự khiêm tốn và tin tưởng vào Ngài. Amen.
THỨ BA
CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG
LÀM NÊN ĐẠO ĐỨC
(Lc 11, 37-41)
Trong chuyến viếng
thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là: ngài đã tháo chiếc
nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio
de Janeiro. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài
tỏ vẻ không hài lòng!
Hôm nay, Tin Mừng cũng
thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là: Ngài đã sẵn sàng
đáp lại lời mời của một người trong nhóm Pharisêu vốn đã không thích gì Đức
Giêsu và giáo huấn của Ngài, để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người
chống đối, xầm xì.
Điều đáng nói ở đây
chính là sự bất mãn của một số Pharisêu đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa
tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức
của họ khi nói: “Này các ông, những người
Pharisêu, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam
và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại
chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy
hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái
với tha nhân.
Qua câu nói này, Đức
Giêsu muốn nói cho những người Pharisêu biết tính vụ luật của họ không được
Thiên Chúa hài lòng; đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh;
hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những
người Pharisêu cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh
trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn
thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên
trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm
theo không hề có ý nghĩa trước mặt Người.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu
là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người
nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Pharisêu
khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để
chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình, để được bình an và hạnh
phúc thật. Amen.
THỨ TƯ
HÃY THI HÀNH TRƯỚC, DẠY
NGƯỜI KHÁC SAU
(Lc 11 , 42- 46)
Bài Tin Mừng hôm nay đặt
trong khung cảnh của một bữa ăn tại nhà một người Pharisêu.
Đức Giêsu được mời dự
tiệc và Ngài đã bị các người Pharisêu để ý đến việc Ngài không rửa tay trước
khi ăn. Họ bắt bẻ Đức Giêsu và cho rằng Ngài bỏ qua tập tục của tiền nhân...
Tuy nhiên, lại một lần nữa, Ngài đã tố cáo lối sống bề ngoài của họ.
Thật vậy, những người
người Pharisêu thì chỉ lo giữ luật theo mặt chữ, còn thực chất tinh thần thì đã
chết khi họ nhất nhất bám vào từng dấu chấm, dấu phẩy. Họ sống vì luật, nên chỉ
quan tâm đến chuyện đúng sai bề ngoài, không hề có sự công bằng và yêu thương.
Họ luôn coi trọng hình thức trước đám đông ,vì thế, luôn thích được chào hỏi
nơi công cộng.
Bên cạnh đó, những Tiến
Sĩ Luật cũng bị khiểm trách nặng nề vì họ luôn bắt người khác phải làm chuyện
này chuyện kia... nhưng thực ra bản thân họ thì không hề có một chút gì quan
tâm đến việc phải làm nơi mình. Họ chất lên vai người ta đủ thứ, còn chính họ
thì dù chỉ một chút nhỏ cũng không hề đụng ngón tay vào.
Ngày hôm nay, trong xã
hội, người ta ít quan tâm đến việc đạo đức! Nếu có ai thực tâm sống tốt lành
thì sẽ bị người ta dè bửu... Ngược lại, họ quan tâm đến kiến thức, coi trọng việc
đào tạo trí thức, hay kỹ thuật để sau này kiếm sao được nhiều tiền chứ không mảy
may quan tâm đến chuyện kiếm tiền như thế nào cho phù hợp với lương tâm. Nói
cách khác, xã hội và con người ngày hôm nay quan tâm đến cái đầu chứ đâu có
màng chi đến trái tim! ... Như vậy, lối sống hình thức, giả tạo là điều đương
nhiên có mặt trong thời buổi này; đồng thời sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân xuất
hiện nhan nhản trong xã hội là lẽ thường tình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy biết coi trọng tiếng nói của Lương Tâm. Biết quan tâm
đến đời sống nội tâm hơn là hình thức. Biết sống liên đới và lo cho anh chị em
của mình được hạnh phúc thực sự. Biết nêu gương sáng trong đời sống hằng ngày
trước khi hướng dẫn ai đó về đường đạo đức.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con hiểu rằng: với Chúa, bề ngoài không nhất thiết quan trọng, nhưng
điều cần thiết chính là bề trong, nơi sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con được
sống theo đường lối của Chúa muốn. Amen.
THỨ NĂM
ĐỪNG PHẢN BỘI SỨ VỤ
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
(Lc 11, 47-54)
Đức Giêsu đến để làm chứng
cho sự thật. Vì thế, Ngài không bao giờ chấp nhận lối sống giả hình, gian
dối... Chính vì điều này mà đã làm cho sự căng thẳng giữa Ngài và các người
Pharisêu ngày càng leo thang!
Hôm nay, Tin Mừng trình thuật
cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu thẳng thắn lên án nhóm Pharisêu và các Tiến Sĩ
Luật về lối sống giả hình của họ cách nặng nề.
Ngài vạch trần tội ác của họ
khi đồng lõa để giết các tiên tri là những người dám đứng lên loan báo và bênh
đỡ sự thật. Họ còn là những người ngăn cản người khác trên con đường nhân đức
nữa.
Những người này luôn
coi mình là người lãnh đạo, nắm giữ chìa khóa hiểu biết, nhưng thực ra bên
trong thì rỗng tuếch, chẳng qua chỉ như lớp sơn bôi bóng hay như mồ mả tô vôi với
đầy dãy những sự ô uế. Họ không sống tinh thần của Chúa, mà luôn sống cuộc sống
trịnh thượng, trưởng giả và bắt người khác thi hành lệnh của mình. Từ đó, họ đã
trở thành những kẻ mù lại dắt kẻ mù, khiến những người được họ hướng dẫn cũng
phải bơ vơ lạc lõng, mất phương hướng và không biết đi về đâu!
Khi Đức Giêsu khiển
trách họ như thế, một sự đối đầu đã ập đến với Ngài. Vì thế, họ đã tìm mọi cách
để bắt bẻ và tận dụng mọi cơ hội để tố cáo nhằm giết chết Ngài. Với họ, Đức
Giêsu chẳng khác gì cái gai trong mắt, cái đinh trên đường, nên họ không thể đội
trời chung.
Qua cung cách của họ, Đức
Giêsu không phải không biết những đau khổ do những người này gây nên, nhưng
trước sau như một, Ngài luôn trung thành với sứ mạng của mình. Dù đòn vọt, gươm
đao, và chết chóc, không gì có thể làm cho Ngài phản bội sứ vụ của Thiên Chúa
Cha đã trao phó nơi Ngài là: loan báo và làm chứng cho sự thật.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời
gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho
sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên
tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người
Pharisêu khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục
vụ mình. Cần trung thành với Giáo Huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật
và là sự sống, xin hướng dẫn chúng con đi trên con đường Chúa đã đi để được
sống đời đời. Amen.
THỨ SÁU
SỐNG VÌ MỤC ĐÍCH NƯỚC
TRỜI
(Lc 12, 1-7)
Xem lại
CN 12 TN A, và thứ Bảy tuần 14 TN
Cả tuần nay, Tin Mừng
trình thuật việc Đức Giêsu liên tiếp chống đối lối sống đạo đức dỏm của nhóm
Pharisêu và Tiến Sĩ Luật. Hôm nay, lại một lần nữa, Đức Giêsu không chấp nhận lối
sống giả hình của họ; đồng thời, Ngài cũng cảnh tỉnh các môn đệ của mình khỏi
vướng vào lối sống giả nhân giả nghĩa như các người Pharisêu và Tiến Sĩ Luật
đang làm.
Nhân dịp này, Đức
Giêsu cũng mời gọi các môn đệ can đảm sống chứng tá cho Tin Mừng, dù có phải chết.
Sự sống trên trần gian này là cuộc sống tạm bợ, mai hậu mới là vĩnh viễn. Vì thế,
không nên khờ dại mà đánh đổi sự an nhàn đời này mà đau khổ mãi mãi đời sau.
Luôn sống trong sự phó thác và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.
Ngày nay, không thiếu
cảnh tín hữu Kitô nơi này, nơi kia bị bách hại. Nhiều tín hữu bị buộc phải cải
đạo, nếu không sẽ phải chết. Tuy nhiên, đức tin mạnh mẽ vào Chúa Quan Phòng,
nên nhiều anh chị em đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đức tin cũng như thể hiện
lòng yêu mến của mình vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó
thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận
con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình.
Luôn nhớ rằng: khi
chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống
đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của
đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi
Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con được yêu mến Chúa, can đảm sống đời chứng nhân trong cuộc sống hằng
ngày của chúng con. Sẵn sàng làm chứng cho lẽ phải và sự công bằng. Amen.
THỨ BẨY
“ĐỪNG SỢ” CHÚA THÁNH
THẦN SẼ NÓI THAY
(Lc 12, 8-12)
Xem thêm
thứ Sáu tuần 14 TN và ngày 26.12 trong tuần Giáng Sinh
Đọc lại lịch sử các
thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy: rất nhiều vị thánh xuất thân từ nhà quê,
chẳng được học hành là bao, lại phải lam lũ khổ sở, suốt ngày bán mặt cho đất,
bán lưng cho trời! Ấy vậy mà khi bị bắt, bị tra tấn, đánh đập, nhất là khi bị hỏi
cung, các ngài đã trả lời hết sức trôi chảy. Không những thế, các ngài còn lý
luận và bẻ gãy những lời nói phi nhân, bất nghĩa của vua quan. Mặt khác, nhân
cơ hội, ngoài chuyện làm chứng cho Chúa bằng đời sống, các ngài còn rao giảng Lời
Chúa cho những người đang làm hại mình nữa. Tất cả những chuyện đó, chúng ta, ai cũng hiểu là Chúa Thánh Thần nói trong
và hành động nơi các thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói cho các môn đệ biết, các ông sẽ phải chịu đau khổ, bách hại
và gặp muôn điều khó khăn, tuy nhiên, các ông đừng sợ, những lúc như thế, Chúa
Thánh Thần sẽ giúp các ông để cho các ông biết phải làm gì và nói gì.
Trong đời sống đạo của
chúng ta hiện nay, không còn quá khó như thời các thánh tử đạo khi xưa. Nhưng vẫn
còn nơi này, nơi kia, vì một số người kém hiểu biết, dốt nát, cổ hủ, nên còn
gây khó dễ đối với các tín hữu cách này, cách khác. Những người này có thể vì một
mục đích thực dụng nào đó cho cá nhân hay tập thể, nên mới có những hành xử kém
hiểu biết và thiếu nhân văn như vậy! Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi
vì kinh nghiệm cho thấy, càng khó khăn, khổ sở bao nhiêu thì niềm tin và đời sống
đạo lại càng sống động. Nhưng điều đáng sợ hơn cả chính là những trào lưu tục
hóa đang dần bách hại tinh thần của chúng ta. Những phim ảnh, sách báo, băng
đĩa xấu đang lan tràn mọi nơi. Những thứ này nó phá hủy từ bên trong, nên có sức
làm băng hoại đời sống đạo đức, luân lý nơi con người. Đây mới là thử thách
đáng phải quan tâm!
Sống trong xã hội như
thế, người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống lành mạnh...
Khước từ những điều không phù hợp với luân lý Kitô giáo. Còn nếu có gặp khó
khăn, bắt bớ, cấm cách, chúng ta an tâm, vững tin vào Chúa Quan Phòng, vì những
lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ thực thi vai trò của Người như xưa Người đã làm nơi
các Tông đồ và các bậc tiền nhân của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con được ơn can đảm, trung
thành với Chúa và Tin Mừng của Chúa. Amen.