Làm thế nào để giúp người Kitô Giáo và Hồi Giáo sống chung với nhau (phần 1)

 

Cuộc nói chuyện với cha Samir Khalil Samir, giáo sư người Ai Cập, dòng Tên

 

 

Rôma ngày 22/2/2004

 

Trong cuộc nói chuyện với Zenit, cha Samir Khalil Samir, dòng tên, khẳng định rằng sự hội nhập của những người Hồi Giáo tại Âu Châu là điều cần thiết và có thể là một điều tốt cho Hồi Giáo và cho Âu châu.

 

Tác giả của « 100 câu hỏi về Hồi Giáo », cuốn sách đàm thoại với Giorgio Paolocci et Camille Eid được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, cha Samir Khalil Samir cũng là giáo sư tại Đại Học Thánh Giuse ở Beyrouth và tại Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương ở Rôma.

 

Zenit : Câu hỏi quan trọng nào phải đặt ra về Hồi Giáo ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Câu hỏi thật đơn giản : Hồi Giáo là gì ? Hồi Giáo là một tôn giáo vừa giống và vừa khác Kitô Giáo. Về những giá trị sâu xa, có những điểm chung với Kitô Giáo. Đừng quên rằng Hồi Giáo ra đời trong bối cảnh địa lý, văn hoá và lịch sử trong đó Do Thái Giáo và Kitô Giáo đã hiện diện. Ở thành phố Mecque có rất nhiều người Kitô Giáo và ở Médine, thành phố thứ hai của Hồi Giáo, có nhiều người Do Thái.

 

Bối cảnh của văn hoá du mục, trong môi trường Á Rập, làm cho cách quan niệm về  Thượng Đế và tôn giáo khác biệt. Khi tôi nói khác biệt, tôi không phán đoán về phẩm chất, đơn giản chỉ là sự khác biệt.

 

Người tây phương đã cố đồng hoá Hồi Giáo vào một hình thức Kitô Giáo hoặc đối lập Hồi Giáo với Kitô Giáo như một điều hoàn toàn khác biệt. Thật ra không nên làm như thế, phải bắt đầu tìm hiểu đó là cái gì.  

 

Zenit : Hồi Giáo có tự cảm thấy « bản chất truyền giáo » của mình không ?

 

Cha Samir Khalil Samir : Cũng như đối với người Kitô hữu, điều thiết yếu là muốn truyền bá Phúc Âm cho mọi người, thì người Hồi Giáo cũng thế, điều thiết yếu là truyền bá Kinh Coran. Điều này có thể biện minh và là điều đúng. Vấn đề được đặt ra khi cách thức thực hành trở nên gay gắt. Đó là một vấn đề khi người Kitô Giáo, trong ước muốn loan báo Đức Kitô và Phúc Âm cho mọi người, làm việc đó một cách hơi gắt gao hay khinh thường những người không cùng một cách nhìn về thế giới.

 

Nếu tôi tự tin đã khám phá ra điều gì tốt đẹp và bởi lòng nhân hậu và tình bằng hữu, tôi muốn truyền đạt điều này thì điều đó không có vấn đề, với điều kiện là tôi làm nhưng tôn trọng tự do của mọi người. Nó còn trở thành một hành vi huynh đệ và yêu thương nữa.

 

Zenit : Nhưng một số người muốn loan truyền Hồi Giáo bằng những con đường không hoà bình...

 

Cha Samir Khalil Samir : Đúng thế, chúng ta nhận thấy ngày hôm nay thường có những người muốn loan truyền Hồi Giáo bằng những phương tiện không luôn luôn có tính cách hoà bình. Người ta đã thấy có người làm điều đó với chiến tranh.

 

Tôi tin rằng khi chúng ta nói về chiến tranh, không nên nói « nhưng những người Kitô Giáo đã làm những cuộc thánh chiến », bởi vì theo cách đọc lịch sử của tôi, mục đích của thánh chiến không nhằm Kitô hoá những người Hồi Giáo. Thánh chiến có mục đích bảo vệ về mặt quân sự và xã hội. Họ không bao giờ đến đó để hoán cải những người Hồi Giáo. Có thể họ đến đó chỉ để bảo vệ những người Kitô Giáo và những trục giao thông của những cuộc hành hương đến Đất Thánh thôi.  

 

Hồi Giáo đã luôn luôn dự tính sự xâm chiếm và chiến tranh. Không phải để cho bạo động. Không bao giờ có điều đó. Hồi Giáo không chấp nhận nguyên tắc « bạo động cho bạo động » và sẽ không bao giờ xử dụng chiến tranh để xâm lăng.

 

Niềm tin của Hồi Giáo được loan truyền nhất là qua trung gian của những thương gia - trường hợp Ấn Độ và Mã Lai - và qua trung gian của những nhà chiêm niệm. Đã có nhiều phương cách để loan truyền. Sự kiện muốn loan truyền niềm tin của mình và chia sẻ nó là một hành vi cao thượng. Có lẽ cần phải làm điều gì đó để đào sâu khái  niệm loan truyền mà người Hồi Giáo gọi là « dawa » và người Kitô Giáo gọi là « mission ».

 

Zenit : Trong kinh Coran, người ta thấy có sự bạo động và sự bất bạo động…

 

Cha Samir Khalil Samir : Bạo động đã hiện diện trong Kinh Coran và trong cuộc đời  của Đức Mahomet. Ai xác định ngược lại có nghĩa là người ấy chưa đọc Kinh Coran và chưa biết Đức Mahomet. Những tiểu sử đầu tiên về ngài có tựa đề là những cuốn sách về sự xâm chiếm. Người Hồi Giáo gọi những cuốn sách đó như thế.

 

Nhưng đồng thời khi tôi khẳng định rằng có bạo động trong Kinh Coran, tôi cũng phải nói rằng người ta tìm ra trong đó sự « bất bạo động » cũng như trong đời sống của Đức Mahomet. Tôi không đang nói ngược lại với chính tôi. Đó là thực tại.

 

Sự bạo động đã gắn liền với Hồi Giáo đang nảy sinh. Câu hỏi sâu xa hơn mà chúng ta phải tự hỏi là làm sao hoà hợp những sự kiện bạo động trong Kinh Coran buộc, tôi nói buộc, người ta gần như phải giết người trong một số trường hợp và đồng thời có  những đoạn văn buộc, tôi lập lại buộc, người ta không được làm điều dữ và phải tôn trọng sự đa dạng ? Người ta thấy cả hai cách nhìn và chúng ta chỉ bắt đầu hiểu thực tại Hồi Giáo một cách toàn diện nếu chúng ta đặt ra câu hỏi này.

 

(xin xem tiếp phần 2)

 

 

Thông tấn Zenit (zenit.org/french)

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà