Đức Tân Giáo Hoàng hứa một triều giáo hoàng cho sự đối thoại

 

 

Ngày 20/05/2005

 

ĐGH Benedicto XVI đã đến Điện Tông Đồ lúc trước 9 giờ sáng nay. Bài diễn văn của ngài hôm nay được mọi người chờ đợi sau bài diễn văn ngắn hôm qua trong đó ngài tự giới thiệu mình như một « người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Thiên Chúa ».

 

Theo đài truyền hình Vatican, ĐTGH đã đọc bài diễn văn đầu tiên bằng tiếng La Tinh (một dấu hiệu cho thấy ngài thích truyền thống) về chương trình hoạt động của ngài trước các ĐHY tham gia bầu trong nhà nguyện Sixtine. Ngài đã cám ơn các ĐHY đã bầu ngài và cho biết « sự ngạc nhiên » của ngài khi được bầu. Ngài đã muốn trấn an những hoàng tử của Giáo Hội về ý hướng muốn phát triển sự điều hành tập thể trong Giáo Hội, nghĩa là để cho các bậc thẩm quyền tham gia vào những quyết định. Mặt khác, những ý tưởng liên quan đến sự cởi mở đối thoại với những tôn giáo khác, sự tìm kiếm việc hiệp nhất các Kitô hữu, tiếp tục thi hành tinh thần Vatican II sẽ trấn an những người băn khoăn vì cuộc bầu một vị hồng y có tiếng là rất bảo thủ lên cương vị cao nhất trong Giáo hội.

 

ĐGH Benedicto XVI cũng ca ngợi vị tiền nhiệm là ĐGH Gioan Phaolô II và khẳng định ngài sẽ có mặt tại đại hội Những Ngày Thế Giới của Giới Trẻ vào tháng tám tại Cologne, Đức, một đại hội do sáng kiến và rất được coi trọng bởi ĐGH Gioan Phaolô II.

 

ĐGH « rất truyền thống » Benedicto XVI có trước mắt một phận sự to tát ngoài việc tiếp nối ĐGH Gioan Phaolô II. Được hỏi mới đây bởi báo chí Ý, ngài đã nhấn mạnh theo ngài có ba lời nền tảng : « hoà bình, hiệp nhất và chân lý ». Trong những tháng sắp tới, ngài sẽ phải tập trung vào hai lời đầu.

 

Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt trong thế giới thứ ba, đã biểu hiệu sự mong muốn có một ĐGH có khả năng đáp ứng lại những điều họ mong đợi, đặc biệt sự mềm mỏng về giáo thuyết đạo đức. Nhưng mặt khác, các ĐHY qui tụ tại Vatican đã nhấn mạnh một cách rõ ràng tầm quan trọng của việc loan báo Phúc Âm một cách thành thực và trực tiếp trong xã hội « hậu hiện đại » mà chủ nghĩa tương đối đe doạ niềm tin Công Giáo và Kitô Giáo nói chung. Trong bài giảng cuối cùng với tư cách là niên trưởng hồng y đoàn, ĐGH Benedicto XVI đã đả kích chủ nghĩa tương đối này như một « chế độ độc tài » và tiếc rằng người ta coi việc loan báo rõ ràng niềm tin vào Đức Giêsu-Kitô như là một « chủ nghĩa cực đoan ». ĐHY Ratzinger cũng đã không do dự chỉ trích Âu Châu đã cố quên gốc rễ Kitô Giáo của mình và tỏ ra nghi ngờ việc gia nhập Liên Minh Âu Châu của nước Thổ Nhĩ Kỳ, một nước mà phần đông theo Hồi Giáo. Người ta đang chờ đợi phản ứng của ngài với tư cách là Tân Giáo Hoàng.

 

Theo những người đã làm việc với ngài trong nhiều năm, ĐGH có thể sẽ mang lại nhiều điều không ngờ khi nói đến con người. Hình ảnh nghiêm khắc của ngài gắn liền với cương vị tổng trưởng Bộ Tín Lý. Nhưng nhà giáo sư thần học Joseph Ratzinger vào thời công đồng Vatican II đã có những ý tưởng rất khác về Giáo Hội. Vào thời đó, ngài là một trong những người muốn canh tân Giáo Hội, nhưng từ năm 1968, ngài lo lắng trước tinh thần đả kích lan tràn trong các khoa thần học, nhất là sự thu hút của chủ nghĩa Macxít đối với nhiều nhà thần học Đức, do đó ngài đã theo khuynh hướng một sự thông hiểu chính đáng hơn về công đồng Vatican II.

 

Vào năm 1978, trong dịp những hội nghị mật, ngài đã quen ĐHY Karol Wojtyla và trở thành thân thiết vì thán phục sự chân thành, sự đơn giản, sự cởi mở hồn nhiên cũng như sư hiểu biết về triết học và thần học của ĐHY người Ba Lan này. ĐGH Gioan Phaolô II đã mời ngài đến Rôma giữ chức tổng trưởng Bộ Tín Lý, nhưng ngài từ chối cho tới năm 1981. Suốt 23 năm với trọng trách này, ĐHY Ratzinger hành động như một nhà thần học thấu hiểu triết học và thần học của thời đại mình. Mỗi tối thứ sáu, ngài làm việc trực tiếp với ĐGH Gioan Phaolô II và mỗi thứ ba, ngài và các nhà thần học khác cùng ăn trưa với ĐGH Gioan Phaolô II để bàn luận về những vấn đề tổng quát : đạo đức sinh học, hiệp nhất Kitô Giáo, thần học giải phóng... 

 

 

Lang Biang tổng hợp tin tức báo Le Figaro và AFP

 

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục