Chúng ta có một gương mẫu hoàn hảo để trở thành những nhà truyền giáo : Đức Giêsu Kitô

 

Phần 1

 

 

Rôma ngày 19/10/2007

 

Ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người kitô hữu dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng mới. Nhưng làm sao rao giảng Tin Mừng ? Để cố gắng trả lời câu hỏi này, ông Jean-Luc Moens, thành viên của Cộng Đồng Emmanuel, đã viết cuốn sách với tựa đề là « Noi gương Đức Giêsu Kitô, nhà truyền giáo ». Ông đã tham gia vào nhiều dự án truyền giáo lớn như những đại hội quốc tế về sự truyền giáo mới tại Vienne, Paris, Lisbonne, Bruxelles và Budapest. Ông đã nói chuyện với Zenit về cuốn sách này của ông.

 

Zenit : Ý tưởng của cuốn sách đã được nảy sinh ra sao thưa ông ?

 

J.L. Moens : Trực giác về cuốn sách đã được dựa trên một sự khẳng định rất mạnh mẽ của ĐGH Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi, một tài liệu đã hơn 32 năm nhưng không một nếp nhăn ! ĐGH viết : « Chính Đức Giêsu, Phúc Âm của Thiên Chúa, đã là nhà truyền giáo đầu tiên và cao cả nhất. Ngài đã là nhà truyền giáo cho tới cùng : cho tới sự hoàn hảo, cho tới sự hy sinh đời sống trần gian của mình ». Ngày hôm nay, Giáo Hội và các ĐGH tiếp nhau mời gọi chúng ta một sự truyền giáo mới. Lời mời gọi này được gửi đến mọi người, ngay cả những người giáo dân. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là thực hiện điều đó ra sao. Tôi viết cuốn sách này là nhằm trả lời câu hỏi này. Câu trả lời của tôi thì rất đơn giản nếu tôi có thể nói như thế : tôi đề nghị noi gương Đức Giêsu ! Thật vậy, nếu Đức Giêsu là nhà truyền giáo hoàn hảo thì chúng ta có một gương mẫu noi theo để chúng ta cũng có thể trở thành những người truyền giáo và như thế đáp lại lời kêu gọi của Ngài để đi và loan báo Tin Mừng trên toàn thế giới.

 

Zenit : Ông đề nghị với độc giả theo gương Đức Kitô. Như thế có phải là đặt đích hơi cao không ? Ông sẽ làm họ ngã lòng không ?

 

J.L. Moens : Đời sống kitô hữu là theo Đức Kitô và theo gương Ngài. Đó là điều mà các thánh làm. Các ngài đã làm vì tình yêu đối với Đức Giêsu. Chẳng hạn á thánh Charles de Foucauld đã viết : « Sự noi gương thì không thể tách rời khỏi tình yêu : đó là bí mật của đời tôi. Tôi đánh mất trái tim mình vì Đức Giêsu thành Nazareth này… và tôi sống để tìm cách noi theo gương Ngài trong khả năng yếu đuối của mình ». Vấn đề do đó không phải là noi gương Ngài có khó khăn hay không. Vấn đề đúng hơn là chấp nhận rằng ơn gọi của người kitô hữu chúng ta là noi gương và đi theo Đức Kitô. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người để chúng ta có thể noi gương Ngài ! Trong hành trình noi gương này, nó không phải là điều gì khác hơn là lời gọi chung đến sự thánh thiện, chúng ta không bị bỏ rơi với sức riêng của mình. Đức Giêsu ở với chúng ta, ân sủng của Ngài đi trước chúng ta.

 

Mặt khác, mỗi người trong chúng ta được đánh động bởi một khía cạnh trong nhân phẩm rất phong phú của Đức Kitô. Thánh Phanxicô và thánh Clara thành Assise đã noi gương nghèo khó của ngài. Thánh Vincent de Paul và mẹ Têrêsa đã noi gương lòng nhân từ của Ngài. Thánh Têrêsa hài đồng đươc đánh động bởi lòng thương xót của Ngài. Thánh Phanxicô Xaviê đã mang ra thực hành lời kêu gọi loan báo Phúc Âm cho các nước của Ngài… Trong cuốn sách, tôi đề nghị nhiều phương cách noi gương Đức Giêsu truyền giáo. Dĩ nhiên là nếu bạn muốn bắt chước Ngài để làm phép lạ như Ngài thì con đường xem ra rất khó đấy ! Nhưng Đức Kitô đã không chỉ truyền giáo bằng sự giảng thuyết và bằng những phép lạ.

 

Zenit : Thưa ông, ông đề nghị những con đường nào để theo Đức Kitô ?

 

J.L. Moens : Tôi đề nghị 7 đường hướng chính trong 7 chương của cuốn sách. Trong mỗi chương, tôi đề xướng những con đường cụ thể có thể làm bởi mọi người để trở thành những nhà truyền giáo theo gương Đức Giêsu.

 

Điều đầu tiên đánh động tôi khi tôi suy niệm về cách thức mà Thiên Chúa đã xử dụng để truyền giáo cho chúng ta, đó là sự nhập thể !  Khi Thiên Chúa muốn truyền giáo cho chúng ta, cứu độ chúng ta, Ngài gửi Con Một của Ngài làm một người trong chúng ta ! Điều này rất cách mạng ! Thiên Chúa không như những kỹ thuật viên đứng sau màng kính xử dụng những chất phóng xạ bằng những máy rôbô. Khi Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta, Ngài tự làm người. Khi trở thành người, Ngài ban cho bản chất con người nhân phẩm cao vời. Ngài sống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài sống bên cạnh chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, mọi hoạt động truyền giáo đều bao gồm sự gần gũi với tha nhân. Đó là điều mà các nhà truyền giáo đi xa đã làm. Họ đã học hỏi ngôn ngữ, văn hoá của các dân tộc mà họ đươc sai đến. Sự nhập thể còn dậy chúng ta nhiều điều khác. Chẳng hạn sự lắng nghe. Người ta thường nghĩ rằng truyền giáo là phải nói. Điều đó đúng trên một khía cạnh, nhưng tôi nghĩ điều đó chỉ có thể thực hiện sau khi đã lắng nghe và tìm hiểu…

 

Điều thứ hai đánh động tôi là sự liên hiệp của Đức Kitô với Cha Ngài. Đức Giêsu đã không rơi vào một hoạt động sôi nổi. Ngài luôn đặt sự liên hiệp với Thiên Chúa Cha lên hàng đầu. Thức ăn của ngài là làm theo ý Cha. Do đó Ngài có một đời sống cầu nguyện phong phú. Các sách Phúc Âm cho chúng ta thấy Ngài thường thức đêm trên núi để cầu nguyện. Đó là bí quyết của mọi sự truyền giáo : cầu nguyện và liên hiệp với Thiên Chúa. Đức Mẹ cũng làm điều đó khi mời gọi chúng ta tại Lộ Đức, tại Fatima hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi. Cầu nguyện là một hành vi rất có tích cách truyền giáo !

 

Zenit : Ông cũng dành một chương cho Chúa Thánh Thần. Tại sao thưa ông ?

 

J.L. Moens : Tôi thâm tín rằng Chúa Thánh Thần là chìa khoá của mọi việc truyền giáo. Các Phúa Âm cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu được tràn đầy Chúa Thánh Thần và Ngài hành động với sức mạnh của Thần Linh. Bản tóm lược giáo lý của Giáo Hội công giáo nói rằng tất cả đời sống và sứ mạng của Đức Kitô được diễn ra trong sự hiệp thông hoàn toàn với Chúa Thánh Thần.

 

Điều rất đặc biết là Đức Giêsu đã không muốn giữ Thần Linh cho riêng Ngài. Ngài đã hứa ban cho chúng ta và Ngài đã ban cho chúng ta. Mỗi người trong chúng ta khi được chịu phép thanh tẩy và phép thêm sức là chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Mỗi lần rước lễ là mỗi lần chúng ta đón nhận mình thánh Đức Kitô đầy Thần Linh. Nếu chúng ta để cho Thần Linh này hướng dẫn, chúng ta sẽ trở nên những người bắt chước Đức Kitô trở nên những nhà truyền giáo. Đó là điều đã xẩy ra ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống với các tông đồ lúc đó còn thiếu can đảm sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh. Dưới sức mạnh của Thần Linh, các ngài ra khỏi nhà và nói trước đám đông mà ngay cả những người nói tiếng khác nhau cũng hiểu…

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 




Về Trang Mục Lục