Lời kêu gọi của ĐGH hãy tự phê bình

 

 

Paris ngày 30/11/2007

 

Trong thông điệp thứ hai được phát hành hôm qua, ĐGH Bênêđictô XVI gợi đến một tôn giáo quá « hiện sinh » và « phần lớn chú trọng đến cá nhân và sự cứu rỗi của nó ».

 

Qua thông điệp này, ĐGH Bênêđictô XVI khẳng định mình là ĐGH thần học gia, giáo sư và nhà mục tử. Thông điệp thứ hai của ngài, Spe salvi (Được cứu thoát bởi niềm hy vọng), được phát hành hôm qua kêu gọi người công giáo trở lại với những điều nền tảng của mình. Trong một xã hội dựa trên sự tiến bộ và khoa học, bị xao động bởi những cuộc cách mạng, người tín hữu, đôi khi bị cô lập hoá, phải đem đến câu trả lời của mình : niềm hy vọng kitô giáo. Bản văn rất riêng tư, tinh thần và đặc biệt này rât khác với những thông điệp của vị tiền nhiệm, ĐGH Gioan Phaolô II, thực tế hơn và mang mầu sắc chính trị hơn.

 

Giáo sư Joseph Ratzinger tố cáo « bộ mặt hai chiều của tiến bộ », nguồn gốc của điều lành nhưng cũng là nguồn gốc của những khả năng vô đáy của sự dữ. Ngài lên án ảo ảnh của một thế giới hoàn hảo được các ý thức hệ vô thần và mác-xít đề nghị, ngài tiếc rằng có sự phủ nhận đời sống vĩnh cửu và viễn tượng của sự chết bởi một xã hội được hướng dẫn bởi đời sống tiện nghi và những đòi hỏi của trình độ sống.

 

Gần hai năm sau thông điệp đầu tiên, Deus caritas est, về tình yêu và lòng bác ái, ĐGH cống hiến gần 80 trang cho một đức tính khác trong ba đức tính thần học (tin, hy vọng, bác ái) và nhắc nhở rằng đối mặt với những hy vọng nhỏ bé của đời sống thì có niềm hy vọng lớn lao là niềm tin vào Thiên Chúa.

 

Trong khi người công giáo bắt đầu bước vào Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị Giáng Sinh, ĐGH Bênêđictô XVI yêu cầu họ hãy khám phá lại ý thức tập thể của mình. Ngài kêu gọi họ « tự phê bình về Kitô giáo hiện đại » để đáp ứng với những đòi hỏi hiện đại, đã trở nên hơi quá « hiện sinh » và « phần lớn chú trọng đến cá nhân và sự cứu rỗi của nó ». Người kitô hữu « phải học hỏi bằng một cách mới mẻ đâu thực sự là niềm hy vọng của mình ».

 

ĐGH nhận địng rằng công lý là lý lẽ nền tảng cho niềm tin vào đời sống vĩnh cửu. Ngài khẳng định lại những ý niệm về thiên đàng, địa ngục và luyện ngục như những biểu tượng cho sự hiện hữu của công lý : công lý của ngày phán xét cuối cùng.

 

Cha Federico Lombardi, Dòng Tên và phát ngôn viên của thành Vatican, đã chú thích : « Niềm thâm tín của ĐGH là sự từ chối niềm tin và niềm hy vọng kitô giáo, và cho cùng là sự từ chối Thương Đế, cuối cùng dẫn con người đến tự mất chính mình ».

 

Trong bài học lớn lao thâm bác này, với kiểu viết sâu sắc của mình, ĐGH Bênêđictô XVI xử dụng những đối chiếu triết học, văn chương và gương các thánh. Ngài tiếp tục như thế, ở tuổi 81, công việc của một nhà thần học Đức được nuôi dưỡng bởi những đối chiếu sau Thế Chiến thứ hai và lịch sử Âu châu của thế kỷ 20. Sau ba năm trong triều giáo hoàng, ĐGH Bênêđictô XVI muốn tiếp tục triển khai tư tưởng của ngài về những nguyên tắc nền tảng của truyền thống công giáo và mở ra những viễn tượng thần học mới. Một thông điệp trong tương lai về niềm tin kitô giáo là điều có thể.

 

Nhưng một bản văn thứ ba vào tháng hai tới đã được loan báo : liên quan đến những vấn đề xã hội, thông điệp này chắc chắn sẽ ít riêng tư hơn, chính trị hơn và ít tinh thần hơn. 

 

 

Nhật báo Le Figaro

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục