Ý nghĩa của sự đau khổ trong thông điệp về niềm hy vọng của ĐGH Bênêđictô XVI

 

 

Rôma ngày 30/11/2007

 

Trong thông điệp mới, ĐGH Bênêđictô XVI giải thích rằng con người có giá trị trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài nhập thể làm người để có thể thương xót với con người. Từ đó tràn lan trong tất cả những đau khổ sự an ủi của tình yêu Thiên Chúa và như thế xuất hiện ánh sao của niềm hy vọng.

 

Với tư cách là nhà thần học và mục tử các tâm hồn, ĐGH Bênêđictô XVI cho phát hành sáng thứ sáu này thông điệp mới « Spe salvi » về đề tài niềm hy vọng kitô giáo, phân tích những nghi vấn và những âu lo của con người cũng như những nguyên nhân của chúng.

 

ĐGH giải thích rằng theo niềm tin kitô giáo, ơn cứu độ đã được cho chúng ta là « niềm hy vọng đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối đầu với hiện tại ». Thiên Chúa là nền tảng của niềm hy vọng, Đấng có một khuôn mặt con người và đã yêu thương chúng ta cho đến cùng, cá nhân mỗi người và toàn nhân loại. Khuôn mặt này là khuôn mặt của Đức Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá và điều Ngài mang đến là sự gặp gỡ với Thiên Chúa của mọi chúa. Sự gặp gỡ với Thiên Chúa sống động là điểm thiết yếu của đời sống con người. ĐGH nói : « Ai không biết đến Thiên Chúa, dù có nhiều niềm hy vọng khác nhau, thật ra là người không có hy vọng, không có niềm hy vọng lớn lao giúp đỡ cuộc sống : tình yêu của Thiên Chúa không điều kiện trong Đức Giêsu Kitô ». Niềm hy vọng lớn lao này là điều cần thiết trong những thử thách khó khăn. Một trong những thử thách đó là sự đau khổ, nó có thể trở thành một « trường học » của hy vọng.

 

ĐGH nói : « Chúng ta có thể tìm cách giới hạn sự đau khổ, tìm cách chống lại nó, nhưng chúng ta không thể loại trừ nó. Không phải sự kiện cố né tránh đau khổ, trốn chạy trước đau khổ sẽ chữa lành con người, nhưng là khả năng chấp nhận những gian truân và được trưởng thành bởi chúng, tìm ra ý nghĩa trong đó qua sự liên kết với Đức Kitô, người đã trải qua đau khổ với một tình yêu vô biên ».

 

Trong những chứng nhân của niềm hy vọng mà ĐGH dẫn chứng có vị thánh tử đạo Việt Nam Phaolô Lê Bảo Tịnh, chết năm 1857; ĐGH nhấn mạnh rằng « Bức thư từ địa ngục » của ngài nêu rõ lên sự biến dạng của đau khổ bằng sức mạnh của hy vọng đến từ lòng tin : « Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, giữa những cực hình làm người khác buồn bã thì lòng tôi tràn đầy niềm vui, bởi vì tôi không cô đơn một mình, nhưng Đức Kitô hiện diện bên tôi ». ĐGH giải thích rằng vị thánh tử đạo này dậy cho chúng ta rằng trong niềm hy vọng, sự đau khổ, dù không ngừng là sự đau khổ, trở nên lời hát ngợi ca.

 

ĐGH nhắc nhở rằng đây là một vấn đề trọng yếu, bởi vì dù là cá nhân hay xã hội, sự cao cả của nhân loại được xác định chủ yếu bởi tương quan của nó với sự đau khổ và người đau khổ : « Một xã hội không biết chấp nhận những người đau khổ và không có khả năng, bởi lòng thương xót, chia sẻ và đảm nhận sự đau khổ là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo ».

 

Tuy nhiên ĐGH kết luận : « Xã hội không thể chấp nhận những người đau khổ và nâng đỡ họ trong những đớn đau của họ nếu chính mỗi người không có khả năng làm điều đó và mặt khác, mỗi người không thể chấp nhận sự đau khổ của tha nhân nếu chính mình không tìm ra ý nghĩa cho sự đau khổ, một con đường của sự thanh tẩy và sự truởng thành, một con đường của niềm hy vọng ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục