ĐHY Schönborn : Kitô giáo đích thực là một giải đáp thay thế

Phần 1

 

 

Rôma ngày 4/9/2007

 

Nhân dịp ĐGH sẽ thăm viếng Áo quốc, thông tấn Zenit đã có cuộc nói chuyện với ĐHY Schönborn, chủ tịch HĐGM Áo về ĐGH Bênêđictô XVI và những đề tài khác

 

Zenit : Cuộc thăm viếng của ĐGH Bênêđictô XVI đang được bàn đến. Vậy ĐTC thật sự là ai ?

 

ĐHY Schönborn : Điều đó thật đơn giản. Ngài là người kế vị thánh Phêrô và do đó là đại diện của Đức Kitô, của Thiên Chúa trong Giáo Hội mắt thấy trên trần gian này. Đồng thời đó là điều khó hiểu và to lớn, nhưng cuối cùng đó là mầu nhiệm của vai trò người kế vị thánh Phêrô. Bản chất của người nắm giữ chức vụ này, quê hương, ngôn ngữ của ngài là những yếu tố quan trọng nhưng chỉ là phụ thuộc. Theo lòng tin của Giáo Hội, trước hết đối với chúng ta, ngài là hiện thân của thánh tông đồ Phêrô giữa chúng ta, với tầm mức, sự cao cả và sức mạnh mà Đức Giêsu đã nói và đã trao vai trò cho ngài, một vai trò vẫn hiện diện bên trên khuôn mặt lịch sử của thánh Phêrô.

 

Zenit : Người ta gặp gỡ ĐTC ra sao thưa ĐHY ?

 

ĐHY Schönborn : Một cách rất bình thường. Riêng tôi, đó là người mà tôi biết từ 35 năm qua, tôi đã học hỏi với ngài và đã cộng tác với ngài trong nhiều năm, một người mà tôi quen biết và rất thích theo thời gian, tôi rất hâm mộ ngài. Nhưng điều đó là trước ngày 19/4/2005, trước khi mà đời sống của chúng tôi bị xáo trộn bởi một sự thay đổi lớn : sự kiện ngài được bầu là người kế vị thánh Phêrô. Có một chiều kích mới trong sự giao tiếp với ngài. Ngài là người, là thầy dậy và là ĐHY mà tôi rất quen biết từ bao năm, nhưng ngài cũng là tông đồ Phêrô.

 

Zenit : ĐHY đã quen biết ĐGH Joseph Ratzinger từ lâu, ĐHY đã giới thiệu cuốn sách về Đức Giêsu của ngài tại Rôma. ĐHY có thể nói về con người của ngài không ?

 

ĐHY Schönborn : Về điều này, người ta có thể nói rất nhiều. Ngài rất cẩn trọng trong những điều riêng tư. Ngài không nói nhiều về đời sống cá nhân của mình, nhưng người ta cảm thấy nơi ngài những gốc rễ kitô giáo sâu xa. Người ta linh cảm ngài lớn lên từ một gia đình rất sùng đạo, một gia đình rất hiệp nhất trong niềm tin và trong tình yêu.

 

Tôi đã có dịp biết chị của ngài, bà Maria, đã chết ngày 2/9/1991. Ba người con đã luôn luôn liên kết với nhau và đã có cha mẹ rất ảnh hưởng trên họ. ĐGH là ai nếu nhìn vào lịch sử của ngài ? Đó là một nhà thần học rất giỏi và thông minh. Tôi không ngần ngại nói rằng ngài là nhà thần học lớn lao cuối cùng của thế hệ Công Đồng : De Lubac, Congar, Rahner, Balthasar. Ngài là nhà thần học trẻ nhất trong nhóm những nhà thần học đã ảnh hưởng trong Công Đồng Vatican II và chắc chắn là một nhà thần học lớn trong số đó xét về những khả năng tri thức và thần học.

 

Zenit : Trong cuộc gặp gỡ của ngài với ĐGH tại Castel Gandolfo, các ngài đã thảo luận chi tiết về chương trình thăm viếng của ĐGH tại Áo quốc. ĐTC mong đợi điều gì trong cuộc thăm viếng này ?

 

ĐHY Schönborn : ĐGH sẽ cho chúng tôi biết lúc đó. Khi ĐGH Bênêđictô XVI nói thì phải biết nghe một cách chăm chú, bởi vì điều ngài nói thì rất sáng sủa, quan trọng, đầy sức mạnh, rất đặc biết và hấp dẫn. Tôi không biết ngài sẽ nói những gì. Chúng ta phải biết rộng mở đón nhận. Điều mà tôi có thể nói một cách chắc chắn là chúng ta sẽ có đủ những điều để tiếp tục suy niệm.

 

Zenit : ĐGH sẽ thấy một tình trạng Giáo Hội ra sao ? Ý kiến của ĐHY Về Giáo Hội Áo ra sao thưa ĐHY ?

 

ĐHY Schönborn : Tình trạng ra sao ? Thật ra chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói điều đó, bởi vì niềm tin nhắm vào Ngài và theo nghĩa này cả mầu nhiệm của các con tim trong tương quan với Thiên Chúa. Chẳng có thống kê nào có thể nói về điều đó. Nhưng hiển nhiên chúng ta đang sống trong một thời mà khoa xã hội tôn giáo, khoa tâm lý về tôn giáo đối với giới trẻ giữ một vai trò quan trọng. Do đó chúng tôi luôn tìm cách phân tích chỗ đứng của tôn giáo trong đời sống của giới trẻ, của những thế hệ trưởng thành và trong đời sống của những người già.

 

Nhiều sự đã thay đổi từ giữa nửa thế kỷ vừa qua. Nhưng không chỉ trong Giáo Hội mà còn trong xã hội nữa. Chúng ta sống trong một xã hội đã thay đổi rất nhiều. Tôi muốn đưa ra một thí dụ trong nhiều thí dụ : trong giáo phận của chúng tôi có một vùng nông thôn và một vùng thành thị, thành phố lớn là Vienne và những vùng xung quanh Vienne, tất cả thuộc tổng giáo phận Vienne. Cách đây 50 năm, những vùng này là đất trồng trọt, ngày hôm nay phần lớn nằm trong ngoại ô của Vienne. Vùng nông thôn đã suy giảm rất nhiều. Có một sự thay đổi sâu xa đối với một phần lớn những người ở đây về phương diện nghề nghiệp, xã hội và gia đình. Tất cả những điều này ảnh hưởng trên thái độ tôn giáo của họ. Tôi nghĩ rằng thách thức mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay, trong một xã hội rất tục hoá như xã hội của chúng tôi, là sống đời sống Kitô giáo, sống niềm tin Kitô giáo, gần như là một giải đáp thay thế, một xã hội trái ngược lại. Không phải là để đứng ra một bên nhưng là đề nghị một Phúc Âm, niềm tin như một giải đáp thay thế thực sự cho xã hội hôm nay.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch





Về Trang Mục Lục