Tình yêu và các tôn giáo khác

 

 

Rôma ngày 30/9/2007

 

Kitô giáo là tôn giáo của tình yêu, sự đối thoại đối với người kitô giáo là sự thực hành tình yêu của Thiên Chúa. Đó là điều mà cha Cinto Busquet của phong trào Focolari khẳng định, cha là chuyên viên về thần học các tôn giáo và đã sống tại Nhật Bản 17 năm. Trong tác phẩm « Giữa Đông phương và Tây phương. Đi tìm một ý nghĩa », cha Cinto Busquet nghiên cứu sự đa dạng văn hoá, sự tìm kiếm và tương quan với Thượng Đế, ý nghĩa của đau khổ và của sự chết.

 

Zenit : Đối thoại với tha nhân có giúp chúng ta tự hiểu mình hơn không thưa cha ?

 

Cha Busquet : Đó là điều chắc chắn. Nhưng khi là một người có đạo, sự đối thoại không chỉ giới hạn trong sự trao đổi tin tức. Đối với những người kitô giáo chúng ta, Thượng Đế tự mặc khải vớí chúng ta qua Đức Giêsu Kitô là một Thượng Đế muốn đối thoại với chúng ta và bởi thế mà « Lời » của Ngài ở giữa chúng ta. Thiên Chúa tự là sự « đối thoại », bởi vì Ngài là sự hiệp thông hoàn hảo của tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần.

 

Do đó ngay khi đó là một sự đối thoại với các tín hữu thuộc tôn giáo khác hay với những người không có một tôn giáo rõ ràng, chỉ cần rằng sự đối thoại này được thể hiện trong tình yêu và trong dấu chỉ của sự hiến dâng và sự lắng nghe đôi bên thì nó nó trở thành kinh nghiệm về Thiên Chúa, về tinh thần của Ngài ; điều này làm sự gặp gỡ trong tương quan tình yêu đôi bên trở thành điều có thể.

 

Zenit : Sự đi lại giữa Đông phương và Tây phương cho phép cha định nghĩa như một người rất hạnh phúc. 17 năm sống tại Nhật Bản đã giúp cha học hỏi gì thưa cha ?

 

Cha Busquet : Rất nhiều. Tóm lại trong một vài lời thì thật khó. Khi đột nhiên người ta phải sống trong một bối cảnh hoàn toàn khác với nơi mình sinh ra và lớn lên thì cái nhìn mọi sự của mình được mở rộng.

 

Với tư cách là người kitô giáo, tôi đã phải suy nghĩ nhiều về niềm tin của mình để làm nó trở nên dễ thấy đối với tha nhân. Trước tiên tôi đã phải học hỏi các loại văn hoá và tôn giáo của nơi đã đón nhận tôi mà không có thành kiến hay hấp tấp để đi đến những kết luận.

 

Tiếp đến, tôi nghĩ là cách sống á đông càng làm cho tôi thích sự thinh lặng và những điều nhỏ bé đầy biểu tượng, nó làm tôi sống bằng trực giác nhiều hơn và để ý hơn đến tha nhân, trong sự tôn trọng sự đa dạng của họ…

 

Zenit : Cha nghĩ sao về vai trò của các tôn giáo tại Á châu thưa cha ?

 

Cha Busquet : Theo lòng tin của chúng ta, tình yêu phổ quát của Thiên Chúa thì không có ranh giới : Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta. Ơn cứu chuộc mà Đức Giêsu Kitô đã đến để chu toàn là cho mọi người. Thần Linh hoạt động trong con tim của tất cả mọi người và hướng dẫn tới điều thiện. Do đó, ngay trước khi có sự loan báo hiển nhiên về Phúc Âm cho các dân tộc khác nhau, Thiên Chúa đã và đang hoạt động giữa họ.

 

Các tôn giáo là biểu hiệu cao cả nhất của các nền văn hoá khác nhau và học hỏi để biết chúng có nghĩa là làm phong phú tinh thần của mình và rộng mở hơn nữa trước sự mênh mông của Mầu Nhiệm Thiên Chúa và chân lý về con người. Các tôn giáo Á châu thấm nhuần tinh thần và sự khôn ngoan. Chắc chắn chúng cũng có thể là điều thúc đẩy, một sự giúp đỡ cho tất cả những người kitô hữu chúng ta.

 

Hơn nữa, để có một sự hội nhập văn hoá hữu hiệu của Phúc Âm tại Á châu, người ta không thể không biết những điều mà những truyền thống tôn giáo của lục địa này đã lọc gọn sau bao thế kỷ lịch sử. Trái lại, như giáo huấn mới đây của Giáo Hội đã mời gọi, chúng ta phải nhìn nhận « tất cả những gì là sự thật và thánh thiện trong các tôn giáo » (Nostra Aetate n.2).

 

Zenit : Chỉ khi yêu thì người ta mới có thể có kinh nghiệm về Thượng Đế. Trong các tôn giáo mà cha biết (phật giáo, shinto giáo và các tôn giáo khác), tình yêu có chỗ đứng trọng tâm không thưa cha ?

 

Cha Busquet : Có và không. Tất cả các tôn giáo đều dậy làm điều thiện, có lòng thương người, biết tự chủ bản năng ích kỷ để phục vụ tha nhân ; chúng ta có thể nói rằng tình yêu, được nhìn như một thái độ của trái tim con người muốn và thực hiện điều lành đối với tha nhân, là điều quan trọng trong tất cả các tôn giáo.

 

Tuy nhiên, tôi nghĩ là người ta có thể nói một cách chắc chắn rằng không có tôn giáo nào đặt tình yêu vào trọng tâm của học thuyết và sự thực hành của mình như kitô giáo. Tất cả những mạc khải của Thiên Chúa qua các Sách Thánh có thể được tóm lược trong một vài chữ sau : « Thiên Chúa là tình yêu » trong thư thứ nhất của thánh Gioan.

 

Đối với người kitô hữu, tình yêu không phải là điều liên quan tới một hành động bên ngoài hay ý muốn của chúng ta, đó là sự tham gia vào sự sống của Thiên Chúa, Ngài là tình yêu. Điều răn mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta là hãy yêu mến nhau. Mặc dù trong phật giáo chẳng hạn, lòng từ bi vô hạn đối với tha nhân được xem như chóp đỉnh của đời sống tôn giáo, nhưng nó không có tích chất trọng tâm của kitô giáo.

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 



 

 


Về Trang Mục Lục