Tại Rôma, các cha Dòng Tên bầu « ĐGH đen »

 

 

Paris ngày 7/1/2008

 

Hội đồng của Dòng Tên gồm 225 thành viên trong dòng đã họp từ thứ hai hôm nay. Dòng của những « người mặc áo dòng đen », được thánh Ignace de Loyola thành lập năm 1540, đang bị khủng hoảng về ơn gọi. Hội đồng suy nghĩ về tương lai và sẽ bầu một cha bề trên mới.

 

Đây là một biến cố đặc biệt : hội nghị cuối cùng đã diễn ra cách đây 12 năm. Hội nghị của dòng lần thứ 35 khai mạc hôm nay tại Rôma. Đang bị xuống dốc và đang tìm kiếm một làn khí mới, 225 cha Dòng Tên sẽ bàn thảo về tương lai của dòng, một dòng đã đi vào lịch sử và có nhiều ảnh hưởng của Giáo Hội công giáo. Nhất là hội đồng sẽ bầu một « ĐGH đen » mới. Cha bề trên dòng trên nguyên tắc được bầu suốt đời, nhưng lần đầu tiên các thành viên sẽ chỉ định một cha bề trên mới sau khi cha bề trên hiện nay từ chức. Cha Peter-Hans Kolvenbach, người Hà Lan, hiện là cha bề trên từ năm 1983, đã xin ĐGH Bênêđictô XVI cho phép về hưu. ĐGH, sau khi đã từ chối một lần, nhận định rằng ở tuổi 80 và sau 24 năm phục vụ là những nguyên do chính đáng cho việc từ chức này. Đối với những thành viên trong dòng, lần bầu cử này sẽ mở ra một chặng mới trong lịch sử thăng trầm của dòng.

 

Từ bốn thế kỷ qua, những « jèzes », những « người mặc áo dòng đen » đã luôn gây chú ý cho mọi người. Khi thì được ngưỡng mộ, rồi bị ghét bỏ, hành hạ và bị tiêu diệt vì ảnh hưởng và sức mạnh của họ, họ được bàn cãi và gợi trí tưởng tượng của mọi người. 19 000 tu sĩ này đang bị khủng hoảng về ơn gọi, bị sự cạnh tranh của các dòng mới, họ tìm cách định nghĩa lại bản chất của mình đã bị lu mờ do những dấn thân và sự thiếu linh động trong 40 năm vừa qua.

 

Sau công đồng Vatican II, các cha Dòng Tên và cha bề trên lúc đó, cha Pedro Arrupe người Tây Ban nha, đã đặt vào trọng tâm của họ việc chống lại nạn nghèo. Dòng mất đi hình ảnh người canh giữ cho chủ thuyết bảo thủ. Sự « hiện đại hoá » này dẫn tới một sự khủng hoảng chưa từng có. Các cha Dòng Tên có những lập trường đi ngược lại chiều hướng chung, dấn thân theo thần học giải phóng. Những hướng đi xa rời chủ thuyết đã gây nghi ngờ và những kết án. Trong một phần tư thế kỷ, cha Kolvenbach đã làm việc cật lực để lập lại lòng tin của triều giáo hoàng, trong tinh thần của lời khấn thứ tư của dòng : vâng phục ĐGH. Sau sự ủng hộ của ĐGH Gioan Phaolô II cho Opus Dei và Các Chiến Binh của Đức Kitô, ĐGH Bênêđictô XVI có vẻ đánh giá cao các cha Dòng Tên và có một vài cha làm việc cho ngài. ĐGH đã trao cho họ một sứ vụ mới nền tảng đối với ngài : chống lại sự mất mát những giá trị đạo đức và tôn giáo trong xã hội.

 

Châm ngôn và cũng là chương trình của các cha Dòng Tên là « Cho sự vinh danh lớn lao nhất của Thiên Chúa ». Nó giải thích sự đa dạng trong những sứ vụ mà các cha làm. Dòng Tên thường được xem như « một phòng thí nghiệm ». Các thành viên tự coi mình là « những người của biên giới » nằm tận những nơi đia lý và tri thức xa xôi của đạo công giáo. Họ có mặt ở khắp nơi, từ những khu phố sang trọng cho tới các trại tị nạn và các ngoại ô đông đúc. Nếu họ bắt đầu đầu tư vào thế giới ảo của Second Life, thì họ cũng điều hành khoảng 20 viện tại Ấn Độ để giúp các thành phần thấp hoà mình vào xã hội. Tại Washington, đại học Georgetown của họ đào tạo các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.

 

Nhưng những hoạt động đa dạng mang mầu sắc địa phương và chính trị này không phải là không có nguy hiểm. Tại Salvador vào năm 1989 có sáu cha Dòng Tên bị lính cuồng tín giết chết. Năm 2002, bộ ngoại giao Hoa Kỳ xuất bản tài liệu xếp những cộng đồng Dòng Tên châu Mỹ La Tinh vào những « nhóm gây rối ». Năm 2003, cha Txema Auzmendi bị bắt tại vùng Basque Tây Ban Nha trong bối cảnh tìm bắt nhóm khủng bố ETA. Năm 2006, cha Elie Koma bị nhóm nổi loạn Hutu giết tại Phi châu.

 

Từ nay Dòng Tên phải có câu trả lời cho nhiều thách thức mà ảnh hưởng tương lai của họ trong Giáo Hội sẽ tuỳ thuộc vào. Các cha Dòng Tên đã thấm nhuần những thay đổi. Càng ngày càng ít hiện diện trong các trường của họ, họ đã phát triển những hệ thống và những cơ cấu do những người giáo dân quản lý. Được sinh ra tại Âu châu, họ càng ngày càng ít Âu châu, giống như giáo Hội công giáo. Nếu các cha Dòng Tên muốn đi theo tâm điểm của mình, họ phải chọn một cha bề trên có nguồn gốc Á châu hay Phi châu, hai lục địa linh động nhất trong bối cảnh của sự đi xuống trầm trọng về nhân lực. Các cha Dòng Tên không thể thiếu một người biết nhiều thứ tiếng, có một cái nhìn tổng quát và có tính cách Rôma để lãnh đạo. Có lẽ, sau 28 cha bề trên người Âu châu đã kế vị thánh Ignace, vị thứ 29 lần đầu tiên sẽ là một người châu Mỹ La Tinh, một người Á châu hay Úc châu…   

 

 

Nhật báo Le Figaro

Lang Biang dịch

Cha Peter-Hans Kolvenbach v Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

 

 


Về Trang Mục Lục