THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

VỀ HUYNH ĐOÀN THÁNH PIÔ X

Chư huynh đệ trong thừa tác vụ giám mục thân mến!

Vì nhiều lý do, việc tha vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục được Tổng giám mục Lefebvre phong chức năm 1988 mà không có phép của Toà Thánh đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt chưa từng thấy trong một thời gian dài, cả trong và ngoài Giáo Hội. Nhiều Giám mục cảm thấy hoang mang trước biến cố bất ngờ này và khó lòng nhìn biến cố này cách tích cực dưới ánh sáng của những vấn đề và nhiệm vụ mà Giáo Hội ngày nay phải đương đầu. Cho dù trên nguyên tắc, nhiều Giám mục và các tín hữu vẫn giữ cái nhìn tích cực đối với mối quan tâm của Đức Giáo hoàng về việc hoà giải, thì vẫn còn đó câu hỏi rằng liệu một cử chỉ như thế có phù hợp với những đòi hỏi thật cấp bách của đời sống đức tin trong thời đại chúng ta hay không. Đàng khác, một vài nhóm lại công khai tố cáo Đức Giáo Hoàng là muốn quay lại thời kỳ trước Công Đồng: hậu quả là một trận cuồng phong chống đối nổ ra và sự cay độc trong làn sóng chống đối này lại làm cho những vết thương chưa lành càng sâu hơn. Do đó, chư huynh đệ thân mến, tôi cảm thấy cần phải gửi đến anh em một lời giải thích nhằm giúp anh em hiểu được những mối quan tâm đã dẫn tôi và các cơ quan có thẩm quyền của Toà Thánh đến quyết định này. Bằng cách đó, tôi hi vọng góp phần vào sự bình an trong Giáo Hội.

Một tai hoạ không lường trước được xẩy đến cho tôi là trong việc tha vạ tuyệt thông, trường hợp của Giám Mục Williamson đã được đưa lên hàng đầu. Thế là cử chỉ thận trọng nhằm bày tỏ tình thương cảm đối với bốn Giám Mục đã được phong chức cách thành sự nhưng không hợp pháp, bỗng chốc trở thành điều gì đó hoàn toàn khác: cử chỉ đó bị coi như sự phủ nhận công cuộc hoà giải giữa các Kitô hữu và các tín hữu Do Thái, và như thế, cũng bị coi như đảo ngược điều mà Công Đồng đã xác lập để chỉ đường cho Giáo Hội trong lãnh vực này. Chính vì thế, một cử chỉ hoà giải với một nhóm tín hữu vốn đang ở trong tiến trình ly khai với Giáo Hội, nay lại trở thành cử chỉ mang nội dung hoàn toàn trái ngược, tức là một bước thụt lùi rõ rệt so với những bước tiến hoà giải giữa các Kitô hữu và tín hữu Do Thái đã đạt được kể từ Công Đồng, những bước tiến mà trong tư cách một nhà thần học, các công trình của tôi ngay từ đầu đã góp phần và nâng đỡ. Việc chồng chéo giữa hai tiến trình trái nghịch nhau như thế đã xẩy ra và ngay lập tức khuấy động sự bình an giữa các Kitô hữu và tín hữu Do Thái cũng như trong lòng Giáo Hội. Về việc đó, tôi chỉ có thể hối tiếc cách sâu xa. Tôi được cho biết rằng việc tham khảo thông tin trên internet có lẽ đã giúp hiểu vấn đề sớm hơn. Tôi học được bài học này là trong tương lai tại Toà Thánh, chúng tôi phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn tin tức này. Tôi lấy làm buồn vì ngay cả những người Công giáo, là những người chính ra phải hiểu biết tình hình rõ hơn, lại nghĩ rằng phải tấn công tôi với thái độ thù nghịch công khai. Rõ ràng vì lý do này tôi lại càng phải cảm ơn các bạn Do Thái là những người đã nhanh chóng giúp xua tan sự hiểu lầm và tái lập bầu khí hữu nghị và tin cậy lẫn nhau, bầu khí vốn đã có trong thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và tạ ơn Chúa, bầu khí đó vẫn tiếp tục hiện hữu trong triều giáo hoàng của tôi.

Một lỗi lầm khác mà tôi rất lấy làm tiếc là khi công bố bản quyết định vào ngày 21.01.2009, những trương độ và giới hạn của quyết định này đã không được giải thích cách rõ ràng và thích hợp. Việc tha vạ tuyệt thông nhắm đến những cá nhân chứ không nhắm cơ chế. Việc phong chức giám mục mà không có phép của Đức Giáo Hoàng tạo ra nguy cơ ly giáo, vì nó đe doạ sự hiệp nhất giữa Giám Mục đoàn và Đức Giáo Hoàng. Do đó, Giáo Hội phải phản ứng bằng hình phạt nghiêm khắc nhất là vạ tuyệt thông, nhằm mục đích kêu gọi những người bị phạt hãy ăn năn và trở về với sự hiệp nhất. Điều đáng buồn là 20 năm sau việc phong chức như thế, mục đích vẫn chưa đạt được. Việc tha vạ tuyệt thông cũng nhắm đến cùng một mục đích như khi trừng phạt, tức là mời gọi bốn Giám Mục một lần nữa trở về (với Giáo Hội). Cử chỉ này là điều có thể một khi các bên liên hệ đã bày tỏ sự nhìn nhận trên nguyên tắc quyền bính của Đức Giáo Hoàng trong tư cách Mục Tử, mặc dù có một vài dè dặt trong lãnh vực vâng phục quyền giáo huấn của Đức Giáo Hoàng và quyền bính của Công Đồng. Ở đây tôi quay lại với việc phân biệt giữa cá nhân và cơ chế. Việc tha vạ tuyệt thông là một biện pháp được áp dụng trong lãnh vực kỷ luật của Giáo Hội: các cá nhân được giải thoát khỏi gánh nặng của lương tâm, gánh nặng tạo nên do những án phạt nghiêm trọng nhất trong Giáo Hội. Cần phải phân biệt bình diện kỷ luật này với bình diện giáo thuyết. Xét cho cùng, sự kiện Huynh đoàn thánh Piô X không có được quy chế theo giáo luật là dựa trên những lý do về giáo thuyết chứ không phải những lý do về kỷ luật. Bao lâu Huynh đoàn không có quy chế theo giáo luật thì các thừa tác viên thuộc huynh đoàn không thi hành tác vụ cách hợp pháp trong Giáo Hội. Như thế, cần phân biệt giữa bình diện kỷ luật, vốn liên quan đến những cá nhân trên, và bình diện giáo thuyết là bình diện liên quan đến thừa tác vụ và cơ chế. Để làm sáng tỏ điều này một lần nữa: cho đến khi những vấn đề về giáo thuyết được làm sáng tỏ, Huynh đoàn vẫn không có quy chế theo giáo luật trong Giáo Hội, và các thừa tác viên trong Huynh đoàn – kể cả khi họ đã được tha hình phạt của Giáo Hội – vẫn không thể thi hành tác vụ cách hợp pháp trong Giáo Hội.

Từ năm 1988, Uỷ ban giáo hoàng Ecclesia Dei là cơ quan có thẩm quyền đối với các cộng đoàn và cá nhân, từ Huynh đoàn Piô X hoặc những nhóm tương tự, muốn trở về hiệp thông trọn vẹn với Đức Giáo Hoàng. Dưới ánh sáng của tình hình trên, ý định của tôi là kể từ nay phối hợp Uỷ ban giáo hoàng Ecclesia Dei với Bộ Giáo Lý Đức Tin. Việc phối hợp sẽ cho thấy rõ ràng những vấn đề được bàn đến hiện nay về bản chất là những vấn đề thiết yếu thuộc lãnh vực giáo thuyết, và chủ yếu liên quan đến việc chấp nhận Công Đồng Vaticanô II và quyền giáo huấn hậu Công Đồng của các giáo hoàng. Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ cùng làm việc với các cơ quan để nghiên cứu các vấn đề sẽ xuất hiện (đặc biệt là cuộc họp mỗi thứ Tư của các Hồng Y và hội nghị hằng năm hoặc hai năm). Điều đó sẽ đảm bảo sự tham gia của các vị Tổng trưởng các Thánh Bộ cũng như các đại diện của các Giám Mục trên khắp thế giới vào tiến trình quyết định. Quyền giáo huấn của Giáo Hội không thể bị khô cứng lại ở thời điểm năm 1962, vốn là quan điểm của Huynh đoàn. Nhưng một vài người trong số những người tự cho mình là những người bảo vệ vĩ đại của Công Đồng cũng cần phải được nhắc nhớ rằng Vaticanô II ôm lấy toàn bộ lịch sử giáo thuyết của Giáo Hội. Bất cứ ai mong ước vâng phục Công Đồng phải chấp nhận đức tin đã được tuyên xưng qua các thế kỷ, và không thể làm khô đi cội rễ mà từ đó cây múc lấy sự sống.

Chư huynh đệ thân mến, tôi hi vọng rằng lá thư này sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa tích cực cũng như những giới hạn của quyết định ngày 21.01.2009. Thế nhưng câu hỏi vẫn còn lại là: Biện pháp này có cần không? Có thật sự là điều phải ưu tiên không? Lại chẳng có những vấn đề khác quan trọng hơn sao? Dĩ nhiên có những vấn đề quan trọng và khẩn thiết hơn. Tôi cho rằng trong những bài nói chuyện ngay từ đầu, tôi đã đề ra rất rõ những ưu tiên trong triều đại giáo hoàng của tôi. Tất cả những gì tôi đã nói vẫn tiếp tục không thay đổi như kế hoạch hành động của tôi. Mối ưu tiên thứ nhất của Đấng kế vị Thánh Phêrô đã được Chúa đề ra bằng những lời lẽ minh bạch: “Phần con…. Hãy làm cho anh em con vững tin” (Lc 22,32). Chính thánh Phêrô đã nhắc lại mối ưu tiên này trong thư thứ nhất của ngài: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai tra vấn về niềm hi vọng đang có trong anh em” (1 Pr 3,15). Trong thời đại chúng ta, khi mà trong những vùng rộng lớn của thế giới, đức tin có nguy cơ tàn lụi như ngọn đèn không còn dầu nữa, thì mối ưu tiên lớn nhất là phải làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này, và chỉ cho con người nam cũng như nữ nẻo đường đến với Thiên Chúa. Không phải bất cứ thần linh nào mà là Đấng Thiên Chúa đã ngỏ lời trên núi Sinai; Đấng Thiên Chúa mà chúng ta nhận ra dung nhan Ngài nơi một tình yêu đi đến tận cùng (x. Ga 13,1), tức là nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại. Vào thời điểm này của lịch sử nhân loại, vấn đề đích thực là Thiên Chúa đang biến mất khỏi chân trời nhân loại, và cùng với sự lu mờ của ánh sáng đến từ Thiên Chúa, nhân loại đang đánh mất hướng đi của mình, dẫn đến những hậu quả tàn phá càng ngày càng thấy rõ.

Dẫn đưa con người nam cũng như nữ đến với Đấng Thiên Chúa đang ngỏ lời trong Thánh Kinh, đây chính là mối ưu tiên tối thượng và nền tảng của Giáo Hội và của Đấng kế vị Thánh Phêrô vào thời điểm hiện tại. Hệ quả thuận lý của điều này là chúng ta phải duy trì sự hiệp nhất của các tín hữu. Sự chia rẽ và bất đồng giữa các tín hữu sẽ làm cho tính khả tín của họ khi nói về Thiên Chúa bị đặt thành vấn đề. Do đó nỗ lực thúc đẩy một chứng tá chung giữa các Kitô hữu cho đức tin của mình – tức là nỗ lực đại kết – là thành phần trong mối ưu tiên tối thượng. Thêm vào đó là nhu cầu liên kết tất cả những ai tin vào Thiên Chúa trong việc tìm kiếm hoà bình, xích lại gần nhau hơn và cùng nhau tiến đến nguồn Ánh sáng, cho dù với những hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa – đây là đối thoại liên tôn. Bất cứ ai loan báo rằng Thiên Chúa là Tình Yêu “đến cùng” thì người ấy phải làm chứng cho tình yêu, bằng cách chấp nhận đau khổ và khước từ sự căm ghét, hận thù. Đây là chiều kích xã hội của đức tin Kitô giáo mà tôi đã nói đến trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu.

Như thế, nếu công việc phục vụ vất vả cho đức tin, tình yêu và hi vọng trong thế giới là mối ưu tiên thật sự của Giáo Hội (vẫn luôn là thế, bằng nhiều cách khác nhau), thì một phần của công việc này là những hành vi hoà giải, lớn cũng như nhỏ. Sự kiện nhẹ nhàng mở rộng vòng tay lại đã gây nên sự kích động lớn lao, và như thế đã trở thành điều trái ngược với cử chỉ hoà giải, đó là sự kiện mà chúng ta phải chấp nhận. Nhưng bây giờ tôi xin hỏi: Trong trường hợp này, phải chăng gặp gỡ người anh em “có điều gì chống lại ngươi” (x. Mt 5,23tt) để tìm sự hoà giải là sai sao? Xã hội dân sự lại không cố gắng ngăn cản những hình thức cực đoan và tìm cách giúp hết sức có thể để đưa những thành viên cực đoan này hội nhập đời sống xã hội, nhờ đó tránh được tình trạng loại trừ với tất cả những hậu quả của nó sao? Phải chăng nỗ lực phá vỡ tính ương ngạnh và chật hẹp để kiến tạo những gì tích cực cho toàn thể lại có thể là điều hoàn toàn sai lầm? Trong những năm sau 1988, bản thân tôi đã thấy sự trở lại của những cộng đoàn ly khai với Rôma đã thay đổi thái độ nội tâm của họ như thế nào. Tôi đã thấy sự trở lại với Giáo Hội rộng lớn hơn đã làm cho họ có thể vượt lên trên những lập trường một chiều và bẻ gẫy sự cứng cỏi để những năng lực tích cực có thể phát huy cho toàn thể như thế nào. Liệu chúng ta có thể hoàn toàn dửng dưng với một cộng đoàn gồm 491 linh mục, 215 chủng sinh, 6 chủng viện, 88 trường học, hai học viện ở trình độ đại học, 117 nam tu, 164 nữ tu và hàng ngàn tín hữu? Chúng ta có nên đẩy họ càng ngày càng xa rời Giáo Hội hơn chăng? Chẳng hạn tôi nghĩ đến 491 linh mục. Chúng ta không biết được những động lực của họ phức hợp ra sao. Nhìn chung, tôi nghĩ rằng bên cạnh những yếu tố không lành mạnh, họ đã không chọn chức linh mục nếu họ không có tình yêu đối với Chúa Kitô và ước muốn loan báo Người và cùng với Người, loan báo Thiên Chúa hằng sống. Liệu chúng ta có thể loại trừ họ – coi họ như đại diện của lập trường cực đoan – khỏi nỗ lực theo đuổi sự hoà giải và hiệp nhất không? Họ sẽ ra sao?

Chắc chắn là đôi lúc, và một lần nữa trong dịp đặc biệt này, chúng ta đã nghe từ một vài đại diện của cộng đoàn này nhiều điều không tốt, sự ngạo mạn huênh hoang, nỗi ám ảnh với lập trường một chiều… Tuy nhiên, nói cho đúng, tôi phải thêm rằng tôi cũng đã nhận được một số những chứng từ xúc động bày tỏ lòng biết ơn và cho thấy sự cởi mở của con tim. Nhưng Giáo Hội lại chẳng nên tỏ ra quảng đại hơn trong việc nhận biết chiều rộng lớn lao của mình, cũng như nhận biết lời hứa vĩ đại đã được dành cho Giáo Hội sao? Là những nhà giáo dục tốt, chúng ta lại không thể bỏ qua những lầm lỗi và làm hết sức để mở rộng tầm nhìn sao? Và chúng ta lại không nhận thấy ngay trong lòng Giáo Hội cũng có những điều không tốt sao? Đôi khi người ta có cảm tưởng rằng xã hội chúng ta cần phải có ít nhất một nhóm không được hưởng sự khoan dung, nhóm mà người ta có thể dễ dàng công kích và thù ghét. Và nếu có ai dám đến gần nhóm đó – trong trường hợp này là Đức Giáo Hoàng – thì người đó cũng không được hưởng sự khoan dung; người đó cũng bị đối xử cách thù hận, không nghi ngờ hay kềm hãm.

Chư huynh đệ thân mến, trong những ngày đầu khi có ý tưởng viết lá thư này, tình cờ trong chuyến viếng thăm chủng viện Rôma, tôi phải giải thích và gợi ý về thư Galata 5,13-15. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy đoạn văn trực tiếp nói với chúng ta về thời điểm hiện tại: “Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.’ Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy.” Tôi vẫn bị cám dỗ xem những lời này như kiểu nói hùng biện quá đáng mà thỉnh thoảng ta bắt gặp nơi thánh Phaolô. Ở mức độ nào đó thì đúng là thế. Nhưng thật buồn mà nói rằng “việc cắn xé nhau” cũng đang có mặt trong Giáo Hội ngày nay, hiểu như cách diễn tả sự tự do nhưng lại là thứ tự do bị hiểu sai. Chúng ta có nên ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình cũng không tốt hơn dân Galata? Rằng ít ra chúng ta cũng bị đe doạ vì cùng cơn cám dỗ? Rằng chúng ta phải thường xuyên học lại cách sử dụng tự do cho đúng đắn? Và phải học lại rằng mối ưu tiên tối thượng chính là lòng mến? Ngày mà tôi nói về điều này ở Đại chủng viện, thì vào ngày đó tại Rôma, người ta cử hành lễ Đức Bà Tín Thác. Thật vậy, Đức Maria dạy chúng ta sự tín thác. Mẹ dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ, là Đấng mà tất cả chúng ta có thể đặt trọn niềm tín thác. Người sẽ là Đấng hướng dẫn chúng ta, cả trong những thời điểm sóng gió. Và như thế, tôi muốn gửi lời cảm ơn hết lòng đến nhiều Giám Mục đã dành cho tôi sự quý mến và tin tưởng, và nhất là đã cầu nguyện cho tôi. Tôi cũng gửi lời cảm ơn đến tất cả các tín hữu trong những ngày này đã bày tỏ chứng tá về sự trung tín bền bỉ với Đấng kế vị thánh Phêrô. Nguyện xin Chúa che chở tất cả chúng ta và dẫn bước ta đi trên đường nẻo bình an. Đây là lời cầu nguyện dâng lên cách hồn nhiên từ trái tim tôi vào thời điểm đầu mùa Chay thánh, mùa phụng vụ đặc biệt thích hợp cho việc thanh tẩy nội tâm, cũng là mùa phụng vụ mời gọi tất cả chúng ta, với niềm hi vọng đổi mới, hướng tới ánh sáng đang đợi chờ ta trong lễ Phục Sinh.

Gửi đến chư huynh đệ phép lành đặc biệt

BÊNÊĐICTÔ XVI, Giáo hoàng

Từ Vatican, 10 tháng 3 năm 2009

(Bản dịch của WHĐ)

Nguồn: Hội Đồng Giám Mục VN

http://v3.hdgmvietnam.org/

 

 


Về Trang Mục Lục