Đức Giáo hoàng viếng thăm Trung Đông với tư cách người anh em của người Hồi giáo, của người Do Thái giáo

 

Linh mục David Neuhaus

Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem được thiết lập năm 1099, sau cuộc Thập tự chinh thứ nhất. Khi Thành Thánh rơi vào tay Saladin (lãnh tụ Hồi giáo) vào năm 1187, Tòa Thượng phụ được dời về Acre, rồi về Cyprus, cuối cùng là về Roma. Sau hơn 6 thế kỉ, Đức Thánh Cha Piô IX đã tái lập Tòa Thượng phụ ở Giêrusalem vào năm 1847. Đức Thượng phụ hiện nay là Fouad Twal, người Jordan, coi sóc giáo phận từ tháng 6.2008. Hiện nay, giáo phận có khoảng 70.000 tín hữu thuộc 4 quốc gia: Israel, vùng lãnh thổ Palestin, Jordan và Cyprus, gồm nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và truyền thống khác nhau.

Có 5 vị Đại diện Thượng phụ giúp thi hành mục vụ tại giáo phận: 3 vị là giám mục phụ tá tại Jerusalem, Nazareth và Amman, 1 linh mục tại Cyprus và 1 linh mục đặc trách các cộng đoàn nói tiếng Do thái là cha David Neuhaus, dòng Tên.

Bài phỏng vấn cha Neuhaus sau đây do Karna Swanson thực hiện trên Zenit.org. Trong cuộc phỏng vấn này, cha cho biết Israel đang chuẩn bị đón tiếp cuộc viếng thăm này như thế nào, những thách thức lớn đối với Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm này, và tầm quan trọng lịch sử của sự kiện.

– Israel chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này của ĐGH Bênêđictô XVI như thế nào? Đặc biệt, Người Công giáo nói tiếng Do Thái tại Israel chuẩn bị ra sao?

Cha Neuhaus: Israel, với tính cách một quốc gia, đang chuẩn bị để chào đón một vị khách rất lỗi lạc. Cờ Vatican phất phới trên các đường phố Đức Thánh Cha sẽ đi qua. An ninh, trật tự và  các biện pháp khác đã xuất hiện tại các nơi ngài sẽ viếng thăm. Báo chí đầy những câu chuyện về Đức Giáo hoàng Bênêđictô, về chương trình của chuyến viếng thăm, về các khía cạnh của đời sống Giáo hội, và có lẽ quan trọng nhất, về Giáo hội địa phương vốn ít được để ý đến trong một đất nước trong đó người Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 2% hay 3% dân số.

Tuy nhiên, cộng đồng người Công giáo nói tiếng Do Thái, cũng như cộng đồng người Công giáo nói tiếng Ả Rập, đang chuẩn bị, trước tiên và trên hết, để đón chào vị Mục tử của chúng tôi trong niềm vui và phấn khởi. Chúng tôi dọn mình để lắng nghe và dõi theo, để học hỏi và mở rộng lòng mình. Chúng tôi tràn đầy hy vọng là Đức Giáo hoàng sẽ khuyến khích chúng tôi và giúp chúng tôi hiểu một cách sâu sắc hơn nữa ơn gọi của chúng tôi là một “số nhỏ” trong cái phần đất thường có xung đột này. Chúng tôi thực sự hãnh diện là ĐGH Bênêđictô đã nhấn mạnh rằng ngài đến trước tiên và trên hết để thăm chúng tôi và ở với chúng tôi.

– Đức Thánh Cha đã không ngừng kêu gọi cầu nguyện cho cuộc hành hương này và phát ngôn viên của ngài gọi đây là một chuyến đi”đầy dũng cảm”. Cha có tin là có những nguy hiểm đặc biệt xảy ra cho chuyến viếng thăm Thánh Địa?

Cha Neuhaus: Quả thực, đây là một chuyến đi dũng cảm vì có nhiều hiểm nguy. Chúng tôi đang sống giữa một cuộc xung đột dân tộc-chính trị. Mọi phía đều rất muốn khai thác chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cho mục tiêu riêng của mình. Ngài sẽ tiếp xúc với không chỉ thực tế tôn giáo tại Thánh Địa mà sẽ viếng thăm cả các nhà đại diện chính thức của chính quyền Palestin và Israel.

Ngài sẽ được tiếp xúc với hai tường thuật dân tộc vào lúc đau đớn nhất – khi ngài viếng Yad Vashem (đài tưởng niệm các nạn nhân của Shoah) và Aida Camp (một trại tỵ nạn của người Palestin từ cuộc chiến tranh năm 1948). Những hiểm nguy quả là rõ ràng – Đức Giáo hoàng cố gắng đến như một người hành hương trong cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất. Nhiều người đang chờ đợi để nghe ngài ủng hộ chính nghĩa của họ. Đức Giáo hoàng cố gắng đến như một mục tử. Nhiều người đang tới để chăm chú dõi theo từng lời nói, từng cử chỉ của ngài để rút ra một kết luận chính trị.

Cuộc viếng thăm hẳn đã được tính toán một cách khéo léo để ý định của Đức Thánh Cha có thể được duy trì trong một bối cảnh trong đó nhiều người tìm cách đẩy ngài vào vũng lầy của cuộc xung đột và quyền lợi hẹp hòi. Đức Giáo hoàng cần có lòng dũng cảm của các tiên tri trong cuộc đối đầu với các quyền lực để nói tiếng nói của chân lý và hoàn thành chuyến viếng thăm vùng đất này với tư cách một người hành hương vì hòa bình, thống nhất và tình yêu thương. Xin Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cầu bầu cho ngài có thêm sức mạnh khi ngài bước theo dấu chân của người tiền nhiệm của ngài. Chớ gì cuộc hành hương này dõi theo và đi xa hơn cuộc hành hương tốt đẹp của vị tiền nhiệm của ngài.

– Hồng y Leonarđô Sandri cho biết tuần này là cuộc viếng thăm Thánh Địa này là cuộc viếng thăm ngài đã ao ước thực hiện từ khi ngài mới lên làm giáo hoàng. Tại sao cuộc viếng thăm lại quan trọng như vậy?

Cha Neuhaus: Cuộc viếng thăm quan trọng ở nhiều cấp độ. Trước hết, Đức Thánh Cha tới vùng đất nơi diễn ra lịch sử của cuộc cứu độ chúng ta – đất của các tổ phụ, tiên tri và các hiền nhân của Cựu Ước, đất của Đức Giêsu, Chúa chúng ta và của các môn đệ và tông đồ của Tân Ước. Ngài đến để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của những nơi thánh đối với căn tính là người Kitô hữu của chúng ta bởi vì những nơi này là những đài luôn ghi nhớ lòng trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Thứ đến, ngài đến để khuyến khích và nâng đỡ Giáo hội mẹ ở Giêrusalem. Trong những tuần này, từ lễ Phục sinh đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta đọc sách Công vụ tông đồ và trong đó Giêrusalem và Giáo hội luôn là một điểm quy chiếu.  Chúng ta phải làm giáo hội ở Giêrusalem nên mạnh thành một điểm quy chiếu kiên định về nguồn gốc của chúng ta, và bởi vì chứng từ về Chúa Giêsu là thiết yếu tại đất ngài đã sống.

Thứ ba, Đức Giáo hoàng đến trong tâm điểm của một vùng rối loạn để tỏ rõ gương mặt của Giáo hội với tư cách người cổ vũ cho công lý, cho hòa bình, và quan trọng nhất, cho sự tha thứ và cảm thông. Chúng tôi cần có cuộc thăm viếng này đặc biệt để cổ vũ sự tha thứ, vốn vắng bóng trong các cuộc bàn luận thường có của chúng tôi về cuộc xung khắc tại đây.

Thứ tư, Đức Giáo hoàng đến để cổ vũ đối thoại với cả người Do Thái giáo và người Hồi giáo.

– Cuộc viếng thăm này sẽ là một dịp gặp gỡ giữa người Công giáo, người Do Thái và người Hồi giáo. ĐGH có thể làm gì để đánh tan sự hiểu lầm với Do Thái giáo và Hồi giáo như đã xảy ra cách nay một năm với việc tháo vạ tuyệt thông cho giám mục Richard Williamson, và với bài nói chuyện tại Regensburg vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài vốn làm người Hồi giáo phật lòng?

Cha Neuhaus: Các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo là một yếu tố quan trọng của chuyến viếng thăm. Cũng vậy, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm các địa điểm quan trọng của hai truyền thống tôn giáo – Haram al-Sharif (tại đây, ngài sẽ thăm Đền Đá) và Tường phía Tây. Trước đó sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn giáo trong đó Đức Giáo hoàng sẽ ngỏ lời với hàng trăm người Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo đang hoạt động cho cuộc đối thoại liên tôn giáo, cho giáo dục, ích lợi xã hội, nhân quyền, dân chủ, sự khoan dung – họ làm việc với tư cách những kẻ xây dựng hòa bình và cổ vũ cho công lý và hòa giải.

Cả người Do Thái giáo lẫn người Hồi giáo cũng đang chờ đợi những lời và cử chỉ của sự hòa giải trong bối cảnh của những căng thẳng trước đây. Những khoảnh khắc quan trọng nhất sẽ không chỉ là việc viếng thăm các nhà lãnh đạo tôn giáo và những nơi thánh đối với truyền thống Do Thái giáo và Hồi giáo, mà cả những nơi Đức Giáo hoàng sẽ được thấy những nỗi khổ của người dân trong vùng. Các cuộc viếng thăm này tự chúng là dịp để Đức Thánh Cha bày tỏ với anh chị em Do Thái giáo và Hồi giáo gương mặt của một người anh em khi ngài nói tiếng nói của sự khôn ngoan và tình yêu và có những cử chỉ của sự tôn trọng và cảm thông.

– Đức Giáo hoàng nói rằng ngài tới Thánh Địa với tư cách một “người hành hương cho hòa bình”. Làm sao người đứng đầu Giáo hội công giáo có thể là một lực lượng của hòa bình trong vùng đất này?

Cha Neuhaus: Đây là một thách thức khổng lồ tại một vùng xem ra người ta không muốn dấn thân vào việc tìm kiếm hòa bình. Đức Giáo hoàng đến không phải với tư cách một lãnh tụ chính trị, mà như một người lãnh đạo tinh thần và tôn giáo trong một cuộc hành hương. Điều này có nghĩa là ngài có được sự tự do của Thánh Thần và ngài có thể nỗ lực biến đổi óc tưởng tượng của người trong vùng vốn không nhìn xa hơn sự xung khắc và sự đối đầu.

Hẳn là Đức Thánh Cha sẽ không có một công thức chính trị mới để đề nghị với các nhà lãnh đạo ở đây, nhưng tôi chắc chắn là ngài có thể nhấn mạnh tới các yếu tố thiết yếu cho việc xây dựng hòa bình nhưng lại không được nhắc nhở tới trong các cuộc trao đổi chính trị ở vùng này của chúng tôi. Tha thứ và cảm thông là hai trong số những yếu tố này mà Đức Giáo hoàng, trong cuộc gặp gỡ của ngài với người Israel và Palestin, chắc chắn sẽ nhấn mạnh tới.

Đức Giáo hoàng đến không như một nhà vua. Mà như một nhà tiên tri và một hiền nhân. Điều này làm cho ngài được tư do tới một mức độ nào đó khỏi những ràng buộc của người nắm quyền lực và quyền lợi chính trị và ngài có thể chú tâm tới tình trạng không tốt đẹp của chúng tôi với những lời của chân lý và lòng yêu thương. Nếu ngài chỉ mở óc tưởng tượng của chúng tôi để thấy điều chúng tôi không thể thấy – rằng người khác là anh em của chúng tôi thay vì là kẻ thù của chúng tôi – hẳn ngài cũng đã giúp chúng tôi khử trừ được con quỷ của sợ hãi, của nghi kỵ và hận thù vốn ở trong đầu óc và trong tim của chúng tôi.

– Đối với những ai đang theo dõi cuộc hành trình của Đức Thánh Cha, đâu là những yếu tố chính của môi trường văn hóa cần được ghi nhận?

Cha Neuhaus: Nói một cách thật đơn giản, những ai đang theo dõi Đức Giáo hoàng có lẽ phải thấy rằng ngài tới các vùng đất không phải là Công giáo mà là những vùng đất mang nặng dấu ấn của truyền thống, lịch sử và căn tính Do Thái giáo (Israel) và truyền thống, lịch sử, căn tính Ả Rập Hồi giáo (Jordan và nhà cầm quyền Palestin). Đối với đa số người dân, Đức Giáo hoàng không phải là một mục tử được yêu quý, mà là một chức sắc xa lạ vốn cũng tiêu biểu cho nhiều khổ đau và rối loạn từng ghi dấu ấn trên các quan hệ giữa tín đồ Do Thái giáo và Công giáo một bên, người Hồi giáo và Công giáo một bên.

Chúng ta phải cầu nguyện, tất cả chúng ta, để chuyến viếng thăm này là một khoảnh khắc quan trọng của sự chuyển biến trong đó người Israel và người Palestin, Do Thái giáo và Hồi giáo, có thể thấy được gương mặt của Đức Giêsu Kitô, khiêm nhường, đầy lòng thương xót và người tôi tớ của anh chị em mình, nơi dung mạo của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Đây, cuối cùng, là thách thức nghiêm trọng nhất của cuộc hành trình này.  

(theo zenit.org)

 


Về Trang Mục Lục