Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ ở Erfurt.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 26/09/2011

"Nơi nào có Thiên Chúa, thì ở đó có tương lai"

Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ được tổ chức tại Quảng trường Nhà Thờ Chính Tòa Erfurt, Đức Quốc, ngày 24 tháng 9 năm 2011.

* * *

Anh chị em thân mến,

"Chúc tụng Chúa trong mọi lúc, vì Ngài nhân lành". Đây là những lời mà chúng ta vừa hát trước bài Tin Mừng. Vâng, chúng ta thật có lý do để cảm tạ Thiên Chúa với cả tâm hồn. Nếu chúng ta hồi tưởng lại 30 năm trước, năm Elizabeth 1981, khi thành phố này là một phần của Cộng Hoà Dân chủ Đức, ai có thể tưởng được rằng môt vài năm sau, bức tường và những cuộn dây thép gai tại biên giới có thể bị triệt hạ? Và nếu chúng ta nghĩ xa hơn hơn nữa, khoảng 70 năm, năm 1941, thời Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai, ai có thể dự đoán rằng chỉ bốn năm sau đó "Đế chế ngàn năm" đã trở thành tro bụi?

Anh chị em thân mến, ở đây, tại Thuringia và trong nước Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, anh chị em đã phải sống dưới một chế độ độc tài trước là màu nâu và sau đó là mầu đỏ, là những nền độc tài đã tác động đến đức tin Kitô giáo như trận mưa axit. Nhiều hậu quả của thời kỳ đó vẫn còn đang được giải quyết, nhất là trong các lĩnh vực trí thức và tôn giáo. Hầu hết dân chúng trong đất nước này từ thời gian đó đã phải sống một cuộc sống xa rời đức tin vào Đức Kitô và sự hiệp thông với Hội Thánh. Tuy nhiên, hai thập niên cuối cũng mang lại những kinh nghiệm tốt: một chân trời rộng hơn, một sự trao đổi vượt biên giới, một niềm tin tưởng chính xác rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Ngài dẫn chúng ta dọc theo những con đường mới. "Nơi nào có Thiên Chúa thì nơi đó có một tương lai".

Tất cả chúng ta đều tin chắc rằng sự tự do mới đã giúp cho con người có nhân phẩm cao quý hơn và mở ra nhiều cơ hội mới. Về phần Hội Thánh, chúng ta có thể nhắc đến nhiều điều với lòng biết ơn, vì những điều ấy đã trở nên dễ dàng hơn, dù đó là những cơ hội mới cho các sinh hoạt giáo xứ, sửa chữa và nới rộng các thánh đường cúng các trung tâm của cộng đoàn, hoặc các sáng kiến có bản chất ​​mục vụ hay văn hóa của giáo phận. Nhưng tự nhiên nảy sinh một câu hỏi: những cơ hội này có dẫn đến việc gia tăng đức tin hay không? Người ta có tìm kiếm cội rễ của đức tin và đời sống Kitô hữu trong một điều gì sâu xa hơn sự tự do xã hội không? Thực sự nhiều người Công Giáo dấn thân đã vẫn trung thành với Đức Kitô và Hội Thánh giữa những khó khăn và áp lực từ bên ngoài. Những người này đã chấp nhận những bất lợi cá nhân để sống đức tin của họ. Còn lập trường của chúng ta ngày nay thế nào?

Ở đây tôi có phải cám ơn các linh mục và nhiều người nam nữ đã trợ giúp các ngài trong gia đoạn đó. Tôi muốn đặc biệt nhớ đến việc chăm sóc mục vụ cho những người tị nạn ngay sau Thế Chiến Thứ Hai: nhiều linh mục và giáo dân đã thực hiện được nhiều việc lớn lao để làm giảm bớt cảnh khốn khổ của những người phải từ bỏ cửa nhà, và cung cấp cho họ một căn nhà mới. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các bậc cha mẹ đã dưỡng dục con cái của họ trong đức tin Công giáo ở giữa cộng đồng những người bị phân tán và trong một môi trường chính trị chống giáo sĩ. Với lòng biết ơn tôi xin nhắc lại những Tuần Lễ Tôn Giáo dành cho trẻ em trong những ngày lễ nghỉ và việc làm có hiệu quả của các trung tâm giới trẻ Công Giáo "Thánh Sebastian" ở Erfurt và "Marcel Callo" ở Heiligenstadt. Đặc biệt ở Eichsfeld, nhiều Kitô hữu Công Giáo chống lại tư tưởng Cộng Sản. Xin Chúa thưởng công bội hậu cho tất cả những người ấy vì sự kiên trì trong Đức Tin của họ. Việc làm chứng cách can đảm ấy, đời sống kiên nhẫn với Thiên Chúa ấy, niềm tin tưởng kiên trì vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa ấy như một hạt giống quý giá hứa hẹn hoa trái dồi dào cho tương lai.

Sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn rõ ràng đặc biệt là trong các Thánh. Việc làm chứng cho đức tin của các ngài cũng có thể cho chúng ta lòng can đảm để bắt đầu lại hôm nay. Trên hết, chúng ta có thể nghĩ đến vị Thánh quan thầy của Giáo phận Erfurt: Thánh Elizabeth thành Thuringia, Thánh Boniface và Thánh Kilian. Thánh Elizabeth đã từ một nước ngoài, từ Hung Gia Lợi, đến Wartburg ở đây tại Thuringia. Bà đã sống một đời cầu nguyện nồng nàn, được nối kết với tinh thần ăn năn đền tội và khó nghèo Phúc Âm. Bà thường từ lâu đài đi xuống thành Eisenach để tự mình chăm sóc cho những người nghèo và những người đau ốm. Cuộc đời của bà trên thế gian này thật ngắn ngủi, bà chỉ 24 tuổi khi qua đời, nhưng những hoa quả của sự thánh thiện của bà đã kéo dài qua nhiều thế kỷ. Thánh Elizabeth cũng được các Kitô hữu Tin Lành đề cao. Bà có thể giúp tất cả chúng ta khám phá ra sự viên mãn của đức tin với vẻ đẹp, chiều sâu và khả năng biến đổi cùng thanh luyện của nó, và đem ra áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Việc Thánh Boniface thành lập Giáo phận Erfurt vào năm 742 nhắc nhở cho chúng ta về nguồn gốc Kitô giáo của quốc gia mình. Biến cố này cũng là biến cố đầu tiên được ghi chép mà có nhắc đến thành phố Erfurt. Vị giám mục truyền giáo Boniface đã đến từ nước Anh và việc ngài làm việc trong sự hiệp nhất thiết yếu và trong sự kết hợp gần gũi với Giám Mục Rôma, người Kế Vị Thánh Phêrô, chính là đặc tính của tiếp cận của ngài; ngài biết rằng Hội Thánh phải là duy nhất chung quanh Thánh Phêrô. Chúng ta tôn vinh ngài như "Tông Đồ của nước Đức"; ngài đã chết như một vị tử vì đạo. Hai người bạn đồng hành của ngài cũng đã làm chứng bằng việc đổ máu cho đức tin Kitô giáo, được chôn cất ở đây trong nhà thờ chính tòa Erfurt: Thánh Eoban và Thánh Adelar.

Ngay cả trước khi các nhà truyền giáo Anglo-Saxon đến, Thánh Kilian, một nhà truyền giáo lưu động từ Ái Nhĩ Lan, đã hoạt động ở Thuringia. Cùng với hai đồng bạn, ngài đã chết ở Würzburg như một vị tử vì đạo, vì Ngài chỉ trích các hành vi trái đạo đức của công tước xứ Thuringia, người đã cư ngụ ở đó. Chúng ta cũng không quên Thánh Severus, vị Thánh quan thầy của Hội Thánh ở đây trên Quảng Trường Nhà Chính Tòa này: ngài là Giám Mục Ravenna vào thế kỷ thứ tư và hài cốt của ngài được chuyển đến Erfurt vào năm 836, để củng cố đức tin Kitô giáo tại khu vực này một cách vững chắc hơn. Từ các Thánh này, mặc dù các ngài đã qua đời, phát sinh ra chứng từ sống động kéo dài mãi của Hội Thánh, chứng từ đức tin làm cho mọi thời đại sinh hoa kết quả và chỉ cho chúng ta con đường sống.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi xem các vị Thánh này có những gì giống nhau? Chúng ta có thể mô tả thế nào về đặc tính riêng của cuộc đời các ngài và cũng hiểu rằng đặc này có liên quan đến chúng ta và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta? Trước nhất, các thánh chỉ cho chúng ta rằng sống trong sự liên hệ với Thiên Chúa là điều có thể làm được và tốt đẹp, chúng ta có thể sống mối liên hệ này một cách triệt để, đặt nó ở vị trí hàng đầu, chứ không chỉ nhét nó vào một xó của cuộc đời. Các Thánh giúp chúng ta nhận ra rằng Chính Thiên Chúa đã đến với chúng ta trước. Chúng ta không thể đến được với Ngài, Chúng ta không tài nào có thể đến gần Đấng mà chúng ta không biết, nếu Ngài không yêu chúng ta trước thì Ngài đã không đến với chúng ta trước. Sau khi tỏ mình ra cho tổ phụ chúng ta qua cách mà Ngài đã gọi họ, Ngài đã mặc khải và tiếp tục mặc khải chính Ngài cho chúng ta trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Ngày nay Đức Kitô vẫn đến với chúng ta, Người nói với từng cá nhân, như Người đã làm trong Tin Mừng, và mời mỗi người chúng ta lắng nghe Người, đến để hiểu và đi theo Người. Các Thánh đã làm theo những lời triệu tập và những cơ hội này, các ngài đã nhận ra Thiên Chúa hằng sống, các ngài đã thấy Người, các ngài đã nghe lời Người và đến với Người, các ngài hành trình với Người; có thể nói là các ngài “bị nhiễm” sự hiện diện hay lây của Người, các ngài vươn đến Người trong cuộc đối thoại không ngừng của cầu nguyện, và để đáp lại, các ngài đã nhận được từ Người ánh sáng chiếu soi cho các ngài biết phải tìm kiếm sự sống thật ở đâu.

Đức tin luôn luôn bao gồm như một yếu tố thiết yếu thực thể mà nó chia sẻ với người khác. Không ai có thể tin một mình. Chúng ta nhận được đức tin - như Thánh Phaolô nói với chúng ta - nhờ nghe, và nghe là một phần của việc ở cùng nhau, trong tinh thần và trong thể xác. Chỉ trong tập thể các tín hữu vĩ đại này của mọi thời đại, những người đã tìm thấy Đức Kitô và được Người tìm thấy, mà tôi có thể tin. Trước hết tôi có Thiên Chúa để cảm tạ vì sự thể mà tôi có thể tin, vì Thiên Chúa đến gần tôi và có thể nói rằng Ngài "nhóm lên ngọn lửa" đức tin của tôi. Nhưng trong mức độ thực tế, tôi có những đồng loại cùng với tôi để cám ơn vì đức tin của tôi, những người đã tin trước tôi và đang tin cùng tôi. Cái “với” vĩ đại này, mà không có nó thì không thể có đức tin cá nhân, chính là Hội Thánh. Và Hội Thánh này không ngừng lại ở ranh giới các quốc gia, như chúng ta có thể nhìn thấy từ các quốc tịch của các Thánh mà tôi đã nhắc đến: Hung Gia Lợi, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và Ý Đại Lợi. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của việc trao đổi tâm linh, là điều bao gồm toàn thể Hội Thánh hoàn vũ. Thật vậy, đó là điều cơ bản cho sự phát triển của Hội Thánh ở quốc gia chúng ta, và nó vẫn là điều cơ bản cho mọi thời đại: đó là chúng ta tin trong sự kết hợp với nhau khắp các lục địa, và học cách tin từ nhau. Nếu chúng ta mở lòng mình ra cho toàn thể đức tin trong tất cả lịch sử và các chứng từ được ban cho toàn thể Hội Thánh, thì đức tin Công Giáo cũng có một tương lai như một động lực công cộng ở nước Đức. Đồng thời các Thánh mà tôi đã đề cập đến chứng tỏ cho chúng ta thành quả tuyệt vời của một cuộc đời đã sống với Thiên Chúa, những hoa trái của tình yêu triệt đễ đối với Thiên Chúa và tha nhân. Ngay cả khi các ngài là chỉ là số ít, các Thánh thay đổi thế gian, và các thánh lớn vẫn như những động lực cho sự thay đổi trong suốt dòng lịch sử.

Những thay đổi về chính trị đó, xảy ra cho đất nước chúng ta vào năm 1989, được thúc đẩy không phải chỉ bởi nhu cầu thịnh vượng và tự do đi lại, nhưng một cách quyết liệt bởi lòng khao khát sự thật. Khao khát này được tồn tại một phần nhờ những người hoàn toàn hiến thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân cùng sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ. Họ và các Thánh mà tôi đã đề cập ở trên cho chúng ta lcan đảm để tận dụng cách tốt đẹp hoàn cảnh mới. Chúng ta không muốn thu mình vào một đức tin thuần túy riêng tư, nhưng muốn uốn nắn một cách có trách nhiệm sự tự do mà chúng khó nhọc mới tìm được này. Như các Thánh Kilian, Boniface, Adelar, Eoban và Elizabeth của Thuringia, chúng ta muốn có ảnh hưởng với đồng bào của mình như những Kitô hữu và mời họ cùng chúng ta khám phá ra sự viên mãn của Tin Mừng, sự liên quan của nó đối với thời hiện đại, sức mạnh và sức sống cùng vẻ đẹp của nó. Rồi chúng ta sẽ giống như cái chuông thời danh của nhà thờ chính tòa Erfurt, mang tên "Gloriosa", "sự vinh quang". Nó được coi là cái chuông đong đưa cách tự do lớn nhất trên thế giới của thời trung cổ. Nó là một dấu chỉ sống động của việc được bắt nguồn sâu xa trong truyền thống Kitô giáo, nhưng cũng là một lời triệu tập để bắt đầu sứ vụ. Nó sẽ rung lên một lần nữa trong Thánh Lễ trọng thể hôm nay, để đánh dấu sự kết thúc của nó. Chớ gì nó giúp chúng ta hứng khởi theo gương các Thánh, để đảm bảo rằng trong thế giới này, người ta vừa được nhìn thấy vừa được nghe những chứng nhân của Đức Kitô, và chớ gì chúng ta cũng sống như thế trong một thế giới nơi mà Thiên Chúa hiện diện và nơi mà Ngài ban vẻ đẹp và ý nghĩa cho cuộc đời. Amen.

 


Về Trang Mục Lục