Huấn Từ của ĐTC dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin

(Chuyển ngữ: Phaolô Phạm Xuân Khôi 31/01/2012)

“Trung tâm của việc Đại Kết Thật là. .. Đức Tin mà trong đó Con Người Gặp Gỡ Chân lý”

VATICAN CITY, ngày 30 tháng 1, 2012 - Dưới đây là bản dịch huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành ngày Thứ Sáu tại buổi họp khoáng đại của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

* * *

Trọng kính các Đức Hồng Y,

Các hiền huynh đáng kính trong hàng giám mục và linh mục,

Anh chị em thân mến!

Thật là một niềm vui cho tôi được gặp gỡ anh chị em nhân dịp phiên họp khoáng đại của anh chị em và bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với việc phục vụ mà anh chị em đang làm cho Hội Thánh và đặc biệt là cho người Kế Vị Thánh Phêrô trong chức năng củng cố anh em trong đức tin (x. Lc 22:32). Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Levada vì lời chào mừng thân mật của ngài, trong đó ngài đã nhắc lại một số công tác quan trọng mà Thánh Bộ đã hoàn thành trong những năm gần đây. Và tôi đặc biệt biết ơn Thánh Bộ vì những việc làm với Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Võ Tân Phúc Âm Hóa trong việc chuẩn bị cho Năm Đức Tin, bằng cách nhận ra ở đó một thời điểm thuận lợi để tái đề nghị tất cả hồng ân đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh, giáo huấn rành mạch của Công Đồng Vaticanô II và tổng hợp giáo lý quý giá được cung cấp bởi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

Như chúng ta biết, ở những vùng rộng lớn của thế giới, đức tin đang có nguy cơ bị dập tắt, như một ngọn lửa không còn nhiên liệu. Chúng ta đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo, là điều tạo thành một thách thức lớn nhất của Hội Thánh ngày nay. Như thế, việc canh tân đức tin phải là việc ưu tiên trong các công việc của toàn thể Hội Thánh trong thời đại chúng ta. Ước muốn của tôi là, với sự cộng tác chân thành của toàn thể dân Chúa, Năm Đức tin đóng góp vào việc làm cho Thiên Chúa tái hiện diện trong thế gian này và mở ra cho con người đường đến đức tin, để họ phó thác chính cho Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13:1) trong Đức Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh. Chủ đề của sự hiệp nhất các Kitô hữu được gắn liền với nhiệm vụ này. Vì vậy, tôi muốn suy tư về một số khía cạnh tín lý của con đường đại kết của Hội Thánh, là đối tượng của những suy nghĩ sâu sắc trong phiên họp khoáng đại này, trùng hợp với ngày kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo. Thực ra, tinh thần của công việc đại kết phải bắt đầu với “nguyên tắc đại kết thiêng liêng,” với “linh hồn của toàn bộ phong trào đại kết” ấy (“Unitatis redintegratio,” 8), được tìm thấy trong tinh thần cầu nguyện để “tất cả được nên một “(Ga 17:21).

Sự đồng nhất của công tác đại kết với giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II và với toàn thể truyền thống đã là một trong những lĩnh vực mà Thánh Bộ, phối hợp với Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Võ Hiệp nhất Kitô hữu, đã quan tâm đến. Hôm nay chúng ta có thể nhận thấy rằng nhiều hoa quả tốt đã được phát sinh từ các cuộc đối thoại đại kết, nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng nguy cơ của một chủ thuyết hộ giáo hòa đồng sai lạc (irenicism) giả tạo và của chủ thuyết trung dung (indifferentism), là những điều hoàn toàn xa lạ với tinh thần của Công Đồng Vaticanô II, đòi hỏi sự cảnh giác của chúng ta. Chủ thuyết trung dung này gây ra bởi ý kiến, vẫn còn tiếp tục lan truyền, rằng con người không thể đến gần chân lý được cho nên chúng ta cần phải tự giới hạn để tìm ra những quy luật cho một tập quán có thể có khả năng cải thiện thế giới. Và theo cách này, đức tin sẽ bị thay thế bằng một chủ thuyết đạo đức không có nền tảng sâu sắc nào. Ngược lại, trung tâm của phong trào đại kết thực sự phải là đức tin mà trong đó con người gặp gỡ Chân Lý được mâc khải trong Lời Chúa. Nếu không có đức tin thì toàn bộ phong trào đại kết sẽ chỉ còn là một hình thức “hợp đồng xã hội” được tán thành vì lợi ích chung, một “môn nghiên cứu về hành động và cách cư xử của con người” (praxeology) nhằm mục đích tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Lý luận của Công Đồng Vaticanô II hoàn toàn khác: việc theo đuổi sự hiệp nhất hoàn toàn của các Kitô hữu là một động năng được linh hoạt bằng Lời Chúa, bằng Chân Lý của Thiên Chúa nói với chúng ta trong Lời này.

Như thế, vấn đề rất quan trọng trong tất cả các cuộc đối thoại đại kết là vấn đề cấu trúc của mạc khải – sự liên hệ giữa Thánh Kinh, Truyền Thống sống động của Hội Thánh và chức năng của những người kế vị các Thánh Tông Đồ như những nhân chứng cho đức tin chân chính: và ở đây, gián tiếp ám chỉ chủ đề của Giáo Hội Học, là một phần của vấn đề này: là Chân Lý của Thiên Chúa đến với chúng ta như thế nào. Việc phân biệt giữa Truyền Thống với một chữ “T” hoa [Thánh Truyền] và các truyền thống, trong những điều khác, là điều cơ bản ở đây. Tôi không muốn đi vào chi tiết nhưng chỉ đưa ra một nhận xét. Một bước quan trọng trong việc phân biệt như thế được thực hiện trong việc chuẩn bị và áp dụng những điều khoản cho các nhóm tín hữu đến từ Anh giáo, những người muốn hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, muốn nhập vào sự hiệp nhất của Thánh Truyền phổ quát và thiết yếu của Thiên Chúa, trong khi duy trì những truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ của riêng họ, là những điều phù hợp với đức tin Công giáo (x. “Anglicanorum coetibus, phần III). Thực ra, có một sự phong phú tinh thần trong những tuyên xưng đức tin Kitô giáo khác nhau, là những cách diễn tả một đức tin duy nhất và một món quà để cùng nhau chia sẻ và khám phá trong Truyền Thống của Hội Thánh.

Như thế, ngày nay một trong những câu hỏi cơ bản được đặt ra liên quan đến vấn đề những phương pháp thích hợp trong các cuộc đối thoại đại kết. Những phương pháp này cũng phải phản ảnh ưu tiên về đức tin. Biết được Chân Lý là quyền của tất cả những người tham gia trong một cuộc đối thoại thực sự. Đây là đòi hỏi của chính đức ái đối với anh chị em của chúng ta. Theo nghĩa này, cho dù cần phải trực diện với những câu hỏi gây ra tranh luận, và làm như thế với lòng can đảm, luôn luôn trong tinh thần huynh đệ và tôn trọng lẫn nhau. Hơn nữa, điều quan trọng là, để cung cấp một giải thích chính xác về “trật tự hay ‘phẩm trật’ của các chân lý trong giáo lý Công giáo” được sắc lệnh “Unitatis redintegratio” (s. 11) nói đến, là điều không làm cho Kho Táng Đức Tin bị suy giảm một chút nào, nhưng làm cho cấu trúc hữu cơ nội tại của nó được rõ ràng hơn. Các tài liệu nghiên cứu được đưa ra bởi những cuộc đối thoại đại kết khác nhau cũng có giá trị thích hợp rất lớn. Những văn bản như thế không thể bị bỏ qua vì chúng tạo thành một hoa quả quan trọng, dù tạm thời, của suy tư chung được phát triển trong nhiều năm. Tuy nhiên, ý nghĩa đúng của chúng phải được nhìn nhận như những đóng góp được đệ trình lên giới Hữu Trách của Hội Thánh, là người được gọi để lượng giá chúng một cách dứt khoát. Việc gán cho những văn bản như thế một giá trị có tính bắt buộc hay hầu như chung cuộc cho các vấn đề hóc búa của cuộc đối thoại mà không có sự đánh giá cần thiết bởi Thẩm Quyền Hội Thánh, trong phân tích cuối cùng, thì không giúp gì cho con đường đi đến hiệp nhất trọn vẹn trong đức tin.

Một câu hỏi chót mà tôi muốn đề cập đến cuối cùng là vấn đề luân lý, một thách thức mới cho cuộc hành trình đại kết. Trong các cuộc đối thoại, chúng ta không thể bỏ qua những câu hỏi luân lý quan trọng về sự sống con người, gia đình, phái tình, đạo đức sinh học, tự do, công lý và hòa bình. Điều rất quan trọng là phải nói về những chủ đề này bằng một tiếng nói duy nhất, rút ra từ nền tảng của Thánh Kinh và Truyền Thống sống động của Hội Thánh. Truyền Thống này giúp chúng ta giải mã ngôn ngữ của Đấng Tạo Hóa trong việc tạo dựng của Ngài. Khi bảo vệ những giá trị cơ bản của Truyền Thống cao cả của Hội Thánh, chúng ta cũng bảo vệ con người và bảo vệ tạo vật.

Để kết luận những suy tư này, tôi hy vọng sự hợp tác chặt chẽ và huynh đệ của Thánh Bộ với Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ Võ sự Hiệp Nhất Kitô Giáo với mục tiêu thúc đẩy cách hiệu quả việc tái lập sự hiệp nhất hoàn toàn giữa các Kitô hữu. Thực ra, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu không những chỉ công khai làm ngược lại ý muốn của Đức Kitô, nhưng còn là một gương mù cho thế gian và phương hại đến mục tiếu linh thánh nhất của các mục tiếu: rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (“Unitatis redintegratio,” 1). Do đó, sự hiệp nhất không những chỉ là hoa quả của đức tin mà còn là một phương tiện và gần như một phỏng định trước về việc công bố đức tin một cách đáng tin cậy hơn bao giờ hết cho những người không biết Đấng Cứu Độ. Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng nên một trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21).

Trong khi nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với việc phục vụ của anh chị em, tôi đảm bảo cùng anh chị em về sự luôn luôn gần gũi anh chị em về tinh thần của tôi, và từ trái tim tôi ban Phép Lành Toà Thánh cho anh chị em. Cảm ơn.

ĐTC Bênêđictô XVI


Về Trang Mục Lục