“Thầy Ban Bình An của Thầy Cho Anh Em…”

(dongten.net)

 

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27), chính là những lời mở đầu và cũng là lời đúc kết diễn từ của ĐGH Benedict XVI trước các vị lãnh đạo nhà nước Liban, các chức sắc tôn giáo, các đại biểu thuộc các tổ chức thế giới, toàn thể nhân dân Liban cũng như cho những ai quan tâm đến việc kiến tạo hòa bình, và vun trồng nền văn hóa sự sống. Các sứ điệp chính được gợi lên trong diễn từ liên quan đến những vấn đề mấu chốt và thời sự mà con người hôm nay đang đối mặt: kiến tạo hòa bình, công bình xã hội, phẩm giá con người, giá trị cuộc sống gia đình, đối thoại và tình liên đới. Dưới đây là bản văn Việt-ngữ được chuyển dịch từ phiên bản Anh-ngữ diễn từ của ĐGH Benedict XVI trong chuyến tông du tại đất nước Liban từ ngày 14/09 đến ngày 16/09/2012.

DIỄN TỪ CỦA ĐGH BENEDICT XVI TRƯỚC CÁC VIÊN CHỨC CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA LIBAN, CÁC NHÀ NGOẠI GIAO, CÁC CHỨC SẮC TÔN GIÁO, VÀ CÁC ĐẠI DIỆN THỂ GIỚI VỀ VĂN HÓA

Kính thưa,

Chủ tịch nước Cộng Hòa Liban;

Các vị đại điện Quốc Hội, Chính Phủ, Các Cơ Quan Chính Quyền Nhà Nước Liban;

Quý vị thuộc các ngoại giao đoàn, các lãnh đạo tôn giáo,

Các Giám Mục chư huynh đệ; thưa Quý ông bà anh chị em.

“Thầy ban bình an của Thầy cho anh em!” (Ga 14,27). Với những lời này của Chúa Ki-tô Giê-su, tôi xin chào mừng và cám ơn quý vị vì sự hiện diện và đón tiếp nồng hậu. Kính thưa chủ tịch nước cộng hòa Liban, tôi rất biết ơn ngài, không chỉ vì những lời chào mừng thân ái mà ngài đã dành cho tôi, nhưng còn vì ngài đã cho phép tổ chức cuộc gặp gỡ này. Cùng với ngài, tôi đã trồng một cây hương bá Liban, là biểu tượng cho đất nước Liban xinh đẹp của ngài. Nhìn cây hương bá đang mơn mởn, rồi nghĩ về hành trình chăm sóc, là việc rất cần để cây được tăng trưởng và đâm ra những cành to khỏe, tôi lại nghĩ về đất nước Liban này và tương lai của đất nước, nghĩ về người dân Liban và niềm hy-vọng của họ, và nghĩ về tất cả mọi người trong vùng này, một vùng dường như liên miên vô tận phải gánh chịu những nỗi đau chuyển dạ. Tôi nài xin Thiên Chúa chúc lành cho ngài, cho hết thảy quý vị, cho đất nước Liban và cho những ai đang cư ngụ trong đất nước này, một đất nước đã thấy được thời khai sinh của những tôn giáo lớn và những nền văn hóa cao đẹp. Bởi đâu Thiên Chúa chọn đất nước Liban này? Bởi đâu cuộc sống của họ quá loạn li? Theo tôi, Thiên Chúa chọn đất nước Liban này là để làm mẫu gương, và làm chứng cho cả thế giới rằng mọi người dù nam hay nữ cũng đều có khả thể nhận ra rõ ràng lòng khát vọng ‘an bình’ và khát vọng hòa giải nơi mình! Khát vọng đó phải là một phần trong chương trình ngàn đời của Thiên Chúa, và Ngài đã ấn ghi nó rất sâu đậm trong lòng con người. Vì thế tôi muốn chia sẻ với quý vị đồi điều về ‘bình an’, vang vọng lời chúc của Đức Giê-su cho các môn đề “bình an cho anh em!”

Sự giàu mạnh của một quốc gia trước tiên phải được tìm thấy nơi các cư dân của nó. Tương lai đất nước tùy thuộc vào họ, cũng như tùy thuộc vào khả năng kiến tạo hòa bình của toàn quốc gia, cá nhân cũng như tập thể. Công cuộc dấn thân cho hòa bình chỉ khả thi trong một xã hội thống nhất. Tính thống nhất, một đàng, không phải là thứ giống như đồng phục. Sự cố kết xã hội đòi hỏi sự tôn trọng phẩm giá mỗi nhân vị, và đòi mọi người thông dự có trách nhiệm vào việc đóng góp cái tốt nhất trong các tài năng và năng lực của mình. Năng lượng cần thiết để kiến thiết và củng cố hòa bình cũng đòi chúng ta không ngừng trở về với suối nguồn nhân loại của mình. Phẩm giá con người thì bất khả phân ly với tính thánh thiêng của sự sống, được coi như tặng phẩm của Đấng Sáng Tạo. Một người được hạ sinh vào thế giới này là độc nhất và bất khả thay thế. Cũng vậy một người bước vào trần thế trong một gia đình, và gia đình phải chăng là chốn đầu tiên dạy con người sống nhân bản, và trên hết nó trường đầu tiên dạy con người về hòa bình. Để dựng xây hòa bình chúng ta cần cứu xét đến gia đình, nâng đỡ nó và tạo điều kiện cho nhiệm vụ của nó, và trong cách thế ấy chúng ta đã thăng tiến một nền văn hóa sự sống tổng thể. Hiệu năng từ công cuộc dấn thân cho hòa bình của chúng ta tùy thuộc vào cái hiểu-biết của chúng ta về sự sống con người. Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta hãy thuận theo sự sống! Lối tiếp cận này dẫn chúng ta đến chỗ khai trừ không chỉ chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, mà còn là mọi cuộc tước lấy mạng sống người vô tội, nam cũng như nữ là những thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên. Bất kỳ nơi nào chân lý về bản chất con người bị phớt lờ hoặc bị chối bỏ, thì nơi đó sẽ chẳng khả thi để tôn trọng “luật tự nhiên được khắc ghi trong lòng con người” (x. Sứ điệp ngày quốc tế hòa bình năm 2007, 3). Tính cao cả và cái “là” của mỗi người chỉ được tìm thấy nơi một mình Thiên Chúa mà thôi. Sự thừa nhận vô điều kiện phẩm giá của mọi con người, của mỗi người trong chúng ta, cũng như tính thánh thiêng của mạng sống con người, được kết chặt vào trách nhiệm mà mỗi người chúng ta có trước mặt Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải kết hợp mọi nỗ lực của chúng ta để phát triển cái nhìn chắc chắn về con người, tôn trọng tính độc nhất và hội nhất của nhân vị. Không có điều ấy thì việc xây dựng hòa bình đích thực chẳng bao giờ khả thi cả.

Nhan nhãn tại nhiều quốc gia, điều mà chúng ta đang trải nghiệm là xung đột quân sự – những cuộc chiến quá ư tàn khóc và hãi hùng – Hãy còn nhiều những cuộc tấn công cướp đi tính hội nhất và sinh mạng nhiều người. Thất nghiệp, nghèo đói, tham nhũng, một loạt các chứng nghiện, bóc lột, những hình thức khác nhau về nạn buôn bán người, và chủ nghĩa khủng bố không chỉ gây ra nỗi khốn khổ không thể chấp nhận được cho các nạn nhân, mà còn làm hao mòn nghiêm trọng tiềm năng con người. Chúng ta có nguy cơ làm nô lệ cho đầu óc tiền tài và kinh tế, là thứ làm giáng cấp từ “cái-là” (being) sang “cái-có” (having). Xét như toàn thể thì sự hủy hoại chỉ một mạng sống thôi cũng là đánh mất hết cả nhân loại. Nhân loại là một đại gia đình mà trong đó mỗi người đều phải có trách nhiệm dựng xây. Bằng việc truy vấn, trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc thậm chí trước pháp luật, giá trị bất khả tha hóa của mỗi người và nền tảng tự nhiên của gia đình, một vài ý thức hệ đã làm suy yếu các nền tảng xã hội. Chúng ta cần ý thức về những cuộc chống phá nhắm vào những nỗ lực của chúng ta là kiến tạo ‘thế đồng hiện hữu’ hài hòa (‘coexistence’). Chỉ có tình liên đới hữu hiệu mới có thể là thuốc giải độc. Liên đới là loại bỏ bất cứ thứ gì làm ngăn trở sự tôn trọng con người. Liên đới là ủng hộ những chính sách và những sáng kiến nhắm đến việc mang con người lại gần nhau trong một cách thế đúng đắn và chân thành. Thật phấn khởi khi nhìn vào những mẫu gương cộng tác và đối thoại chân thực đang trổ sinh hoa trái dưới nhiều hình thái mới về ‘đồng hiện hữu’. Chất lượng cuộc sống tốt hơn và sự phát triển hội nhất chỉ khả thi khi sự giàu mạnh và những nguồn lực được sẻ chia cho nhau trong tinh thần tôn trọng căn tính của mỗi cá nhân. Nhưng kiểu cộng tác này, một lối sống được linh hoạt và thanh thản, sẽ chẳng bao giờ khả thi nếu không có sự tin tưởng người khác, bất kể họ là ai! Thời nay những khác biệt văn hóa, xã hội và tôn giáo của chúng ta phải dẫn chúng ta đến một kiểu loại mới về tình huynh đệ, nơi đó điều làm cho chúng ta hiệp nhất chính là một cảm thức được chung chia về sự cao cả của mỗi người và quà tặng chính là mỗi người được là chính họ để trao cho những ai đang sống xung quanh họ và cho toàn thể nhân loại. Ấy là lối nẻo dẫn tới hòa bình! Đây là thứ mà chúng ta bị đòi buộc phải cam kết, phải dấn thân. Nó cũng là một lối tiếp cận chi phối và dẫn lộ cho mọi quyết định kinh tế và chính trị thuộc mọi cấp độ và trên quy mô toàn cầu!

Để làm cho cái tương lai hòa bình cho thế hệ mai sau được khả thi, thì nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là phải giáo dục vì hòa bình để kiến tạo một nền văn hóa hòa bình. Giáo dục, dầu cho nơi học đường hay nơi gia đình, trước tiên phải là một nền giáo dục các giá trị tinh thần. Các giá trị ấy sẽ mang lại túi khôn và các truyền thống của từng nền văn hóa với ý nghĩa và sức mạnh tối hậu của chúng. Tinh thần con người vốn bẩm sinh khao khát Chân, Thiện, và Mỹ. Đây là phản tỉnh về cái thần thiêng, là dấu ấn của Thiên Chúa  ghi khắc nơi mỗi người! Khát vọng chung này phải là nền tảng cho quan niệm luân lý vững chắc và đúng đắn, là quan niệm luôn đặt con người làm trọng tâm. Tuy vậy mọi người người nam cũng như nữ có thể hướng về sự thiện chỉ bằng ý chí tự do riêng mình, vì “phẩm giá con người đòi hỏi họ phải hành động có ý thức và tự do chọn lựa, bởi được thúc đẩy rất cá vị tự bên trong, chứ không phải do những xung năng mù quáng của riêng họ hoặc bởi sự o ép bên ngoài” (Gaudium et Spes, 17). Mục tiêu của giáo dục là phải dẫn dắt và nâng đỡ sự phát triển của tự do để đưa ra được những quyết định đúng đắn, là những thứ vượt lên trên các ý kiến số đông, xu thời hoặc thậm chí vượt cả ý thức hệ về chính trị và về tôn giáo. Đó là cái giá của việc kiến tạo nền văn hóa hòa bình! Rõ rang là sự bạo hành ngôn từ cũng như thể xác cũng phải bị khử trừ, vì những thứ ấy luôn là những đòn tấn công vào phẩm giá con người, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Việc nhấn mạnh đến kiến tạo hòa bình và hiệu quả tích cực của nó đối với ích chung (the common good) cũng sinh ích lợi cho hòa bình. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng những hoạt động hòa bình có hiệu quả có ý nghĩa trên cuộc sống quốc tế, quốc gia và địa phương. Giáo dục vì hòa bình sẽ đào tạo những con người, nam cũng như nữ, trở nên những người quảng đại và chính trực, biết quan tâm đến mọi người, cách riêng là những người đang cần được giúp. Những tư tưởng về hòa bình, những lời lẽ hòa bình và cả những hành động hòa bình sẽ tạo nên một bầu khí tôn trọng, chân thành và thân ái, trong đó các lầm lỗi và những xúc phạm có thể được nhận biết cách chân thành như một phương thế nâng đỡ nhau trên con đương hòa giải. Ước mong sao cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và các chính trị gia biết phản tỉnh về điều này!

Chúng ta cần hết sức ý thức rằng sự dữ đang diễn ra trong thế giới không phải là vô danh, phi nhân vị và là những thế lực cố định. Sự dữ, ma quỷ vẫn hoạt động trong và ngang qua tự do của con người, và ngang qua việc sử dụng tự do. Nó kiếm tìm đồng minh nơi con người. Sự dữ cần con người để hoạt động. Khi đã phá vỡ được giới răn đầu tiên, đó là hãy yêu mến Thiên Chúa, thì nó cũng sẽ tiếp tục phá vỡ luôn giới răn thứ hai, hãy yêu mến người thân cận. Yêu mến người thân cận biến mất, ắt sẽ gặt sai lầm, ghanh tị, oán hờn và chết chóc. Nhưng với con người thì điều khả thi là đừng bao giờ lấy ác thắng ác, nhưng hãy thắng ác bằng sự thiện (x. Rm 12,21). Chính vì vậy mà chúng ta được mời gọi để hoán cải tâm hồn. Không có sự hoán cải này thì mọi cuộc ‘giải phóng’ mà con người khao khát đều cho thấy đáng thất vọng, bởi chúng đang bị tiêu hao vì sự hẹp hòi của con người, rồi thì khắc nghiệt, thiên vị, bất khoan nhượng và thèm trả thù. Một cuộc biến đổi trí lòng tận căn là rất cần để có thể phục hồi lại độ chân xác của cái nhìn và tính khách quan, cùng với một ý nghĩa sâu xa về khái niệm công bình và lợi ích chung. Một cách thế mới và tự do hơn để nhìn vào thực tại sẽ giúp chúng ta có thể lượng định và thách đố những hệ thống nhân loại ấy (là thứ dẫn tới những bế tắc), và tiến về phía trước với thái độ quan tâm chăm sóc chứ không lặp đi lặp lại những lỗi lầm cùng với các hệ quả tai hại của chúng. Cuộc hoán cải mà chúng ta bị đòi buộc có thể là phấn khởi, vì nó tạo ra những khả thể bằng cách thu hút vô số các nguồn tài nguyên hiện diện trong cõi lòng mỗi người, nam cũng như nữ, là những người khát khao sống trong hòa bình và được chuẩn bị để hành động vì hòa bình. Đúng thực là nó khá ư đòi hỏi: nó dính dáng đến việc phải biết bỏ qua hành vi phục thù, đón nhận lỗi lầm của người khác, chấp nhận lời xin lỗi mà không đòi hỏi thêm gì nơi họ, và trên cả, chính là sự thứ tha. Chỉ có thứ tha, nghĩa là chỉ khi được tha thứ và được đón nhận, mới là nền móng vững chải và trường tồn cho công cuộc hòa giải và nền hòa bình phổ quát (x. Rm 12,16b, 18).

Chỉ trong lối nẻo ấy chúng ta mới được triển nở về trí hiểu biết và về sự hài hòa giữa văn hóa và tôn giáo, đồng thời tăng thêm lòng kính trọng lẫn nhau cách thành thực và tôn trọng hết thảy các quyền con người. Cuộc đối thoại chỉ khả thi nếu chúng ta ý thức về sự hiện hữu các giá trị chung cho mọi nền văn hóa lớn, bởi vì chúng được đâm rễ trong bản chất nhân vị. Bộ giá trị này biểu lộ nhân tính đích thực của con người. Chúng là những giá trị không thể bị tách rời khỏi các quyền của mỗi cũng như mọi người. Bằng việc giữ đúng sự tồn hữu những giá trị ấy, các tôn giáo khác nhau sẽ đưa ra sự đóng góp có tính quyết định. Không được quên rằng tự do tôn giáo là nền tảng đúng đắn mà trên đó nhiều quyền khác nhau tựa vào. Tự do tuyên xưng và hành đạo mà không nguy hại tới sinh mạng lẫn quyền tự do, phải là điều mà mọi người đều có thể có. Việc để mất hoặc gây hư hoại tự do này sẽ tước đi khỏi người ấy quyền thiêng thánh đối với đời sống hội nhất về mặt tinh thần. Thời nay những gì vượt qua sự khoan dung không loại trừ những trường hợp phân biệt đối xử, và lắm khi lại củng cố thêm những trường hợp ấy nữa. Nếu không mở ra với siêu việt, là thứ khiến cho việc tìm kiếm lời giải đáp cho vấn nạn sâu xa nhất về ý nghĩa cuộc đời và lối sống đạo đức được khả thi, thì mọi người nam cũng như nữ chẳng thể nào hành xử cách công bình và lao tác vì hòa bình cả.

Tự do tôn giáo mang chiều kích xã hội và chính trị, là thứ không thể miễn chước đối với hòa bình!  Nó làm thăng tiến một đời sống hài hòa cho các cá nhân cũng như cộng đồng bằng một cam kết sẻ chia đối với những nguyên nhân cao cả và bằng việc theo đuổi chân lý – một thứ không tự áp đặt mình bằng vũ lực, nhưng đúng hơn  bằng “sức mạnh riêng của chân lý” (Dignitatis Humanae, 1): Chân lý   chính nơi Thiên Chúa. Một đức tin được sống thì ắt là sẽ mang lại yêu thương. Đức Tin chân thực chẳng bao giờ mang đến chết chóc. Những người kiến tạo hòa bình thì sống công bình và khiêm nhu. Thế nên các tín hữu thời nay giữ một vai trò thiết yếu là làm chứng cho hòa bình, một thứ ‘an bình’ xuất phát tự nơi Thiên Chúa, nó cũng là quà tặng cho hết thảy chúng ta, trong đời sống cá nhân, gia đình, xóm làng, xã hội, kinh tế và chính trị (x. Mt 5:9; Heb 12:14). Sự thất bại của những người chính trực dù nam hay nữ đối với hành vi là để cho sự dữ thắng vượt. Tệ hơn nữa là “án binh bất động”, và chẳng làm gì cả!

Những suy tư về hòa bình, về xã hội, về phẩm giá con người, về giá trị cuộc sống gia đình, về đối thoại và tình liên đới không được dừng lại ở những lời phát biểu lý tưởng suông, song chúng có thể và phải được mang ra sống. Ngay lúc này đây chúng ta đang hiện diện tại đất nước Liban này, và chính tại nơi đây chúng ta đang sống những điều ấy. Vì vậy tôi mạng phép mời quý vị: những nhà chính khách, ngoại giao, lãnh đạo tôn giáo, anh chị em nam nữ đại diện thế giới văn hóa, hãy sống làm chứng với tinh thần quả đảm, trong lúc này và mãi về sau, bất cứ đâu mà quý vị tìm gặp chính mình, rằng Thiên Chúa muốn hòa bình, rằng Thiên Chúa trao phó hòa bình cho chúng ta, như Chúa Ki-tô nói “bình an cho anh em!”

Cám ơn Quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả Quý vị!

Theo RadioVaticana 15/09/2012,

Thái-Hiệp chuyển ngữ và giới thiệu

 


Về Trang Mục Lục