ĐTC Phanxicô: Đức Tin Nảy Sinh Từ Sự Lắng Nghe và Lớn Lên Nhờ Việc Rao Giảng

(dongten.net) 15/04/2013

Chiều Chúa Nhật III Phục sinh, ngày 14 tháng 4 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến viếng mộ Thánh Phaolô Tông Đồ và cử hành Thánh Lễ đầu tiên trong Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Hiện diện trong Thánh Lễ lúc 5 giờ rưỡi, có 12 Hồng Y và các Giám Mục và hàng ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường, trong đó có nhiều Đan sĩ dòng Biển Đức và đông đảo các sinh viên thuộc Đại học Rô-ma. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã nói về việc công bố, làm chứng và thờ phượng Thiên Chúa. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí độc giả bài giảng của ngài.

Anh chị em thân mến,

Thật là một niềm vui cho tôi khi cử hành Thánh Lễ với anh chị em trong Vương Cung Thánh Đường này. Tôi xin gửi lời chào tới Giám Quản Đền thờ, Đức Hồng Y James Harvey và cảm ơn ngài vì những lời tốt đẹp đã dành cho tôi. Cùng với ĐHY, tôi chào mừng và cảm ơn các tổ chức khác nhau của đền thờ này và tất cả anh chị em. Chúng ta đang có mặt tại ngôi mộ của Thánh Phaolô, một vị Tông Đồ vĩ đại nhưng rất khiêm nhường của Thiên Chúa. Thánh nhân đã công bố về Thiên Chúa ngang qua lời, đã làm chứng cho Ngài bằng việc tử đạo và đã phụng thờ Người với trọn vẹn con tim. Đây cũng chính là ba động từ mà qua đó tôi muốn phản tỉnh, dưới ánh sáng của Lời Chúa chúng ta vừa nghe hôm nay: công bố, làm chứng và thờ phượng. 

1. Trong Bài đọc thứ Nhất, điều đánh động chúng ta là sức mạnh của Phê-rô và các tông đồ. Đáp lại mệnh lệnh phải im lặng, không được giảng dạy về Đức Giê-su, không được công bố sứ điệp của Ngài, các môn đệ đã đáp trả rất rõ ràng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” Và họ không nản lòng kể cả khi bị đánh đập, ngược đãi và cầm tù. Phê-rô và các Tông Đồ không hề sợ hãi và can đảm công bố điều họ đã lãnh nhận:  Tin Mừng của Đức Giê-su, còn chúng ta thì sao? Chúng ta có khả năng mang lời Chúa vào trong môi trường sống của chúng ta không? Chúng ta có biết nói về Đức Ki-tô, về vị thế của Ngài đối với chúng ta trong gia đình và những người thuộc về cuộc sống của chúng ta hay không? Đức tin nảy sinh từ việc lắng nghe và lớn lên nhờ việc công bố.

2. Chúng ta hãy bước thêm một bước, việc công bố của Thánh Phê-rô và các tông đồ không chỉ hệ tại ở lời: sự trung tín với Đức Ki-tô đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của họ. Đời sống của họ đã thay đổi và đón nhận một hướng đi mới; và ngang qua đời sống của mình, họ đã làm chứng cho Đức Ki-tô và công bố về Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ba lần Đức Giê-su yêu cầu Phêrô chăm sóc đàn chiên của Ngài, chăm sóc với tình yêu và Ngài đã tiên báo về ông rằng: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,28).

Những lời này trước hết và trên hết được nhắn nhủ với chúng ta trong tư cách là những người mục tử: chúng ta không thể chăm sóc đàn chiên Chúa nếu không để cho thánh ý Chúa dẫn chúng ta đến những nơi mà ta không muốn, nếu chúng ta không sẵn sàng làm chứng cho Đức Ki-tô với quà tặng là chính mình, không do dự, không tính toán kể cả khi chúng ta phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Nhưng điều này cũng áp dụng cho mọi người: Tất cả chúng ta phải công bố và làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta phải tự hỏi mình xem chúng ta đã làm chứng cho Đức Ki-tô qua đời sống đức tin như thế nào? Như Phêrô và các Tông Đồ khác, chúng ta có can đảm để nghĩ, chọn và sống như những người Ki-tô hữu, bằng sự vâng phục Thiên Chúa không? Chắc chắn chứng tá đức tin mang nhiều hình thức, tựa như một bức bích họa lớn, có những màu sắc và đường nét khác nhau, nhưng tất cả đều quan trọng cho dẫu có những màu sắc và đường nét không nổi bật lên. Trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa, mọi chi tiết đều quan trọng, sự làm chứng khiêm nhường và nhỏ mọn của tôi, của bạn, cũng như việc làm chứng âm thầm của những con người sống đời sống đức tin của họ trong sự khiêm nhường trong các mối tương quan nơi gia đình, công việc và bè bạn mỗi ngày. Có những vị thánh trong đời sống thường ngày, những vị thánh “âm thầm”, một kiểu “các thánh thuộc tầng lớp trung lưu” mà tất cả chúng ta đều có thể thuộc về nhóm này. Nhưng tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, có những người phải chịu đau khổ, như thánh Phêrô và các Tông Đồ khác, vì Tin Mừng; có những người đã hiến ban chính mạng sống của mình để trung tín với Đức Ki-tô bằng việc đổ máu mình ra để làm chứng. Tất cả chúng ta phải nhớ điều này, không ai có thể công bố Tin Mừng về Đức Giê-su ngoài chứng từ cụ thể của đời sống. Những người nghe và thấy chúng ta phải nhận ra nơi hành động chúng ta điều họ nghe từ môi miệng chúng ta và vì thế họ tôn vinh Chúa! Sự thiếu nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa lời và cách sống của các mục tử và các tín hữu sẽ hủy hoại tính khả tín của Giáo Hội.

3. Và tất cả điều này chỉ khả thi khi chúng ta nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, bởi vì chính Ngài đã kêu gọi chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta bước đi trên con đường của Ngài, vì Ngài đã chọn chúng ta. Công bố và làm chứng chỉ khả thi nếu chúng ta gần gũi với Ngài, giống như Phê-rô, Gioan và các Tông Đồ khác đã ngồi xung quanh Đức Giê-su; họ có một sự gần gũi hàng ngày với Ngài. Họ biết rõ Ngài là ai, họ biết Ngài. Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh rằng: “Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ngài là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21,12). Điều này rất quan trọng với chúng ta: sống trong tương quan mạnh mẽ với Chúa, một sự thân mật trong đối thoại và đời sống, đó là một cách thế giúp chúng ta nhận ra Ngài là Chúa và thờ phượng Ngài.

Đoạn văn mà chúng ta nghe từ sách Khải Huyền nói cho chúng ta về việc tôn kính: muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, mọi loài thọ tạo, các sinh vật, và các Kỳ Mục trình diện trước Ngai Thiên Chúa và Con Chiên đã bị giết là Đức Ki-tô để ca ngợi, tôn kính và phụng thờ Người (Kh 5, 11-14). Tôi muốn tất cả anh chị em hỏi mình câu hỏi này: Anh chị em, tôi, chúng ta có thờ phượng Thiên Chúa không? Chúng ta chạy đến với Chúa chỉ để cầu xin, để tạ ơn Ngài, hay chúng ta chạy đến với Ngài để thờ phượng Ngài?

Thờ phượng Thiên Chúa có nghĩa là gì? Nghĩa là học biết để ở với Ngài, là không ngừng đối thoại với Ngài, là ý thức về sự hiện diện của Ngài là đích thực, tốt lành và quan trọng nhất trong mọi sự. Trong đời sống của mình, tất cả chúng ta, dù ý thức hay không, chúng ta có một trật tự rõ ràng về thứ tự ưu tiên liên quan đến những điều chúng ta xem là quan trọng. Thờ phượng Thiên Chúa nghĩa là trao cho Ngài vị trí mà Ngài đáng có. Thờ phượng Thiên Chúa xác tín và tin rằng Ngài là Đấng duy nhất và chân thật hướng dẫn đời sống chúng ta; thờ phượng Ngài nghĩa là chúng ta xác tín rằng Ngài là Thiên Chúa duy nhất, là Thiên Chúa của đời sống và lịch sử chúng ta.

Điều này dẫn đến một kết quả trong đời sống chúng ta: chúng ta cần cởi bỏ những thứ ngẫu tượng lớn nhỏ mà chúng ta có, nơi đó chúng ta lẫn trốn, nơi mà chúng ta tìm kiếm sự an toàn của mình. Chúng là những biểu tượng mà chúng ta che dấu rất tốt; chúng có thể là những tham vọng, hương vị của thành công, đặt mình ở vị trí trung tâm, khuynh hướng thống trị người khác, ý muốn trở thành người chủ duy nhất của đời sống chúng ta, những tội mà chúng ta bị ràng buộc, và nhiều điều khác. Chiều nay, tôi muốn câu hỏi này vang vọng trong trái tim anh chị em, và tôi muốn anh chị em trả lời một cách thật lòng: Tôi có thấy rằng những ngẫu tượng ẩn dấu trong đời sống của tôi khiến tôi không thể thờ phượng Thiên Chúa không? Thờ phượng Thiên Chúa giải phóng chúng ta ra khỏi các ngẫu tượng kể cả những ngẫu tượng sâu kín nhất, và giúp chúng ta chọn Chúa là trung tâm, là con đường của đời sống chúng ta.

Anh chị em thân mến, mỗi ngày Chúa mời gọi chúng ta theo Ngài với sự can đảm và trung tín, Ngài đã trao cho chúng ta một món quà lớn khi chọn chúng ta làm môn đệ Ngài, Ngài đã sai chúng ta đi để công bố về Ngài với niềm vui như là Đấng Phục Sinh, nhưng Ngài cũng đòi hỏi chúng ta làm điều đó bằng lời nói và chứng tá mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của chúng ta, và Ngài mời gọi chúng ta cởi bỏ chính mình ra khỏi những ngẫu tượng và chỉ thờ phượng một mình Ngài. Xin Mẹ Maria và Thánh Phaolô giúp chúng con trên hành trình này và chuyển cầu cho chúng ta.

Từ RadioVaticana, ngày 14-4-2013 

Nguyễn Minh Triệu sj, chuyển ngữ và giới thiệu

 


Về Trang Mục Lục