Căn tính của người Ki-tô hữu là lịch sử và phục vụ - Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 30.04.2015

 

Lịch sử và phục vụ: Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha đã nói về hai nét đặc trưng đó của căn tính Ki-tô giáo. Người Ki-tô hữu được lồng vào trong một lịch sử gồm cả tội lỗi lẫn ân sủng, và luôn luôn đứng trước một chọn lựa căn bản: hoặc là phục vụ hoặc là lạm dụng anh chị em mình.

Một Ki-tô hữu là một người nam hay một người nữ của lịch sử, vì họ không thuộc về chính mình, nhưng được lồng ghép vào trong một dân tộc đang trên cuộc hành trình. Đó là một dân tộc có một lịch sử lâu dài và vẫn đang còn tiến về phía trước, cho tới khi Chúa lại đến.“

Nếu không có lịch sử thì sẽ không có căn tính Ki-tô giáo – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Lịch sử của các Ki-tô hữu là một lịch sử của ân sủng, nhưng cũng là của tội lỗi: „Biết bao nhiêu là tội lỗi, biết bao nhiêu là tội ác“ – Đức Thánh Cha thốt lên và nhắc tới vua Đa-vít, „ông là một đại tội nhân, nhưng đồng thời ông đã trở thành một vị Thánh“. Như là thành tố thứ hai của căn tính Ki-tô giáo – bên cạnh lịch sử - Đức Thánh Cha còn nêu ra sự phục vụ. Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ, và mời gọi các ông hãy thực hiện giống hệt như điều mà Ngài đã làm: phục vụ.

Căn tính của Ki-tô giáo là phục vụ chứ không phải là ích kỷ. Nhưng thưa Cha, tất cả chúng ta đều ích kỷ. Thế sao? Đó là một tội, một thói quen mà chúng ta phải tự giải thoát mình khỏi đó. Ước gì Thiên Chúa sẽ biến đổi chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để phục vụ! Trở thành Ki-tô hữu không phải là nét đẹp bề ngoài hay là một thái độ mang tính xã hội, nó không có nghĩa là trang điểm cho tâm hồn một chút, để nó trông có vẻ xinh xắn hơn. Trở thành Ki-tô hữu có nghĩa là thực thi điều mà Chúa Giê-su đã làm: phục vụ.“

(rv 30.04.2015 gs)

 

Đam Trần

 





                                   
Về Trang Mục Lục