Chương bỐn
NhỮng ngưỜi thỢ làm vưỜn nho cỦa chúa
Những nhà quản lý tuyệt vời
ân sủng đa dạng của Thiên Chúa
Sự khác nhau giữa các ơn gọi
1.
Theo dụ
ngôn Tin Mừng, “gia chủ” mướn thợ làm vườn nho vào những giờ khác nhau trong ngày : có người lúc tảng sáng,
người khác khỏang 9 giờ sáng, một số khác nữa độ 12 giờ trưa và 3 giờ chiều,
những người cuối cùng vào lúc 5 giờ chiều (x. Mt 20,1
tt.). Chú giải đoạn dụ ngôn ngày,
thánh Grêgôriô Cả giải thích việc mời gọi vào những giờ khác nhau bằng cách nối
kết với những giai đoạn khác nhau trong cuộc
đời : “Ta có thể áp dụng những giờ giấc khác nhau với những tuổi tác
khác nhau của con người. Theo cách giải thích của chúng tôi, tảng sáng rõ ràng
tượng trưng cho thời thơ ấu. Ba giờ sau đó tượng trưng cho thời thiếu niên :
mặt trời lên cao có nghĩa là sự hăng say của tuổi trẻ tăng dần lên. Giớ thứ
sáu, đó là tuổi thanh niên : mặt trời ở giữa bầu trời, vào tuổi này, sức mạnh
đạt tới mức toàn vẹn. Tuổi già tượng trưng cho giờ thứ chín, bởi vì cũng như
mặt trời từ đỉnh cao hạ thấp dần, thì vào tuổi này, lòng hăng say của tuổi trẻ
bắt đầu giảm bớt. Giờ thứ mười một ám chỉ những người lớn tuổi... Vậy, các thợ
làm vườn nho được kêu gọi vào những giờ khác nhau có nghĩa là người này được
kêu gọi nên thánh vào thời thơ ấu, người khác vào tuổi thanh thiếu niên, người
vào tuổi trưởng thành, và người khác nữa vào lúc tuổi đã xế chiều”[1].
Chúng
ta có thể lấy lại phần chú giải của Thánh Grêgôriô Cả và mở rộng hơn nữa vào sự
khác nhau lạ lùng của những người đang sống trong Giáo Hội, tất cả và từng
người đều được mời gọi làm việc để Nước Thiên Chúa được hoàn thành, tùy theo sự
khác biệt về ơn gọi và hoàn cảnh, về đoàn sủng và tác vụ. Đó là sự khác biệt
không những về tuổi tác, nhưng còn về giới tính và khả năng, cũng như về ơn gọi
và điều kiện sống : đó là sự khác biệt làm cho kho tàng phong phú của Giáo Hội
thêm sống động và cụ thể hơn.
Thanh niên, thiẾu nhi, ngưỜi cao niên
Thanh
niên hay giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội
2.
Thượng-hội-đồng
đã muốn lưu tâm đặc biệt đến giới trẻ.
Điều này thật đúng. Tại nhiều nước trên thế giới, giới trẻ chiếm một nửa trên
tổng số dân, và thường chiếm một nửa số người thuộc dân Chúa đang sống tại
những nước này. Theo khía cạnh này, giới trẻ tạo nên một lực lượng đặc biệt và
là một thách đố lớn đối với tương lai Giáo
Hội. Quả thực, Giáo Hội nhìn thấy nơi giới trẻ con đường hướng về
tương lai đang đợi mình, và Giáo Hội nhận ra nơi giới trẻ hình ảnh và lời nhắc
nhủ về sự tươi trẻ mà Thần Khí của Đức Kitô dùng để không ngừng làm phong phú
Giáo Hội. Chính trong ý nghĩa này mà Công Đồng đã định nghĩa giới trẻ là “niềm
hy vọng của Giáo Hội”[2].
Trong
Thư gửi giới trẻ nam nữ toàn thế giới ngày 31/3/1985, chúng ta đọc thấy : “Giáo
Hội nhìn về giới trẻ, hay nói đúng hơn, một cách đặc biệt, Giáo Hội tự soi mình trong giới trẻ, nơi tất cả
chúng con và đồng thời nơi từng người chúng con. Ngay từ thời các tông đồ, Giáo
Hội đã làm như thế. Những lời trong Thư thứ
nhất của Thánh Gioan làm chứng đặc biệt về điều đó : "Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em : Anh em đã thắng Ác thần. Hỡi anh em là
những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em : Anh em biết Chúa Cha. ... Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho
anh em : Anh em là những người mạnh mẽ
; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em"
(1 Ga 2,13 tt.). Trong
thời đại chúng ta, vào cuối thiên niên kỷ thứ hai sau Đức Giêsu-Kitô, Giáo Hội
cũng tự soi mình trong giới trẻ”[3].
Đừng
coi giới trẻ chỉ như đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội mà thôi :
thực wsự, giới trẻ đang được và phải được khuyến khích “trở thành những chủ thể
tích cực, tham gia vào việc Phúc-âm-hóa và
đổi mới xã hội”[4].
Tuổi trẻ là thời gian để khám phá
đặc biệt sâu xa về “cái tôi” và về “dự phóng của cuộc đời” ; đó là thời gian
của một sự tăng trưởng phải được
thực hiện trong “khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước
mặt người ta” (Lc 2,52).
Như
các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhận định : “Giới trẻ có một cảm quan bén nhạy
để nhận ra một cách sâu sắc những giá trị như công lý, bật bạo động và hòa
bình. Tâm hồn họ hướng tới tình huynh đệ, bằng hữu và liên đời. Họ nhiệt tình
hết mình cho những vấn đề liên hệ đến chất lượng cuộc sống và bảo vệ thiên
nhiên. Tuy nhiên, lòng họ vẫn mang nặng những băn khoăn lo lắng, chán chường,
thất vọng và sợ hãi trước thế giới, nhất là những cám dỗ của tuổi thanh xuân”[5].
Giáo
Hội phải làm sống lại lòng quý mến mà Đức Giêsu đã tỏ bày với người thanh niên
: “Ngài đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Chính vì thế, Giáo Hội không ngừng loan báo Đức
Giêsu-Kitô ; Giáo Hội công bố Tin Mừng của Ngài như câu trả lời duy nhất và
sung mãn cho những khát vọng cơ bản nhất của giới trẻ, như một đề nghị đầy phấn
khởi từng người gắn bó với Ngài : “Hãy đến theo tôi” (Mc
10,21), một đề nghị bao gồm việc chia
sẻ tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và việc tham gia vào sứ vụ cứu
độ nhân loại của Ngài.
Giáo Hội có rất nhiều điều để nói với giới trẻ và
giới trẻ có rất nhiều điều để nói với Giáo Hội. Cuộc đối thoại hỗ
tương này phải được thực hiện một cách thậy thân tình, trong sáng và can đảm,
nó sẽ cổ võ việc gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ, sẽ là nguồn mạch phát sinh
sự phong phú và tươi trẻ cho Giáo Hội cũng như cho xã hội. Trong sứ điệp gửi
giới trẻ, Công Đồng tuyên bố : “Giáo Hội nhìn về các bạn với lòng tín cẩn và
yêu thương ... Giáo Hội là sự trẻ trung đích thực của thế giới ... Xin hãy nhìn
Giáo Hội và các bạn se khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô”[6].
Thiếu nhi và Nước Trời
3.
Chắc
chắn thiếu nhi là hình ảnh nói lên lòng yêu thương tinh tế và quảng đại của
Chúa Giêsu : Ngài đã chúc lành cho chúng và hơn nữa, bảo đảm chúng sẽ được vào
Nước Trời (x. Mt 19,13-15 ; Mc 10,14). Đặc biệt, Chúa Giêsu ca tụng vai trò tích cực của các
trẻ nhỏ trong Nước Thiên Chúa :
chúng là biểu tượng hùng hồn và hình ảnh sáng ngời về những điều kiện luân lý
và thiêng liêng cần phải có để được gia nhập Nước Thiên Chúa và để sống phó
thác hoàn toàn cho Chúa : "Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại
mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như
em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ
như em này vì Danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy" (Mt
18,3-5 ; x. Lc 9,48).
Các
thiếu nhi nhắc nhở cho chúng ta rằng hiệu quả phong phú trong việc truyền giáo
của Giáo Hội có cội rễ tràn đầy sức sống chứ không phải nơi các phương tiện hay
công trạng của con người, nhưng nơi ân huệ hoàn toàn tặng-không của Thiên Chúa.
Đời sống trong sạch và duyên dáng của trẻ thơ, kể cả những đau khổ của chúng do
bị hành hạ bất công, trở nên nguồn mạch đem lại sự phong phú thiêng liêng cho
chúng và cho toàn thể Giáo Hội, nhờ Thánh Giá Đức Kitô : tất cả chúng ta phải
có một ý thức rất sống động và tràn đầy tâm tình biết ơn về điều đó.
Hơn
nữa, phải nhìn nhận rằng có những khả năng hoạt động quý giá đang được mở ra
cho các thiếu nhi, nhằm xây dựng Giáo Hội cũng như nhân bản hóa xã hội. Khi nói
về sự hiện diện hồng phúc của các trẻ em trong gia đình, “Giáo Hội tại gia”,
Công Đồng đã khẳng định : “Con cái là những phần tử sống động trong gia đình,
nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ”[7].
Khẳng định của Công Đồng cũng có thể áp dụng về các trẻ em trong tương quan với
Giáo Hội địa phương và phổ quát. Jean Gerson, nhà thần học và giáo dục thế kỷ
XV đã ghi nhận điều đó qua những lời sau : “Các trẻ em và thanh niên không phải
là thành phần không đáng kể trong Giáo Hội”[8].
Người cao niên và ơn khôn ngoan
4.
Đối với
những người cao niên, mà người ta thường sai lầm coi như là những người vô ích,
nếu không coi như một gánh nặng không chịu đựng nổi, tôi xin nhắc lại rằng Giáo
Hội đòi hỏi và trông chờ họ theo đuổi sứ vụ tông đồ và truyền giáo của họ, sứ
vụ mà ngay cả vào tuổi này, không những là một công việc có thể thi hành và là
một nghĩa vụ, nhưng chính trong tuổi này, nó còn có những hình thức riêng biệt
và độc đáo nữa.
Kinh
Thánh cho chúng ta thấy người cao tuổi như là biểu tượng của người đầy khôn
ngoan và kính sợ Thiên Chúa (x. Hc 25,4-6). Theo nghĩa này, “ân huệ” của người cao tuổi có thể được
hiểu như ân huệ của người làm chứng cho truyền thống đức tin (x. Tv
44,2 ; Xh 12,26-27), thầy
dạy cách sống (x. Hc 6,34 ; 8,11-12), người cây dựng đức ái, trong Giáo Hội cũng như trong xã
hội.
Ngày
nay, số người cao tuổi gia tăng trong nhiều nước trên thế giới và tình trạng về
hưu sớm mở ra một chân trời mới cho công việc tông đồ của những người cao tuổi
: đó là một nhiệm vụ mà họ phải can đảm đón nhận bằng cách cương quyết vượt
thắng cám dỗ muốn thu mình lại, luyến tiếc một quá khứ không bao giờ trở lại
nữa, và từ chối dấn thân trong hiện tại, vì gặp những khó khăn trong một thế
giới không ngừng đổi mới ; ngược lại, họ phải luôn ý thức rõ hơn về vai trò cá
nhân của mình trong Giáo Hội và trong xã hội, bởi vì vai trò này không mất đi
do tuổi tác, nhưng chỉ mang những khía cạnh mới, như lời tác giả thánh vịnh :
"Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,
để loan truyền rằng : Chúa thực là ngay thẳng" (Tv 92,15-16). Tôi nhắc lại điều đó trong dịp cử hành Ngày Năm Thánh
cho những Người Cao Tuổi : “Đi vào giai đoạn thứ ba của cuộc đời phải được coi
là một đặc ân : không những vì không phải ai cũng may mắn sống tới tuổi này,
nhưng còn và nhất là vì đây là quãng thời gian cụ thể có thể giúp người ta xem
xét lại quá khứ một cách kỹ lưỡng hơn và sống mãnh liệt hơn mầu nhiệm vượt qua,
trở thành gương mẫu cho toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội ... Mặc dù có nhiều
vấn đề phức tạp phải giải quyết, sức lực mỗi ngày mỗi suy giảm, mặc dù thiếu
các tổ chức xã hội, sự trì trê của pháp chế chính thức, thái độ thiếu thông cảm
trong một xã hội ích kỷ, dầu vậy, anh chị em vẫn không và không thể tin rằng ở
bên lề cuộc sống của Giáo Hội, mình là những thành phần thụ động của một thế
giới đầy tốc độ, nhưng phải tin rằng mình như những chủ thể hoạt động của một
giai đoạn rất phong phú về nhân bản và thiêng liêng trong cuộc sống của nhân
lọai. Anh chị em còn có một sứ vụ phải chu toàn, một sự đóng góp phải thực
hiện. Theo ý định của Thiên Chúa, mỗi người là một sự sống luôn tăng trưởng, từ
lúc đầu tiên cuộc sống hình thành cho đến ngày thở hơi cuối cùng”[9].
Nữ giới và nam giới
5.
Các Nghị
Phụ Thượng-hội-đồng đã chú ý đặc biệt đến hoàn cảnh và vai trò của phu nữ, với
hai ý hướng : nhìn nhận và, một lần nữa, mời gọi mỗi người nhìn nhận sự đóng
góp không thể thiếu của phụ nữ trong việc xây dựng Giáo Hội và phát triển xã
hội ; hơn nữa, phân tích đặc biệt hơn sự tham gia của phụ nữ vào đời sống và sứ
vụ của Giáo Hội.
Dựa
vào giáo huấn của Đưc Gioan XXIII, người đã nhìn thấy việc phụ nữ ý thức về
phẩm giá riêng của họ và gia nhập vào đời sống công cộng như một dấu chỉ thời
đại,[10]
các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng, đứng trước tình trạng phân biệt đối xử và gạt ra
ngoài lề bằng nhiều hình thức rất khác nhau mà phụ nữ phải chịu chỉ vì họ là
phụ nữ, đã nhiều lần mạnh mẽ xác quyết phải bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm của nữ giới cũng như sự bình
đẳng của họ đối với nam giới.
Nếu
đó là nghĩa vụ của mọi người trong Giáo Hội và trong xã hội, thì cách riêng, đó
là nghĩa vụ của chính phụ nữ ; họ phải tự cảm thấy cần dấn thân như những người
đấu tranh hàng đầu cho điều đó. Cần có nhiều nỗ lực phải thực hiện ở nhiều nơi
trên thế giới và trong các môi trường khác nhau, nhằm loại bỏ não trạng bất
công và độc hại coi con người như một đồ vật, một món hàng, một dụng cụ phục vụ
cho lợi lộc ích kỷ và cho việc tìm kiếm khóai lạc ; càng phải nỗ lực, vì với
não trạng như thế, chính phụ nữ là nạn nhân đầu tiên. Việc chân thành và rõ
ràng nhìn nhận nhân phẩm của phụ nữ là bước đầu phải làm để cổ võ sự tham gia
trọn vẹn của họ vào đồi sống Giáo Hội cũng như đời sống xã hội và cộng đồng.
Cần phải có sự đáp ứng cương quyết hơn cho đòi hỏi đã được nhắc đến trong Tông
Huấn về Gia Đình về nhiều hình
thức phân biệt đối xử mà phụ nữ là nạn nhân : “Vậy tôi yêu cầu mọi người dấn
thân vào một hoạt động mục vụ chuyên biệt mạnh mẽ và sắc bén hơn, để dứt khoát
loại trừ tệ trạng kỳ thị này và để đi đến chỗ hoàn toàn quý trọng hình ảnh của
Thiên Chúa rạng rỡ nơi mọi người, không trừ ai”[11].
Trong cùng hướng suy tư đó, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã khẳng định : “Khi
thể hiện sứ vụ của mình, Giáo Hội phải mạnh mẽ chống lại mọi hình thức kỳ thị
và lạm dụng mà người phụ nữ là nạn nhân”[12].
Và : “Phẩm giá của phụ nữ đã bị xúc phạm nặng nề trong dư luận quần chúng, nên
phải khôi phục lại phẩm giá đó bằng cách tôn trọng thực sự các quyền con người
và thực thi giáo huấn của Giáo Hội”[13].
Đặc
biệt, trong những điều liên quan đến sự tham
gia tích cực và có trách nhiệm vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội,
cần phải ghi nhận lời mời gọi rõ ràng của Công Đồng Vatican II : “Ngày nay, phụ
nữ càng ngày càng góp phần tích cực vào tất cả đời sống xã hội, cho nên điều
quan trọng là làm sao cho họ cũng tham gia nhiều hơn vào những lãnh vực tông đồ
của Giáo Hội”[14].
Ý
thức về những ân huệ và trách nhiệm riêng biệt của phụ nữ, cũng như ơn gọi đặc biệt của họ, đã được phát triển
và được đào sâu trong thời kỳ sau Công Đồng ; ý thức đó được gợi hứng từ nền
tảng căn bản nhất trong Tin Mừng và trong lịch sử Giáo Hội. Thực vậy, đối với
người có đức tin, Tin Mừng, nghĩa là lời nói và gương mẫu của Đức Giêsu-Kitô,
vẫn luôn là điểm quy chiếu thiết yếu và có tính cách quyết định, một điểm quy
chiếu phong phú nhất và có sức canh tân nhất trong giai đoạn lịch sử chúng ta
đang sống.
Dù
không được kêu gọi vào tông-đồ-vụ của riêng Nhóm Mười Hai, và như vậy cũng
không được kêu gọi vào chức linh mục thừa tác, nhiều phụ nữ đã theo Chúa Giêsu
khi Ngài thi hành sứ vụ và đã phụ giúp các Tông Đồ (x. Lc 8,2-3) ; các bà đã hiện diện gần bên Thập Giá Chúa (x. Lc
23,49) ; các bà tham dự vào việc chôn
táng Chúa (x. Lc 23,55) và vào
buổi sáng Phục Sinh, các bà đã đón nhận rồi truyền lại lời loan báo Chúa Phục
Sinh (x. Lc 24,1-10) ; các
bà đã cầu nguyện cùng với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly khi chờ đợi Lễ Ngũ Tuần
(x. Cv 1,14).
Theo
dấu chân của Tin Mừng, Giáo Hội thời sơ khai đã tách khỏi văn hóa thời đại, và
đã kêu gọi phụ nữ lãnh nhận những trách vụ gắn liền với việc loan báo Tin Mừng.
Trong các thư của mình, thánh Phaolô đã kể tên một số phụ nữ vì họ giữ một số
nhiệm vụ khác nhau trong lòng những cộng đồng giáo hội tiên khởi và phục vụ
những cộng đồng này (x. Rm 16,1-15 ; Pl 4,2-3 ; Cl
4,15 ; 1 Cr 11,5 ; 1 Tm 5,16). Đức
Phaolô VI đã nói : “Nếu chứng tá của các Tông Đồ làm nên Giáo Hội, thì chứng tá
của các phụ nữ đã góp phần lớn lao vào việc nuôi dưỡng đức tin của các cộng
đồng kitô-hữu”[15].
Cũng
như thời khai sinh, trong tiến trình phát triển tiếp theo, Giáo Hội vẫn luôn có
– dĩ nhiên với những khía cạnh và những điểm nhấn mạnh khác nhau – những phụ nữ
đã chu toàn những vai trò đôi khi có tính cách quyết định, và đã đảm nhận những
trách vụ có tầm quan trọng đáng kể cho chính Giáo Hội. Đó là lịch sử của một
hoạt động bao la, thường là khiêm tốn và âm thầm, nhưng không kém phần quyết
định cho sự tăng trưởng và thánh thiện của Giáo Hội. Lịch sử đó cần phải được
tiếp tục, và hơn nữa, cần phải được mở rộng, được tăng cường sức mạnh, đi đôi
với ý thức lớn rộng và phổ quát về nhân phẩm cũng như ơn gọi của phụ nữ và, mặt
khác, cũng đi đôi với hiện tình khẩn cấp cần có một cuộc “Phúc-âm-hóa mới”, một
sự “nhân-bản-hóa” rộng lớn hơn trong các tương quan xã hội.
Nhắc
lại mệnh lệnh của Công Đồng Vatican II là mệnh lệnh phản ánh sứ điệp Tin Mừng
cũng như lịch sử Giáo Hội, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã đưa ra một “khuyến dụ” rõ ràng, trong số nhiều khuyến
dụ khác, như sau : “Qua đời sống và sứ mạng của mình, Giáo Hội phải nhìn nhận
tất cả những ân huệ của nữ giới cũng như của nam giới và đưa vào lãnh vực thực
hành”[16].
Lại nữa : “Thượng-hội-đồng này tuyên bố rằng Giáo Hội đòi phải công nhận và sử
dụng tất cả những ân huệ, những kinh nghiệm và khả năng của nam giới cũng như
nữ giới, để sứ vụ của Giáo Hội đạt được hữu hiệu hơn” (x. TB. Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị về tự do Kitô-giáo và giải phóng,
72)[17].
Những nền tảng nhân học và thần
học
6.
Muốn bảo
đảm cho phụ nữ chỗ đứng mà họ có quyền có trong Giáo Hội và xã hội, cần một
điều kiện là : nghiên cứu nghiêm túc và sâu xa những nền tảng nhân học về thân phận nam – nữ, nhằm xác định căn
tính ngôi vị riêng của phụ nữ trong mối tương quan khác biệt và bổ túc của họ
đối với người nam. Việc nghiên cứu đó không chỉ nhằm những gì liên hệ đến những
vai trò phải thi hành, những chức năng phải đảm nhận, nhưng sâu xa hơn, còn
nhằm những gì liên hệ đến cơ cấu ngôi vị và ý nghĩa của nó. Các Nghị Phụ
Thượng-hội-đồng đã cảm nhận mạnh mẽ nhu cầu này nên đã xác định rằng : “Phải
nghiên cú sâu xa hơn những nền tảng nhân học và thần học, nhằm giải quyết
những vấn đề liên quan đến ý nghĩa đích thực cũng như phẩm giá của cả hai phái”[18].
Khi
suy tư về những nền tảng nhân học và thần học của thân phận nữ giới, Giáo Hội
bảo đảm sự hiện diện của mình trong tiến trình lịch sử của các phong trào khác
nhau nhằm thăng tiến cho phụ nữ, và khi đi vào tận gốc rễ con người của phụ nữ,
Giáo Hội đem vào đó phần đóng góp quý báu nhất của mình. Tuy nhiên, trước nhất
và đặc biệt nhất là, Giáo Hội biết tuân phục Thiên Chúa là Đấng, khi sáng tạo
nên con người “theo hình ảnh của Ngài”, “đã sáng tạo họ có nam có nữ” (St
1,27) ; Giáo Hội biết đón nhận lời
Thiên Chúa mời gọi nhận ra, thán phục và sống ý định của Ngài là Đấng Tạo Hóa.
Đó là một ý định đã được ghi khắc một cách không thể xóa nhòa ngay “từ lúc khởi
đầu” vào trong chính hữu thể con người, cả nam lẫn nữ, và như vậy, trong cấu
trúc đầy ý nghĩa của họ cũng như trong những năng động sâu xa của họ. Quả thực,
ý định đầy khôn ngoan và yêu thưong này đòi phải được phát triển trong tất cả
nét phong phú của nó. Nét phong phú này ngay từ “lúc khởi đầu” đã được bày tỏ
dần dần, được thể hiện trong suốt dòng lịch sử, và đạt đến cao điểm khi “thời
gian tới hồi viên mãn”, khi “Thiên Chúa sai Con mình tới, sinh làm con một
người đàm bà” (Gl 4,4). Sự
“viên mãn” đó vẫn tiếp tục trong lịch sử : việc nhận ra ý định của Thiên Chúa
được tiếp tục và phải được tiếp tục không ngừng trong niềm tin của Giáo Hội, và
cũng nhờ đời sống của bao nhiêu phụ nữ kitô-hữu. Không được coi thường sự đóng
góp của các ngành khoa học nhân văn và các văn hóa khác nhau ; với sự biện phân
sáng suốt, sự đóng góp này có thể giúp đón nhận và xác định các giá trị, các
đòi hỏi thuộc về chính yếu tính vững bền của người nữ, cũng như những giá trị
và đòi hỏi gắn liền với sự tiến triển lịch sử của các văn hóa, như Công Đồng đã
nhắc nhở chúng ta về điều đó : “Giáo Hội xác nhận rằng, qua mọi đổi thay, có
nhiều điều vẫn không thay đổi vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay
đổi là Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn thế (x. Dt
13,8)”[19].
Những
nền tảng nhân học và thần học về nhân phẩm của phụ nữ đã được bàn đến trong
Tông Thư về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ. Còn văn kiện này chỉ lấy lại, triển khai
và chuyên biệt hóa những suy tư trong huấn giáo các ngày thứ tư, bàn đến một
“nền thần học về thân xác” trong một thời gian dài. Văn kiện này muốn thực hiện
lời hứa nói trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế,[20]
đồng thời đáp lại lời yêu cầu của các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng.
Việc
đọc lại Tông Thư về phẩm giá và ơn gọi phụ
nữ, ngay cả do đặc tính suy niệm thần học – thánh kinh của nó, có
thể là một việc gợi hứng cho mọi người, nam cũng như nữ, và cách riêng kích
thích các đại diện của các ngành khoa học nhân văn và các bộ môn thần học theo
đuổi những nghiên cứu phê bình của họ, để, dựa trên nền tảng nhân phẩm của
người nam và người nữ, và tương quan hỗ tương của họ, càng ngày càng đào sâu
những giá trị và ân huệ riêng biệt của nữ tính và nam tính, không phải chỉ
trong lãnh vực đời sống xã hội, nhưng còn và nhất là còn trong lãnh vực đời
sống kitô-hữu và đời sống Giáo Hội.
Suy
tư về những nền tảng nhân học và thần học về nữ tính phải soi sáng và hướng dẫn
cho câu giải đáp Kitô-giáo đối với câu hỏi rất hay được đặt ra, đôi khi một
cách rất gay gắt, về “vị trí” mà người phụ
nữ có thể và phải có trong Giáo Hội và trong xã hội.
Từ
lời nói và thái độ của Đức Kitô, là những chuẩn mực cho Giáo Hội, rõ ràng là
không hề có một sự kỳ thị nào cả trên bình diện tương quan với Đức Kitô, nơi
Ngài “không còn chuyện phân biệt đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là
một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28), lẫn trên bình diện tham dự vào đời sống và sự thánh
thiện của Giáo Hội, được thực hiện vào ngày Lễ Ngũ Tuần, như lời tiên tri Gioel
chứng thực cách kỳ diệu : “Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi người phàm, con
trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ” (Ge 3,1 ; x. Cv
2,17 tt.). Người ta cũng đọc được điều ấy
trong Tông Thư về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ : “Cả hai, nam cũng như nữ, ... có
khả năng được hưởng chân lý của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Thánh Thần với
cùng một danh nghĩa. Cả hai tiếp đón Ngài “đến” cứu độ và thánh hóa”[21].
Sứ vụ trong Giáo Hội và trong
thế giới
7.
Về việc
tham dự vào sứ vụ tông đồ của Giáo Hội, chắc chắn rằng nhờ bí tích Thánh Tẩy và
Thêm Sức, phụ nữ – cũng như người nam – được tham dự vào ba chức vụ của Đức
Giêsu-Kitô Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả, do đó, họ có tư cách và được tham gia
vào sứ vụ nền tảng của Giáo Hội : Phúc-âm-hóa.
Mặt khác, chính qua việc chu toàn sứ mạng tông đồ đó mà người phụ nữ được mời
gọi sử dụng “các ân huệ” riêng của mình : trước tiên, ân huệ đó là chính nhân
phẩm của họ, lời nói, chứng tá đời sống, rồi đến những ân huệ gắn liền với ơn
gọi của nữ giới.
Khi
tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, phụ nữ không được lãnh bí tích
Truyền Chức Thánh, và như vậy không thể thi hành những nhiệm vụ riêng của chức
tư tế thừa tác. Đó là một quy định mà Giáo Hội vẫn luôn nhận ra trong ý muốn rõ
ràng, hoàn toàn tự do và tối thượng của Đức Giêsu-Kitô, Đấng đã chỉ kêu gọi
những người nam làm Tông Đồ của Ngài [22]
; quy định đó có thể được sáng tỏ qua mối tương quan giữa Đức Kitô Phu Quân và
Giáo Hội Hiền Thê của Ngài.[23]
Chúng ta đang nói đến khái niệm về chức năng,
chứ không phải khái niệm về phẩm giá
và sự thánh thiện. Thực ra, phải xác quyết rằng : “Mặc dù Giáo Hội
có một cơ cấu ‘phẩm trật’, tuy nhiên cơ cấu này hoàn toàn quy hướng về sự thánh
thiện của các chi thể Đức Kitô”[24].
Tuy
nhiên, như Đức Phaolô VI đã nói, nếu “chúng ta không thể thay đổi được thái độ
của Đấng Cứu Thế cũng như lời kêu mời của Ngài đối với các phụ nữ, chúng ta vẫn
có thể nhìn nhận và cổ võ vai trò của phụ nữ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và
trong đời sống của cộng đồng kitô-hữu”[25].
Chúng
ta cần phải đi từ sự nhìn nhận có tính cách
lý thuyết về sự hiện diện tích cực và có trách nhiệm của phụ nữ
trong Giáo Hội, đến việc thể hiện nó trong
thực hành. Chúng ta phải đọc Tông Huấn gửi cho giáo dân này trong ý
nghĩa rất chính xác đó, khi Tông Huấn chủ ý lặp lại điệp ngữ “những người nam
và người nữ”. Hơn nữa, Giáo Luật cũng chứa đựng nhiều quy định về sự tham gia
của phụ nữ vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội : đó là những quy định cần được
quảng bá rộng rãi hơn, được thực hiện thích đáng và rõ nét hơn , mà vẫn tôn
trọng những dị biệt về cảm thức văn hóa và các nhu cầu mục vụ.
Chẳng
hạn, người ta phải nghĩ đến sự tham gia của phụ nữ vào Hội Đồng mục vụ của giáo
phận và các giáo xứ, cũng như vào những Công Nghị giáo phận và các Công Đồng
địa phương. Chính theo nghĩa đó, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã viết : “Ước
mong các phụ nữ cũng được tham gia vào đời sống Giáo Hội, không có một sự kỳ
thị nào, ngay cả trong việc tư vấn và soạn thảo các quyết nghị”[26].
Hơn nữa, “Phụ nữ đã có một vị trí quan trọng trong việc truyền đạt đức tin và
chu tòan những dịch vụ đủ loại trong đời sống Giáo Hội, họ phải được góp phần
soạn thảo các văn kiện mục vụ và những sáng kiến truyền giáo ; họ phải được
công nhận như những người cộng tác vào sứ vụ của Giáo Hội trong gia đình, nghề
nghiệp và xã hội”[27].
Trong
lãnh vực đặc biệt hơn của việc phúc-âm-hóa và huấn giáo, cần phải cổ võ mạnh mẽ
hơn trách vụ bổ túc của nữ giới trong việc truyền đạt đức tin, không chỉ trong
gia đình, nhưng cả trong những môi trường giáo dục khác nhau và, một cách tổng
quát hơn, ở bất cứ nơi nào đón nhận, hiểu biết và thông truyền Lời Chúa, kể cả
bằng phương tiện nghiên cứu, tìm tòi và giảng dạy thần học.
Càng
dấn thân nhiều hơn trong công việc phúc-âm-hóa, phụ nữ sẽ càng cảm thấy sâu sắc
hơn nhu cầu chính mình được phúc-âm-hóa. như thế, nhờ được đức tin soi sáng,
phụ nữ sẽ có thể biện phân được điều gì thực sự phù hợp với nhân phẩm và ơn gọi
của mình, khác với những gì, dưới chiêu bài “phẩm giá”, hoặc nhân danh “tự do”
và “tiến bộ”, lôi kéo phụ nữ tới chỗ không còn ủng hộ cho việc củng cố những
giá trị đích thực, ngược lại, đưa họ tới chỗchịu trách nhiệm về sự sa sút luân
lý của nhiều người, nhiều nơi và của xã hội. Thực hiện một sự “biện phân” như
vậy là một vấn đề cấp bách có tầm mức lịch sử và không thể trì hõan, đồng thời
đó cũng là khả năng và đòi hỏi phát xuất từ sự tham dự của phụ nữ kitô-hữu vào
sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô và của Giáo Hội. Sự “biện phân” mà Tông Đồ Phaolô đã
nhiều lần nói đến không phải chỉ là đáng giá các thực tại và những biến cố dưới
ánh sáng đức tin ; nhưng còn là một quyết định cụ thể và dấn thân tích cực,
không chỉ trong Giáo Hội mà cả trong xã hội nhân loại.
Người
ta có thể xác quyết rằng tất cả những vấn đề của thời đại chúng ta, mà Hiến chế
Vui Mừng và Hy Vọng đã đề cập ở
phần II, những vấn đề mà thời gian trôi qua từ đó tới nay chưa hề giải quyết
hay làm giảm bớt được, những vấn đề đó cần đến sự hiện diện tích cực của phụ
nữ, nói rõ hơn, cần đến sự đóng góp tiêu biểu và bất khả thay thế của họ.
Đặc
biệt, có hai trách vụ lớn lớn được giao cho phụ nữ đáng được mọi người lưu ý,
Trước
hết, đó là việc thực hiện tất cả phẩm giá
của mình trong đời sống làm vợ và làm mẹ. Ngày nay phụ nữ có nhiều
điều kiện mới mẻ để hiểu biết và thực hiện phong phú hơn những giá trị nhân bản
và Kitô-giáo trong đời sống phu thê và trong kinh nghiệm làm mẹ ; còn người đàn
ông, là chồng và là cha, có thể đi tới chỗ sửa chữa những hình thức vắng nhà
hoặc hiện diện thất thường hay không đủ, hơn nữa, có thể đi tới chỗ thắt chặt
những tương giao hiệp thông liên vị mới mẻ và có ý nghĩa, tất cả chính là nhờ
sự can thiệp thông minh, âu yếm và quả quyết của người vợ.
Một
trách vụ khác của phụ nữ là bảo đảm chiều
kích luân lý của văn hóa, nghĩa là chiều kích nhân bản thực sự, phù
hợp với phẩm giá con người trong đời sống cá nhân và xã hội. Công Đồng Vatican
II dường như đã nối kết chiều kích luân lý và văn hóa với sự tham dự của người
giáo dân vào chức vụ vương giả của Đức Kitô : “Khi các thể chế và cảnh sống của
thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và cảnh
sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công
bình và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn trở chúng. Hành
động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa
và các công trình của loài người”[28].
Trong
mức độ người phụ nữ tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc điều hành các
thể chế có ảnh hưởng tới việc bảo vệ tính ưu tiên phải được dành cho các giá
trị nhân bàn trong sinh họat của các cộng đồng chính trị, thì những lời Công
Đồng mà chúng ta vừa nhắc lại, xác định một lãnh vực tông-đồ-vụ quan trọng của
phụ nữ : trong mọi chiều kích của đời sống của các cộng đồng đó, từ chiều kích
kinh tế – xã hội đến chiều kích chính trị – xã hội, phải tôn trọng và cổ võ
nhân phẩm của phụ nữ và ơn gọi riêng biệt của họ : không chỉ trong lãnh vực cá
nhân, nhưng cả trong lãnh vực cộng đồng, không chỉ trong những hình thức để con
người được tự do có trách nhiệm, nhưng cả trong những hình thức được luật phát
dân sự chính đáng bảo đảm.
“Con
người ở một mình thì không tốt ; Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”
(St 2,18). Đấng
Tạo Hóa đã trao phó người nam cho người nữ. Chắc chắn người nam đã được trao
phó cho mọi người, nhưng đã được trao phó một cách đặc biệt cho người nữ, bởi
vì chính người phụ nữ, nhờ có kinh nghiệm đặc biệt về tình mẫu tử, dường như
được phú bẩm một sự nhạy cảm đặc biệt đối
với con người và đối với những gì làm nên thiện hảo đích thực của
con người, khởi từ giá trị nền tảng của cuộc sống. Khả năng và trách nhiệm của
phụ nữ lớn lao biết bao trong lãnh vực này, vào một thời đại mà sự phát triển
khoa học và kỹ thuật không phải lúc nào cũng dựa vào sự Khôn Ngoan đích thực và
được đánh giá theo sự Khôn Ngoan này, với nguy cơ không trách được là “phi nhân
hóa” cuộc sống con người, nhất là khi cuộc sống này cần tới một tình yêu mãnh
liệt hơn và một sự đón nhận quảng đại hơn.
Khi
đem những thiên khiếu của mình phục vụ Giáo Hội và xã hội, người phụ nữ tìm
được sự triển nở nhân vị đích thực của mình – điều mà ngày nay người ta đang
hết sức nhấn mạnh – và góp phần độc đáo vào sự hiệp thông giáo hội cũng như vào
tính năng động tông đồ của dân Chúa.
Trong
viễn tượng đó, cũng cần nói về người nam, chứ không chỉ nói về người nữ.
Người nam và người nữ,
cùng hiện
diện và cộng tác với nhau
8.
Khi
Thượng-hội-đồng đang nhóm họp, nhiều phát biểu đã tỏ ý lo ngại rằng việc quá
nhấn mạnh đến điều kiện sống và vai trò của phụ nữ có thể đưa đến một sự quên
lãng không thể chấp nhận được : bỏ quên nam
giới. Quả thực, trong nhiều tình huống của Giáo Hội, người ta đã
phàn nàn về sự vắng mặt hoặc hiện diện không đủ của nam giới, một số người nam
đã trốn tránh trách nhiệm riêng của mình trong Giáo Hội, đến nỗi chỉ còn phụ nữ
phải ra sức gánh vác : chẳng hạn, về việc tham dự kinh nguyện phụng vụ ở thánh
đường, việc giáo dục, nhất là việc dạy giáo lý cho trẻ em, về sự hiện diện
trong những buổi gặp gỡ có tính cách tôn giáo và văn hóa, về sự cộng tác vào
những sáng kiến từ thiện và những công tác truyền giáo.
Như
vậy, cần phải có một nỗ lực mục vụ nhằm có được một sự hiện diện phối hợp của
người nam và người nữ, để việc tham gia của giáo dân vào sứ vụ cứu độ của Giáo
Hội trở nên trọn vẹn hơn, hài hòa hơn và phong phú hơn.
Lý
do nền tảng đòi buộc và giải thích sự hiện diện phối hợp và sự cộng tác nam –
nữ không chỉ là để bảo đảm, như chúng ta vừa nói, ý nghĩa và hiệu năng lớn hơn
cho công việc mục vụ của Giáo Hội ; càng không phải chỉ để đáp ứng một khía
cạnh xã hội học về sự chung sống của nhân loại được thực hiện một cách tự
nhiên, nhờ cả người nam và người nữ. Trước tiên, chính như thế mà ý định nguyên
thủy của Đấng Tạo Hóa được thực hiện , Đấng mà ngay “từ lúc khởi đầu”, đã muốn
con người phải là “như sự hiệp nhất của cả hai” và Ngài đã sáng tạo người nam –
người nữ như một cộng đồng đầu tiên của con người, nguồn gốc của mọi cộng đồng
khác, đồng thời như là “dấu chỉ” của cộng đồng liên vị yêu thương làm nên mầu
nhiệm đời sống thâm sâu của Thiên Chúa Duy Nhất – Ba Ngôi.
Đặc
biệt chính vì vậy mà cách thức thông thường nhất, tế vi nhất và cũng nền
tảng nhất để bảo đảm sự hiện diện phối
hợp, hài hòa này của người nam – người nữ trong đời sống và trong sứ vụ của
Giáo Hội, chính là việc chu toàn các trách vụ và thực thi những trách nhiệm của
đôi vợ chồng và của gia đình Kitô-giáo. trong cách thức đó, nhiều hình thức
khác nhau của tình yêu và đời sống được tỏ hiện và truyền thông cho nhau : hình
thức vợ chồng, cha mẹ – con cái, anh chị em. như Tông Huấn về Gia Đình đã nói : “Nếu gia đình
Kitô-giáo là một cộng đồng mà các mối dây liên hệ được đổi mới nhờ Đức Kitô,
qua đức tin và các bí tích, thì sự tham dự của gia đình vào sứ vụ của Giáo Hội
cũng phải được thể hiện một cách cộng đồng ;
như vậy, người chồng và người vợ, với tư
cách là đôi lứa, cha mẹ và con cái, với
tư cách là gia đình,
phải cùng với nhau phục vụ Giáo Hội và thế giới ... Vả lại, gia đình Kitô-giáo
xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử xuyên qua những thực tại của cuộc sống
hằng ngày, những thực tại có liên hệ với điều
kiện sống của gia đình và làm nên đặc tính của nó. Từ đó, sự tham dự
của gia đình Kitô-giáo vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Giêsu-Kitô
và của Giáo Hội được diễn tả và thực hiện trong tình yêu phu thê và gia đình, một tình yêu được sống trong
sự phong phú lạ lùng về các giá trị của nó với những đòi hỏi của nó là trọn
vẹn, trung tín và sinh sản con cái”[29].
Đi
theo viễn tượng này, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhắc lại ý nghĩa của bí
tích Hôn Phối trong Giáo Hội và trong xã hội phải thực hiện, để soi sáng và gợi
hứng cho tất cả những mối tương giao giữa người nam và người nữ. Chính trong ý
nghĩa đó, các ngài đã nhấn mạnh đến “những cầu khẩn cấp là mỗi người kitô-hữu
phải sống và loan báo sứ điệp hy vọng hàm chứa trong mối tương giao giữa người
nam và người nữ. Bí tích Hôn Phối thánh hóa mối tương giao này dưới hình thức
vợ chồng và mặc khải nó như dấu chỉ của mối tương giao giữa Đức Kitô và Giáo
Hội, bí tích ấy chứa đựng một giáo huấn hết sức quan trọng đối với đời sống
Giáo Hội : giáo huấn này phải được truyền đạt cho thế giới hôm nay, qua trung
gian của Giáo Hội ; tất cả những mối tương giao giữa người nam và người nữ phải
dựa vào giáo huấn đó. Giáo Hội phải sử dụng rộng rãi hơn nữa nét phong phú đó”[30].
Các Nghị Phụ còn nêu lên một cách chính đáng rằng : “Phải khôi phục giá trị của
việc quý mến sự trinh khiết và tôn trọng thiên chức làm mẹ”[31],
để một lần nữa, cổ võ việc phát triển các ơn gọi khác nhau và bổ túc cho nhau
trong bối cảnh sống động của sự hiệp thông và phục vụ cho sự tăng trưởng không
ngừng của sự hiệp thông này.
Các bệnh nhân và người đau khổ
9.
Con
người được kêu gọi để hưởng niềm vui, nhưng, mỗi ngày, con người lại trải qua
rất nhiều hình thức đau khổ và đau đớn. Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng, trong sứ
Điệp kết thúc, đã gửi tới những người nam và người nữ đang phải chĩu nhiều hình
thức đau khổ và đau đớn những lời như sau : “Hỡi anh chị em là những người bị
bỏ rơi, những người bị xã hội tiêu thụ của chúng ta ruồng rẫy, những bệnh nhân,
những người tàn tật, những người nghèo, những người đói, những người di cư,
những người bị lưu đày, những tù nhân, những người thất nghiệp, những người lớn
tuổi, những trẻ em bị bỏ rơi, những người cô độc ; hỡi anh chị em là những nạn
nhân của chiến tranh và của mọi hình thức bạo hành, hậu quả của xã hội quá tự
do của chúng ta : Giáo Hội chia sẻ nỗi đau khổ của anh chị em, nỗi đau khổ đưa
anh chị em đến với Chúa, Đấng liên kết anh chị em với cuộc Khổ Nạn cứu độ của
Ngài và làm cho anh chi em được sống trong ánh sáng Cứu Độ của Ngài. chúng tôi
tin cậy vào anh chị em để giảng dạy cho toàn thế giới biết tình yêu là gì. Chúng
tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để anh chị em tìm được chỗ đứng mà anh chị em
có quyền có trong xã hội và trong Giáo Hội”[32].
Trong
bối cảnh một thế giới không biên giới như thế giới khổ đau của con người, chúng
ta hãy hướng về tất cả những người đang mắc phải bệnh tật dưới nhiều hình thức
khác nhau : quả thực, bệnh nhân là sự diễn tả phổ biến nhất và thông thường
nhất của con người đau khổ.
Lời
kêu gọi của Chúa được gửi đến mọi người và mỗi người : các bệnh nhân cũng là những người được kêu gọi làm thợ
trong vườn nho. Gánh nặng làm cho tứ chi mỏi mệt, làm cho tâm hồn
không còn được thanh thản, nhưng không ngăn cản họ đi làm việc trong vườn nho,
trái lại, mời gọi họ sống ơn gọi làm người và làm kitô-hữu của họ, tham gia vào
sự phát triển Nước Thiên Chúa dưới nhiều thể
thức mới, và thậm chí quý báu hơn. Những lời của Tông Đồ Phaolô phải
trở thành chương trình của họ và, trước tiên, chúng là ánh sáng soi chiếu cho
họ thấy ý nghĩa của ân sủng từ chính tình trạng của họ : "Những gian nan
thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi
ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1,24). Chính khi khám phá ra điều đó, Thánh Tông Đồ đã tỏ ra
vui mừng : "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em" (Cl
1,24). Tương tự như thế, nhiều bệnh
nhân có thể trở thành những người người mang lại “niềm vui do Thánh Thần giữa
bao gian truân” (1 Tx 1,6) và trở
nên chứng nhân cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Một anh em tàn tật đã phát biểu
trong một buổi họp của Thượng-hội-đồng như sau : “Điều quan trọng là làm sáng
tỏ sự kiện này là : những kitô-hữu đang sống trong bệnh tật, đau khổ, già nua,
được Thiên Chúa kêu mời không những để kết hợp nỗi đau đớn riêng của mình với
cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, nhưng còn để ngay từ bây giờ đón nhận nơi mình và
chuyền đạt cho người khác sức mạnh canh tân và niềm vui của Đức Kitô phục sinh (x. 2 Cr
4,10-11 ; 1 Pr 4,13 ; Rm 8,18 tt.)”[33].
Về
phần mình, như đã nói trong Tông Thư Đau Khổ
cứu độ, Giáo Hội “được sinh ra từ mầu nhiệm cứu độ trong Thánh Giá
của Đức Kitô, nên có nghĩa vụ phải tìm
gặp con người một cách đặc biệt trên con đường đau khổ. trong cuộc gặp gỡ này,
con người ‘trở nên con đường của Giáo Hội’ và đây là một trong những con đường
quan trọng nhất”[34]. Con
người đau khổ chính là con đường của Giáo Hội, bởi vì, trước hết, đó là con
đường của chính Đức Kitô, là người samaritanô nhân hậu, đã “không tránh qua một
bên mà đi”, nhưng “động lòng thương..., lại gần..., băng bó vết thương..., săn
sóc người ấy” (Lc 10,32-34).
Cộng
đồng Kitô-giáo, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, giữa vô vàn người bệnh tật và
đau khổ, đã ghi lại dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, để mặc khải và thông
truyền tình yêu chữa lành và an ủi của Đức Kitô. điều đó thực hiện được là nhờ
chứng tá đời sống tu trì đã xả thân phục vụ bệnh nhân, và nhờ sự dấn thân không
mỏi mệt của tất cả những người chăm lo các dịch vụ y tế. Ngày nay, ngay cả
trong những bệnh viện và bệnh xá công giáo, người ta thấy sự hiện diện của
nhiều giáo dân nam – nữ gia tăng, đôi khi đến độ chỉ có họ hiện diện và hiện
diện hoàn toàn : chính họ, những bác sĩ, nam nữ y tá, toàn bộ nhân viên y tế và
những người trợ tá từ tâm, được kêu gọi để trở thành hình ảnh sống động của Đức
Kitô và của Giáo Hội Ngài, thể hiện tình yêu đối với các bệnh nhân và những
người đau khổ.
Canh tân hoạt động mục vụ
10.
Gia tài
rất quý giá đó, mà Giáo Hội nhận được nơi Đức Giêsu-Kitô, “vị lương y của thể
xác và tâm hồn”[35],
không được để suy giảm, nhưng ngày càng phải được làm nổi bật và phong phú, nhờ
một sự phục hồi và một nhiệt khí mới trong hoạt
động mục vụ dành cho bệnh nhân và những người đau khổ cũng như cùng với những
người này. Đó phải là một hoạt động có khả năng nâng đỡ và cổ vũ sự
chú tâm, hiện diện, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ và giúp đỡ con người trong
mọi lúc mà do bệnh tật và đau khổ, không những lòng tin của họ vào cuộc sống,
nhưng cả lòng tin của họ vào Thiên Chúa và vào tình yêu phụ tử của Ngài bị thử
thách nặng nề. Sự canh tân mục vụ thể hiện một cách có ý nghĩa nhất trong việc
cử hành bí tích với và cho các bệnh nhân, như sức mạnh trong đau khổ và yếu
đuối, như hy vọng trong thất vọng, như nơi gặp gỡ và lễ hội.
Vì
hoạt động mục vụ được canh tân và tăng cường đó phải phối hợp để bao gồm được
tất cả những thành phần trong cọng đồng giáo hội, nên một trong những mục tiêu
căn bản của hoạt động đó là coi các bệnh nhân, những người tàn tật, những người
chịu đau khổ, không chỉ đơn giản là những người được hưởng tình yêu và sự phục
vụ của Giáo Hội, nhưng còn phải coi họ là chủ
thể hoạt động và có trách nhiệm về công việc phúc-âm-hóa và về ơn cứu độ.
Trong
viễn tượng đó, Giáo Hội phải công bố Tin Mừng trong lòng xã hội và các văn hóa
đang mất cảm thức về sự đau khổ của nhân loại, nên đã “hạn chế” những thảo luận
về thực tại này của cuộc sống. Tin Mừng chính là loan báo rằng đau khổ có thể
có một ý nghĩa tích cực cho con người và cho chính xã hội, bởi vì đau khổ được
hướng tới chỗ trở thành một hình thức tham dự vào nỗi đau khổ cứu độ của Đức
Kitô, vào niềm vui của Đấng Phục Sinh, và bởi vì như vậy, đau khổ chính là một
sức mạnh thánh hóa và xây dựn Giáo Hội.
Việc
loan báo Tin Mừng này trở nên khả tín khi nó khôg phải chỉ là một diễn văn nơi
đầu môi chót lưỡi, nhưng thể hiện qua chứng tá đời sống, không phải của những
người chăm lo cức khỏe cho bệnh nhân, cho những người tàn tật và đau khổ, mà
còn của chính những bệnh nhân đã ý thức hơn và có trách nhiệm hơn về chỗ đứng
và trách vụ của mình trong Giáo Hội cho và chh.
Để
cho “văn minh tình yêu” có thể đơn bông kết trái trong thế giới bao la đầy đau
khổ của nhân loại, chúng ta nên đọc lại và suy gẫm một lần nữa bức Tông Thư Đau Khổ Cứu Độ. Ở đây tôi chỉ nhắc lại
phần kết luận : “Vì vậy, tất cả những ai đau khổ và những ai tin vào Đức Kitô,
đặc biệt những ai đau khổ vì tin vào Ngài, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống
lại, cần kết hợp với nhau bằng tâm trí dưới chân Thập Giá trên đồi Canvê, để
cho việc dâng hiến những đau khổ của họ sẽ làm cho lời cầu xin của chính Đấng
Cứu Thế – lời cầu xin cho mọi người hiệp nhất – được mau chóng thực hiện. Ước
mong tất cả những người thiện tâm cũng quy tụ lại ở đấy, bởi vì treo trên Thánh
Giá là “Đấng Cứu Chuộc con người”, là Con Người đau khổ đã mang nơi mình những
đau khổ thể lý và tinh thần của nhân lọai trong mọi thời đại, để cho nhân lọai
có thể tìm thấy, trong tình yêu, ý nghĩa cứu độ nơi những đau khổ của họ và tìm
thấy những giải đáp có cơ sở cho những thắc mắc của họ. Cùng với Đức Maria, Mẹ
Chúa Kitô, đã đứng dưới chân Thánh Giá, chúng ta dừng lại bên tất cả những
thánh giá của con người hôm nay. chúng ta khẩn cầu các thánh là những người qua
bao thế kỷ đã tham dự đặc biệt vào những đau khổ của Đức Kitô. chúng ta cầu xin
các ngài nâng đỡ chúng ta. Và tôi xin tất cả anh chị em, những người đang đau
khổ, giúp đỡ chúng tôi. Anh chị em là những người đau yếu, tôi xin anh chị em
hãy trở thành nguồn sức mạnh cho Giáo Hội và cho nhân lọai. Trong cuộc chiến
ghê gớm giữa hai sức mạnh thiện và ác đang bày ra trước mắt chúng ta, ước mong
rằng đau khổ của anh chị em, hiệp với Thánh Giá của Chúa Kitô, sẽ chiến thắng
!”[36].
Các bậc sống và các ơn gọi
11.
Tất cả
mọi người thợ làm Vườn Nho đều là thành phần Dân Chúa : các linh mục, các tu sĩ
nam nữ, các giáo dân, tất cả vừa là đối tượng vừa là chủ thể của sự hiệp thông
trong Giáo Hội và của việc tham dự vào sứ vụ cứu độ của Giáo Hội. Mọi người và
mỗi người, chúng ta đều làm việc trong Vườn Nho duy nhất của Chúa, Vườn Nho
chung cho mọi người, với những đoàn sủng và những tác vụ khác nhau, bổ túc lẫn
nhau.
Ngay
trên bình diện hữu thể, còn trước
cả bình diện hành động, người
kitô-hữu đã là cành nho của một cây nho sum sê là Đức Kitô ; họ là những chi
thể sống động của Thân Thể duy nhất của Chúa, được xây dựng trong sức mạnh Chúa
Thánh Thần. Nói trên bình hiện hữu thể không chỉ có nghĩa là nhờ ở đời sống ân
sủng và thánh thiện, là nguồn mạch đầu tiên và sung mãn của Mẹ Thánh Giáo Hội ;
nhưng điều đó còn có nghĩa là nhờ vào sự thánh thiện của đời sống làm rõ nét
đặc tính của các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, thánh viên các tu hội đời và
giáo dân.
Trong
Giáo Hội – Hiệp Thông, các bậc sống kết hợp chặt chẽ với nhau đến độ bậc này
hướng về bậc kia. Ý nghĩa sâu xa của các bậc sống chỉ là một, nó là ý nghĩa độc
nhất cho mọi bậc sống, thức là : một cách
sống bình đẳng về phẩm giá kitô-hữu và sống ơn gọi phổ quát phải nên thánh
trong đức ái trọn hảo. Các thể thức vừa
khác nhau vừa bổ túc cho nhau, đến nỗi mỗi thể thức có diện mạo độc
đáo của mình, không thể lẫn lộn, đồng thời có tương quan với những thể thức
khác và phục vụ chúng.
Như
thế, bậc sống của giáo dân có một
nét riêng biệt là tính cách trần thế. Bậc sống này thực hiện một dịch vụ thuộc
Giáo Hội, qua việc chứng thực và nhắc lại, theo cách của mình, cho các linh mục
và tu sĩ nam nữ, ý nghĩa của các thực tại trần thế và tạm thời trong chương
trình cứu độ của Thiên Chúa. Về phần mình, chức linh mục thừa tác thường xuyên bảo đảm sự hiện diện
bí tích của Đức Kitô Cứu Chuộc qua mọi thời và mọi nơi. Bậc tu sĩ làm chứng cho đặc tính cánh chung
của Giáo Hội, hoặc nói cách khác, làm chứng cho việc Giáo Hội hướng về Nước
Thiên Chúa, được tiên trưng và, một cách nào đó, được thể hiện trước, thưởng
nếm trước, nhờ các lời khấn khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.
Tất
cả mọi bậc sống, trong toàn bộ cũng như trong tương quan giữa bậc này với bậc
kia, đều phục vụ cho sự tăng trưởng của Giáo Hội. Đó là những thể thức sống
khác nhau, được liên kết sâu xa với nhau trong “mầu nhiệm hiệp thông” của Giáo
Hội và phối hợp với nhau với một sự năng động sâu xa trong sứ vụ duy nhất của
Giáo Hội.
Theo
cách đó, mầu nhiệm độc nhất và đồng nhất của Giáo Hội bày tỏ và làm sống lại sự phong phú vô tận của mầu nhiệm Đức Kitô
trong những bậc sống và những ơn gọi khác nhau. Như các Giáo Phụ thích lặp đi
lặp lại, Giáo Hội giống như một cánh đồng, ở đó người ta gặp thấy vô số cỏ cây
hoa trái kỳ diệu và quyến rũ. Thánh Ambrôsiô viết : “Một cánh đồng thì trổ sinh
nhiều hoa trái, nhưng cánh đồng nào có nhiều hoa trái là tốt nhất. Cánh đồng
Giáo Hội có rất nhiều hoa và trái. Ở đây, anh chị em có thể gặp thấy cây đồng
trinh bắt đầu trổ hoa ; ở kia, cây góa phụ biểu lộ sự khắc khổ như những khu
rừng trong đồng bằng ; nơi khác là mùa màng phong phú từ cây hôn nhân, được
Giáo Hội chúc lành, đang chất đầy những kho lẫm bao la của thế giới nhờ bội
thu, và máy ép nho của Chúa Giêsu đang đầy ắp trái từ vườn nho tươi nở, những
trái đó là sự phong phú của các hôn nhân Kitô-giáo”[37].
Các ơn gọi khác nhau của giáo
dân
12.
Sau
cùng, sự đa dạng phong phú của Giáo Hội còn thể hiện ở ngay trong mỗi bậc sống.
Như vậy, trong bậc sống giáo dân cũng có
nhiều “ơn gọi” khác nhau, nói cách khác, có nhiều con đường thiêng
liêng và tông đồ khác nhau liên quan đến từng giáo dân. Trong lòng một ơn gọi
“chung” của giáo dân, nảy sinh nhiều ơn gọi “riêng” của giáo dân. Về vấn đề
này, chúng ta có thể đề cập ở đây kinh nghiệm thiêng liêng mà thời gian gần đây
đã trở nên chín muồi trong Giáo Hội và đã làm nở rộ những hình thức Tu Hội đời
khác nhau : người giáo dân, và cả các linh mục nữa, có thể thực hành các lời
khuyên phúc âm – nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục – bằng lời khấn hoặc lời
hứa mà vẫn giữ trọn vẹn điều kiện sống riêng của mình là giáo dân hay giáo sĩ.[38]
Như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã ghi nhận : “Thánh Thần vẫn tiếp tục khơi
dậy những hình thức tận hiến khác dành cho những người vẫn hoàn toàn sống đời
sống giáo dân”[39].
Chúng
ta có thể kết luận bằng cách đọc lại một trang tuyệt đẹp của thánh Phanxicô
Salê, người đã cổ võ rất nhiều cho linh đạo giáo dân.[40]
Khi nói về “lòng đạo đức” nghĩa là về sự trọn lành Kitô-giáo hay “đời sống theo
Thần Khí”, thánh nhân đã trình bày một cách đơn giản và sáng sủa ơn gọi nên
thánh của mọi người kitô-hữu, cũng như về hình thức riêng biệt để họ thực thi
ơn gọi đó : “Khi sáng tạo, Thiên Chúa đã truyền cho cây cối phải sinh hoa trái,
cây nào theo giống ấy” (x. St 1,11) ; như vậy, Ngài đã truyền cho các kitô-hữu là những cây
sống của Giáo Hội phải trổ sinh hoa trái đạo đức, mỗi người theo phẩm chất và
ơn gọi của mình. Lòng đạo đức phải được người quý phái, thợ thủ công, người
giúp bàn, ông hoàng, bà góa, cô gái, phụ nữ có gia đình ..., mỗi người thi hành
mỗi cách khác nhau ; không chỉ vậy mà thôi, mà còn phải thích ứng việc thực
hành lòng đạo đức với sức lực, công ăn việc làm và nhiệm vụ của riêng mỗi người
... Thực là sai lầm, thậm chí là lạc đạo, khi muốn loại trừ lòng đạo đức ra
khỏi doanh trại quân đội, khỏi cửa hàng của các thợ thủ công, khỏi cung đình
vua chúa, khỏi căn nhà của những người sống đời hôn nhân. Hỡi Philôthê, đúng là
lòng đạo đức thuần túy chiêm niệm, đan sĩ và tu trì, không thể thực hiện được
trong những ơn gọi đó ; nhưng, ngoài ba lọai đạo đức đó, còn có nhiều lọai
khác, thích hợp với sự trọn lành của những người sống giữa trần thế... Dù ở
đâu, chúng ta vẫn có thể và phải khát khao đời sống trọn hảo”[41].
Trong
cùng đường hướng đó, Công Đồng Vatican II đã viết : “Nguyện lý đời sống thiêng
liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống :
đời sống hôn nhân và gia đình, đời sống độc thân và góa bụa, trong tình trạng
đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Vậy mỗi người phải phát triển
không ngừng những đức tính và ân huệ ban cho mình, đặc biệt những đức tính và
ân huệ thích ứng với hoàn cảnh của đời sống mình, và biết lợi dụng những ân huệ
Chúa Thánh Thần ban riêng”[42].
Điều
có giá trị đối với các ơn gọi thiêng liêng thì cũng có giá trị, theo một nghĩa
nào đó còn có lý hơn nữa, đối với vô số các thể thức khác nhau để mọi phần tử
của Giáo Hội và mỗi phần tử trong ố đó trở nên những người thợ làm việc trong
Vườn Nho của Chúa, xây dựng Thân Thề huyền nhiệm của Đức Kitô. quả thực, mỗi
người được gọi đích danh, trong tính cách độc nhất của lịch sử cá nhân mình, để
góp phần riêng của mình cho ngày Nước Thiên Chúa hoàn thành. Không một tài năng
nào, dù bé nhỏ nhất, lại có thể bị giấu kín và không được sử dụng (x. Mt
25,24-27).
Tông đồ Phêrô gửi đến chúng ta lời cảnh báo này : “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ người khác. như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).
[1]
Th. GRÊGÔRIÔ CẢ, Bài giảng về Tin Mừng I, XIX, 2
[2]
CĐ Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô-giáo, s. 2
[3]
Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư gửi
Giới Trẻ toàn thế giới, nhân dịp Năm quốc tế Giới Trẻ, s. 15
[4]
Đề
nghị 52
[5]
Đề
nghị 51
[6]
CĐ Vatican II, Sứ điệp gửi “Giới Trẻ” (08/12/1965)
[7] CĐ
Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về
Giáo Hội trong thế giới hôm nay, s. 48
[8]
JEAN GERSON, De parvulis ad Christum trahendis
[9]
Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Diễn từ đọc
trước các nhóm Người Cao Tuổi của các Giáo phận Italia (23/3/1984)
[10]
Đức GIOAN XXIII, Thông điệp Hòa bình trên trái đất
[11]
Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Huấn về Gia Đình, s. 24
[12]
Đề
nghị 46
[13]
Đề
nghị 47
[14]
CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 9
[15]
Đức PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trước Ủy Ban
về Năm Quốc tế Phụ Nữ (18/4/1975)
[16]
Đề
nghị 46
[17]
Đề
nghị 47
[18]
nt.
[19]
CĐ Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay,
s. 10
[20]
Sau khi nhắc lại chiều kích Thánh Mẫu
của đời sống Kitô-giáo mang một sắc thái đặc biệt đối với người phụ nữ và cảnh
sống của họ, Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế viết : “Thực vậy, nữ tính đặc biệt liên
kết với Thân Mẫu Đấng Cứu Thế. Đây là một đề tài chúng ta sẽ có thể đào sâu vào
một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấnn mạnh điều này là dung mạo của Đức Maria
làng Nadarét soi sáng cho chính thân phận người nữ qua việc Thiên Chúa, trong
biến cố nhập thể cao cả của Con Ngài, đã tín nhiệm vào sự phục vụ tự do và chủ
động của một người phụ nữ. Như thế, người ta có thể quả quyết rằng người phụ nữ
khi hướng về Đức Maria, tìm thấy nơi Mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của
mình, và thực thi sự thăng tiến đích thực của mình. Dưới ánh sáng của Đức
Maria, Giáo Hội khám phá ra nơi dung mạo của người phụ nữ những nét phản chiếu
một vẻ đẹp như tấm gương dọi lại những tấm hình cao đẹp nhất mà tâm hồn con
người có thê có : đó là việc hoàn toàn hiến thân vì tình yêu ; đó là sức mạnh
chịu đựng những đau khổ lớn lao nhất ; đó là trung tín vô hạn và sức hoạt động
không mệt mỏi ; là khả năng hài hòa trực giác sâu sắc ới lời nói nâng đỡ và
khích lệ” (Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp Mẹ
Đấng Cứu Thế, Redemptoris Mater
(25/3/1987), s. 46
[21]
Đ71c GIOAN-PHAOLÔ II, Tông thư Mulieris dignitatem, về phẩm
giá và ơn gọi phụ nữ (15/8/1988, s. 16
[22]
x. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyền ngôn
về vấn đề phụ nữ lãnh nhận chức tư tế thừa
tác (15/10/1976)
[23]
x. Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ, s. 26
[24]
nt.,
27 ; “Giáo Hội là một thân thể có sự phân biệt, trong đó mỗi thành phần có
nhiệm vụ của mình : các trách vụ được minh định rõ ràng và không được lẫn lộn.
Các trách vụ đó không có nghĩa là thành phần này đứng trên thành phần kh1c :
chúng không tạo nên một lý do nào để ganh tỵ nhau. Đoàn sủng duy nhất mà người
ta có thể mong ước, đó là đức ái (x. 1 Cr 12–13). Những người lớn nhất trong
Nước Trời không phải là các thừa tác viên, nhưng là các vị thánh” (TB. Giáo Lý
Đức Tin, Tuyên ngôn về vấn đề phụ nữ lãnh chức tư tế thừa tác)
[25]
Đức PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trước Ủy Ban
về Năm Quốc tế Phụ Nữ (18/4/1975)
[26]
Đề
nghị 47
[27]
nt.
[28]
CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 36
[29]
Đức GIOAN-PHAOLÔ, Tông Huấn về Gia Đình, s. 50
[30]
Đề
nghị 46
[31]
Đề
nghị 47
[32]
THĐGM khóa VII (1987), Sứ điệp gửi dân Chúa
[33]
Đề
nghị 53
[34]
Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư Đau Khổ Cứu Độ, Salvifici doloris (11/02/1984), s. 3
[35]
Thánh INHAXIÔ thành Antiôkia, Gửi người Eâphêsô VII, 2
[36]
Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Tông Thư Đau Khổ Cứu Độ, s. 31
[37]
Thánh AMBRÔSIÔ, Về đức đồng trinh VI, 34 ; x. Thánh
AUGUSTINÔ, Bài giảng CCCIV, III,
2
[38]
x. Đức PIÔ XII, Tông Hiến Provida Mater (02/02/1947) ; Giáo Luật can. 573
[39]
Đề
nghị 6
[40]
x. Đức PHAOLÔ VI, Tông Thư Sabaudiae gemma (29/01/1967)
[41]
Thánh PHANXICÔ SALÊ, Dẫn vào đời sống trọn lành
[42]
CĐ Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ giáo dân, s. 4