MARTURIA

HAY

CON ĐƯỜNG LỊCH SỬ CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm

 

 

I.         DẪN NHẬP : NGHĨ VỀ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Giáo Hội Việt Nam với những cột mốc lịch sử : 476 năm tiếp xúc với Tin Mừng (1533) ; 350 năm thiết lập Đại Diện Tông Tòa ở Việt Nam và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24/11/1960 – 2010) và đàng khác, các giáo phận, giáo xứ cũng lần lượt mừng kim khánh, mừng 50 năm hiện diện trong dòng lịch sử. Và để đánh dấu những giai đoạn lịch sử như thế, một kiểu nói được xử dụng gần như một điệp khúc : “(50 năm) hình thành và phát triển”.

“Hình thành và phát triển” là cách thức tổng kết tích cực, lạc quan và có lẽ chính xác, nhất là vì giai đoạn mà Giáo Hội VN, các giáo phận, giáo xứ vừa trải qua có thể gọi được là “tiến triển” dù chưa phải là đáng kể và còn nhiều vấn đề “tồn tại”…

Tuy nhiên, khi suy nghĩ về Giáo Hội dưới những khía cạnh cốt yếu, đặc trưng của nó (như gợi ý của HĐGM cho Năm Thánh – Giáo Hội mầu nhiệm / hiệp thông / sứ vụ) cũng như sự hiện diện của Giáo Hội xét theo chiều kích lịch sử, thì chắc hẳn chúng ta còn phải suy nghĩ, đào sâu nhiều hơn nữa. Lý do : sự hình thành và phát triển của Giáo Hội không nên và không thể lẫn lộn với sự hình thành và phát triển của các tổ chức xã hội, chính trị hay bất cứ tổ chức nào khác. Hơn nữa sự hình thành và phát triển trên bình diện lịch sử vẫn còn là vấn đề tranh cãi, vì bình diện lịch sử không phải là bình diện của tự nhiên, sự phát triển hay tiến hóa của nhân loại không phải và không thể quan niệm như kiểu tiến hóa của sinh vật hay vật chất.

I.         MARTURIA : MỘT CÁCH TIẾP CẬN

Để có thể suy nghĩ về sự “hình thành và phát triển” của Giáo Hội tại Việt Nam, chúng ta thử tiếp cận dưới khía cạnh hết sức gần gũi, thiết thân với Giáo Hội ở Việt Nam trong suốt dòng lịch sử của mình : Marturia (hay Marturion).

Marturia thực tế là một phạm trù kép : Tử Đạo/ Chứng Từ. Đặt vào lịch sử, tử đạo là nét đặc trưng của Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn hình thành : Giáo Hội đã khai sinh từ máu các tử đạo. Còn “chứng từ” lại nói lên cách thức hiện diện đặc trưng của Giáo Hội trong lịch sử nói chung. Cũng như Đức Kitô vị “Chứng Nhân Trung Thành” (Kh 1,5 ; 3,14), Giáo Hội khai sinh và hiện diện trong lịch sử như một chứng từ, chứng từ của lòng tin, lòng mến và của niềm hy vọng.

Giai đoạn “Tử Đạo” có thể nói đã lui vào quá khứ. Tất nhiên những khó khăn, thách thức trong cuộc sống vẫn còn đó, nhưng phải chết vì đức tin như trong các thế kỷ trước thì không còn nữa. Giáo Hội Việt Nam “hình thành và phát triển” nghĩa là đã ít nhiều được nhìn nhận trong cộng đồng quốc gia, có được một chỗ đứng nào đó trong xã hội, và đã bắt đầu phát triển theo nghĩa có thể củng cố cho sự hiện diện của mình dưới các khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề mặt, còn sâu xa hơn, câu hỏi đặt ra là : liệu Giáo Hội mà các thánh tử đạo đã để lại như là chứng từ về niềm tin, về niềm hy vọng có thực sự được gìn giữ và phát triển hay không ? Hoặc nói theo kiều của nhà thần học Christophe Théobald, hiện diện của Giáo Hội có thực sự mang “phong thái”[1] của Tin Mừng hơn không ? Đó hẳn phải là câu hỏi mà quá khứ đặt ra cho hiện tại và tương lai của Giáo Hội tại
Việt Nam.

II.       PHẠM TRÙ LỊCH SỬ

Khi suy nghĩ về lịch sử, đã có nhiều cách nhìn khác nhau. Cách nhìn tạm gọi là “bi quan” nhất, bộc lộ qua câu nói của Shakespeare, lịch sử như câu chuyện của một thằng hề kể lại, nghĩa là rời rạc, không kết thành một “câu chuyện” thực sự (hisory = story) ! Hoặc bi quan một cách khác : nihil nove sub sole ! (không có gì mới dưới ánh mặt trời). Ngược lại là cái nhìn lạc quan (thậm chí “quá lạc quan” so với những thảm kịch và những hồi suy thoái mà nhân loại vẫn không ngừng phải trải qua), chẳng hạn của Hegel (tiến triển đi lên của tinh thần) hay của Auguste Comte (tam trạng) : lịch sử nhân loại được hình dung như cuộc đời một con người : ấu trĩ (tôn giáo) – lớn lên (triết học) – trưởng thành (khoa học). Chủ trương “tiến bộ” này có ở trong các lãnh vực khác nhau : chính trị (communisme) – khoa học (évolutionisme)… Và biết đâu cũng có trong chính quan niệm của chúng ta qua kiểu nói “hình thành và phát triển” ?

Thực ra lịch sử không phát triển cách đơn giản như một mũi tên đi lên. Lịch sử - nhân loại bao gồm những thăng trầm, những đỉnh cao và hố sâu. Lịch sử vẫn luôn là lịch sử của những con người cụ thể, lịch sử của những thế hệ tiếp nối nhau và mỗi thế hệ đều phải hình thành, lớn lên theo những đòi hỏi, thách thức của mỗi thời đại. Lịch sử hình thành với những cao điểm, những hồi suy thoái và những nỗ lực phục hưng (Naissance – Renaissance), dĩ nhiên với những cái giá riêng mà mỗi thời đại, mỗi thế hệ phải trả. Trong thực tế, con đường của lịch sử có khi trái ngược với tiến bộ hay tiến hóa trong lãnh vực khoa học tự nhiên. Trong đời sống tinh thần, cá nhân cũng như xã hội, có những đỉnh cao xuất hiện rất sớm, ngay từ đầu, và những giai đoạn về sau chỉ sống nhờ những cao điểm đó, cố gắng lưu giữ và nếu không giữ được thì suy thoái, thậm chí là tàn lụi. Trên bình diện tư tưởng : triết học hy lạp / các các bậc thánh hiền ở Đông Phương / trên bình diện Giáo Hội : Giáo hội thời Công Vụ… là quá khứ nhưng đồng thời cũng là những tột đỉnh mà đối với hiện tại, nó trở thành như lý tưởng của tương lai. Lịch sử sống nhờ những đỉnh cao như thế… lịch sử có tương lai hay không cũng nhờ những đỉnh cao hay ít nhất là những khuôn mặt tiếp tục làm chứng cho những đỉnh cao như vậy… Ví dụ : Dòng Phanxicô có tiến triển hẳn phải nhờ những chứng từ đủ sống động để nhắc lại cho nhân loại khuôn mặt của thánh Phanxicô, hơn là điều gì khác…

Theo nghĩa này, tương lai chỉ có khi, trong mức độ nào đó, nó là ký ức sống động của quá khứ…

III.    MARTURIA : TỬ ĐẠO

Từ “tử đạo” chỉ xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ thứ II, với tác phẩm Cuộc tử đạo của thánh Polycarpô (le martyr de Polycarpe). Tuy nhiên nội dung của từ ngữ − tức là sự kiện, biến cố lịch sử − thì đã có trước và nghĩa của nó là : làm chứng cho sự thật của Đức Kitô, sự thật của Tin Mừng. Chính theo nghĩa này, mà thánh Têphanô được coi là vị tử đạo đầu tiên như được ghi lại trong sách Công Vụ (Cv 6). Ít nhất có ba điều có thể ghi nhận trong cuộc tử đạo của ngài :

a.     chết vì làm chứng cho Đức Giêsu ;

b.     tột đỉnh của lời chứng không phải là lời mà là chính cách thức sống/chết, chết “như Đức Giêsu” ;

c.      cái chết mở ra với tương lai[2] : chính trong giây phút “chết đi” mà ông thấy “trời mở ra” ;“Ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa. Ông nói : “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ông ra ngoài ném đá”…” (Cv 7,55-58).

Như thế, nơi phanô, tử đạo là chứng từ theo nghĩa mạnh nhất và có lẽ trọn vẹn nhất của nó. Ông làm chứng cho Chúa đến mức cái chết của ông là Lời Chứng cho Đức Kitô, và chính khi nên một với Chúa trong Lời Chứng như thế mà ông thấy “trời mở ra”, nghĩa là ông thấy “Tương Lai” (viết hoa), tương lai cho ông và cho cả nhân loại.

Có lẽ cần nhấn mạnh khía cạnh thường bị bỏ quên này. Ngay cả trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, các tử đạo làm chứng cũng vì muốn để lại một “tương lai” cho con cháu, cho các thế hệ mai sau : Thánh Emmanuel Phụng “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật cha trao lại : đây là ảnh Đức Kitô, Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần” (CGKPV trg. 1491). Trong Kinh Thánh cũng trong như niềm tin kitô giáo – tử đạo căn bản là một hành vi của niềm hy vọng, chứ không đơn giản là hành vi của kẻ bị đẩy đến cùng đường hay chỉ vì “cuồng tín” : 2Mc 7,20-29b (“Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người… Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại các con cho thần khí và sự sống...”). Làm chứng chỉ có thể là hành vi của một tình yêu lớn lao và một niềm hy vọng tột cùng.

IV.    HIỆU QUẢ LỊCH SỬ CỦA TỬ ĐẠO :

      KỶ NIỆM VÀ KÝ ỨC

Quá khứ có thể lưu giữ bằng nhiều cách hoặc nhiều cấp độ khác nhau. Chúng ta thường nói đến “kỷ niệm” và “ký ức”. Có lẽ cũng nên phân biệt để giúp đào sâu vấn đề : “kỷ niệm” (souvenir) là sự lưu giữ quá khứ nhưng chỉ theo một nghĩa rất yếu, hoặc chỉ nằm ở bề mặt, không còn bao nhiêu giá trị đối với hiện tại. Giữ “kỷ niệm” để khỏi quên, hoặc để nhắc lại như một niềm tự hào nhưng thực sự không còn mấy liên hệ đến hiện tại. Kỷ niệm“cho vui” ! Đồ kỷ niệm có khi chỉ là một thứ mồ chôn quá khứ. Còn “ký ức” thì khác, ký ức là “khả năng lưu giữ”, khả năng làm cho quá khứ tiếp tục hiện diện hay để cho quá khứ tiếp tục chất vấn, tác động và cách nào đó góp phần hình thành hiện tại và tương lai. Ký ức đây có thể hiểu theo nghĩa cá nhân và tập thể. Ký ức của mỗi người, ký ức của một cộng đồng. Ký ức tác động cách tiềm tàng nhưng cũng có khi trở thành một ý thức hay đòi hỏi phải ý thức : có những sự kiện, những biến cố quá khứ cần được nhắc lại để làm sáng tỏ, để hòa hay hóa giải (devoir de mémoire, vd ký ức về cuộc diệt chủng Do Thái – la Shoah), hay cần phải trở về để tìm lại nguồn sinh lực (ressourcement).

Phân biệt “kỷ niệm” và “ký ức” như thế là để cho thấy rằng, người ta có thể có rất nhiều kỷ niệm, nhiều “đồ kỷ niệm” (di tích, di vật, thánh tích) nhưng đồng thời không có ký ức nào cả ! Chúng ta có thể có nhiều kỷ niệm (kỷ vật) về các thánh tử đạo, về các giai đoạn tử đạo, nhưng có thể không có hay không còn ký ức tử đạo…

Trở lại với lịch sử Giáo Hội, 3 thế kỷ bị bách hại tàn khốc, lại cũng là thời gian Tin Mừng được rao giảng và sống hết sức mãnh liệt. Khi thanh bình trở lại, hay nói đúng hơn thời gian giáo hội bắt đầu có chỗ đứng trong xã hội và tạo lập vị thế của mình giữa lòng đế quốc Roma thì cũng là lúc phong trào đan tu hình thành và phát triển mạnh mẽ. [Chế độ đan tu – đơn độc hoặc cộng đoàn, xa lánh thế gian – xuất hiện sớm nhất vào khoảng cuối thế kỷ III và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ tư – nhân chứng ban đầu đồng thời là người góp phần làm phát triển phong trào đan tu là thánh Athanase, với cuốn hạnh thánh Antôn, viết ít lâu sau khi vị Tổ Phụ các đan sĩ qua đời (365)] (J. Liébart, Giáo Phụ tập I. bd. việt ngữ trg. 263tt). Sự “hình thành và phát triển” của phong trào đan tu không phải là chuyện tình cờ, hay do một thứ ngẫu hứng thiêng liêng nào đó : trên bình diện tinh thần, giai đoạn “thanh bình, ổn định” bên ngoài – dễ dãi – cũng thường là giai đoạn suy thoái !

Phong trào đan tu không chỉ tiếp theo sau giai đoạn bách hại, mà đúng hơn là “hiệu quả lịch sử” của chứng từ tử đạo[3], là ký ức tử đạo : Tin mừng được sống mãnh liệt “bằng một cách khác”. Vì thế không lạ gì khi ngôn ngữ xử dụng trong đời sống thiêng liêng, hành trình thiêng liêng (vốn phát xuất từ đời sống đan tu) thường rất gần nếu không muốn nói là đồng nhất với ngôn ngữ tử đạo : quên mình, bỏ mình, hy sinh, hiến thân, chết đi, toàn hiến…

Và chính phong trào đan tu này đã đóng vai trò quan trọng nếu không muốn nói là quyết định cho sự tạo lập và phát triển của nền văn hóa Châu Âu (về hầu hết các phương diện) [tổ chức xã hội / gìn giữ và phát triển tư tưởng / hoạt động bác ái]. Điều đáng lưu ý là hầu như mọi Giáo Phụ ở thế kỷ IV, từ Athanase đến Augustin, đều có tiếp xúc, thực hành, hướng dẫn hoặc ít nhất cổ võ cho việc thiết lập và phát triển đời sống đan tu (Sđd. trg. 287). Nói như thế cũng có nghĩa là Giáo Hội đã hình thành và phát triển nhờ những đỉnh cao của chứng từ và nhờ những ký ức sống động hay sự “phục hưng” các chứng từ, hơn là do bất cứ điều gì khác…

V.       MARTURIA : CHỨNG TỪ

Khác với khoa học tự nhiên vốn nhắm đến đối tượng trước mắt, cụ thể, giới hạn trong hiện tại, khoa lịch sử xét là khoa nghiên cứu về các biến cố trong lịch sử thì đối tượng chỉ có thể đạt tới xuyên qua chứng từ. Trong tác phẩm “La Mémoire, l’Histoire, l’Oubli”[4] P. Ricoeur lưu ý đặc biệt đến vai trò của các chứng từ và chứng nhân (témoin) trong lãnh vực lịch sử. Theo ông : khởi đầu không phải là các tài liệu (archives), mà là chứng từ và dù tính khả tín của chứng từ có đáng ngờ đến mấy đi nữa thì nói cho cùng, chỉ có chứng nhân – theo nghĩa là đích thân tham dự vào biến cố (affecté) – mới có thể bảo đảm về những gì đã xảy ra. Sở dĩ phải nhắc đến khía cạnh này, vì Kitô giáo – khác với các tôn giáo khác – đặt căn bản trên lịch sử, trên biến cố, trên một con người cụ thể : Giêsu Kitô, và do đó không thể tiếp cận cách nào khác ngoài chứng nhân và chứng từ. Để tìm hiểu, hiểu hay trình bày về con người lịch sử thì chỉ có thể dựa vào chứng nhân hay chứng từ về con người đó. Còn các “dữ kiện khách quan” (yếu tố mà khoa học có thể xác định) chỉ đóng vai trò tùy phụ. Các nghiên cứu về địa lý, lịch sử, phong tục thời Chúa Giêsu chỉ giúp hiểu thêm chứ không bao giờ trực tiếp trả lời cho câu hỏi : Ngài là ai ? (đó cũng là bế tắc chính của trào lưu “Giêsu lịch sử”).

Vì thế, dù người ta vẫn thường coi Kitô giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo là những tôn giáo dựa trên Sách Thánh (Religion du Livre), và dù Kinh Thánh thực sự là nền tảng cho niềm tin kitô, thế nhưng, chúng ta không thể quên rằng : khởi thủy và cùng đích của đức tin kitô giáo không phải là một cuốn sách, dù là Sách Thánh, mà là một Con Người, và chính Con Người đó là Lời Khởi Nguyên, Lời Mạc Khải và là Lời Tối Hậu của Thiên Chúa cho nhân loại. Kinh Thánh không phải là “tài liệu” (archives) về Đức Kitô, mà là chứng từ của những chứng nhân, nghĩa là những người đã chứng kiến tận mắt, đã đi theo, đã bị biến đổi bởi “biến cố Giêsu Kitô”. Nếu không có Biến cố Giêsu Kitô – thì cũng không có chứng nhân – và nếu không có chứng nhân thì cũng không có chứng từ (Tân Ước).

Các tôn giáo khác không cần đến chứng nhân hay chứng từ, vì có hay không thì nội dung cốt yếu cũng đã được xác định bởi các giáo huấn (của bậc Thánh Hiền) hay Sách Thánh. Nhưng đối với Kitô Giáo, gạt bỏ “Đức Kitô” và các chứng nhân, chứng từ về Đức Kitô, thì hầu như không còn gì cả ! Không đợi đến Đức Kitô nhân loại mới có giáo lý về lòng yêu thương, về công lý, về lòng từ bi, về sự siêu thoát… Kitô giáo không chỉ đưa ra giáo thuyết về tình yêu, nhưng “làm chứng” về một biến cố, một khuôn mặt “mạc khải” chính Tình Yêu của Thiên Chúa. Nhân loại không thiếu những lý thuyết về tình yêu, về cứu độ, nếu có thiếu là thiếu chứng từ về/cho tình yêu thực sự có sức cứu độ. Về điểm này, chúng ta có thể đọc lại cuộc đối thoại hết sức ý nghĩa trong cuốn sách của Jacob Neusner[5], được Đức Bênêđictô đưa vào trong tác phẩm “Giêsu thành Nazareth” của ngài : “Trong cuốn sách của Neusner có cuộc đối thoại như sau : “Vị thầy hỏi : Về điều này Đức Giêsu, vị thầy khôn ngoan nói như thế nào ? Tôi : ‘Không rõ lắm, nhưng gần như thế’. Ngài : ‘Thế thì Người bỏ điều gì ?’ Tôi : ‘Không có gì hết’. Ngài : Thế Người thêm điều gì ?’ Tôi : ‘Chính bản thân mình’”  (trang114).[6]

Chính từ nỗ lực làm chứng cho Đức Kitô đó mà chúng ta có tất cả : Tân Ước, đời sống và hoạt động của Giáo Hội trong thế giới. Có thể nói, Tân Ước là ký ức sống động về Đức Kitô được viết bằng mực, Giáo Hội được hình thành và phát triển như ký ức sống động về Đức Kitô được viết trong chính đời sống kitô hữu (mémorial) : “Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi viết, không phải bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống…” (2Cr 3,2-3).

Ở đây thiết nghĩ cũng cần phân biệt giữa “ký ức” và “bộ nhớ” dù cả hai đều được diễn tả bằng cùng một từ ngữ : “Mémoire”. Cũng trong tác phẩm “La Mémoire, l’Histoire, l’Oubli”, P. Ricoeur giúp chúng ta phân biệt cách đơn giản nhưng hết sức sâu sắc : Bộ Nhớ hoàn toàn là “hành động” (action) còn Ký ức thì trước hết phải là “cảm thụ” (passion). Mémoire của máy tính không phải là ký ức, bởi lẽ nó không hề và không thể “cảm nhận” bất cứ điều gì. Nó có thể ghi rất nhiều mà không nhớ gì cả (chỉ cần thao tác “delete” là sạch trơn) ! Ký ức của con người thì ngược lại, nó có thể ghi rất ít nhưng có khi nhớ mãi hay nhớ vô cùng và từ đó ký ức trở thành nguồn của hành động. Khởi đầu của Ký ức không phải là một hành động (action), mà là “bị động chạm”, “bị đảo lộn”, “bị thương” (passion). Chỉ có ký ức sống động (chứ không phải ‘artificiel’ như máy tính) nghĩa là “bị động chạm bởi biến cố” mới có chứng từ, mới có tường thuật (MHO 80).

Điều đáng để ý là, ngay cả việc mục vụ, xây dựng cộng đoàn của thánh Phaolô tiên vàn dựa trên chứng từ, trên ký ức sống động về Đức Kitô, chứ không đơn thuần là hoạt động (quản trị) : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô !” (1Cr 11,1). Điều này quả đáng làm cho chúng ta suy nghĩ, vì biết đâu, công việc mục vụ, rao giảng thậm chí truyền giáo của chúng ta phát triển từ “bộ nhớ” hơn là “ký ức”, nói khác đi, thuần túy là action mà không thực sự phát xuất từ một passion, và do đó xây dựng cộng đoàn trên khả năng hành động, tổ chức hơn là một chứng từ sống động…

VI.    TỪ TỬ ĐẠO ĐẾN CHỨNG TỪ

Từ những suy tư trên, chúng ta có thể tự hỏi phải chăng sự phát triển của Giáo Hội Việt Nam tùy thuộc vào điều gì khác hay ở sự biến chuyển từ Tử Đạo đến Chứng Từ ? Nói khác đi, Martura : chứng từ bằng cái chết do hoàn cảnh bên ngoài cần phải được sống, được đào sâu như một chiều kích bên trong : Marturia theo nghĩa chứng từ về Đức Kitô, về Tin Mừng Đức Kitô bằng chính cuộc sống, ở nhiều cấp độ khác nhau. Chứng từ của thế hệ già cho thế hệ trẻ, chứng từ của linh mục, tu sĩ cho giáo dân, chứng từ của giáo dân cho anh chị em đồng bào, chừng từ của Giáo Hội Việt Nam cho Xã Hội Việt Nam… Hay ít nhất “quá khứ tử đạo” không chỉ dừng lại ở mức độ “kỷ niệm” (dù là để tự hào !), mà thực sự là một ký ức và là một ký ức sống động và có sức tác động…

1.  Ký ức sống động về tử đạo

Câu trả lời dễ nhất và có lẽ “cám dỗ” nhất đó là một thứ… “chủ nghĩa anh hùng” nào đó (héroisme), mà khuôn mẫu là “nhà cách mạng”. Phải nhận rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị đối với Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Ở đây chỉ xin nêu lại quan điểm của Đức Bênêdictô (khi còn là Hồng Y, trong tác phẩm : Những nền tảng của Châu Âu, hôm qua và hôm nay)[7] : Đức tin tân ước không biết đến “nhà cách mạng” (le révolutionnaire / theo nghĩa là người kháng cự lại quyền bính bằng bạo lực, nhằm thay đổi hoàn cảnh bên ngoài) mà là “vị tử đạo / người chứng” (le martyr) : tử đạo là người sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tất cả, chấp nhận ngay cả đau khổ đau khổ tột cùng, miễn là Đức Kitô và Tin mừng Đức Kitô được rao giảng. Tử đạo theo nghĩa kitô giáo là người chết cho một Tình Yêu lớn lao chứ không bao giờ là kẻ chết với vũ khí trong tay !

Câu trả lời khó nhất nói cho cùng là câu trả lời của “đan sĩ” : sống cách triệt để cho những Giá Trị Tin Mừng. Và có lẽ chỉ có như thế mới mở ra tương lai không những cho mỗi kitô hữu, cho giáo hội mà còn cho cả lịch sử nhân loại.

Dĩ nhiên từ “đan sĩ” ở đây cần được hiểu theo nghĩa chính yếu nhất của nó, kẻ sống-chết cho Tin Mừng vì đã được Tin Mừng, được biến cố “Giêsu Kitô” động chạm, biến đổi.

2.  Chiều kích tương lai của chứng từ

Chứng nhân, không chỉ tự chứng tỏ phẩm chất của mình, nhưng còn muốn để lại cho người khác, thế hệ khác một thông điệp. Chúng ta thử nghe lại câu chuyện Elêadarô : “Vì quen biết ông Eleadarô đã lâu năm, nên những người chủ tọa bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo ông riêng ra một chỗ. Họ khuyên ông… giả vờ như thể mình ăn thịt cúng do vua truyền. Làm như vậy ông mới thoát chết, lại còn được đối xử nhân đạo vì trước kia ông đã xử tốt với họ… (nhưng) ông trả lời họ thật thích đáng là cứ đưa ngay ông xuống âm phủ. Ông nói : Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên nghĩ rằng Êlêadarô đã chín mươi tuổi đầu mà còn theo thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục của tuổi già…” (2Mc 6,18-31). Khi suy nghĩ về việc tại sao các kitô hữu ngày xưa lại dứt khoát như thế, không chấp nhận giả vờ hay bất cứ thỏa hiệp nào dù phải chết, nhà thần học Ratzinger trong tác phẩm dẫn giải Kinh Tin Kính các tông đồ [Einfuhrung in das Christentum] đã viết như sau : “Ngày nay chúng ta dễ phán đoán cách hời hợt thái độ của các kitô hữu thời đó, khi họ thà chết chứ dứt khoát không tôn thờ Hoàng Đế, khi họ từ chối ngay cả hành vi có vẻ vô hại nhất như ghi tên mình vào danh sách dâng hy lễ ; chúng ta coi đó là thái độ cuồng tín, thời đó còn tha thứ được chứ ngày nay thì không thể chấp nhận nổi…Nhưng dù sao cũng phải nhớ điều này, hành vi của người xưa không phải do cuồng tín hẹp hòi, và thế giới đã thay đổi được đến mức như vậy cũng là nhờ những dấn thân đầy đau khổ của họ. Những diễn tiến đó cho thấy đức tin không phải là một trò chơi đầu óc, nhưng là chuyện hệ trọng : Nó nói “không” và dứt khoát nói “không” trước tham vọng tuyệt đối của quyền lực chính trị, dứt khoát không thờ lạy quyền lực của những kẻ quyền thế : “Chúa hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1,52)”.

Vấn đề chứng từ đến mức triệt để, không chấp nhận “giả vờ” hay “thỏa hiệp” cũng là điều đáng để suy nghĩ khi chúng ta muốn giữ lấy “ký ức sống động về các thánh tử đạo”, vừa để cho người khác và cho các thế hệ sau không hiểu lầm về chúng ta và hơn nữa có thể để lại cho họ một chứng từ thực sự về điều có giá trị hơn tất cả. Nếu vấn đề của người xưa là “có nên giả vờ hay không, có thể giả vờ đến mức nào ?” (một câu hỏi xuất hiện trong từng trang sách các thánh TĐVN), thì vấn đề của chúng ta ngày nay là : có nên “thỏa hiệp” với những giá trị trần tục không, thỏa hiệp đến mức nào ? Câu trả lời của các tử đạo rất dứt khoát, rõ ràng : “Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua” (Thánh Tephanô Ven, CGKPV trg. 1496). Còn chúng ta thì quả thật không rõ lắm, và trong không ít trường hợp, qua cách sống, cách hành xử của chúng ta (linh mục, tu sĩ, giáo dân), dường như chưa làm cho “ai khác” nhận ra mình là môn đệ của Đức Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, Đấng chấp nhận hủy mình ra không, để có thể đến với những kẻ cô đơn, khốn cùng nhất mà không làm cho họ cảm thấy bị xúc phạm, Đấng bảo Phêrô “cất gươm vào bao” (Ga 18,11) để cho Trái Tim bị đâm thâu cuối cùng được tỏ lộ (Ga 19,34)…

Nỗ lực thích nghi, hòa nhập là điều cần thiết nhưng đôi lúc cũng cần phải tự chất vấn như Elêadarô : nếu “tôi / chúng ta” là kitô hữu mà sống theo lối “thế gian” thì liệu người khác hay hậu thế nghĩ về tôi như thế nào, tôi để lại cho họ cái gì ? Người ta dựa vào dấu nào để biết chúng ta là môn đệ của Đức Kitô, là Dân Thánh của Thiên Chúa ?

3.  "Dân Thiên Chúa”,

        chứng từ về niềm hy vọng tuyệt đối

Ý niệm “Dân Thiên Chúa” giữ một vai trò then chốt trong toàn thể Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội (x. CĐ note 9, trg. 174-175). "Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,1 ; Ds 20,4 ; Đnl 23,1 tt) dân Israel mới tiến bước trong thời này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13,14)” (CĐ trg. 177).

Với định nghĩa “Dân Thiên Chúa”, Công đồng muốn làm nổi bật một đàng là chiều kích lịch sử của Giáo Hội, và đàng khác là chiều kích phổ quát của ơn cứu độ. Hành trình của “Dân Thiên Chúa” là hành trình thâu họp mọi dân mọi nước, mọi nơi mọi thời, và vì thế mầu nhiệm Giáo Hội được định vị trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa : siêu vượt mọi ranh giới, mọi thời gian. Cũng như Dân Israel ngày xưa luôn hành trình tiến về miền Đất Hứa, Giáo Hội cũng là đoàn dân luôn hành trình, dù luôn phải tìm một mảnh đất để lưu ngụ, nhưng “quê hương” thực sự là Thiên Chúa. Lưu đầy (exil) không chỉ là hoàn cảnh bất đắc dĩ, mà còn là cách thức hiện hữu (ex-istence) của đoàn dân đó. Hiện hữu đồng nghĩa với “xuất hành” (ex-ode) ra khỏi mọi biên giới và nhờ đó trở thành chứng từ cho thực tại lớn lao, có sức thâu kết tất cả : Nước Thiên Chúa.

Ý hướng là như thế, nhưng thực tế lịch sử phức tạp và cay chua hơn nhiều : làm sao “tồn tại” nếu không tìm cách khẳng định mình, hay ít nhất tạo cho mình một chỗ đứng, một mảnh đất an toàn, một biên cương trên bản đồ “địa-chính-trị” (géopolitique) ? Kinh nghiệm của Israel “theo xác thịt” là một ví dụ để cho Israel “theo tinh thần” suy nghĩ về chính mình.

Sau năm 70, Israel bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới, một dân tộc hiện hữu, tồn tại dưới hình thái “lưu đầy” theo nghĩa triệt để nhất. Họ là một dân nhưng không ở đâu cả, hay nói đúng hơn, họ hiện diện khắp nơi nhưng không nơi đâu là quê hương thực sự. Quê hương của họ bấy giờ nếu có, là Thiên Chúa, Đấng kêu gọi và tuyển chọn họ. Nguồn sức mạnh giúp họ tồn tại, là Chúa, là niềm hy vọng vào Chúa. Câu hỏi duy nhất quyết định sự tồn vong của họ là : ngươi có còn hy vọng vào Chúa không ?

Thế nhưng, lịch sử với bao nhiêu cuộc bách hại tàn khốc đã khiến người Do Thái nghĩ đến việc trở về và tái lập lại quốc gia Do Thái, trở lại với “Miền Đất Hứa” của Kinh Thánh thì mới mong tồn tại được, và đó là lý do phát sinh của phong trào có tên gọi là Zionism, do Theodor Herzl, một nhà văn Hungary gốc Do Thái khởi xướng vào năm 1897, và chính nhờ hoạt động của phong trào này mà cuối cùng quốc gia Israel được tạo lập vào
năm 1948.

Điều ít được biết đến liên quan đến phong trào này, đó là cuộc tranh luận gay gắt ngay trong nội bộ người Do Thái thời bấy giờ, giữa một bên là những người nhiệt thành ủng hộ và bên kia là những người chống đối triệt để việc thiết lập một quốc gia như thế. Chuyện nghe có vẻ lạ tai, thậm chí ngược đời nhưng thực ra liên quan đến không phải một mà hai nguyên nhân sống còn của Dân Do Thái : nếu không có một quốc gia thực sự, thì dân Do Thái – xét là một dân như bao dân tộc khác – sẽ không thể tồn tại, thế nhưng, nếu dân Do Thái lại có một đất nước, một “quê hương” như bao dân tộc khác, thì dân Do Thái, dân được tuyển chọn, Dân của Thiên Chúa, sẽ không còn lý do tồn tại ! Nếu sống đúng với Giao Ước Sinai trong Xh 19,6 : “Các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một Dân Thánh của Ta”, thì quê hương của họ chỉ có thể là Thiên Chúa, còn nếu tạo lập một chỗ định cư thì họ cũng như bao dân tộc khác, và như thế đánh mất “lẽ hiện hữu” độc nhất vô nhị của mình. “Lưu đầy”, “lữ hành”, “không đâu là quê hương” không chỉ là hoàn cảnh bắt buộc bên ngoài, mà còn là thân phận tất yếu của Dân Thiên Chúa (“condition métaphysique” ! – F. Rosenzweig)

Cuộc tàn sát thảm khốc người Do Thái (la Shoah) trong thế chiến thứ hai chứng tỏ phong trào Zionism là có lý. Nhưng giờ đây, khi Israel trở thành một quốc gia hùng mạnh, hay ít nhất đã và đang trang bị tất cả những gì cần thiết để giữ vững lấy mảnh đất của mình, và có khi cũng phải tàn sát dân khác để tồn tại… thì khái niệm “Dân Thiên Chúa” càng trở nên mơ hồ, nếu không muốn nói là hàm hồ hơn bao giờ hết. Lấy gì để chứng tỏ họ là Dân Thiên Chúa chứ không phải như bất cứ dân nào khác (có dân tộc nào mà không nại đến “giá trị thiêng liêng” của tổ quốc mình ?). Và như thế, những người chống đối lại phong trào Zionism không phải là không có lý của họ. Câu hỏi sống còn đối với Dân Thiên Chúa không phải là : Mình có mảnh đất nào riêng không ? Nhưng là : Thiên Chúa có còn là Đất Hứa của mình không ? Nói khác đi, “ngươi có còn hy vọng vào ơn cứu độ không ?”[8].

VII.   THAY LỜI KẾT

Trong cái nhìn của Đức Tin Kitô Giáo, Nước Thiên Chúa không hiện hữu và không thể hiện hữu như một thực tại chính trị (réalité politique), mà chỉ hiện diện qua niềm tin, lòng mến và niềm hy vọng, Nước Thiên Chúa hiện diện như một lời kêu gọi biến đổi thế giới này từ bên trong (L’Europe, ses fondements, p. 116).

Đó là lời của Hồng Y J. Ratzinger một năm trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, đề cập đến bổn phận của người kitô hữu trong thế giới hiện đại, một thế giới đang phải đối diện với một thách thức hoàn toàn mới : chủ nghĩa khủng bố dưới danh nghĩa “nhiệt thành tôn giáo”. Và rồi ba thông điệp đầu tiên của ngài cũng qui về ba nhân đức “đối thần” đó : Thiên Chúa là Tình Yêu, Được Cứu rỗi nhờ Hy Vọng, Bác Ái trong Chân Lý.

“Nước Thiên Chúa hiện diện như một lời kêu gọi biến đổi thế giới này từ bên trong”, thiết tưởng đó là lời chú giải thích đáng nhất cho ba thông điệp đầu tiên của Đức Bênêdictô và có lẽ cũng là định hướng lịch sử cho tất cả Giáo Hội trong thế giới hiện đại. Nhưng lời chú giải đó, định hướng đó là gì nếu không phải là chính con đường mà Đức Giêsu đã chọn để rao giảng Tin Mừng, để “mạc khải” về Thiên Chúa và cứu độ nhân loại : con đường của chứng từ, nghĩa là nói bằng chính cuộc đời và cái chết của mình. Sách Khải Huyền tuyên xưng Ngài là “Chứng Nhân trung thành và chân thật” (Kh 1,5 ; 3,14).

Phải chăng chúng ta sẽ đi trên con đường mà chính Chúa và các tiền nhân trong đức tin của chúng ta đã đi, nghĩa là những con người mạnh mẽ đi tới, chỉ vì bị động chạm, bởi một mình Tình Yêu và một niềm Hy Vọng lớn lao, không phải cho riêng mình, mà là cho mọi người, cho cả thế hệ mai sau, chứ không phải vì điều gì khác… Gia tài quí giá nhất mà các ngài để lại là gì nếu không phải là chứng từ về lòng tin, lòng mến và một niềm cậy trông ngay cả trong tuyệt vọng.

Cuối cùng, câu hỏi mà Giáo Hội, mà mỗi kitô hữu cần cố gắng trả lời cho hiện diện và hành trình lịch sử của mình có lẽ không phải là chúng ta sẽ làm hay thực hiện được những gì, cho bằng là câu hỏi ngược lại : liệu những người đang cùng sống với chúng ta, liệu anh chị em dân ngoại bên cạnh chúng ta cũng như những thế hệ mai sau có thể nhận ra nơi cuộc sống, nơi tất cả những gì chúng ta đang và sẽ thực hiện, một điều gì đó như là… Marturia về Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. (Mc 1,1)

 


Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Đàlạt, 2009



[1] Christophe Théobald, Le Christianisme comme style, tome I&II, du Cerf, Paris, 2007.

[2] x. mục “Martyre” trong Dictionnaire critique de Théologie, PUF, Paris, 1998, p. 711-713.

[3] x. Dictionnaire critique de Théologie, op. cit. p. 711-713.

[4] P. Ricoeur, La mémoire, l’histoire, l’oubli, Paris, éd. Du Seuil, 2000 (viết tắt MHO).

[5] Jacob Neusner, A Rabbi talks with Jesus, Doubleday, New York, 1993.

[6] Trích bản dịch việt ngữ “Giêsu thành Nazareth” của lm Augustinô Nguyễn Văn Trinh, trg. 115,

[7] x. Joseph Ratzinger, L’Europe, ses fondements, aujourd’hui et demain, éd. Saint Augustin, 2005, p. 62-66.

[8] Đó là câu mà F. Rosenzweig, một nhà tư tưởng do thái khẳng định về lẽ hiện hữu của dân Do Thái trong tư cách là Dân Thiên Chúa, trích trong Foi et Savoir, autour de l’Etoile de la Rédemption, Vrin, Paris, 2001, p. 98.