LỜI SỐNG

Tháng 11. 2009

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Trời” (Mt 19,24)

Câu này gây ấn tượng nơi Bạn phải không? Theo tôi Bạn có lý để cảm thấy khó xử và nghĩ đến những gì mình cần phải làm. Đức Giêsu đã không chỉ nói để mà nói. Vậy ta cần phải nghiêm chỉnh nhận lấy những lời này, và đừng làm loãng ý nghĩa của chúng.

Nhưng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa đích thực của những lời này nơi chính Đức Giêsu, nơi cách Người cư xử với người giầu có. Người làm quen cả với những người giầu sang. Khi nói với ông Da-kêu, người đã chỉ cho đi phân nửa của cải ông có, Người bảo rằng: ơn cứu độ đã đến với nhà này.

Hơn nữa sách Công vụ Tông đồ còn làm chứng là trong Giáo hội sơ khai việc để chung của cải là việc tự nguyện, và như vậy người ta không bắt buộc phải từ bỏ thực sự những gì mình có.

Như thế Đức Giêsu đã không có ý lập nên một cộng đoàn chỉ gồm những người được gọi theo Người..., những người từ bỏ mọi của cải. Thế nhưng Người dậy:

 “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Trời”

Vậy Đức Giêsu lên án điều gì? Chắc chắn Người không lên án của cải trên đời này, mà lên án người giầu bám chặt lấy của cải.

Tại sao vậy? Điều đó rõ ràng: bởi vì mọi sự thuộc về Thiên Chúa, trái lại người giầu xử sự như thể của cải là của họ.

Cụ thể là của cải dễ dàng chiếm chỗ của Thiên Chúa nơi tâm hồn con người và làm cho người ta mù quáng cùng dễ mắc tật xấu. Thánh tông đồ Phao-lô đã viết: “Những kẻ muốn làm giầu thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1Ti-mô-thê 6:9-10)

Ông Pla-tô đã khẳng định rằng: “Một người vừa hết sức tốt, vừa hết sức giầu là điều không thể có được”.

Vậy người có nhiều của cải phải có thái độ nào? Người đó cần phải có tâm hồn tự do, hoàn toàn mở rộng hướng đến Thiên Chúa, nhận mình chỉ là người quản lý của cải mình có và, như Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đã nói, họ phải biết là trên của cải còn có nghĩa vụ xã hội.

Của cải trên đời này tự nó không phải là xấu, cho nên không nên khinh dể nó, nhưng cần phải dùng tốt của cải. Không phải bàn tay, mà cõi lòng phải tránh xa của cải. Đó là phải biết dùng của cải để làm điều tốt cho người khác. Ai giầu thì giầu cho người khác.

 “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Trời”

Nhưng có lẽ Bạn sẽ bảo: thực sự tôi không giầu gì, như vậy những lời này không nhắm vào tôi. Hãy ý tứ. Câu hỏi mà các môn đệ sửng sốt hỏi Đức Giêsu ngay sau lời khẳng định này là: “Thế thì ai có thể được cứu độ?” Câu hỏi này cho thấy rõ ràng là những lời này cũng ngỏ với tất cả mọi người.

Cả người đã từ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô cũng có thể có lòng dính bén hàng ngàn thứ. Cả người nghèo mà chửi rủa ai động đến cái bị ăn mày của mình cũng có thể là người giầu trước mặt Thiên Chúa.

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục