LỜI SỐNG

Tháng 03.2012

“Thưa  Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai” (Ga 6:68)

Lúc đó Ðức Giêsu đang nói với đám đông đến với Ngài về Nước Thiên Chúa (Xem Lc 9:11). Người nói với họ bằng những lời lẽ giản dị, bằng những dụ ngôn lấy từ cuộc sống hàng ngày, vậy mà lời Người nói có sức hấp dẫn đặc biệt.

người có thẩm quyền, chứ không như những kinh sư (Xem Mt 7:29). Cả những lính gác Ðền thờ được sai đi để bắt Người, khi các thượng tế và những người phái Pha-ri-sêu hỏi họ tại sao không tuân lệnh, họ trả lời: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (Ga 7:46).

Tin mừng Gioan thuật lại cả những cuộc nói chuyện soi sáng cho từng người riêng rẽ như với ông Ni-cô-đê-mô hay với thiếu phụ người Samaria. Ðức Giêsu còn đi xa hơn nữa với các môn đệ của Người: Người nói với các ông rõ ràng về Chúa Cha và về những sự trên trời, mà không dùng lối so sánh (Xem Ga 16:25-29; 3:12); các ông bị Ngài chinh phục, và không lùi bước cả khi các ông không hiểu rõ những lời của Người, hay khi những lời đó xem ra qúa đòi hỏi.

“Kiểu nói này chướng tai” (Ga 6:60), một vài môn đệ nói với Người như vậy, khi các ông nghe Người nói là sẽ ban cho họ thịt mình để ăn và máu mình để uống.

Khi thấy các môn đệ bỏ về và không đi với mình nữa, Ðức Giêsu quay sang mười hai tông đồ: “Cả anh em cũng muốn bỏ đi sao?” (Ga 6:67).

Lúc đó ông Phêrô, môn đệ đã liên kết với Người mãi mãi, vì những lời ông nghe từ ngày gặp Người hấp dẫn, trả lời thay cho tất cả:

“Thưa  Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai”

Ông Phêrô đã hiểu rằng những lời Thầy mình nói khác với những lời của các bậc thầy khác. Lời của họ là những lời khởi từ dưới đất, chúng thuộc về đất và có định mệnh của đất. Những lời của Ðức Giêsu là tinh thần và là sự sống, bởi vì chúng đến từ trời: đó là ánh sáng đến từ trên cao và có quyền năng của Trời cao. Những lời của Người có sức nặng cùng chiều sâu mà những lời khác không có, cho dù chúng là những lời của các triết gia, của các nhà chính trị, của các thi sĩ. Ðó là “những lời đem lại sự sống trường sinh” (Ga 6:68), bởi vì chúng chứa đựng, diễn tả, thông đạt sự sống tràn đầy không cùng tận, bởi vì đó là chính sự sống của Thiên Chúa.

Ðức Giêsu đã sống lại và vẫn sống mãi, những lời của Người, cho dầu nói trong qúa khứ, không chỉ là một kỷ niệm, mà là những lời Người nói hôm nay với tất cả chúng ta cùng với mỗi người thuộc mọi thời đại và mọi văn hóa: đó là những lời phổ quát, muôn đời.

Ôi những lời của Ðức Giêsu! Chúng phải là nghệ thuật cao cả nhất của Người, nếu ta có thể nói như vậy. Ngôi Lời, Ðấng nói lời nhân loại: thật là một nội dung cao cả, một sức mạnh vượt bực, một giọng nói hấp dẫn!

Chẳng hạn thánh Ba-sin Cả (sống từ 330-379)  đã kể lại rằng: “Một hôm, giống như tôi thức dậy từ một giấc ngủ dài, tôi nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của sự thật Tin Mừng và khám phá ra cái hư vô nơi những nguyên lý của thế gian này”. (Ep. CCXXIII).

Thánh Tê-rê-sa người Lisieux, trong một lá thơ đề ngày 9 tháng 5 năm 1897 đã viết: “Ðôi lúc, khi tôi đọc những sách bàn về đời sống thiêng liêng… tâm hồn bé nhỏ của tôi mau mệt. Tôi gấp sách của những nhà thông thái lại là sách làm cho đầu óc tôi nát bấy cùng làm khô cằn con tim tôi, và cầm lấy sách Kinh Thánh. Lúc đó tôi thấy mọi sự nên sáng tỏ, chỉ môt lời cũng đủ để mở ra cho tâm hồn tôi những chân trời vô biên và sự trọn lành xem ra nên dễ dàng cho tôi” (Thơ số 202).

Phải, những lời linh thiêng làm thỏa mãn tâm hồn đã được dựng nên cho vô biên: chúng không chỉ soi sáng bên trong cho trí tuệ, mà cho tất cả con người, bởi vì chúng là ánh sáng, tình thương và sự sống. Chúng đem lại an bình - niềm an bình mà Ðức Giêsu gọi là của Người: “bình an của Thầy” - cả trong những giây phút xáo trộn cùng lo âu. Chúng đem lại niềm vui trọn vẹn ngay cả giữa nỗi đau khổ đôi khi làm tan nát tâm hồn. Chúng đem lại sức mạnh nhất là khi nỗi kinh hoàng hay thất vọng  ập  đến trong ta. Chúng  đem lại tự do, vì chúng mở ra con đường sự Thật.

“Thưa  Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai”

Lời Sống tháng này nhắc nhớ ta rằng người Thầy duy nhất ta muốn theo là Ðức Giêsu, cả khi những lời của Người có thể xem ra cứng rắn và quá đòi hỏi như: liêm chính trong việc làm, tha thứ, phục vụ người khác hơn là chỉ ích kỷ nghĩ đến mình, chung thủy trong cuộc sống gia đình, chăm sóc cho một bệnh nhân sắp chết mà không nghĩ đến việc làm cho chết không đau đớn.

Có rất nhiều vị thầy mời ta đi đến những giải quyết dễ dàng, đến những thỏa hiệp. Chúng ta muốn lắng nghe người Thầy duy nhất và đi theo Người, Ðấng duy nhất nói sự thật và có “lời đem lại sự sống muôn đời”. Như vậy chúng ta cũng có thể lặp lại những lời này của thánh Phêrô.

Trong Mùa Chay này là mùa chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục sinh, ta phải thực sự học hỏi nơi người Thầy duy nhất và nên môn đệ của Người. Nơi ta cũng phải nẩy sinh một lòng say mê Lời Chúa: ta hãy chú ý tiếp nhận, khi lời ấy được công bố cho ta tại nhà thờ, ta hãy đọc, học hỏi, suy niệm lời ấy…

Nhưng nhất là chúng ta được mời gọi đem lời ấy vào cuộc sống, như chính lời Kinh Thánh dậy: “Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1:22). Vì vậy hàng tháng chúng ta để ý đến một lời trong số những lời đó, bằng cách để cho lời ấy thấm nhuần ta, uốn nắn ta, “sống trong ta”. Khi thực hành một lời của Ðức Giêsu ta sống toàn thể Tin mừng, bởi vì nơi mỗi lời một Người ban tất cả chính mình, chính Người đến sống nơi ta. Ðiều  đó giống như một giọt nước khôn ngoan thần linh của Người là Ðấng sống lại, nó từ từ đi sâu vào trong ta và thay thế cách ta nghĩ tưởng, ước muốn, hành động, trong mọi cảnh huống của cuộc đời.   

Chiara Lubich


LỜI SỐNG 2012