Lời Sống

Tháng Mười Hai 2013

 

Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau

và đối với mọi người càng ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”

(1Tx 2, 4)

 

Những lời này là một trong những diễn tả quen thuộc đối với thánh Phao-lô, ở đó thánh nhân cầu chúc và cùng một trật cũng xin Thiên Chúa ban những ơn đặc biệt cho các cộng đoàn của mình (cf Ep 3, 18; Pl 1, 9 v.v).

Ở đây thánh nhân xin Chúa ban cho các tín hữu tại Tê-xa-lô-ni-kê một tình thương yêu lẫn nhau càng ngày càng thắm thiết, càng dồi dào hơn. Ở đây không che đậy một lời khiển trách, như thể tình thương yêu lẫn  nhau không có trong cộng đoàn này, mà là một lời kêu gọi trở lại lề luật vốn có trong chính tình thương yêu, luật liên tục tăng triển.

 

Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau

và đối với mọi người càng ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”

 

Vì tình thương yêu là trung tâm điểm của cuộc sống Kitô, nên nếu nó không phát triển, thì tất cả cuộc sống của người Kitô hữu bị ảnh hưởng, bị èo ọt và rồi có thể tàn lụi.

Hiểu điều răn thương yêu người bên cạnh khi được Chúa soi sáng thì chưa đủ, và cả việc đã phấn khởi nghiệm được những thôi thúc, đẩy mạnh của tình thương, vào bước đầu khi mới trở lại với Tin mừng cũng chưa đủ. Còn cần phải làm cho tình thương yêu đó lớn lên bằng cách luôn giữ cho nó sống động, tác động, hoạt động. Và điều này sẽ xẩy ra, nếu họ biết đón nhận nhiều dịp mà cuộc sống cống hiến mỗi ngày, với thái độ càng ngày càng sẵn sàng và quảng đại hơn.

 

Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau

và đối với mọi người càng ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”

 

Đối với thánh Phao-lô những cộng đoàn Kitô phải có sự tươi trẻ và sức nồng ấm của một gia đình đích thực.

Vậy ta hiểu ý hướng của thánh tông đồ là nhằm cảnh giác những cộng đoàn này về những nguy hiểm mà họ thường xuyên bị đe dọa; đó là chủ thuyết cá nhân, tính hời hợt, tầm thường.

Nhưng thánh nhân muốn những cộng đoàn ấy được cởi mở, vì lòng bác ái chính là yêu thương người anh em cùng đức tin và, cùng một trật, đi đến với mọi người, nhậy cảm đối với những vấn đề và những yêu cầu của mọi người. Chính lòng bác ái biết đón nhận bất cứ người nào, xây đắp những nhịp cầu, bằng cách tiếp nhận điều tích cực và kết hợp những ước vọng của mình và những nỗ lực làm điều thiện cùng với tất cả những người tỏ ra có thiện tâm.

 

Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau

và đối với mọi người càng ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”

 

Vậy làm thế nào ta sống được Lời sống tháng này?

Bằng cách ta cũng tìm cách tiến triển trong tình thương yêu lẫn nhau nơi các gia đình, tại môi trường làm việc, trong các cộng đoàn hay hiệp hội trong giáo hội, các giáo xứ v.v. Lời này đòi ta một lòng bác ái dồi dào, nghĩa là lòng bác ái biết vượt lên trên những mức độ tầm thường và nhiều hàng rào  tinh vi dựng lên do lòng ích kỷ của ta. Chỉ cần nghĩ đến nhiều khía cạnh của lòng bác ái (khoan dung, thông cảm, tiếp nhận lẫn nhau, nhẫn nại, sẵn sàng phục vụ, nhân từ đối với những thiếu sót thực sự hay bị cáo buộc của người bên cạnh ta, chia sẻ của cải vật chất, vv.) thì đã đủ để khám phá ra bao nhiêu dịp để sống Lời này.

Sau đó hiển nhiên là, nếu trong cộng đoàn chúng ta có bầu khí yêu thương lẫn nhau này, thì sức nóng của nó chắc chắn sẽ giãi toả ra tất cả mọi người. Cả những người chưa biết cuộc sống Kitô cũng sẽ nhận ra sự hấp dẫn và rất dễ dàng, hầu như không để ý, họ cũng sẽ bị lôi kéo đến chỗ cảm thấy mình cũng thuộc về cùng một gia đình.

 

                                                                              Chiara Lubich


LỜI SỐNG 2013