MA
QUỶ HỌC
(catechesis.net) February
24, 2023
Phan
Tấn Thành
Nhập
đề: Từ ngữ tiếng Việt (ma quỷ) và từ ngữ dùng trong Kinh thánh (Satan,
diabolus)
I. Kinh
thánh: A. Cựu ước – B. Tân ước
II.
Lịch sử thần học: A. Các giáo phụ – B. Thần học kinh viện – Huấn quyền
III.
Suy tư thần học: A. Sự hiện hữu của các ma quỷ – B. Nguồn gốc và sự sa ngã
IV. Tác
động của ma quỷ trong thế giới
V. Hội
thánh đối kháng ma quỷ. Nghi thức trừ tà.
VI. Kết
luận: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo
—————–
Từ sau
công đồng Vaticanô II, trong chương trình đào tạo tại nhiều chủng viện và học
viện công giáo, người ta thấy xuất hiện những môn học mới, chẳng hạn như: Thông
diễn học, Tôn giáo học, Nhân học, nhưng chắc chắn là không có nơi nào dạy môn
“Ma quỷ học”. Lý do dễ hiểu: thần học là học về Thiên Chúa, chứ đời thuở nào
lại học về ma quỷ! Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng, ngay từ đầu
sách Summa
Theologica, thánh Tôma Aquinô đã nêu câu hỏi: Phải chăng thần
học chỉ bàn về Thiên Chúa mà thôi, hay còn bàn về những chuyện khác nữa? Và câu
trả lời là: Thần học không chỉ bàn về chính Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn bàn
về Thiên Chúa như là nguyên ủy và cứu cánh của vạn vật.[1]
Theo kiểu nói của các giáo phụ Dông phương, đối tượng của thần học không chỉ
là Theologia (bản
tính Thiên Chúa) cho bằng Oikonomia (kế
hoạch cứu độ).
Thực
ra, trong bộ Tổng luận thần học, sau khi đã bàn về bản tính Thiên Chúa (De Deo uno et trino:
q.2-43), thánh Tôma bước sang khảo luận về sự tạo dựng, và đứng đầu các loài
thụ tạo là các thiên thần (q.50-64). Vào mùa Chay, thường đề tài các bài giảng
hoặc suy niệm là sự thống hối và hoán cải. Năm nay, chúng tôi muốn bàn về các
thiên thần và ma quỷ, chủ đề của bài Tin mừng chúa nhật thứ nhất (“Khi ấy, Chúa
Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ …Bấy
giờ ma quỷ bỏ Người. Và các
thiên thần tiến lại hầu hạ Người”). Vì thời gian eo hẹp, chúng
tôi không đề cập đến các thiên thần,[2]
mà chỉ bàn về các ma quỷ vì tính cách thời sự của nó. Thật vậy, không ít nhà
thần học nghi ngờ về sự hiện hữu của ma quỷ, và cho rằng đó chỉ là biểu tượng
của Sự dữ. Thế nhưng, đó chỉ là ý kiến của một số nhà “trí thức”, trong khi dân
gian vẫn tỏ ra hiếu kỳ đối với hiện tương trừ quỷ, thậm chí còn có đạo thờ
Satan nữa.[3]
Chúng
tôi xin trình bày đề tài trong 6 mục như sau:
I. Kinh
thánh (Cựu ước và Tân ước)
II.
Truyền thống Giáo hội (Các giáo phụ; Thần học kinh viện; Huấn quyền)
III.
Suy tư thần học: A. Sự hiện hữu của các ma quỷ – B. Nguồn gốc và sự sa ngã
IV. Tác
động của ma quỷ
V. Hội
thánh đối kháng ma quỷ
VI. Kết
luận: Ma quỷ trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo
Ngành
thần học nghiên cứu về ma quỷ được đặt tên là Demonologia, thuật ngữ này đã được dùng làm
tựa đề của một văn kiện của Bộ Đạo lý Đức tin (Foi chrétienne et démonologie) đăng trên
báo L’Osservatore
Romano ngày 26/6/1975.[4]
Trước
khi vào đề, thiết tưởng cần nói đôi lời về từ ngữ. Kinh thánh đã sử dụng nhiều từ
ngữ khác nhau để mô tả ma quỷ; điều này cho thấy sự da dạng của thực tại này.
Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Việt Nam, từ “ma quỷ” không hoàn toàn trùng hợp
với thực tại Satan (diabolus) được đề cập trong Kinh thánh.
A.
Tiếng Việt
Trong
văn chương cổ truyền cũng như trong các tín ngưỡng dân gian, “ma” và “quỷ” được
hiểu theo nhiều nghĩa:
– ma có thể chỉ là hồn
người chết (đám ma, hồn ma, thây ma); hoặc là phép mầu (ma thuật, ma lực); nó
mang nghĩa xấu khi được phiên âm từ “ma la” tiếng Phạn (ma chướng) [5];
– quỷ có thể là dối trá
(quỷ quyệt, quỷ kế) [6];
– ma quỷ có thể hiểu về
loài ma dữ (đi làm hại người), nhưng đôi khi chỉ là kẻ nghịch ngợm thôi: “nhất
quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Trò “quỷ
thuật” chẳng có gì xấu cả.
B. Kinh
thánh
Trong
Kinh thánh, ý nghĩa của các từ ngữ không thống nhất, đặc biệt khi được chuyển
nghĩa từ tiếng Híp-ri (Cựu ước) sang tiếng Hy-lạp (Tân ước) và La-tinh (các
giáo phụ). Satan (tiếng
Hip-ri) được dùng 26 lần trong Cựu ước, satanas (chuyển
âm từ Hip-ri sang Hy-lạp) xuất hiện 34 lần trong Tân ước, daimonion (tiếng
Hy-lạp) được dùng 63 lần, diabolos (tiếng
Hy-lạp) 37 lần. Ngoài ra, Kinh thánh còn đặt nhiều tên khác để ám chỉ “ác
thần”, như sẽ thấy trong các mục dưới đây. Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn vào
việc phân tích từ ngữ.
– Satan tiếng Hipri có
nghĩa là “kẻ thù” (theo nghĩa chính trị hoặc quân sự: 1 Sm 29,4; 2 Sm 19,3; 1 V
5,18; 11,14.23.25), “kẻ tố cáo” (Tv 109,6), “đối thủ” (Hc 21,27), “kẻ lường
gạt”. Danh từ này được sử dụng trong cuộc sống xã hội (một nhân vật hay một
chức vụ), chứ không nhất thiết hiểu về loại quỷ ma.
– Satan được dịch sang
tiếng Hy lạp là diabolos (đối
thủ, kẻ thù, kẻ tố cáo) và bắt đầu mang nghĩa tiêu cực (nghĩa xấu) khi nó được
tán tự là “chia rẽ, lường gạt” (tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa), gồm
bởi dia-ballein (dia: xuyên qua; ballein: ném, quăng). Sau
đó diabolos được
chuyển sang tiếng La-tinh là diabolus,
tiếng Pháp là diable và
tiếng Anh là devil (rất
dễ lẫn với evil:
sự xấu, nhưng cũng có tính từ diabolic).
– Daimonion. Trong nguyên
ngữ Hy-lạp cổ điển, daimones được
hiểu về các thần linh (chứ không phải là quỷ dữ).[7]
Sau này daimonion được
chuyển sang tiếng La-tinh là demonium (nghĩa
xấu), rồi démon trong
tiếng Pháp (tiếng Anh cũng dịch là devil tuy
cũng có tính từ demonic).
Trên
đây là những từ ngữ khái quát. Nên ghi nhận là các từ này đều được dùng ở
số ít. Sau này, khi đi vào các tác phẩm cụ thể, chúng ta còn gặp thấy nhiều từ
ngữ khác nữa, chẳng hạn như: “thần khí ô uế” (Mc 1,23.26; 3,11.31; 5,2); Beelzebul:
thần ruồi (Mc 3,22), Mammona (Mt 6,24).
Mục I.
Kinh thánh
Cần lưu
ý đến sự thay đổi không nhỏ về hình ảnh Satan trong Cựu ước và Tân ước
I. CỰu ưỚc
So sánh
với văn chương của các dân tộc láng giềng, Kinh thánh ít khi đả động đến ác
thần, có lẽ vì muốn bảo vệ đức tin độc thần (chống lại các tôn giáo nhị nguyên,
chủ trương có thần Thiện và thần Ác).[8]
Vì thế, tác giả Kinh thánh không ngần ngại quy gán các tai ương cho Thiên Chúa:
chính Ngài đã gây ra chúng để trừng phạt tội lỗi loài người (x. Ds 11,1; 21,6).
Chính Thiên Chúa sai “thiên sứ tàn sát” để giáng các tai hoạ xuống dân Ai-cập
(Xh 12,23); Thiên Chúa gửi “thần khí bất hoà” để gây chia rẽ giữa vua Abimelech
và dân (Tl 9,23), hoặc “thần khí lường gạt” để đánh lừa vua Akhab (1V 22,23).[9]
Ở sách các Vua, quyển 1, chương 16, chúng ta đọc thấy ở câu 14: “thần khí của
Giavê rút khỏi Saul, và một thần khí xấu của Giavê hành hạ ông cách kinh khủng”
(lưu ý: thần khí xấu là của Giavê, xc. các câu 15.16 và ở chương 18,10; 19,9).
Để giải
thích nguồn gốc của sự dữ, Cựu ước đưa ra hai thuyết:
1/ Ý
muốn tự do của con người, đã chống lại các mệnh lệnh của Chúa. Đây là nguyên
nhân của tội lỗi nơi nguyên tổ cũng như nơi mọi thế hệ.
2/ Có
một yếu tố nào đó ở bên ngoài con người, chẳng hạn con rắn đã cám dỗ nguyên tổ
nhân loại (St 3,1.2.4.13.14). Có lẽ tác giả sách Sáng thế coi con rắn như một
biểu tượng, nhưng về sau này, tác giá sách Khôn ngoan (viết bằng tiếng Hy-lạp)
giải thích nó là một diabolos (Kn
2,24: “Vì sự ganh tị của quỷ, cái chết đã đi vào thế giới; và những ai thuộc
phần của hắn thì nghiệm thấy cái chết”).
Lần đầu
tiên Satan được
nói đến trong Cựu ước là sách Dân số (22,22-32), khi một sứ giả của Chúa chặn
đường con lừa của ông Balaam. Nên lưu ý ở chỗ này, Satan chưa có nghĩa tiêu
cực; việc hình dung vai trò của nó sẽ tiến triển theo thời gian.[10]
a- Vào
lúc đầu Satan giữ một vai trò tích cực, đó là bảo vệ công lý của Thiên Chúa. Ta
có thể so sánh với vai trò viên công tố ở pháp đình, vạch ra tội phạm (mà có lẽ
đã bị quên lãng), chẳng hạn như Hađát và Rơson được Chúa gửi đến để phản kháng
tội lỗi của vua Salomon (1V 11,14.23).
b- Sau
thời lưu đày, kể từ sách Giob (thế kỷ V) và sách Dacaria (520-518), vai trò của
Satan trở nên tiêu cực: nó không chỉ đặt nghi vấn về sự trong sạch của con
người mà còn muốn gây hại cho con người (Dcr 3,1-2). Điều này càng nổi bật hơn
nữa nơi sách Giob (1,6-12; 2,17): Satan xin Chúa hãy thử thách ông Giob. Nên
lưu ý Satan là đối thủ của con người chứ không phải đối thủ của Thiên Chúa; hắn
làm trinh thám cho Chúa mà![11]
c-
Trong sách Biên niên sử (viết khoảng thế kỷ IV-III trước CN), Satan trở thành
kẻ xấu; hắn xúi giục Đavit phạm tội (1Sbn 21,1: “Satan đứng lên chống Israel và
xúi giục vua Đavit thống kê dân số Israel”).
II. Tân ưỚc
Satan
ít được nói đến trong Cựu ước, nhưng sang Tân ước thì tình hình thay đổi hẳn,
tuy rằng mỗi tác giả nhấn mạnh một khía cạnh. Chúng tôi chia thành bốn nhóm để
phân tích: Tin mừng nhất lãm; thánh Phaolô, thánh Gioan, các tác giả khác.
A. Tin mừng nhất lãm
Trong các
sách Tin mừng nhất lãm, Satan (satanas,
diabolos, daimonion, ho poneros: kẻ ác) không chỉ là đối thủ của
loài người như trong Cựu ước, nhưng nhất là đối thủ của Đức Giêsu, chống đối
công việc của Người. Đối lại, Đức Giêsu được trình bày như là kẻ chiến đấu với
Satan khi Người thiết lập vương triều của Thiên Chúa. Chúng ta gặp thấy các
trình thuật trong những bối cảnh chính sau đây:
1) Cuộc cám dỗ (Mc
1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Đã có nhiều ý kiến được đặt ra chung quanh sử
tính của trình thuật này [12]:
có người cho rằng đây là một câu chuyện do cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tạo ra;
có người nghĩ rằng câu chuyện này đã được Đức Giêsu kể lại cho các môn đệ,
nhưng Hội thánh tiên khởi đã viết lại dựa trên những trình thuật về cuộc thử
thách Israel trên sa mạc (x. sách Xuất hành và Đệ nhị luật). Dù nói gì đi nữa,
Satan và Đức Giêsu trở thành hai đối thủ.
Chúng
ta cũng có thể đặt trong bối cảnh này lời Đức Giêsu quở trách ông Phêrô
là satan khi
ông can ngăn Người đừng đi theo con đường khổ nạn: ACút đi, Satan, bởi vì con
đường mà anh nghĩ không phải là con đường của Thiên Chúa” (Mc 8,31-33; Mt
16,21-23); ở đây có thể là satan núp
đàng sau lưng ông Phêrô, nhưng ta cũng có thể hiểu satan theo nghĩa bóng
(kẻ cám dỗ). Ông Phêrô còn được nghe nhắc đến satan một lần nữa, nhưng không theo
nghĩa biểu tượng: “Simon, Simon, anh phải biết rằng satan đã xin được
sàng anh như sàng gạo; nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng
tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”
(Lc 22,31).
Dù sao,
Luca còn trở lại trong cuộc đời Đức Giêsu và hồi tử nạn: chính hắn đã xúi ông
Giuđa Iscariot đi trao nộp Người (Lc 22,3-4). Gioan còn nói rõ hơn nữa: Satan
nhập vào ông Giuđa sau khi ông lãnh tấm bánh từ Đức Giêsu (Ga 13,27).
2) Dụ ngôn người gieo giống (Mc
4,15; Mt 13,19; Lk 8,12). Kẻ tìm cách phá huỷ công trình của Đức Kitô trên thế
giới được gọi là “satanas@
(Mc), “kẻ ác” (Mt), “diabolos”
(Lk).
3) Mặt
khác, Chúa Giêsu không đứng trong vị trí thế thủ, nhưng Người tấn công Satan
bằng nhiều cách.
(i) qua
những việc trừ tà, thí dụ người bị quỷ ám ở Giêrasa (Mc 5,1-20; Mt 8,28-34; Lc
8,26-39) [13];
người động kinh bị quỷ ám (Mc 9,14-29; Mt 17,14-21; Lc 9,37-43); người bị quỷ
ám ở Capharnaum (bị ám bởi “thần khí ô uế”: Mc 1,21-28; Lc 4,33-37); con gái của
người phụ nữ Phênixi (“thần khí ô uế”: Mc 7,24-30; Mt 15,21-20); người câm bị
quỷ ám (Mt 9,32-34; Lc 11,14), và bà Maria Magđala (Lc 8,2). Việc trừ tà trở
thành hoạt động thường xuyên của Đức Giêsu, đến nỗi các tác giả có thể tóm lược
thành một nhận xét tổng quát: “Chiều hôm ấy, khi mặt trời lặn, người ta mang
đến cho Người hết mọi người bệnh tật và những người bị quỷ ám, và Người đã chữa
lành những kẻ bị khổ sở vì các chứng bệnh; Người cũng xua đuổi nhiều daimonia” (Mc 1,32-34 và
song song); “các thần khí ô uế, khi thấy Người thì sụp lạy và la lên: Ngài là
Con của Thiên Chúa” (Mc 3,11 và song song; Xem thêm Cv 10,38). Chúng ta thấy
những trường hợp “bệnh tật” và “quỷ ám” thường được gắn liền với nhau: rất có
thể nhiều trường hợp chỉ là bệnh tật theo quan điểm y học thời nay (thí dụ động
kinh) nhưng vào thời xưa bị coi là quỷ ám; hoặc bà Mađalêna được chữa khỏi bảy
quỷ (Mc 16,9; Lc 8,2) nhưng có thể chỉ là một bệnh. Tuy nhiên, không thể nào
phủ nhận tuyệt đối sự hiện hữu của việc quỷ ám, xét vì cách đối xử khác biệt
của Đức Giêsu khi đối diện với người bệnh và với Satan.
(ii)
Trong cuộc tranh luận với người Pharisêu và các kinh sư về việc trừ tà, họ nói
rằng Người đã dùng quyền năng Beelzebul,[14] tướng của các daimonia (Mc 3,22).
Lợi dụng cơ hội này, Đức Giêsu giải thích rằng Satan không thể nào chống lại
chính mình được; do đó quyền năng của Người đến từ một thế lực cao hơn: “Nhưng
nếu do Thần khí Thiên Chúa mà tôi xua đuổi daimonia, thì chắc hẳn là vương quốc Thiên
Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28; Lc 11,20). (Nên biết là ông Gioan
Tẩy giả cũng bị tố cáo là có một daimonion bởi
vì ông không ăn không uống: Mt 11,16-18; Lc 7,31-35).
(iii)
Đức Giêsu báo cho các môn đệ biết rằng sự sụp đổ của các thần ô uế nhờ quyền
năng mà Người trao cho các ông (Mc 6,7; Mt 10,1; Lc 9,1). Khi các ông trở về
sau cuộc rao giảng, Người tuyên bố: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp
từ trời rơi xuống” (Lc 10,18). Quyền trừ quỷ đã được Người trao cho các môn đệ
như một dấu hiệu kèm theo việc loan báo Tin mừng (Mc 16,17). Tuy nhiên, Người
cũng cảnh báo cho các ông biết rằng vào ngày chung thẩm, quyền năng trừ tà
chẳng mang ích lợi gì nếu họ không thực hành các điều Chúa truyền: “Trong ngày
ấy, nhiều kẻ sẽ thưa với tôi rằng: Lạy Chúa, chúng con đã chẳng nói tiên tri
nhân danh Thầy, đã chẳng xua đuổi quỷ nhân danh Thầy, đã chẳng làm việc lạ nhân
danh Thầy đấy ư?” (Mt 7,22).[15] Mặt khác, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy
cầu nguyện: “Lạy Cha, đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng hãy cứu chúng
con khỏi kẻ ác”
(Mt 6,13; x. 22,40.46: “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”).
B. Thánh Phaolô
Thánh
Tông đồ sử dụng những từ ngữ cổ truyền, chẳng hạn như Satanas (10 lần), daimonion (5
lần); ngoài ra, Người còn thêm những từ ngữ mới: “những quyền lực”, “những yếu
tố của thế gian” (Gl và Cl). Chúng ta hãy xem các bản văn.
1)
Những từ ngữ chung với các tác giả Tân ước: Satan, diabolos
– Satan chính là kẻ đã
ngăn cản hành trình của thánh Phaolô đến thăm cộng đoàn Têxalonica (1 Tx 2,18).
Satan là kẻ hành hạ thân xác của ông (2Cr 12,7). Satan cũng sẽ hành hạ những
tội nhân cần phải hoán cải (1 Cr 5,5; 7,5; 1 Tm 1,20; 5,15). Satan là kẻ ngăn
cản chúng ta tha thứ (2 Cr 2,11); kẻ trá hình làm sứ giả của ánh sáng (2 Cr
11,14). Nói khác đi, Satan là kẻ mưu toan làm hại người khác, là công cụ của
Phản-Kitô, kẻ phản loạn (2 Tx 2,9). Tuy nhiên, thánh Phaolô cho biết rằng Thiên
Chúa bình an sắp đè bẹp Satan (Rm 16,20). “Mầu nhiệm của sự gian ác” (mysterium iniquitatis) sẽ
bị Đức Chúa huỷ diệt trong ngày quang lâm (2 Tx 2,7).
– Diabolos có nghĩa
tương tự như ma quỷ trong sách Tin mừng (Ep 4,27; 6,11). Nhưng trong các thư
mục tử, từ ngữ này được dùng để ám chỉ những con người nói hành, vô luân (1Tm
3,6.7.11; 2Tm 2,26; 3,3; Tt 2,3). Những từ ngữ tương đương: “Kẻ ác” (ho poneros: Ep 6,16; 2 Tx
3,3); “kẻ cám dỗ” (ho peirazon:
1 Tx 3,5), “Chúa của thế gian này” (2 Cr 4,4).
Mặc dù
thánh Phaolô biết ảnh hưởng của sự dữ trong thế gian này (Rm 5,12) nhưng ông
không nói đến những con người bị quỷ ám. (Sách Công vụ cho biết là ông đã gặp
những người ấy trên đường truyền giáo (Cv 13,10; 16,16-18; 19,15).
2)
Những thuật ngữ riêng của thánh Phaolô
– Beliar đối thủ của
Đức Kitô được nhắc đến 1 lần (2Cr 6,15) trong toàn thể Tân ước, và người ta
không rõ ý nghĩa. Trong Cựu ước, belial (đi
kèm với cụm từ “con cái của”) ám chỉ người dữ (Đnl 13,14; Tl 19,22; 1 Sm 1,16;
2,13).
– Trong
hai lá thư gửi Colosê và Ephêsô, chúng ta gặp những thuật ngữ đặc biệt “các
quyền năng dũng lực ” (Cl 1,16; 2,10.15; Ep 1,21; 3,10; 6,12), được mô tả với
nhiều từ ngữ tương đương: Archai (thủ
lãnh, nguyên thủ, nguồn gốc); Exousia (quyền
năng, quyền lực hành động); Dynameis (khả
năng, năng lực). Kyriotetes (chủ
tể, chủ lực, uy quyền); Thronoi (ngai
tòa, ngôi).[16] Những từ ngữ này lấy từ thể văn khải
huyền của người Do thái, có thể ám chỉ các quyền lực thiêng liêng dù tốt hay
xấu, tuy rằng chúng không hẳn là vô hình nhưng có thể biểu hiện qua các định
chế xã hội. Nơi thánh Phaolô, các quyền lực này được nhân- cách-hoá như là
những quyền lực trên trời có thể gây tác hại đến các lực lượng của vũ trụ hay
với quyền bính nhân loại (x. Ep 6,12: “những kẻ thống trị thế giới”; 1Cr 2,6.8:
“những thủ lãnh của thế gian này”). Vào lúc đầu, chúng được dựng nên nhờ và vì
Đức Kitô , do đó chúng không xấu. Nhưng sau đó, chúng từ chối không nhìn nhận
quyền tối thượng của Đức Kitô và trở nên xấu. Thánh Phaolô lo ngại rằng các tín
hữu ở Colosê và Êphêsô thờ lạy các quyền lực ấy để khỏi bị chúng quấy phá.
Thánh Phaolô không phủ nhận sự hiện hữu của chúng (như trong trường hợp các
ngẫu tượng nói ở 1Cr 8,4; 10,19), nhưng ông khẳng định rằng những quyền lực ấy
không thể làm hại ta bởi vì chúng đã bị Đức Kitô đánh bại rồi.
C. Các văn phẩm của thánh Gioan
Có thể
phân làm hai nhóm: một bên là sách Tin mừng và các thư; bên kia là sách Khải
huyền.
1)
Trong sách Tin mừng và các thư, diabolos được nhìn dưới ba khía cạnh:
(i)
Nguồn gốc của tội lỗi (tội phản bội của Giuđa Iscariot: Ga 6,70; 13,2.27), cũng
như tội không tin của người Do thái (Ga 8,45). Đề tài này được khai triển nơi
1Ga 3,8, khi đồng hóa kẻ phạm tội với kẻ thuộc về diabolos bởi vì nó đã
phạm tội ngay từ thuở đầu. Con Thiên Chúa đã đến để phá hủy công việc của nó.
Tác giả của thư thứ nhất vạch ra sự đối kháng giữa con cái Thiên Chúa và con
cái ma quỷ, giữa việc làm của Thiên Chúa với việc làm của ma quỷ (3,12:
5,18-19). Các con cái của Thiên Chúa đã thắng Kẻ Ác (2,13.15).
(ii)
Đức Giêsu bị tố cáo là “bị quỷ ám” vào ba dịp: sau khi đã chữa bệnh vào ngày
Sabat (Ga 7,20); trong cuộc tranh luận lời qua tiếng lại với người Do thái
(8,48); khi phản ứng lại Đức Giêsu tự xưng là Mục tử nhân lành (10,19).
(iii)
Danh hiệu “Nguyên thủ của thế giới” (arkhon
tou kosmou: 12,31; 14,30; 16,11).[17] Khác với diabolos xâm nhập vào
Giuđa hoặc xúi giục dân Do thái, “nguyên thủ của thế giới” (có nơi dịch là “thủ
lãnh thế gian”) là kẻ đương đầu với Đức Giêsu. Tuy nhiên, kể từ nay, hắn đã bị
tống khứ, nghĩa là mất hêt quyền hành trên các tín hữu rồi (12,31). Hắn vẫn cứ
đến, nhưng chẳng có quyền hành với Đức Giêsu (14,30). Hắn đã bị xét xử rồi
(16,11).
Các
thuật ngữ “diabolos,
nguyên thủ thế giới, kẻ ác” là biểu tượng, hay ám chỉ một nhân vật đối lập với
đức Kitô?
b)
Trong sách Khải huyền,[18] cách riêng từ chương 12 trở đi, chúng ta
đọc thấy một cuộc giao tranh giữa Mãng xà (biểu tượng của quỷ dữ) và người Phụ
nữ (biểu tượng cho Dân Thiên Chúa): mãng xà là con rắn gìa, quỷ và Satan (Kh
12,9), đầu mối của những cuộc bách hại (2,9; 3,9), ngẫu tượng (2,13; 9,20), lạc
giáo (2,24). Nó chiếm giữ quyền năng siêu đẳng, tự đặt mình vào chỗ của Thiên
Chúa và bắt người ta thờ lạy (13,4), làm những việc lạ thường. Mặc dù nó gây ra
nhiều tàn phá tai hại, nhưng cuối cùng hắn bị tống ra khỏi trời, và quẳng xuống
đất. Con mãng xá là ai? Phải chăng đó là tượng trưng của Đế quốc Rôma, hay là
của tất cả mọi lực lượng tội ác trong dòng lịch sử? Dù sao, sau bao nhiêu cuộc
giao tranh, cuối cùng Satan bị quăng vào hồ lửa và chịu khổ đời đời kiếp kiếp
(20,10).
D. Các thư phổ quát: 2 Phêrô và Giuđa
2Pr
2,4: “Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào
hồ Địa ngục tối tăm, giữ họ để chờ cuộc phán xét”. Gđ 6: “Những thiên thần đã
không giữ địa vị của mình, nhưng rời bỏ nơi mình ở, thì Người dùng xiềng xích
mà giam giữ họ đời đời trong nơi tối tăm, để chờ phán xét trong Ngày trọng
đại”.
Xem ra
hai đoạn này giải thích nguồn gốc của ma quỷ, nghĩa là những thiên thần sa ngã.
Tuy nhiên, theo các học giả, có lẽ mục tiêu của chúng nằm ở chỗ khác. Hai tác
giả khuyên các tín hữu đừng bỏ Chúa Kitô mà chạy theo các tiên tri giả (2 Pr
2,1; Gđ 4). Các ngài nhắc nhở họ về các hình phạt dành cho các tội ác trải qua
lịch sử, tựa như: các thiên sứ, thành Sođôma, đại lụt (Pr), hoặc sa mạc. Các
tác giả sử dụng những chất liệu đã có sẵn trong tay chứ không khẳng định về sử
tính của chúng (chẳng hạn như cuộc giằng co giữa Micae và Satan về thi hài của
ông Mosê – 2 Pr 11; Gđ 9 – lấy từ tác phẩm “Sự lên trời của ông Mosê”). “Tội
của các thiên thần” là một dữ liệu lấy từ truyền kỳ bình dân (x. St 6,1-4, Sách
Enoch), theo đó các thiên sứ – những “con trai Thiên Chúa” – đã phạm tội dâm ô
với “con gái loài người”, từ đó đẻ ra các Khổng lồ (nephilim).
Dù sao,
trong 1Pr (5,8-9), chúng ta gặp thấy một đoạn văn được đọc trong giờ Kinh Tối
từ bao thế kỷ qua: “Anh em hãy tỉnh thức, vì ma quỷ – diabolos– thù địch của anh
em đang rình rập tìm mối cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống
cự”.
Tóm
lại, Satan là một thực tại phức tạp, được ám chỉ trong Kinh thánh bằng nhiều
thuật ngữ (satan, diabolos,
daimon, kẻ ác, thủ lãnh thế gian, địch thủ, kẻ cám dỗ…). Phải chăng
đó là những nhân vật khác nhau, hay chỉ là một nhân vật dưới nhiều tên gọi?
Kinh thánh nhấn mạnh đến tự do và trách nhiệm của con người trong việc chọn
điều tốt hay điều xấu. Đồng thời, Kinh thánh cũng nhìn nhận sự hiện hữu của một
quyền lực sự xấu, mà con người phải kháng cự và có thể thắng được nhờ quyền
năng của Chúa Kitô. Tân ước nói đến Satan như là kẻ chống đối Đức Kitô, một kẻ
bị Người xua đuổi khỏi những người bị ám hại, một kẻ tuyên xưng thiên tính của
Người. Người tỏ lòng nhân từ đối với những kẻ tội lỗi, nhưng lại quở trách nặng
nề Satan. Như vậy ắt hẳn Satan phải là một thực thể chứ không phải chỉ là một
biểu tượng.
Trong
bài này, chúng ta khảo sát các bản văn đề cập đến Satan trong Kinh thánh Cựu
ước và Tân ước, để tìm hiểu những bối cảnh mà các tác giả mô tả sự xuất hiện
của nhân vật ấy dưới nhiều hình thù. Tuy nhiên, chúng ta không được phép quên
sứ điệp quan trọng nhất của Tân ước là Chúa Kitô phục sinh đã chiến thắng Satan
và mọi hình thức sự dữ đè nặng trên nhân loại (tội lỗi, sự chết): “Can đảm lên.
Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thánh Phaolô đã hiên ngang ca lên: “Tôi tin
chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực,
hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất
cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu
của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-36).
MỤC II. SATAN TRONG LỊCH SỬ THẦN HỌC
(catechesis.net)
March 2, 2023
Phan
Tấn Thành
Mục II.
Satan trong lịch sử thần học
————–
I. Các
giáo phụ
A. Các
sư phụ trên sa mạc
B. Các
giáo phụ mục tử
II.
Thần học kinh viện
Các
thiên thần có thể phạm tội không? Tội gì? Hình phạt ra sao? Bản tính sự dữ?
III.
Huấn quyền
A.
Trước Latêranô IV
B. Công
đồng Latêranô IV
C. Từ
Latêranô IV đến Vaticanô II
D. Công
đồng Vaticanô II
————–
Trong
bài trước chúng ta đã khảo sát những đoạn văn Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước)
bàn về ma quỷ. Hôm nay chúng ta tiếp tục theo sự tiến triển của Ma-quỷ-học
trong lịch sử thần học. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng cần nêu
lên hai nhận xét quan trọng: một là về từ ngữ, hai là về phương pháp.
– Xét
về từ ngữ, trong bài trước, chúng tôi đã lưu ý rằng hạn từ “ma quỷ” trong tiếng
Việt không đồng nghĩa với Satan trong Kinh thánh. Trong tiếng Việt, “ma” bao
hàm cả các “hồn ma” (linh hồn con người đã khỏi xác) hoặc “yêu tinh”, nhưng vấn
đề này không được Kinh thánh bàn đến. Satan (diabolus) có nghĩa là “đối thủ”, và trong Tân
ước, được hiểu về đối thủ của Thiên Chúa, chứ không liên hệ gì với loài ma.[19]
– Xét
về phương pháp, “Ma quỷ học” dịch hạn từ Demonologia trong tiếng Latinh. Theo
nguyên ngữ Hy-lạp, logia không
bao hàm một “môn học” hệ thống, mà chỉ có nghĩa là “lời lẽ, lý luận”. Trên thực
tế, chúng ta đừng mong tìm thấy một “khảo luận hệ thống” về Satan trong thần học,
nhưng có thể thu thập rất nhiều “lý luận” hoặc diễn từ về Satan trong lịch sử
thần học Kitô giáo. Chúng tôi xin chia mục này làm ba phần: 1/ Các giáo phụ. 2/
Thần học kinh viện. 3/ Huấn quyền. Trong hai phần đầu, chúng ta rảo qua những
quan điểm khác nhau liên quan đến nguồn gốc và hoạt động của các ma quỷ; những
quan điểm này thuộc bình diện ý kiến, chứ không thuộc về đức tin. Trái lại,
phần thứ ba phát biểu những đạo lý của Hội thánh; như sẽ thấy, những tuyên bố
trong lãnh vực này không nhiều lắm.[20]
I. Các giáo phỤ
Nói
chung, các giáo phụ thích bàn về các thiên thần hơn là về ma quỷ. Ma quỷ được
nhắc đến ngay từ các tác phẩm của các tông phụ (x. T. Clêmentê Rôma, T. Inhaxiô
Antiôkia, T. Policarpô; Mục tử Hermas) khi các ngài khuyên các tín hữu hãy
tránh xa các lạc giáo là cạm bẫy của ma quỷ. Dù sao, nên biết là tuy nhìn nhận
sự hiện hữu của ma quỷ và tác dụng tai hại đối với các tín hữu; nhưng các giáo
phụ cũng cũng nhấn mạnh rằng chúng không thể thắng được những người tin vào
quyền năng của Chúa Kitô.
Khi bàn
về các “lời lẽ” của các giáo phụ liên quan đến ma quỷ, thiết tưởng nên phân
biệt hai nhóm: một nhóm thiên về khía cạnh tu đức, một nhóm thiên về khía cạnh
suy tư thần học.
A. Các sư phụ trên sa mạc
Nhóm thứ
nhất được gặp thấy nơi các đan sĩ. Theo một giả thuyết được nhiều người chấp
nhận, nguồn gốc đời sống đan tu bắt đầu từ khi các cuộc cấm đạo chấm dứt. Trước
đây, Kitô giáo bị Đế quốc Roma ngăn cấm; các tín hữu ý thức rằng việc đi theo
Đức Kitô không chỉ đòi hỏi sự chiến đấu chống lại tội lỗi mà còn bao hàm việc
sẵn sáng chịu chết để làm chứng cho đức tin. Nhưng từ khi Kitô giáo được Đế
quốc nhìn nhận làm quốc giáo, thì các tín hữu không những được tự do thi hành
đức tin mà còn được hưởng nhiều ưu đãi. Thế nhưng một số tín hữu nghĩ rằng hoàn
cảnh chính trị thuận lợi chưa hẳn đã giúp cho đức tin được tăng triển, ngược
lại, có thể khiến cho lòng nhiệt thành suy giảm. Đứng trước nguy cơ ấy, một số
tín hữu đã rút lên sa mạc để tiếp tục nếp sống khắc khổ, nhằm duy trì chí khí
của các bậc tiền bối. Từ đây, họ sẽ không chiến đấu với các lực lượng chống đối
tôn giáo như trước, nhưng là chiến đấu với ba kẻ thù là ma quỷ, thế gian, xác
thịt. Họ chọn lựa sống trong sa mạc, biểu tượng của sự thiếu thốn vật chất, đòi
hỏi nhiều hy sinh; sa mạc cũng là biểu tượng của chốn tĩnh mịch để cầu nguyện;
đồng thời sa mạc cũng là nơi biểu tượng của cuộc chiến đấu chống với ma quỷ,
theo gương Chúa Giesu vào lúc bắt đầu thi hành sứ vụ.
Trong
bối cảnh này, văn chương các đan sĩ trên sa mạc kể lại rất nhiều điển tích về
sự chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ có thể được hiểu về một đối thủ ở bên
ngoài con người hoặc về một khuynh hướng ngay bên trong nội tâm con người.
Chúng ta lấy một thí dụ điển hình nơi thánh Antôn ẩn sĩ (k.250-356). Trong tiếu
sử của ngài do thánh Athanasiô kể lại, Antôn bị ma qủy tấn công ngay khi bước
vào đời tu, qua những cám dỗ gợi lên những khoái lạc ngoài thế giân; qua cấp
thứ hai, ma quỷ gợi lên những khoái cảm ngay từ trong thân thể, tức là các đam
mê dục vọng; đến cấp thứ ba thì ma qủy xuất đầu lộ diện để tấn công trực tiếp
vào Antôn.[21] Đời tu được coi như một cuộc kháng chiến
trường kỳ chống lại ma quỷ, được Evagrius Ponticus (k.345-399), xếp đặt hệ
thống thành tám “tà kiến” (logismoi:
mê ăn, dâm dục, tham lam, phiền nào, nóng giận, chán nản, hám danh, tự
phụ). Cùng với việc phân tích bản chất các tà kiến, tác giả cũng kê ra
những phương dược để kháng cự. Ngoài việc cầu nguyện, phương thế hữu hiệu nhất
để diệt các tà kiến là tập luyện các nhân đức đối lập (chẳng hạn chống tính mê
ăn bằng đức tiết độ, chống tính tự phụ bằng đức khiêm nhường.[22]
Dù sao,
chúng ta đừng nên quên rằng việc chiến đấu chống lại ma quỷ không phải là độc
quyền của các đan sĩ. Thực vậy, việc đối kháng với ma quỷ nằm trong bản chất
đời sống Kitô hữu, bởi vì vào lúc rửa tội, họ đã cam kết từ bỏ ma quỷ và các
quyến rũ của nó. Thánh Phaolô đã có lần nhắc nhở các tín hữu Ephêsô (6,10-17):
“Sau cùng, anh em hãy tìm
sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của
Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với
phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị
thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ
binh giáp vũ khí của Thiên Chúa ; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để
đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.14 Vậy hãy đứng vững : lưng thắt đai là
chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo
tin mừng bình an ; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ
đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu
độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”.
B. Các giáo phụ mục tử
Khuynh
hướng thứ hai đề cập đến ma quỷ trong bối cảnh hộ giáo, nghĩa là bênh vực đức
tin chống lại các lạc thuyết. Vào thời ấy, thế giới Hy-lạp và Roma biết đến
nhiều học thuyết liên quan đến các thiên thần và ma quỷ, cũng như những tục lệ
ma thuật, bói toán. Cách riêng, các giáo phụ để ý đến thuyết nhị nguyên
được phổ biến nơi nhiều triết học và tôn giáo.
Một sự
kiện không thể chối cãi được là trên đời này có sự dữ (dưới các hình thức tội
lỗi, bệnh tật, chiến tranh, chết chóc). Sự dữ bắt nguồn từ đâu? Thuyết nhị
nguyên trả lời rằng vũ trụ bắt nguồn từ hai nguyên lý: một nguyên lý tốt (thần
Thiện, nguồn gốc của mọi sự tốt lành) và một nguyên lý xấu (thần Ác, nguồn gốc
của mọi sự dữ). Hai ông thần ấy luôn kình địch, chống đối nhau, và loài người
chúng ta là nạn nhân (“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”). Tuy nhiên, đức tin
công giáo dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, vì thế không thế nào chấp
nhận có hai vị “Chúa tể”. Như vậy, phải giải thích nguồn gốc sự dữ thế nào?
Chẳng lẽ sự dữ bắt nguồn bởi Thiên Chúa? Nói như vậy là phạm thượng: đời nào
Thiên Chúa nhân lành lại làm ra sự dữ? Như vậy câu trả lời chỉ có thể là: sự dữ
bắt nguồn từ Satan, một đối thủ của Thiên Chúa. Satan là thụ tạo, do Thiên Chúa
dựng nên chứ không phải là Thiên Chúa. Ai dựng nên Satan? Satan nguyên là một
thiên thần tốt lành, nhưng hắn đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa, và trở thành
ác thần. Hắn nổi loạn lúc nào và như thế nào? Kinh thánh không nói gì, vì thế
các giáo phụ tìm cách trả lời. Chúng ta dễ mường tượng rằng các ý kiến
không đồng nhất, bởi vì mang tính cách giả định. Vấn đề trở nên rắc rối thêm
khi một vài giáo phụ dựa trên một ngụy thư mang tên là Sách Henoch (hay Khanoc),[23] một nhân vật được nhắc đến trong thư của
thánh Giuđa (câu 14-15), được coi là tổ phụ thứ bảy sau nguyên tổ Ađam: “Ông đã tuyên sấm về họ rằng: Này Chúa
đến giữa muôn vàn thần thánh của Người, để xét xử mọi người, và kết án mọi kẻ
vô luân về tất cả các việc vô luân của họ, về tất cả những lời hỗn xược quân
tội lỗi vô luân đã nói phạm đến Người”. Câu chuyện vô luân lại được
móc nối với đoạn Sáng thế 6,1-4 (Các thiên thần trên trời – nguyên văn: “con
trai của Thiên Chúa” – phạm tội dâm dục với con gái dưới trần thế).
Không
ít giáo phụ trong những thế kỷ đầu tiên đã chấp nhận ý kiến đó (vì tưởng lầm là
Sách thánh, chẳng hạn như Tertullianô bên Tây phương (De virginibus velandis 7)
và Athenagoras bên Đông phương (Legatio 24).
Nhưng về sau, các giáo phụ không chấp nhận việc giải thích đoạn Sáng thế theo
hướng đó (xc. Gioan Kim khẩu, Homilia
22 in Gen. 2), và Augustino (Quaestionum in Heptateuchum 1.3). Mặt
khác, tuy không chấp nhận tội dâm dục như là lý do của sự sa ngã của các thiên
thần, nhưng dựa theo đoạn văn Sáng thế nói trên, vài giáo phụ cho rằng các ma
quỷ đồi trụy đã bị hủy diệt sau trận lụt hồng thủy, nhưng linh hồn của chúng
lại trở thành các ngẫu tượng được thờ lạy trong các tôn giáo.[24]
Dù sao,
không phải tất cả các giáo phụ đều dựa theo sách Henoch để giải thish nguồn gốc
tội của các thiên thần. Còn nhiều giả thuyết khác nữa. Chẳng hạn như thánh
Giustinô tử đạo cho rằng thiên thần đã sa đoạn khi cám dỗ bà Eva (Dialogus cum Tryphone 124);
ở chỗ khác thì ông đồng hóa Leviathan (nói ở Is 27,1) với Satan (Dial. 112). Mặt khác,
tuy chấp nhận nguồn gốc các ma quỷ là các thiên thần phạm tội dâm dục với loài
người, nhưng Athenagoras cho rằng tội riêng của thủ lãnh Satan là sai phạm
trong việc quản trị, nghĩa là không biết điều hành vật chất đúng cách (Legatio 24).
Ông
Origen là người đưa ra nhiều ý kiến độc đáo hơn cả và gây ảnh hưởng nơi nhiều
tác giả khác. Ông đồng hóa Lucifer vua Babylonia được nói ở Is 14,12–15 và vua
Tyrô (Ed 28,12–19) với Satan, và giải thích nguồn gốc tội lỗi của Satan là tính
kiêu ngạo (bởi vì làm thế nào mà thiên thần là loài thiêng liêng có thể phạm
tội xác thịt được!)
Sau khi
phạm tội, ma quỷ bị trục xuất khỏi thiên đình. Họ sống trên không trung cho đến
tận thế. Duy chỉ có ông Origen mới chấp nhận cho ma quỷ trở lại vào ngày tận
thế.
Mặt
khác, một tác giả đội tên Đionysiô Areopagita đã vinh thăng các “quyền lực” nói
trong thư của thánh Phaolô lên hàng “phẩm thiên thần”, và từ đó họ được Kinh
Tiền tụng sát nhập vào ca đoàn thiên quốc (“Các Dũng thần, Bệ thần, Quản thần,
Quyền thần”) không ngừng chúc tụng Thiên Chúa.
II. ThẦn hỌc kinh viỆn
Thần
học kinh viện đào sâu đạo lý của các giáo phụ và tìm cách trình bày các đề tài
cách mạch lạc hệ thống, thành khảo luận, hoặc lồng trong những bộ tổng luận
thần học. Các câu hỏi then chốt thường được nêu lên là: Bản tính của ma quỷ ra
sao (ma quỷ vốn là các thiên thần, nhưng vì phạm tội nên đã trở thành ma quỷ)?
Họ đã phạm tội gì? Hình phạt như thế nào? Họ có quyền hành gì trên thế giới
không? (Đừng quên rằng ma quỷ chỉ là thụ tạo chứ đâu phải là Thiên Chúa!).
Việc
suy tư lý thuyết cũng kèm theo những ưu tư mục vụ. Như sẽ thấy dưới đây, vào
thời này, huấn quyền đã lên tiếng long trọng tại công đồng Latêranô IV (năm
1215), bởi vì Giáo hội phải đương đầu với thuyết nhị nguyên tái xuất hiện nơi
các lạc giáo Cathari và Albigeois.[25]
Thần
học kinh viện gồm nhiều trường phái và khuôn mặt khác nhau, chẳng hạn như
trường Saint-Victor ở Paris, Dòng Phan-sinh (Alexandre Hales, T. Bonaventura,
Duns Scotus), Dòng Đa-minh (T. Alberto, T. Tôma Aquino).
Để có
một ý tưởng về đường hướng làm việc của kinh viện, chúng ta lấy một khuôn mẫu
nơi thánh Tôma Aquinô. Thánh nhân bàn về các ma quỷ trong nhiều tác phẩm: Chú
giải Sententiae của
Petrus Lombardus, Summa
Theologiae, Summa
Contra gentiles đề cập đến tội lỗi và những hình phạt của ma
quỷ; còn vấn đề sự dữ thì được xét đến trong Quaestio disputata de Malo và chú
giải De Divinis
Nominibus của Ps.Dionisius.[26] Như vậy là có bốn vấn đề chính được bàn
đến.
1/ Lỗi
lầm của các thiên thần là kiêu ngạo. Thiên thần không muốn đón nhận
hạnh phúc siêu nhiên như môt ân huệ của Thiên Chúa, nhưng muốn tự mình thủ đắc.
(Kiêu ngạo là thế đó). Ma quỷ là một loài thiêng liêng cho nên không thể phạm
những tội gây ra bởi dục vọng. Tội đặc thù của loài thiêng liêng hệ ở chỗ lầm
lẫn hoặc sai lầm về điều tốt và điều xấu. Con người bị sai lầm là bởi mê muội
của giác quan, còn thiên thần sai lầm là vì không tùng phục kế hoạch của Thiên
Chúa trong việc thực hiện kế hoạch hoàn thiện bản thân. Hành động kiêu ngạo
không diễn ra ngay cùng lúc với sự hiện hữu nhưng là vào một thời gian sau đó.
Thiên thần thứ nhất phạm tội vì ở cấp cao, và hoàn hảo hơn các vị khác cho nên
sinh ra kiêu ngạo. Còn những thiên thần khác thì bị thuyết phục phạm tội. Cũng
nên biết là khác với nhiều nhà thần học đương thời, thánh Tôma chủ trương rằng
các thiên thần hoàn toàn thiêng liêng, không có xác thể.
2/ Hình
phạt
Sau khi
phạm tội, các thiên thần đã phải lãnh hình phạt. (a) Trí tuệ ra mờ tối, không
phải theo nghĩa là giảm bớt khả năng tự nhiên, nhưng theo nghĩa là không thể
hiểu biết những điều cao siêu của mầu nhiệm Thiên Chúa; (b) ý chí suy yếu, theo
nghĩa là không thể nào thay đổi ý muốn xấu khi đã phạm tội; (c) đau đớn, không
phải về giác quan và cảm xúc (bởi vì không có) nhưng là đau đớn vì đi ngược lại
ý chí sai trái của mình.
3/ Hành
động
Ma quỷ
tác động trên loài người, qua những cuộc cám dỗ, theo chương trình khôn ngoan
của Thiên Chúa. Ma quỷ chỉ hành động bên ngoài con người, qua những giác quan
và óc tưởng tượng, nhưng không thể tác động trực tiếp đến ý chí của con người;
con người luôn có tự do. Ma quỷ không biết những sự việc sẽ xảy đến trong tương
lai, nhưng có thể đoán được, dựa theo sự móc nối giữa hậu qảu với các nguyên
nhân hoạt động. Ma quỷ khong biết trực tiếp tư tưởng của con người, nhưng có
thể đoán được qua những dầu hiệu xuất hiện bên ngoài. Ma quỷ không thể làm phép
lạ (theo nghĩa chặt, tức là những sự việc không tuân theo định luật tự nhiên),
nhưng có thể làm biến đổi các vật thể, hoặc tạo ra ảo giác.
4/ Vấn
đề sự dữ
Dựa
theo triết học của Platon, thánh Tôma chủ trương rằng sự dữ (hiểu như là đối
lập với sự thiện) thì không hiện hữu tự nó, nhưng chỉ xảy ra “cách ngẫu nhiên”
(per accidens),
theo nghĩa là thiếu sót một điều thiện hảo nào đó. Sự dữ bám vào một cái tốt.
Mù là điều xấu, bởi vì mắt không hoạt động; giả như một vật nào không có
mắt (chẳng hạn cục đá) thì làm chi có chuyện mù! Nói cho cùng, duy một mình
Thiên Chúa mới có tất ca mọi thiện hảo và không có gì bất toàn, cho nên không
có sự dữ. Các thụ tạo đều mang những cấp độ hoàn hảo khác nhau, vì thế có sự
thiếu sót, nhưng tất cả đều hướng về một cứu cánh tốt chung cho toàn thể. Không
có sự dữ tuyệt đối. Ma quỷ không xấu tự bản chất: chúng được Thiên Chúa dựng
nên như hữu thể tốt lành; nhưng chúng đã ra xấu vì đã hành động thiếu sót,
nghĩa là chiều theo sự thiện riêng cùa mình, chứ không theo sự thiện mà Thiên
Chúa muốn.
Nên lưu
ý là quan điểm của thánh Tôma cũng như của các nhà thần học khác chỉ là những ý
kiến riêng tư, không mang tính ràng buộc. Chúng tôi sẽ còn trở lại với tư tưởng
thánh Tôma trong các mục sắp tới khi cố gắng tổng hợp những ý kiến khác nhau
của các nhà thần học (từ các giáo phụ cho đến thời cận đại) liên quan đến sự
hiện hữu, sự sa ngã, hình phạt của các thiên thần, cũng như tác động của ma quỷ
trong thế giới.
Bây giờ
chúng ta bước sang phần khác có giá trị ràng buộc hơn, đó là các tuyên ngôn của
Huấn quyền.
III. HuẤn quyỀn
Chúng
ta hãy rảo qua các tuyên ngôn của huấn quyền qua những giai đoạn sau: 1/ Trước
công đồng Latêranô IV (1215). 2/ Công đồng Latêranô IV. 3/ Từ Latêranô IV đến
Vaticanô II. 4/ Từ công đồng Vaticanô II. Như vậy, hai dấu mốc quan trọng là
công đồng Latêranô IV và Vaticanô II.
A. Trước Latêranô IV
Chỉ có
vài tuyên ngôn của các công đồng hoặc công nghị địa phương, chẳng hạn như:
– Công
nghị Constantinopolis (năm 543) chống lại thuyết của nhóm Origène (Đức Kitô cũng
chịu đóng đinh cho ma quỷ, và chúng sẽ hoán cải: Denzinger-Schonmetzer 409;
411);
– Công
nghị Braga ở Bồ đào nhau (năm 561) lên án nhóm Manikê và Priscilla (ma quỷ
không do Thiên Chúa tạo dựng; chúng tự phát từ hỗn mang và tối tăm; chúng không
do ai tạo nên nhưng lại là nguồn gốc của mọi sự dữ (DS 457-458.462-463).
B. Latêranô IV (1215)
Công
đồng Lateranô IV đã đưa ra định tín De
fide catholica chống lại nhóm Albigeois và Cathari, chủ trương
nhị nguyên (DS 800):
Chúng
tôi tin vững vàng và tuyên xưng khẳng khái rằng chỉ có một Thiên Chúa thật …
Cha, Con và Thánh Thần; ba ngôi vị trong một bản tính… Một nguyên uỷ của vũ
trụ, Đấng dựng nên tất cả mọi vật, hữu hình và vô hình, thiêng liêng và vật
thể, nghĩa các loài thiên thần và thể chất (…) và loài người ra như chia sẻ cả
hai loài ấy, bởi vì gồm bởi linh hồn và thể xác. Satan (diabolus) và các ma quỷ (alii daemones) đã được
Thiên Chúa tạo dựng theo bản tính tốt lành, nhưng chúng trở nên xấu cho chính
mình. Còn con người phạm tội do Satan xúi giục.
Công
đồng chỉ giới hạn vào những điểm cốt yếu của đức tin: (i) Thiên Chúa đã Đấng
Tạo dựng mọi loài hiện hữu, hữu hình và vô hình; (ii) ma quỷ do Thiên Chúa tạo
dựng như là thiên thần nhưng trở thành xấu do tội của mình. Công đồng không đi
vào những chi tiết khác (họ đã phạm tội gì? Có bao nhiều vị đã sa ngã?).
C. Từ công đồng Lateranô IV đến Vaticanô II
1.
Không có định tín nào quan trọng, nhưng chỉ có vài phi bác những lầm lạc
– chống
lại Wycliff chủ trương Thiên Chúa cũng phải vâng theo ma quỷ (Công đồng
Constance năm 1415: DS 1156).
– chống
lại Miguel de Molinos về sức ép của ma quỷ trên thân thể của vài người đạo đức
để thúc đẩy phạm tội (Bộ Thánh vụ năm 1687: DS 2241).
2. Công
đồng Firenze tuyên bố rằng không có người nào sinh ra mà được thoát
khỏi sự thống trị của ma quỷ nếu không nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng
trung gian giữa Thiên Chúa và loài người … Nhờ bí tích thánh tẩy, các nhi đồng
được lôi kéo khỏi sự thống trị của ma quỷ và trở nên con cái Thiên Chúa (Decretum pro Jacobitis 1442:
DS 1347.1349). Do đó, ơn cứu chuộc được giải thích như là việc giải thoát khỏi
sự thống trị của ma quỷ.
3. Công
đồng Trentô tuyên bố rằng những kẻ phạm tội thì làm nô lệ cho ma quỷ
(x. Decretum de peccato
originali, năm 1546: DS 1511; Decretum de sảcramento paenitentiae, năm
1551: DS 1668).
4. Công
đồng Vaticanô I (năm 1870) lặp lại giáo huấn của Lateranô II là các thiên
thần do Thiên Chúa dựng nên (Const. Dei
Filius: DS 3002).
D. Công đồng Vaticanô II
1. Công
đồng không dành một văn kiện nào cho ma quỷ. Ma quỷ được nhắc đến 18 lần, rải
rắc trong nhiều văn kiện và dưới nhiều danh xưng.[27] Ma quỷ được bàn trong bối cảnh lịch sử
cứu độ (GS 37) và lịch sử của mỗi người (LG 16: GS 13a). Ma quỷ là kẻ dụ dỗ,
xúi giục con người khước từ Thiên Chúa. Hai lần tham chiếu khi bàn đến Đức
Maria là Eva mới (LG 55.63). Nhiều tham chiếu khi nói đến Đức Kitô, Đấng đã
chiến thắng sự dữ (GS 2b), giải thoát con người khỏi quyền lực Satan, khỏi thủ
lãnh của thế gian (SC 6; AG 3; GS 22; GS 13b). Việc xua đuổi ma quỷ là dấu hiệu
của Nước Chúa đang đến (LG 15; AG 14 chú thích). Trong bối cảnh truyền giáo,
công đồng nói đến hoạt động của Hội thánh chống lại ma quỷ (LG 17; AG 9b. 14b;
DH 11b). Sau cùng, các Kitô hữu được mời gọi hãy chiến đấu chống lại hoạt động
của tối tăm, chống lại các thần khí xấu (LG 35a), với những khí giới của Thiên
Chúa (LG 48d).
2. Sau
công đồng Vaticanô II, vì có những trào lưu phủ nhận sự hiện hữu của ma quỷ,
cho nên Huấn Quyền đã phải can thiệp [28]:
– ĐGH
Phaolô VI: Kinh Tin
kính của Dân Thiên Chúa (1968). Bài giảng lễ ngày 29/6/1972.
Những bài huấn từ nhân các buổi tiếp kiến chung vào ngày 15/11/1972 và
23/2/1977.
– Bộ
Giáo lý đức tin là cho phát hành văn kiện nguyên bản tiếng Pháp Foi chrétienne et démonologie đăng
trên báo L’Osservatore Romano ngày 26/6/1975. Đây không phải là một văn kiện
chính thức, nhưng là một bài nghiên cứu do Bộ uỷ thác cho một chuyên viên ẩn
danh. Văn kiện không được đăng trong công báo Acta Apostolicae Sedis nhưng có thể đọc
trên mạng internet.[29] Sự hiện hữu của ma quỷ được khẳng định
dựa trên các bản văn Kinh thánh, các giáo phụ, huấn quyền. Phụng vụ cũng được
trưng dẫn như là luận cứ của đức tin Kitô hữu về sự hiện hữu của ma quỷ.[30] Tuy nhiên, văn kịên cũng nhìn nhận rằng
trong quá khứ trong hiện đại, nhiều khi người ta đã phóng đại nhiều chuyện về ma
quỷ, kích thích óc tưởng, sự sợ hãi. Sứ điệp Kitô giáo không phải là sợ hãi ma
quỷ hoặc hoả ngục, nhưng là sứ điệp của tín thác và hân hoan vào sự chiến thắnc
của Chúa Phục sinh. Ma quỷ có thể khêu gợi, dụ dỗ, nhưng không thể cưỡng bách ý
chí của chúng ta. Chúng ta có thể thắng được ma quỷ, cách riêng nhờ sự cầu
nguyện.
–
ĐGH Gioan Phaolô II đã
dành một loạt bài huấn từ để trình bày về ma quỷ khi giải thích kinh Tin kính
trong những buổi tiếp kiến chung ngày 13 và 20/8/1986.
–
Sách Giáo lý Hội thánh
Công giáo bàn đến Satan và ma quỷ ở nhiều bối cảnh khác nhau:
sự sa ngã các thiên thần (số 391-395), sự sa ngã của nguyên tổ (số 397) và hậu
quả của nó (số 407), được tóm lại ở các số 413-415. Cuộc đời của Đức Giêsu:
cuộc cám dỗ (số 538-539), việc trừ quỷ và thiết lập Nước Thiên Chúa (số 550);
công cuộc cứu chuộc bao hàm sự chiến thắng ma quỷ (số 635 và 1086). Sứ mạng của
Hôi thánh tiếp nối sự chiến đấu ma quỷ (số 856). Satan được nhắc đến trong bí
tích Thánh Tẩy (số 1237), trong một vài tội thuộc phần luân lý (số 2538), và
lời nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha (số 2851-2853). Ở số 2851, sách Giáo lý
nhấn mạnh rằng ở đây chúng ta không chỉ cầu xin được cứu thoát khởi “sự dữ”
(trừu tượng) nhưng là “Kẻ Dữ, kẻ Ác” (một ngôi vị). Chúng tôi sẽ bàn rộng đạo
lý của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trong phần kết luận của loạt bài này.
Tóm
lại, những điều cốt yếu của đức tin công giáo về các ma quỷ không nhiều:
1/ Sự
hiện hữu của ma quỷ: đó là một thực thể, chứ không chỉ là biểu tượng của sự dữ
trên thế giới.
2/ Các
ma quỷ là thụ tạo, chứ không phải là tự hữu (chống lại thuyết nhị nguyên).
3/ Ma
quỷ được dựng nên như là thiên thần tốt lành, nhưng trở thành quỷ do tội mà họ
đã phạm (xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 391, trích dẫn Latêranô IV).
Tuy nhiên, huấn quyền không nói họ phạm tội như thế nào, và đã bao nhiêu vị sa
ngã. Vì thế, cần phải phân biệt hai lãnh vực: đức tin và thần học. Khía cạnh
thần học sẽ được nghiên cứu trong mục tới.
4/ Do
sự phản nghịch, ma quỷ phải luận phạt trong hoả ngục (x. Mt 25,41). Theo sách
Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 393), tội của họ không được tha thứ không phải
vì Chúa không tỏ lòng khoan nhân, nhưng là do quyết định bất khả kháng của họ.
Thánh Tôma giải thích là loài thiên thần hiểu biết trực tiếp (chứ không lý luận
như loài người) cho nên họ cũng quyết định chắc chắn như đinh đóng cột, không
thể nào rút lại nữa. Một lần nữa, cần phân biệt giữa đức tin và giải thích thần
học.
Để kết
thúc bài này, xin được lưu ý ba điểm.
1/ Cần phân
biệt những chân lý đức tin (dựa trên Kinh thánh và Huấn quyền) và những quan
điểm của các nhà thần học (mang tính giả thuyết), nhất là đừng lẫn lộn giữa
niềm tin Kitô giáo với những niềm tin thuộc dân gian hoặc các tôn giáo khác.
Một thí dụ cụ thể là Kinh thánh nói đến Satan, chứ không đụng đến các loài yêu
tinh ma quái vốn được truyền tụng trong các cổ tích, tiểu thuyết, phim ảnh.
2/ Đối
lại, không thiếu những chủ trương bài bác sự hiện hữu của ma quỷ, cho đó chỉ là
sản phẩm của óc tưởng tượng. Chúng ta có thể trưng dẫn vài thí dụ của các triết
gia châu Âu ngay từ thế kỷ XVII: Thomas Hobbes (tác phẩm Leviathan, 1651), Baruch
Spinoza (Tractatus
theologico-politicus, 1670). Gần chúng ta hơn nữa, không thiếu nhà
chú giải Kinh thánh tìm cách “giải huyền” ma quỷ, điển hình là Rudolph Bultmann
(1844-1976): Satan chỉ là biểu tượng của Sự dữ được nhân cách hóa. Điều trớ
trêu là trong khi có những người cho rằng chuyện thần thánh quỷ ma thuộc
về thời buổi mê tín, không còn phù hợp với não trạng khoa học hiện đại, thì tại
các xã hội công nghệ tiên tiến lại phổ biến hiện tượng ma thuật bói toán, đó là
chưa kể các nhóm tôn thờ Satan.[31]
3/ Đức
tin Kitô giáo luôn luôn chống lại thuyết nhị nguyên (chủ trương sự hiện hữu của
hai nguyên lý điều hành vũ trụ: Thiện và Ác). Chỉ có một Thiên Chúa, còn Satan
là thụ tạo, ở dưới quyền hành của Ngài. Tại sao Ngài để cho nó hoạt động? Thật
không dễ tìm ra câu trả lời, nhưng chúng ta tin chắc rằng Satan không ở ngoài
tầm kiểm soát của Thiên Chúa: nó không thể tự do tung hoành theo ý muốn, nhưng
chỉ trong giới hạn mà Thiên Chúa đã ấn định.
MỤC III. SUY TƯ THẦN HỌC
—————
I. Sự
sa ngã
A. Vì
sao thiên thần có thể phạm tội?
B. Các
thiên thần phạm tội gì?
C. Tội
của Satan và của các thiên thần khác
II.
Hình phạt
A. Bản
chất hình phạt
B. Hình
phạt vĩnh viễn?
—————-
Trong
hai mục trước đây, chúng ta đã khảo sát những vấn đề được nêu lên trong Thánh
Kinh và lịch sử thần học liên quan đến ma quỷ. Trong hai mục sắp tới, chúng ta
sẽ cố gắng xếp đặt thành hệ thống những điểm liên quan đến bản tính và
nguồn gốc của ma quỷ (Mục Ba) và những tác động của ma quỷ (Mục Bốn).
Trước
khi vào đề, xin nhắc lại một lần nữa là “ma quỷ” theo nghĩa thần học ám chỉ
những thiên thần chống lại vương quốc Thiên Chúa, không giống với quan niệm dân
gian về “ma” hoặc “quỷ”.[32]
Ngay cả các giáo phụ lắm khi cũng bàn về ma quỷ hiểu theo kiểu tín ngưỡng dân
gian, chứ không theo nghĩa của Kinh thánh.
Trong
mục này, chúng ta xét đến hai vấn đề: sự sa ngã và hình phạt. Như đã nói ở cuối
mục trước, Kitô giáo không chấp nhận thuyết nhị nguyên (vũ trụ có hai nguyên
ủy: thần Thiện hoặc Lành và thần Ác hoặc Dữ). Đức tin tuyên xưng rằng chỉ có
một Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật, và những gì do Ngài làm ra đều tốt
lành. Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần tốt lành. Ma quỷ là những thiên
thần sa ngã. Lập tức một câu hỏi được nêu lên: vì sao các thiên thần sa ngã?
Loài người chúng ta yếu đuối, mù quáng cho nên nhiều lần phạm tội vì u mê dại
dột. Còn các thiên thần loài thiêng, thông minh sáng suốt, làm thế nào mà phạm
tội được? Họ phạm tội gì? Đó là những câu hỏi đã làm chảy biết bao giấy mực
trong lịch sử thần học, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là những giả thuyết mà thôi.
I. SỰ sa ngã cỦa các thiên thẦn
Trong
bài trước, chúng ta thấy có những giáo phụ, vì tưởng lầm sách Henoch được linh
hứng, cho nên đã chấp nhận lý do sa ngã của các thiên thần là tội dâm dục. Nói
đúng ra, ý tưởng này cũng được gợi lên từ sách Sáng thế (6,2-4). Ngoài đoạn văn
ấy, Kinh thánh có đoạn nào nói đến sự sa ngã của các thiên thần không?
Vài
giáo phụ còn dựa trên nhiều đoạn văn khác đã được cắt nghĩa cách ám dụ, chẳng
hạn như Isaia 14, 12-15, đoạn văn mà ngôn sứ Isaia chế nhạo sự sụp đổ của vua
Babylon:
Hỡi
tinh tú rạng ngời, con của bình minh, chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi
sao? Này, kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ư? Chính ngươi
đã tự nhủ: “Ta sẽ lên trời: ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của
Thiên Chúa, ta sẽ ngự trên núi Hội ngộ, chốn bồng lai cực bắc. Ta sẽ vượt ngàn
mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao”. Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ,
xuống tận đáy vực sâu.
Nhà vua
được đặt tên là Lucifer (người
mang ánh sáng, nghĩa là: ngôi sao mai, con của bình minh). Ngôn sứ Isaia so
sánh những tham vọng của nhà vua trước đây với thực tại nhục nhã bây giờ. Trước
đây, ông ta tưởng mình ngang hàng với thần linh, nhưng vì kiêu ngạo mà rơi
xuống vực thẳm. Một đoạn văn tương tự trong Cựu ước là Edekiel 28,11-19, chế
nhạo vua Tyrô tự cho mình là ngang hàng với thần linh.[33][2].
Những nhân vật này được coi là ám chỉ thủ lãnh của ma quỷ, tự phong cho mình
ngang hàng với Thiên Chúa và vì thế bị phạt xuống địa ngục.
Tân ước
cũng có vài đoạn văn có thể được dùng làm nền tảng cho việc suy tư về sự sa ngã
của ma quỷ cũng như hệ quả của việc phạm tội. Tin mừng Gioan 8,44 trích lại lời
của Chúa Giêsu nói rằng “Ngay
từ đầu, ma quỷ (diabolos) đã là tên sát nhân. Nó không đứng về phía sự thật, vì
sự thật không ở trong nó” (xem thêm 1Ga 3,8). Còn thư thứ hai
của thánh Phêrô (2Pr 2,4) cũng đả động đến hình phạt dành cho thiên thần sa
ngã: “Thiên Chúa không dung
thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm, giữ họ
để chờ cuộc phán xét”. Tư tưởng tương tự cũng gặp thấy trong thư
của thánh Giuđa câu 6: “Những
thiên thần đã không giữ địa vị của mình, nhưng rời bỏ nơi mình ở, thì Chúa dùng
xiềng xích mà giam giữ họ đời đời trong nơi tốt tăm, để chờ phán xét trong Ngày
lớn lao”.
Ma quỷ
nguyên là các thiên thần tốt lành, nhưng đã sa ngã phạm tội. Độc giả nào sốt
ruột ắt phải hỏi: Tội gì mà kinh khủng vậy? Nhiều giả thuyết đã được đưa ra.
Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đê, cần phải giải quyết một vấn nạn quan trọng
hơn nữa: làm thế nào mà các thiên thần có thể phạm tội được?
A. Các thiên thần và khả năng phạm tội
Con
người chúng ta mang “tính xác thịt” yếu đuối, với những đam mê của cảm xúc làm
lu mờ lý trí phán đoán, cho nên phạm tội là điều dễ hiểu. Nhưng các thiên thần
“thiêng liêng sáng láng” thì làm thế nào mà phạm tội? Nhiều ý kiến đã được đưa
ra. Chúng tôi đi theo sự hướng dẫn của thánh Tôma Aquino. Thiết tưởng không cần
lặp lại rằng chỉ là ý kiến thần học, chứ không thuộc về đức tin.
Trước
hết, thánh Tôma khẳng định rằng sự sa ngã của thiên thần xảy ra sau khi được
tạo dựng, chứ không phải vừa khi được tạo dựng.[34]
Quan điểm này trái ngược với một vài giáo phụ trước đó,[35]
bởi vì các ngài cho rằng các ma quỷ đã phạm tội ngay từ khi hiện hữu, dựa theo
câu nói của Ga 8, 44 (“Ma quỷ ngay từ đầu đã là tên sát
nhân”).[36]
Thánh Tôma lập luận rằng nếu các thiên thần đã trở thành ma quỷ ngay từ khi
được dựng nên thì hóa ra Thiên Chúa tạo dựng các thần dữ hay sao?
Thứ
đến, thiên thần có thể phạm tội bởi vì là loài thụ tạo (Sum. Theol., I pars, q.63,
art.1). Thật vậy, cần có ân sủng siêu nhiên thì loài thụ tạo mới không có khả
năng phạm tội. Tại sao vậy? Thưa rằng một hành vi luân lý được coi là tốt khi
phù hợp với mục đích của nó. Thế nhưng, đối với loài thụ tạo, mục đích của hành
vi là do Thiên Chúa ấn định, chứ không do thụ tạo đặt ra. Nói cách khác, duy một
mình Thiên Chúa mới không thể phạm tội, bởi vì chính Ngài ấn định quy tắc hành
động cho tất cả mọi vật. Tác giả đưa ra một thí dụ để minh họa. Một bác thợ mộc
muốn làm một cái bàn. Giả như chính ông đã ra lệnh làm cái bàn, và có thể điều
khiển tay mình theo ý muốn, thì cái bàn chắc chắn là đúng (tốt). Nhưng nếu ông
đóng bàn theo lệnh của một người khác (tạm gọi là “ông chủ”) thì cái bàn ấy có
thể đúng hay sai, tùy theo nó phù hợp hay không với ý định của ông chủ.
Tuy
rằng lý luận vừa rồi đúng cho các thụ tạo nói chung (nhất là con người), nhưng
không thể áp dụng cho các thiên thần. Đối với loài người, một hành vi bị xét là
xấu xa khi không đạt đến mục đích. Điều này giả thiết một tiến trình gồm nhiều
chặng: dự tính hành động, suy nghĩ đắn đo, bắt tay vào việc, kết thúc. Nói theo
ngôn ngữ triết học, đó là một tiến trình từ tiềm năng đến hiện thể (de potentia ad actum). Tuy
nhiên, các thiên thần luôn ở trong hiện thể, cho nên không phải trải qua những
đắn đo do dự như chúng ta. Các ngài không bị lầm lẫn khi phán đoán như chúng
ta; các ngài luôn bị thu hút bởi điều thiện tuyệt đối (là chính Thiên Chúa).
Như vậy làm thế nào mà các thiên thần phạm tội được?
Để trả
lời cho vấn nạn, thánh Tôma chấp nhận các thiên thần luôn ở trong hiện thể, và luôn
hướng về Thiên Chúa là cứu cánh tự nhiên của mình. Tuy nhiên, sự lưỡng lự và
lựa chọn được đặt ra khi đối diện giữa điều tốt tự nhiên và điều tốt siêu
nhiên. Có những thiên thần thì dừng lại ở bình diện tự nhiên, và khước từ tiến
lên bình diện siêu nhiên mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Khả năng sa ngã nằm ở
chỗ đó! (Q. de malo, q.
16, a. 3). Thánh Tôma còn dùng nguyên tắc này để giải thích bản chất tội của
các thiên thần như sẽ thấy dưới đây.
B. Các thiên thần phạm tội gì?
Câu hỏi
về khả năng phạm tội của các thiên thần là hoàn toàn lý thuyết (các thiên thần
có thể nào không phạm tội không?). Trên thực tế, thì một số
thiên thần đã sa ngã. Vì thế câu hỏi được đặt lên là: các thiên thần đã tội gì
vậy?
Cần
tách rời hai vấn đề: một là tội nguyên thủy của thiên thần; hai là tội của các
thiên thần khác. Trước hết, chúng ta tìm hiểu tội tiên khởi của thiên thần. Dĩ
nhiên, khi đi tìm lời giải thích cho vấn đề, các giáo phụ dựa trên Kinh thánh;
thế nhưng, Kinh thánh không có câu trả lời rõ ràng, và vì thế phải tìm cách đưa
ra những giả thuyết. Trong tiến trình này, các giáo phụ không chỉ dựa vào lý
trí thuần túy, nhưng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của các truyền thống văn hóa
đương thời, và đặc biệt các tác phẩm Do thái giáo, vào thời mà sổ quy thư Kinh
thánh chưa xác định, và dễ lẫn lộn giữa chính thư và ngụy thư. Cách riêng các
sử gia cho thấy có vài tác phẩm ngụy thư Do thái viết vào hai thế kỷ trước Công
nguyên đã tác dụng đến tư tưởng của các giáo phụ. Ngoài sách Henoch đã được nói
trước đây, cần phải kể đến cuốn sách Cuộc
đời của ông Ađam và bà Eva, một tác phẩm sau này cũng ảnh hưởng đến
sách Coran của Islam nữa. Lát nữa, chúng ta sẽ trở lại với cuốn sách này.
Trong
những giải thích về nguồn gốc tội của thiên thần đầu tiên, chúng ta có thể tóm
lại ba nhóm chính; trong mỗi nhóm lại có những ý kiến khác nhau. Ba học thuyết
chính là: dâm dục, ganh tị, kiêu ngạo.
1/ Tội dâm dục
Trên
đây, chúng tôi đã nói đến nguồn gốc giả thuyết này, dựa theo sách Henoch giải
thích đoạn St 6,2-4.[37]
Một cơ sở khác cho lý thuyết này là 1Cr 11,10. Thánh Phaolô khuyên các phụ nữ
hãy đội khăn che đầu “như dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần”. Phải chăng
câu văn này cũng phảng phất tư tưởng ấy? Dù sao, các giáo phụ đã sớm bỏ giả
thuyết này, không chỉ bởi vì sách Henoch là một ngụy thư, nhưng còn vì dựa trên
lời của Chúa Giêsu: “Khi người ta từ cõi chết sống lại thì chẳng còn lấy vợ lấy
chồng, nhưng sẽ giống các thiên thần trên trời” (Mc 12,23). Nói cách khác, nếu
các thiên thần không có thân xác giới tính thì làm gì có chuyện phạm tội dâm
dục?
2/ Tội ganh tị
Cơ sở
cho giả thuyết này là đoạn sách Khôn ngoan 2,24: “Vì sự ganh tị của
quỷ, cái chết đã đi vào thế giới”. Ganh tị thế nào, ganh tị điều gì? Câu trả
lời được tìm thấy nơi một tác giả vô danh của Cuộc đời ông Ađam và bà Eva cho rằng ma
quỷ ganh tị với con người vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.[38]
Sách kể lại rằng, sau khi dựng nên con người vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa buộc
các thiên thần phải phục tùng ông Ađam. Thiên thần Micael vâng lời lập tức,
nhưng thiên thần Samael phản đối. Sau một hồi tranh luận, Thiên Chúa đã đuổi
Samael khỏi thiên đàng, và tống xuống đất. Hắn đi cám dỗ bà Eva, và tiếp tục
quấy phá loài người. Lưu truyền này cũng gây ảnh hưởng đến Sách Coran (Kinh
thánh của Islam), nơi mà ta thấy quỷ Iblis từ chối suy phục ông Ađam.[39]
Thánh
Bênađô cũng theo lập trường đó khi viết rằng ma quỷ phản đối Thiên Chúa bởi vì
Ngài đã dựng nên con người ngang hàng với mình.[40]
Có tác giả khác (chẳng hạn như cha Francisco Suarez S.J.) cho rằng ma quỷ
chống lại mầu nhiệm Nhập thể, bởi vì Đức Kitô đã kết hợp với bản tính con người
thuộc hạng thấp hơn thiên thần.[41]
Tuy nhiên, thuyết này khó đứng vững bởi vì mầu nhiệm Nhập thể chỉ được tỏ lộ
sau khi ông Ađam phạm tội, còn sự sa ngã của Satan đã xảy ra trước khi loài
người xuất hiện!
3/ Tội kiêu ngạo
Dần dần
ý kiến các nhà thần học nghiêng về tội kiêu ngạo như là căn nguyên sự sa ngã
của thiên thần.[42]
Ý tưởng này có thể dựa trên cơ sở của đoạn văn 1 Tm 3,6, khi thánh Tông đồ căn
dặn các ứng viên lên hàng giám quản “không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu
căng mà bị kết án như ma quỷ”. Tư tưởng này được củng cố bởi những
đoạn văn khác, chẳng hạn như Hc 10,15 (“Rễ của các dân tộc, Đức Chúa đã nhổ đi,
và đã trồng những kẻ hạ mình xuống thay chúng”), Lc 10,18 (“Satan như một tia
chớp từ trời sa xuống”); hoặc Is 14,12tt,[43] và
Ed 28,27 (đã được trưng dẫn ở đầu mục này, khi đề cập đến vua Babylonia – được
ví như Lucifer – và vua Tyrô).
Ý kiến
giải thích sự kiêu ngạo như là lý do sa ngã của các thiên thần đã trở thành phổ
thông kể từ thánh Augustinô.[44]
Từ đó về sau, hầu hết các giáo phụ và thần học đều chủ trương rằng các thiên
thần sa ngã vì tội kiêu ngạo. Tuy nhiên, đến khi đi sâu vào chi tiết, (nghĩa
là: kiêu ngạo vì lý do gì), thì các tác giả không còn nhất trí với nhau nữa.
– Thiên
thần tiên khởi muốn ngang hàng với Thiên Chúa, và đã lôi kéo một số thiên thần
đi theo (T. Bênađô).
–
Lucifer, thủ lãnh các thiên thần, muốn duy trì các đặc ân của mình và bắt các
thiên thần khác phải theo mình (Honorius Autun). Thế rồi một vài thiên thần,
thấy vẻ rạng rỡ của Lucifer, thì tưởng lầm là Thiên Chúa, cho nên đã đi theo
hắn (Albertô Cả, Bonaventura).
–
Lucifer muốn Ngôi Lời Thiên Chúa kết hợp với bản tính thiên thần, thay vì kết
hợp với bản tính con người (Suarez).
– Satan
muốn đạt đến hạnh phúc siêu nhiên bằng khả năng của mình, thay vì dựa vào ơn
Chúa (T. Tôma).
Thiết
nghĩ quan điểm của thánh Tôma hợp lý hơn cả. Chúng ta hãy nghe ngài lý giải
(chủ yếu trong sách Summa
Theologiae, I pars, q. 63, art. 3).
Dĩ
nhiên ma quỷ đã phạm tội vì ước ao trở nên giống như Thiên Chúa. Nhưng điều này
có thể hiểu theo hai cách: một là thực sự ngang bằng; hai là giống cách nào đó.
Chắc chắn là thiên thần không thể ước ao theo kiểu thứ nhất, bởi trí khôn của
họ biết rằng đây là điểu phí lý, cách riêng bởi vì hành vi xấu xa của họ đã
không được chuẩn bị bởi một tập quán hoặc đam mê giống như chúng ta khiến cho
sự hiểu biết trở nên mù quáng đến nỗi lựa chọn một điều không thể thực hiện
nổi. Giả như điều ấy có thể thực hiện đi nữa, điều ấy vẫn trái ngược với ước
muốn tự nhiên. Thực vậy, mỗi vật đều có khuynh hướng bảo tồn bản tính của mình;
sự bảo tồn ấy sẽ không được duy trì nếu bị biến đổi ra bản tính khác. Vì thế
không có vật gì ở cấp độ dưới lại ước ao thủ đắc bản tính thuộc cấp độ cao hơn.
Chẳng hạn như con lừa không ước ao trở thành con ngựa; bởi vì nếu nó được biến
đổi thành bản tính ở cấp độ cao hơn thì nó sẽ không còn là lừa nữa. Nhưng về
điểm này chúng ta dễ bị đánh lừa bởi óc tưởng tượng của mình, đó khi người ta
ước mong đạt được một bản tính nào cao hơn, xét theo vài ưu phẩm vốn có thể
tăng trưởng mà không làm mất đi chủ thể, thì người ta nghĩ rằng mình có thể ước
ao một cấp độ cao hơn mà chỉ có thể đạt được bằng sự hủy bỏ bản tính của mình.
Thiên Chúa cao hơn thiên thần không chỉ về những ưu phẩm thứ yếu nhưng là một
cấp độ cao hơn xét về bản tính. Vì thế không đời nào một thiên thần lại ước ao
ngang bằng với Thiên Chúa, mà thậm chí ngay cả muốn ngang hàng một thiên thần ở
cấp độ cao hơn mình.
Nói
cách khác, ma quỷ thông minh chứ không u mê như chúng ta! Chúng ta dễ bị óc
tưởng tượng lừa gạt và mong được nắm lấy vài ưu phẩm của Thiên Chúa (như là
toàn năng, bất tử, vv), nhưng lại hiểu theo lối nhìn của các vật thụ tạo.
Thế nhưng nơi Thiên Chúa, các ưu phẩm và bản tính đều như nhau, và không thể
nào thủ đắc ưu phẩm mà không nắm được bản tính. Ma quỷ dư biết điều đó, cho nên
hắn đâu có muốn làm mất bản tính của mình. Vì vậy hắn không dốt đến độ
muốn trở thành Thiên Chúa (muốn“làm” Thiên Chúa), nhưng mà chỉ muốn
“giống” Chúa một cách nào thôi.
Tuy
nhiên, có hai cách thức trong việc nên giống
Thiên Chúa. (1) Một là nên giống với một vài sự hoàn hảo mà ta được
mời gọi (chẳng hạn như: khôn ngoan, tốt lành). Điều này chẳng có gì đáng
trách, bởi vì con người cũng được kêu gọi nên giống Thiên Chúa, tức là ơn gọi
“thiên hóa” divinisatio theo
ngôn ngữ của các giáo phụ Đông phương, dựa theo lời Kinh thánh (2Pr 1,4: được
thông dự vào bản tính Thiên Chúa). (2) Hai là nên giống với những sự hoàn hảo
mà thụ tạo không được phép tham dự, chẳng hạn như mong được nắm giữ quyền năng
tạo thành vũ trụ (đây là một công việc thuần túy riêng biệt của Thiên Chúa).
Trường hợp này là sai lạc. Tội của ma quỷ nằm ở chỗ đó: hắn mong được hoàn toàn
tự lập khỏi Thiên Chúa trong việc đạt tới hạnh phúc siêu nhiên mà Thiên Chúa đã
dự định. Giả như hắn chỉ mong được hạnh phúc tự nhiên hợp với bản tính của mình
thì không có gì đáng trách. Đàng này hắn mong đạt được hạnh phúc siêu nhiên
mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Hắn muốn đặt cứu cánh tối
hậu cho chính mình, chứ không đi theo cứu cánh mà Thiên Chúa muốn dành cho hắn.
Nói cách khác, hắn khước từ ân sủng của Thiên Chúa. Từ chỗ khước từ Thiên Chúa
làm cứu cánh cho mình, hắn tự đặt mình làm thống trị tất cả các loài thụ tạo
khác.
Chúng
ta có thể so sánh phần nào sự sa ngã của thiên thần với sự sa ngã của nguyên tổ
nhân loại. Họ đã được dựng nên “theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” (St
1,26). Nhưng thay vì đón nhận điều này như một hồng ân, thì họ đã nghe lời dụ
dỗ của ma quỷ và muốn dành quyền quyết định điều tốt điều xấu giống như Thiên
Chúa (St 3,5). Họ tự coi mình theo bản tính ngang hàng với Thiên Chúa, chứ
không đón nhận như là hồng ân.
C. Tội của Satan và của các thiên thần khác
Phần
lớn các tác giả không phân biệt giữa tội của Satan và tội của các thiên thần
khác, nghĩa là tất cả các ma quỷ đều phạm tội giống nhau. Tuy nhiên, thánh
Grêgoriô Cả đã phân biệt tội của thủ lãnh và các thiên thần khác (Moralia XXXII,
23-24). Điều này giả thiết rằng có đẳng cấp giữa các thiên thần, chứ không phải
tất cả đều bình đẳng với nhau.[45]
Mặt khác, đừng quên rằng dưới phương diện ngữ học, Satan (hay Lucifer) ở số ít
(nghĩa là chỉ có một), còn daemones thì ở số nhiều.
Thánh
Tôma Aquino phân biệt tội của Satan và tội của các thiên thần khác, và lý
giải như thế này. Cần phân biệt hai khía cạnh trong tội: khuynh hướng (pronitas) phạm tội và lý
do (motivum)
phạm tội. Dưới khía cạnh thứ nhất, các thiên thần cấp cao ít có khuynh hướng
phạm tội hơn các thiên thần cấp dưới bởi vì bản tính của họ hướng về Thiên Chúa
nhiều hơn; vì thế không lạ gì mà nhiều giáo phụ cho rằng chỉ các thiên thần cấp
dưới mới phạm tội. Nhưng xét dưới khía cạnh thứ hai, lý do phạm tội, thì các
thiên thần cấp cao có nhiều cơ hội phạm tội hơn, xét vì tội của các thiên thần
là tội kiêu ngạo, và ai càng ở cao thì càng dễ kiêu ngạo hơn (Sum.Theol., I
pars, q.63, art.7).
Sách
Khải huyền viết rằng: “Đuôi con mãng xà quét hết một phần ba các ngôi sao trên
trời mà quăng xuống đất” (12,4). Có lẽ các ngôi sao này ám chỉ các tín hữu đã
không kháng cự nổi các cuộc bách hại; tuy nhiên truyền thống đã giải thích là
Satan đã lôi cuốn rất nhiều thiên thần phạm tội. Sự lôi cuốn này không hiểu
theo nghĩa là ép buộc, nhưng hiểu như là làm gương xấu. Các thiên thần khác
cũng theo gương ấy mà từ chối ân sủng mời gọi lên hạnh phúc siêu nhiên.
II. Hình phẠt
Chúng
ta sẽ tìm hiểu hai điểm: 1/ bản chất hình phạt; 2/ thời gian hình phạt.
A. Bản chất hình phạt
Dựa
theo tư tưởng của tác giả mạo danh Đionisiô Areopagita, thánh Tôma chấp nhận rằng
sau khi phạm tội, ma quỷ không mất những ân huệ vốn kèm theo bản tính. Nói cách
khác, ma quỷ vẫn duy trì những đặc tính thuộc về bản tính thiên thần. Như
vậy, họ bị mất mát gì không? Truyền thống đã chẳng nói rằng trí tuệ của ma quỷ
trở thành tối tăm đó sao? Còn về ý chí thì sao?
Trước
hết, chúng ta xét đến khía cạnh tri thức. Bàn về sự hiểu biết của ma quỷ, thánh
Tôma phân biệt ba loại hiểu biết chân lý (Sum. Theol., I Pars, q.64, art.1):
hiểu biết tự nhiên; hiểu biết siêu nhiên theo lý thuyết; hiểu biết siêu nhiên
theo tâm tình.
1/ Thứ
nhất, sự hiểu biết tự
nhiên. Sự hiểu biết này vẫn tồn tại sau khi phạm tội: ma quỷ biết
chính mình, biết mình là thụ tạo, và do đó biết Thiên Chúa. Tiếc rằng sự hiểu
biết này không dẫn đến việc ca tụng Thiên Chúa. Vì thế, thánh Augustino đặt tên
là “kiến thức đêm đen” (cognitio
nocturna), nghĩa là chỉ biết sự vật trong chính nó, chứ không biết
vạn vật trong chính Thiên Chúa (điều được đặt tên là “kiến thức ban
sáng”, cognitio
matutina).
2/ Thứ
hai, sự hiểu biết siêu
nhiên theo lý thuyết nhờ mặc khải. Từ khi hiện hữu, ma quỷ đã
nhận được vài mặc khải của Thiên Chúa và những điều này vẫn còn tồn tại sau khi
sa ngã. Tuy nhiên, những sự hiểu biết ấy vẫn còn ở tình trạng “lữ hành”, nghĩa
là được Thiên Chúa ban như là lời mời gọi tiến đến hạnh phúc siêu nhiên (và họ
khước từ). Mặt khác, sau khi phạm tội, ma quỷ có thể học được một vài chân lý
siêu nhiên hoặc do các thiên thần khác truyền thụ hoặc là nhờ kinh nghiệm. Hẳn
là họ biết được mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc của Đức Kitô nhờ chứng kiến các
sự kiện, và họ đã tin, như thánh Giacôbê đã viết: “Họ tin và run sợ” (Gc 2,19).
Nhưng đức tin ấy không dẫn đến tình yêu và tôn thờ.
3/ Thứ
ba, sự hiểu biết siêu
nhiên theo tâm tình, nghĩa là sự hiểu biết dẫn đến việc yêu mến kết
hiệp . Các ma quỷ không có thứ hiểu biết này bởi vì họ không có đức mến. Vì thế
mà họ cũng không nhận được ơn cao minh (sapientia).
Theo nghĩa này, có thể nói được trí tuệ của ma quỷ trở nên u mê sau khi phạm
tội.
Đó là
những hiệu quả của sự sa ngã xét về phía hiểu biết. Còn nếu xét về phía ý chí
thì phải nói rằng họ cố chấp trong quyết định của mình. Điều này đưa ta đến vấn
đề hình phạt vĩnh viễn.
B. Hình phạt vĩnh viễn
Sau khi
phạm tội đầu tiên, ý chí của ma quỷ luôn cố chấp trong sự dữ, nghĩa là cắm chặt
vào sự lựa chọn ngang trái của mình chứ không rút lại. Vì thế hình phạt dành
cho tội lỗi cũng sẽ không chấm dứt. Không thể có ơn cứu độ dành cho ma quỷ! Về
vấn đề này, dựa trên lời Kinh thánh (Mt 25, 41: “Hãy vào lửa đời đời, nơi dành
sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó”), Giáo hội đã phi bác học thuyết “vũ
trụ hoàn nguyên” (apocatastasis),[46]
gán cho ông Origène, theo đó, lửa chỉ có tính cách thanh luyện tạm thời, cho
đến ngày tận thế khi toàn thể vạn vật sẽ được phục hồi trong Đức Kitô.[47]
Thêm vào đó, thánh Tôma còn thêm một luận cứ như sau: nếu như ý chí của các
thiên thần có thể thay đổi được sau một lần lựa chọn, thì hạnh phúc của
họ chưa được chân chính, bởi khi luôn có nguy cơ mất mát; điều này không
phù hợp với bản chất của hạnh phúc.
Thật ra
luận cứ vừa rồi chỉ lặp lại tư tưởng của thánh Augustinô mà thôi. Các nhà thần
học Kinh viện đưa ra hai lý do khác, một ngoại tại và một nội tại. (1) Lý do
ngoại tại là Thiên Chúa không còn ban ân sủng để hoán cải nữa. Thời kỳ lựa chọn
đã qua rồi! Nói như thế có phải là Chúa cứng nhắc không? Không phải như
vậy! Thiên Chúa xử sự với mỗi vật theo bản tính của chúng. Để hiểu điều này, ta
cần nại đến lý do nội tại như sau. (2) Có sự khác biệt giữa trí tuệ thiên thần
và trí tuệ con người. Trí tuệ con người mang tính cách suy diễn, phải lý luận
vòng vo rồi mới đi tới kết luận chắc chắn. Một cách tương tự như vậy, ý chí tự
do của con người luôn luôn có thể thay đổi đối tượng, bởi vì nó lệ thuộc vào sự
hiểu biết suy diễn của lý trí. Hôm nay tôi có phán đoán về sự vật khác với hôm
qua (có thể bởi vì tôi đã hiểu biết thêm, hoặc vì đầu óc tôi sáng suốt hơn), vì
thế tôi có thể thay đổi ý định. Các thiên thần thì khác. Trí tuệ của họ có tính
trực giác (chứ không suy diễn), họ biết tất cả mọi vật cùng một lúc (chứ không
tiệm tiến); vì thế ý muốn cũng cắm chặt vào đối tượng ngay lập tức, và không
còn thay đổi nữa. Vì thế, sự lựa chọn của các thiên thần (chấp nhận hay khước
từ hạnh phúc siêu nhiên) mang tính cách cố định, chung quyết. Sách Giáo Lý Hội
thánh Công giáo (số 393) chấp nhận lập luận ấy khi viết rằng: “Sở dĩ tội của
các thiên thần không thể tha được là tại vì sự lựa chọn của họ không thể nào
rút lại được, chứ không tại vì khiếm khuyết của Thiên Chúa từ bi, như thánh
Gioan Đamasco nói: các thiên thần không thể hối hận sau khi sa ngã, cũng tựa
con người không thể hối hận sau khi đã chết”.
Chắc
chắn là nhiều câu hỏi vẫn còn đặt lên chung quanh hình phạt dành cho ma quỷ
được mô tả trong Thánh kinh.[48]
Đối với loài người có thân xác, có giác quan, thì không có gì khó hiểu khi diễn
tả các hình phạt trong địa ngục như là đau khổ, nóng bức, ray rứt, vv. Nhưng
đối với các loài thần thiêng không có thân xác, thì làm thế nào mà “nhốt” ở
trong ngục được? Lấy hình cụ nào mà trừng phạt? Họ đâu có giác quan để cảm thấy
bức xúc, bực bội?
Chúng
ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong mục tới, khi bàn về tác động của ma quỷ trong thế
giới. Dù sao, cần nhắc lại rằng những suy luận ở đây chỉ là giả thuyết. Chúng
ta mò mẫm tìm hiểu lý do của việc các thiên thần sa ngã. Cuối cùng, phải chấp
nhận rằng đây là một mầu nhiệm, “mầu nhiệm của sự gian ác” (mysterium iniquitatis)
theo lời thánh Phaolô tông đồ (2Tx 2,7).[49]
MA QUỶ HỌC – MỤC IV. TÁC ĐỘNG CỦA MA QUỶ
(catechesis.net)
March 16, 2023
Mục IV.
TÁC ĐỘNG CỦA MA QUỶ
———————
I. Tác
động của ma quỷ đối với nhau
A. Các
đẳng cấp ma quỷ
B. Tổ
chức dân chủ hay độc tài?
II. Tác
động của ma quỷ đối với loài người
A.
Những cuộc tấn công của ma quỷ nói chung
B.
Những hành động thông thường: cám dỗ
C.
Những hành động bất thường: quỷ ám
———————
Trong
mục trước, chúng ta đã tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nguồn gốc và sự sa
ngã của thiên thần cũng như hình phạt dành cho họ. Đó là câu chuyện liên quan
đến bản tính của ma quỷ. Trong mục này, chúng ta sẽ nghiên
cứu hành động của ma quỷ. Tuy nhiên, để có một cái nhìn quân bình,
thiết tưởng cần phải trở về cấu trúc của bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma
Aquino. Vị “tiến sĩ thiên thần” đề cập đến ma quỷ trong khảo luận về các thiên
thần (I pars, quaestiones 50-64; ma quỷ được bàn ở các quaestiones 63-64). Điều
này giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản tính của ma quỷ, bởi vì ma quỷ được tạo dựng
như là thiên thần với những đặc trưng của loài linh thiêng mà họ vẫn duy trì
sau khi phạm tội, như đã nói trong mục trước. Kế đó, khi bàn về tác động của ma
quỷ, thánh Tôma lồng trong mục Thiên Chúa điều hành vũ trụ (quaestiones
103-109), hoặc trực tiếp hoặc qua các thụ tạo khác, tựa như các thiên thần
(q.106-114), các vật hữu chất (q.115-116), con người (q. 117-119). Cách riêng,
tác động của thiên thần được nhìn trong tương quan giữa các thiên thần với nhau
(q.106-107), giữa thiên thần với vật chất (q.110), giữa thiên thần với loài
người (q.111-114). Cái nhìn toàn bộ này nhắc nhở chúng ta ta rằng mọi sự xảy ra
trên đời đều nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa (chứ không phải ma
quỷ muốn làm gì cũng được), và bên cạnh tác động của ma quỷ đối với con người
(được đặt tên là “tấn công”: impugnatio,
q.114), chúng ta đừng quên tác động của các thiên thần đối với con người (được
đặt tên là “gìn giữ”: custodia, q.113).[50]
Dựa
theo mô hình của thánh Tôma, khi bàn về tác động của ma quỷ, chúng tôi sẽ tìm
hiểu hai khía cạnh: 1/ tác động của ma quỷ đối với nhau; 2/ tác động của ma quỷ
đối với loài người. Thực ra, còn một khía cạnh nữa, đó là tác động của ma quỷ
đối với thế giới vật chất, nhưng chúng tôi gom chung với tác động đối với loài
người. Dù sao, chúng ta không được phép quên hai điều vừa mới nhắc ở đầu: 1/
Tất cả mọi hoạt động của ma quỷ đều ở dưới sự kiểm soát của Thiên Chúa, theo
đó, như thánh Phaolô đã viết, “Ngài làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những
ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28); – 2/ Ma quỷ dù đã sa ngã nhưng vẫn giữ những đặc
tính của thiên thần thuộc về loài thiêng liêng (spiritus purus), chứ không biến thành vật
chất.
I. Tác đỘng cỦa ma quỶ đỐi vỚi nhau
Trong
lãnh vực này, thánh Tôma đặt ra hai câu hỏi: 1/ Có đẳng cấp gì giữa các ma quỷ
không? 2/ Có ai làm tướng lãnh các ma quỷ không? Kẻ lãnh đạo nắm quyền theo quy
chế pháp lý hay là dựa theo luật rừng (luật của kẻ mạnh)? Nên nhớ rằng các
thiên thần sa ngã vì tội kiêu ngạo; như vậy thì làm thế nào mà họ chịu nhường
nhịn tùng phục lẫn nhau?
A. Các đẳng cấp ma quỷ
Ma quỷ
có đẳng cấp gì không? Để trả lời câu hỏi này cần phải trở lại khởi điểm: các
thiên thần có đẳng cấp gì không? Dựa trên tiêu chuẩn nào? Sau khi phạm tội, ma quỷ
còn tôn trọng đẳng cấp đó nữa không, hay là đã đảo chính, lật đổ mọi thứ trật
tự giai cấp?
1/ Phẩm trật thiên thần
Kitô
giáo chấp nhận quan niệm “phẩm trật các thiên thần” (De hierarchia angelica)
vốn đã được đề cập trong đạo Do thái. Nhưng lấy tiêu chuẩn gì để phân biệt các
cấp bậc?
Theo
Đionisiô Areopagita (một đan sĩ Syria thế kỷ V) tác giả cuốn sách “Phẩm trật
trên trời” (De hierarchia
caelesti), các thiên sứ được phân làm 3 đẳng, mỗi đẳng gồm ba
cấp. Dĩ nhiên là đẳng cao nhất thì ở gần Thiên Chúa hơn cả, được tham dự vào sự
hoàn thiện của Thiên Chúa (sự hoàn thiện được nhìn dưới khía cạnh thông hiểu),
rồi từ đó chuyền đạt cho các đẳng ở dưới. Chín phẩm thiên sứ được liệt kê như
sau: Sêraphim, Kêrubim, Bệ thần (throni);
Quản thần (dominationes),
Dũng lực (virtutes),
Quyền thần (potestates);
Lãnh thần (principatus),
Tổng sứ thần (archangeli),
Sứ thần (angeli).
Ý tưởng này được thánh Grêgoriô Cả du nhập (Homeliae
in Evangelia, 34, 7) và quảng bá bên Tây phương. Thánh Tôma cũng
chấp nhận học thuyết này và giải thích sâu rộng hơn.
Trước
hết, cần lưu ý đến từ ngữ. Hierarchia trong
nguyên ngữ Hy-lạp không chỉ có nghĩa là đẳng cấp mà con hàm ngụ ý tưởng “nguyên
ủy thánh” (hieros:
thánh; arkhe:
nguyên ủy; tương đương với tiếng Latinh sacrum
principium), nghĩa là không chỉ hàm ngụ một trật tự lớp lang, mà
còn nhắm đến Thiên Chúa. Vì thế, theo nghĩa chặt, chỉ có một “phẩm trật”
(nguyên ủy thánh) mà thôi, tức là trật tự bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng về
Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa rộng, có thể nghĩ đến nhiều thứ phẩm trật khác dựa
theo những nguyên ủy mà Thiên Chúa đã ấn định trong vũ trụ.
Đối với
các thiên thần, hệ thống phẩm trật nhắm đến mục đích tối hậu là sự thiên hóa (theosis), nghĩa là hạnh
phúc siêu nhiên mà Thiên Chúa mời gọi tất cả các thụ tạo thiêng liêng. Các đẳng
trật thiên thần dựa theo những cấp độ khác nhau của ánh sáng họ nhận được để
hiểu biết Thiên Chúa và các kế hoạch của Ngài.
2/ Phẩm trật ma quỷ
Nếu mục
đích của phẩm trật các thiên thần là Thiên Chúa, thì sau khi đã sa ngã, các
thiên thần còn duy trì được phẩm trật nữa không? Thoạt tiên, khi nghĩ đến nguồn
gốc sự sa ngã của các thiên thần là tội nổi lọan chống lại Thiên Chúa, thì ta
dễ mường tượng rằng họ cũng nổi loạn ngay trong nội bộ nữa. Tuy nhiên, Theo
thánh Grêgoriô Cả (Moralia
in Iob, XXXIII, 31), giữa các ma quỷ vẫn duy trì một trật tự
nào đó: các ma quỷ không phải là nhóm hỗn loạn, vô tổ chức!
Thánh
Tôma giải thích như sau: tội lỗi không hủy diệt hoàn toàn bản tính tự nhiên
(Sum.Th., I, q.109, a.1). Thật vậy, các đẳng cấp của các thiên thần có thể xét
hoặc theo bình diện tự nhiên hoặc theo bình diện siêu nhiên. Dưới bình diện tự
nhiên, các cấp bậc khác nhau giả thiết một thứ tự cao thấp, phản ánh sự khác
biệt đa dạng trong cùng một mục tiêu. Sự khác biệt giữa các thiên thần hệ ở chỗ
hiểu biết và yêu mến mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Trật tự này vẫn còn
được duy trì nơi ma quỷ, tuy dù bị sứt mẻ. Trên bình diện siêu nhiên, các đẳng
cấp thiên thần dựa trên ơn thánh mà Thiên Chúa ban để hiểu biết và yêu mến ngài
hơn. Thiên Chúa ban ân sủng tùy theo cấp độ có sẵn trong bình diện tự nhiên. Dĩ
nhiên là ma quỷ không nhận được ân sủng siêu nhiên này bởi vì họ đã khước từ
lời mời gọi.
B. Tổ chức dân chủ hay độc tài?
Giữa
các ma quỷ có đẳng cấp. Đẳng cấp ở đây không dựa theo “chiến công” lập được, nhưng
gắn liền với kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, theo đó, có một thứ tự lớp lang
giữa các thụ tạo. Các cấp bậc vẫn còn được duy trì sau khi các thiên thần sa
ngã. Chúng ta hãy đi thêm một bước nữa: ngoài các đẳng cấp vốn có từ khi được
tạo dựng, các ma quỷ có ai lãnh đạo không? Tại sao Satan được coi là “tướng
quỷ”? Satan nắm quyền do một cuộc bầu cử tự do, hay là do một vụ cướp chính
quyền?
Khỏi
nói ai cũng đoán được, trong lịch sử thần học, nhiều giả thuyết đã được đề ra.
Từ thánh Grêgoriô Cả, người ta coi Satan hay Lucifer là thủ lãnh của các ma
quỷ. Thánh Tôma đưa ra bốn lý do để giải thích nền tảng vai trò “lãnh đạo” (praelatus) của Satan: 1/
dựa trên bản tính; 2/ hình phạt; 3/ sự lựa chọn của ma quỷ; 4/ kế hoạch quan
phòng của Thiên Chúa (xc. Summa
Theologia, I, q.109, a.2):
1/ Lý
do thứ nhất dựa trên bản tính tự nhiên. Trật tự cao thấp giữa các thiên thần
dựa trên bản tính đã có từ khi được tạo dựng.
2/ Lý
do thứ hai là hình phạt của tội lỗi. Các thiên thần đã nghe theo lời xúi giục
của Satan mà phạm tội, thì cũng chịu lệ thuộc hắn như là hình phạt. Satan không
được vinh dự khi chỉ huy các ma quỷ; trái lại, đó là hình khổ vì trước đây hắn
đã là nguyên nhân cho sự sa ngã của các thiên thần khác.
3/ Lý
do thứ ba là sự lựa chọn của các ma quỷ. Mặc dù ma quỷ đã sa ngã vì tội bất
phục tùng Thiên Chúa, và hậu quả đương nhiên là chẳng ai chịu phục tùng ai hết,
nhưng họ buộc phải liên kết với nhau để chống lại một kẻ thù chung. Ở
đây, kẻ thù chung không phải là Thiên Chúa, nhưng là loài người: ma quỷ lập kế
bày mưu để làm hại loài người. Chúng ta có thể so sánh với các băng đảng trộm
cướp: họ hợp nhất với nhau để thi hành một mưu đồ xấu. Đây là một sự liên minh
thực dụng chứ chẳng phải do tình nghĩa, với nguy cơ là sẽ quay ra tiêu diệt lẫn
nhau, nếu tính toán không sòng phẳng. Nhưng con người có thể thanh toán và giết
nhau, chứ các thiên thần thì không lo sợ bị tiêu diệt!
4/ Lý
do thứ bốn là chương trình của Đấng Quan phòng. Thiên Chúa là Đấng an bài mọi
sự và muốn có một trật tự ngay trong hàng ngũ các ma quỷ. Như sẽ thấy
trong đoạn tiếp theo, Thiên Chúa cho phép ma quỷ tác động trên thế giới và loài
người nhằm thực hiện một kế hoạch rộng lớn hơn; và ngài cũng ấn định cho
các ma quỷ có một thủ lãnh để hoàn thành chương trình quan phòng.
II. Tác đỘng cỦa ma quỶ đỐi vỚi loài ngưỜi
Sau khi
tìm hiểu tác động của Satan đối với các quỷ khác, thánh Tôma xét đến tác động
của Satan đối với thế giới vật chất và cách riêng đối với loài người.
Chúng ta sẽ lần lượt bàn bàn đến ba vấn đề: 1/ Những cuộc tấn công của ma quỷ
nói chung. 2/ Những hành động thông thường như là sự cám dỗ. 3/ Những hành động
bất thường như là “quỷ ám”.
A. Những cuộc tấn công của ma quỷ nói chung
Kinh
thánh đã kể lại rất nhiều cuộc tấn công của ma quỷ nhắm đến loài người. Đây là
một thực tại không thể chối cãi. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo xác nhận điều
ấy:
Số 394. Thánh
Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi là “tên sát nhân …
ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi trệch ra khỏi
sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy
công việc của ma quỷ” (l Ga 3,8). Trong các hậu quả của các việc làm của ma
quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất
tuân Thiên Chúa.
Số
395. Tuy nhiên, quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là
một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là
thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mặc dầu
Satan hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài
trong Chúa Giêsu Kitô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại
nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội – trong lãnh vực tinh thần và một cách
gián tiếp cả trong lãnh vực vật chất –, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa
quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh
mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm
lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích
cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28)
Tiếp
theo thánh Phaolô (Ep 6,10-17), truyền thống tâm linh Kito giáo đã quan niệm
đời sống đạo như là một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ. Trong mục
II, chúng tôi đã nhắc đến đạo lý của các sư phụ trên sa mạc về các tà kiến (logismoi) làm nên hành
trình tu đức của đan sĩ. Mặt khác, từ trong Cựu ước, chúng ta đã gặp thấy giáo
lý về hai con đường (chẳng
hạn như thánh vịnh số 1) mà người tín hữu phải chọn lựa và quyết định trên con
đường đi theo Chúa. Nhưng một vài giáo phụ còn tiến xa hơn khi đưa một con quỷ
đứng chào hàng trên lộ trình ấy. Truyền thống này đã có từ phái Qumran của đạo
Do thái, được giáo phụ Hermas lấy lại (Mandata
VI ) và Origène khai triển. Theo quan điểm ấy, người tín hữu
phải lựa chọn giữa hai thiên thần: thiên thần lành giục chúng ta làm điều tốt,
còn thiên thần dữ thì xúi chúng ta làm điều xấu. Từ đó, vấn đề “phân định thần
khí” (x. 1Cr 12,10; 1 Ga 4,1) được đặt ra và được khai triển trong các tác phẩm
thần học tâm linh.[51]
Trên
thực tế, quyền năng của ma quỷ trên thế giới mạnh tới đâu? Phải chăng vì là
loài thần thiêng cho nên chúng muốn làm mưa làm gió gì cũng được? Thánh Tôma đã
đưa ra những suy tư sau đây nhằm giúp chúng ta trả lời cho các câu hỏi ấy (Sum. Theol. I, q.110-114).
1/
Thiên thần dù sa ngã nhưng vẫn không mất những khả năng theo bản tính. Họ thuộc
loài thần thiêng, không bị giới hạn vào thời gian và không gian. Chúng ta khó
tưởng tượng được khả năng của họ như thế nào!
2/ Theo
thánh Tôma, (thiên thần và) ma quỷ có thể tác động trên một vật thể, do đó có
thể tác động trên thân thể của con người, cũng như những chức năng của sự sống
thực vật và giác quan của con người. Tuy nhiên, (thiên thần và) ma quỷ không
thể tác động trực tiếp trên những chức năng trí tuệ (lý trí và ý chí) của con
người, mặc dù có thể tác động cách gián tiếp, chẳng hạn như bằng cách gợi lên
những hình ảnh, những cảm xúc giác quan. Thánh Tôma cũng thêm rằng ma quỷ không
có khả năng “đọc” những bí mật trong con tim con người (những ý tưởng của lý
trí, những quyết định của ý chí) bởi vì duy chỉ Thiên Chúa mới dò xét tâm can
của con người (xc. Gr 17,10), nhưng họ có thể dễ dàng suy đoán qua những dấu
hiệu bên ngoài.[52]
3/ Dù
sao đi nữa, tác động của ma quỷ có những giới hạn vì ba lý do: a) do bản tính
của ma quỷ; b) do điều kiện bản thân; c) do ý định của Thiên Chúa.
a) Giới
hạn do bản tính của ma quỷ
Vì là
thụ tạo, ma quỷ chịu giới hạn về bản tính và hoạt động. Ma quỷ không thể làm
điều gì vượt quá khả năng của một thụ tạo. Vì thế ma quỷ không thể làm “phép lạ”
hiểu theo nghĩa chặt, tức là sự việc siêu nhiên dành riêng cho Thiên Chúa.
b) Giới
hạn do điều kiện bản thân
Trên
đây, chúng ta đã nói đến đẳng cấp giữa các ma quỷ. Dĩ nhiên, ma quỷ không thể
thực hiện được một việc vượt quá khả năng của mình. Đó là nói trên nguyên tắc,
chứ trên thực tế thì chẳng ai trong loài người chúng ta biết được giới hạn ấy
ra sao.
c) Giới
hạn do ý muốn của Thiên Chúa
Thiên
Chúa cho phép ma quỷ quấy rối con người theo một chương trình khôn ngoan và
nhân lành của Ngài, như chúng ta thấy một thí dụ nơi ông Gióp (G 1,12). Dù sao,
Kinh thánh cho ta biết rằng Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta sức mạnh để kháng
cự ma quỷ (1Cr 10,13). Thánh Augustino cho biết rằng nếu ma quỷ được tự do tung
hoành, ắt là không còn sinh linh nào sống sót trên địa cầu (De Trinitate lib.
III, c.9). Nhưng (may thay) chúng không được phép làm chuyện ấy!
B. Những hành động thông thường của ma quỷ
đối với loài người: sự cám dỗ
Nhiều
tác giả đã phân biệt các cuộc tấn công của ma quỷ thành hai loại: thông thường
(ordinaria) và
bất thường (extraordinaria).
– Thông
thường được hiểu như là thường xuyên, khi ma quỷ xúi giục ta phạm tội.
Điều này diễn ra bên trong con người chúng ta, và được đặt tên là “cám dỗ” (tentatio).
– Bất
thường được hiểu như là ngoại lệ, ít khi xảy ra, và xuất hiện bên
ngoài. Người ta phân biệt ba hình thức: quấy rối nơi chốn (infestatio localis), quấy
rối thân thể (infestatio
personalis), chiếm hữu (possessio
diabolica, trong tiếng Việt thường gọi là quỷ ám).[53]
Trước
hết chúng ta tìm hiểu hành động thông thường, quen gọi là cám dỗ. Đề tài này
được bàn trong tất cả các sách thần học về đời sống tâm linh,[54]
cho nên ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại vào khái niệm tổng quát.
Thứ
nhất, một nhận xét về từ ngữ. Trong tiếng Việt, theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na), “cám
dỗ” gốc bởi “cảm dụ”: dụ là rủ rê; cảm là làm cho động lòng, cảm dụ là làm cho
họ rung động trong lòng mà rủ rê họ theo mình. Trong tiếng Latinh, “tentare” có nhiều nghĩa:
thử thách, thử luyện, trắc nghiệm, dụ dỗ.[55]
Vì thế không lạ gì mà nhiều lần Kinh thánh nói đến việc Thiên Chúa “tentare”
con người (thí dụ 1 Cr 10,13), nghĩa là thử thách xem con người có theo Chúa
hết lòng hay không (dĩ nhiên là không thể nói rằng Thiên Chúa “cám dỗ”
con người!). Như vậy, tentare trong
tiếng Latinh không nhất thiết mang nghĩa xấu; đang khi “cám dỗ” thường được
hiểu theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là dụ dỗ phạm tội.
Thứ
hai, chúng ta hiểu cám dỗ như là xúi giục làm điều xấu, và chúng ta sẽ phân
tích vai trò của ma quỷ trong lãnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội quy gán
tất cả các cơn cám dỗ cho ma quỷ! Thật vậy, nguồn gốc của các cơn cám dỗ nhiều
khi là chính bản thân chúng ta, những phán đoán lệch lạc của đầu óc chúng ta,
tính khí, giáo dục, môi trường, vv. Chính thánh Phaolô đã thú nhận như thế
trong thư gửi Roma chương 7, câu 19-20: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn,
nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không
muốn, thì tôi lại làm”. Tư tưởng này đã được thi sĩ Ovidio phát biểu nửa
thế kỷ trước đó (“video meliora proboque, deteriora sequor”, Metamorphoses,
lib.VII,19). Thánh Giacobê cũng cảnh giác: “Mỗi người có bị cám dỗ là do dục
vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc 1,14), “Bởi đâu có chiến tranh,
bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của
anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?” (4,1). Xem thêm Mt 15,19;
Mc 7,21-23.
Thứ ba,
Kinh thánh gọi ma quỷ là “tên cám dỗ” (Mt 4,3; 1Tx 3,5). Hành động này được coi
như “chuyên nghiệp”, và các tín hữu được nhắc nhở nhiều lần về điều ấy. Chẳng
hạn như lời sau đây của thánh Phêrô được đọc vào giờ Kinh Tối ngày thứ ba: “Anh
em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm
thét, rảo quanh tìm mối cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”
(1Pr 5,8-9). Trong giờ Kinh Tối ngày thứ tư thì chúng ta được thánh Phaolo nhắc
nhở: “Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ
thừa cơ lợi dụng (Ep 4,26-27). Cũng trong cùng lá thư gửi Epheso thánh nhân có
viết: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Ngài.
Hãy mang toàn bộ binh giáp và vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước
những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,10-11).
Thứ
bốn, tại sao ma quỷ cám dỗ con người? Hẳn là tại vì nó ghen ghét Thiên Chúa và
con người, mà muốn cho con người xa cách Thiên Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa cho
phép điều này xảy ra ngõ hầu con người có cơ hội thực hành các nhân đức, củng
cố lòng trung thành với Thiên Chúa, và nhờ đó tiến bộ trong hành trình thiêng
liêng.
Thứ
năm, cho dù cơn cám đỗ có mạnh mẽ mấy đi nữa, nó được xếp vào hạng “thông
thường” (hay “thường xuyên”), vì diễn ra bên trong con người chứ không lộ liễu
ra bên ngoài, khác với những hành động “bất thường” mà chúng ta sẽ bàn
dưới đây. Dù vậy, các học giả lưu ý rằng những cơn cám dỗ không hẳn mang tính
cách hoàn toàn kín đáo cá nhân; chúng có thể bộc lộ “cách âm thầm” qua những
trào lưu văn hóa, những chủ nghĩa chính trị kích động con người chống lại luật
Thiên Chúa, hoặc tạo ra những ngẫu tượng thay thế Thiên Chúa trong xã hội. Trên
thực tế, sách Tóm lược giáo huấn xã hội đã dành hai số 117-118 để giải thích
khái niệm “tội xã hội” hay “cơ cấu tội lỗi”. Tội xã hội là gì? Đức thánh cha
Gioan Phaolô II giải thích trong tông huấn “Hoà giải và Sám hối” (02/12/1984),
số 16, như sau:
1/ Bất
cứ tội cá nhân nào cũng có ảnh hưởng xã hội do một sự liên đới huyền nhiệm và
thực tiễn giữa loài người. Đây là bộ mặt trái của tình liên đới nhân loại: bất
cứ việc tốt việc xấu nào cũng ảnh hưởng đến xã hội: “Một con sâu làm rầu nồi
canh”.
2/ Ta
có thể hiểu “tội xã hội” ám chỉ cách riêng đến những tội xúc phạm trực tiếp đến
tha nhân, xét như các cá nhân hoặc xét như các cộng đồng.
– Được
gọi là tội “xã hội” khi vi phạm đức công bình trong những tương quan giữa cá
nhân với các nhân, giữa cá nhân với cộng đoàn, hoặc giữa cộng đoàn với cá nhân.
– Cũng
gọi là tội “xã hội”, những tội xúc phạm đến những quyền lợi con người: quyền
sống, gồm cả quyền thai nhi sắp ra đời; quyền toàn vẹn thân thể; quyền tự do,
trong đó có quyền tự do tín ngưỡng; quyền tôn trọng phẩm giá và danh dự.
– Cũng
gọi là tội “xã hội” những tội chống lại công ích và những đòi buộc của nó liên
quan đến toàn thể những những quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân.
– Tội
“xã hội” cũng ám chỉ các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau,
gây ra những bất ổn xã hội, chẳng hạn như: cuộc đấu tranh giai cấp, những cuộc
đối đầu giữa các khối quốc gia.
3/
Những tội cá nhân nuôi dưỡng các “cơ
cấu tội lỗi” (structures de péché). Những cơ cấu tội lỗi được nảy
sinh và nuôi dưỡng bởi các tội cá nhân. Những cơ cấu này gây ra những tình
huống khó mà dẹp bỏ, và trở thành nguồn gốc cho những tội khác và chi phối các
ứng xử của con người. Chúng làm trì trệ tiến trình phát triển của các dân tộc.
Vào thời nay, cần nhắc đến hai cơ cấu tội lỗi là: a) ham muốn lợi nhuận bằng
bất cứ giá nào; b) tham quyền, muốn áp đặt ý riêng của mình trên những người
khác, bằng bất cứ giá nào.[56]
C. Những hành động bất thường
Hình
thức hoạt động thứ hai của ma quỷ được gom vào loại “bất thường” (hoặc “khác
thường”) vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì cách thức “phát hiện” có thể nhận ra
bằng giác quan (tai nghe, mắt thấy), gây ra ấn tượng bên ngoài, và người ta có
thể quan sát, phân tích, chẩn đoán. Thứ hai, bởi vì nó mang tích khác thường,
họa hiếm. Thiên Chúa quan phòng vạn vật theo trật tự thông thường, và họa huần
Ngài mới cho phép xảy ra những hiện tượng kỳ lạ vì một mục tiêu nào đó.
Các tác
giả đề nghị nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân loại các hiện tượng này. Trên
đây, chúng tôi đã nói đến lối phân chia đơn giản của linh mục Corrado Balducci
thành ba loại: a) quấy rối nơi chốn, b) quấy rối thân thể, c) chiếm hữu. Trong
dẫn nhập vào Nghi thức trừ tà của Hội đồng giám mục Italia, chúng ta đọc thấy
một danh mục dài hơn, với 6 loại, có lẽ dựa theo cha Gabriele Amorth:
– Hành
hạ thân thể, như chúng ta đọc thấy trong cuộc đời các vị thánh Phaolô Thánh
giá, Piô Pietralcina.
– Chiếm
hữu (possessio diabolica,
quen gọi là “quỷ ám”): ma quỷ xâm nhập thập thân thể, bắt buộc nó phải nói năng
hay hành động theo như nó muốn. Nạn nhân không thể cưỡng lại được, và do đó
cũng không chịu trách nhiệm. Nên biết là ma quỷ chỉ chiếm hữu thân xác, chứ
không thể chiếm ngự linh hồn.
– Quấy
rối (vexatio):
gây ra những bệnh tật thể lý (tựa như người phụ nữ bị còng lưng, hoặc người câm
điếc được sách Tin mừng nói đến). Trường hợp này nhẹ hơn là sự “chiếm hữu”.
– Ám
ảnh (obsessio):
nạn nhân bị khống chế bởi những ý tưởng kinh dị, đâm ra thất vọng chán nản,
muốn quyên sinh.
– Xâm
nhập (infestatio)
vào đồ vật (nhà cửa, cây cối) hoặc động vật.
– Thần
phục (subjectio):
chính nạn nhân tự ý thần phục ma quỷ để đạt được cái gì đó (qua hợp đồng). [57]
Chúng
tôi xin giới hạn vào những khái niệm căn bản do cha Balducci cung cấp.
1/ Quấy rối nơi chốn (infestatio
localis).
Ma quỷ quấy
rối bằng những hiện tượng xáo trộn tại một địa điểm, một cây cối, một đồ
vật, một con vật nào dó, nhưng chung quy là nhắm gây rối cho con người (chẳng
hạn bằng tiếng ồn, chuyển động). Ta có thể nghĩ đến cảnh tượng đám quỷ nhập vào
bầy heo ở Gerasa (xc. Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-39).
2/ Quấy rối thân thể (infestatio
personalis).
Loại
vừa nói diễn ra bên ngoài con người. Còn loại thứ hai thì ảnh hưởng trực tiếp
đến con người. Điều đáng nói là có khi chính các thánh cũng bị ma quỷ hành hạ.
Đây không chỉ là những cơn cám dỗ dữ dội, mà đôi khi thân xác bị hất tung khỏi
giường, hoặc đè bẹp xuống đất. Thực ra con số này không nhiều lắm. Thời xưa,
thánh Athanasiô đã thuật lại nhiều hiện tượng tương tự trong hạnh tích thánh
Antôn. Vào thời Trung cổ và Cận đại, chúng ta nghe thuật những chuyện như vậy
trong cuộc đời thánh Catarina Siena (1347-1380), Phanxicô Xavier (1506- 1552),
Têresa Avila (1515-1582), María Magdalena de’ Pazzi (1566-1607), Gioan Vianney
(1786-1859), Gioan Bosco (1815-1888), Gemma Galgani (1878-1903).
3/ Chiếm hữu (possessio
diabolica)
Trong
tiếng Việt, hiện tượng này quen được dịch là “quỷ ám” (hay “quỷ nhập”). Tuy
nhiên, thiết tưởng nếu muốn dịch sát nguyên ngữ possessio thì nên gọi
là “chiếm hữu”, khác với obsessio (ám
ảnh). Sự ám ảnh có thể là một hiện tượng tâm lý, luôn bị ảnh hưởng bởi một hình
ảnh hay ý tưởng nào đó. Còn trong trường hợp đang bàn, thì ma quỷ chiếm hữu
thân thể một người nào đó đến nỗi đương sự không còn làm chủ các hành vi của
mình.
Chúng
ta nhận thấy có một cấp độ trong ba loại vừa kể: cấp thứ nhất thì ma quỷ tác
động nơi những vật bên ngoài con người; cấp thứ hai thì ở trên thân thể con
người, nhưng không chạm đến đời sống tâm lý; cấp thứ ba ra như đè bẹp cả ý chí
và tự do của con người. Dù sao, đây là một sự phân biệt trên lý thuyết, chứ đi
vào thực tế thì khó xác định thuộc cấp nào bởi vì chúng thường trà trộn lẫn
nhau, nhất là giữa cấp hai và cấp ba.
Hiện
tượng ma quỷ chiếm hữu một người được Tân ước nhắc tới nhiều lần, hoặc một cách
tổng quát (xc. Mt 4,24; 8,16; Mc 1,32-34; 1,39; 6,12-13; Le 4,40-41; 6,17-18;
7,21; 10,17), hoặc một con người cụ thể, như là người câm (xc. Mt
9,32-33), một người câm khác trở nên đầu để cho cuộc tranh luận giữa Đức Giesu
và nhóm Pharisêu (Mt 12,22-32; Mc 3,20-30; Lc 11,14-26), bà Maria Mađalena
(người được trừ bảy quỷ: Mc 16,9; xc. Lc 8,2). Ngoài ra Tin mừng cũng kể lại
khá chi tiết bốn trường hợp trừ quỷ: ở Capharnaum (xc. Mc 1,21-28; Le 4,31-37);
ở Ghêrasa (xc. Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26- 29); con gái của một phụ nữ
Cananaea (xc. Mt 15,21-28; Mc 7,24-30); một đứa bé mắc bệnh động kinh (xc. Mt
17,14-20; Mc 9,13-28; Lc 9,37-43).
Ngoài
ra, sách Tin mừng cũng cho biết là Chúa Giesu cũng trao quyền trừ quỷ cho các
tông đồ và các môn đệ (xc. Mt 10,1-8; Mc 3,14-15; 6,7; Lc 9,1; 10,17-20), và
cũng hứa ban quyền ấy cho những ai tin vào Người (xc. Mc 16,17). Sách
Tông đồ công vụ đã kể lại những trường hợp trừ quỷ vào thời Giáo hội sơ khai
(xc. Cv 5,14-16; 8,5-8; 16,16-18; 19,11-16).
Vào
thời cận đại, không thiếu những học giả nghi ngờ về tính lịch sử của các trình
thuật ấy: Phải chăng thực sự là trường hợp quỷ chiếm hữu, hay là chỉ là bệnh
động kinh hay bệnh tâm thần? Phải chăng trong não trạng dân gian thời xưa,
chuyện gì không giải thích được thì cứ quy gán cho thần thánh quỷ ma? Đó
là những vấn nạn khiến cho Giáo hội thận trọng khi chẩn đoán những tình trạng
quỷ ám như sẽ thấy trong mục tới.
Đó là
những vấn nạn thuộc lãnh vực khoa học. Bên cạnh đó không thiếu những câu hỏi
thuộc lãnh vực đức tin, chẳng hạn như: tại sao Chúa để cho ma quỷ quấy rối con
người như vậy? Tại sao Thiên Chúa không ra tay cản ngăn?
Thật
không dễ gì tìm câu trả lời. Tuy nhiên, như đã nói ngay ở đầu mục này, tất cả
những điều này đều ở trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, và nếu Ngài
đã để cho ma quỷ tác động trên thế giới thì chính Ngài cũng đã ban cho Giáo hội
quyền năng để khử trừ nó, như sẽ thấy trong mục tới.
MỤC V. HỘI THÁNH ĐỐI KHÁNG SATAN
(catechesis.net)
March 22, 2023
Phan
Tấn Thành
I. Hội
thánh chiến đấu với tội lỗi và sự dữ
A. Hội
thánh phục vụ vương triều Thiên Chúa
B. Hội
thánh đối kháng tác động “thông thường” của ma quỷ
II. Hội
thánh kháng cự với hành động “chiếm hữu”: nghi thức trừ tà
A. Khái
niệm
B. Lịch
sử
C. Nghi
thức trừ tà năm 1998
D. Vài
thắc mắc
—————–
Trong
mục trước, chúng tôi đã trình bày tác động của ma quỷ đối với loài người, được
phân chia làm hai loại: “thông thường” và “bất thường”. Tác động thông thường được hiểu như
là thường xuyên và âm thầm lặng lẽ; còn bất
thường được hiểu như là họa hiếm nhưng lại ồn ào, có thể quan
sát được. Dư luận thường chú ý đến loại bất thường vì tính cách “giật gân”,
nhưng dễ quên rằng đó là chuyện năm thì mười họa mới xảy ra, và rồi chẳng mấy
quan tâm đến các tác động “thông thường” cũng gây tai họa không nhỏ cho cá nhân
và cộng đồng.
Mặt
khác, khi trình bày về tác động của ma quỷ trong thế giới, chúng tôi đã theo
thánh Tôma Aquinô lồng vấn đề này trong toàn thể chương trình quan phòng của
Thiên Chúa, không những chỉ vì muốn cho thấy rằng mọi sự xảy ra trên đời đều
nằm trong sự kiểm soát của Chúa quan phòng, nhưng còn muốn nêu bật rằng trong
kế hoạch cứu độ nhân loại, Thiên Chúa sử dụng nhiều “môi giới” tốt nữa (tựa như
các thiên thần bản mệnh). Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở các tác nhân xấu.
Mục này
được chia làm hai phần, tương đương với hai loại tác động của ma quỷ. Phần thứ
hai dài hơn bởi vì chúng tôi muốn giới thiệu cuốn Nghi thức trừ tà được
Bộ Phụng tự ban hành năm 1998, nghĩa là đã một phần tư thế kỷ, nhưng ít được
biết đến ở Việt Nam.
I. HỘi
thánh chiẾn ĐẤu vỚi tỘi lỖi và sỰ dỮ
Như vừa
nói, câu chuyện về tác động của ma quỷ cần được lồng trong khung cảnh sự quan
phòng của Thiên Chúa. Một cách tương tự như vậy, khi nói đến sự kháng cự của
Hội thánh đối với tội lỗi và sự dữ, chúng ta cần lồng trong khung cảnh sứ mạng
mà Hội thánh nhận được từ Đức Kitô. Hội thánh tiếp tục sứ vụ cứu độ của Đức
Kitô.
Đức
Kitô được sai đến trần gian để thiết lập Vương triều Thiên Chúa.[58]
Người đã thi hành sứ mạng ấy qua việc rao giảng vương triều đã đến, chữa lành
các bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, tha thứ tội lỗi, phục hồi sự sống. Tuy nhiên cao
điểm của sự thiết lập vương triều là việc Người tuân phục thánh ý Chúa Cha trao
hiến mạng sống như bảo chứng của tình yêu vô biên đối với nhân loại. Sự Phục
sinh của đức Kitô đánh dấu giai đoạn mới của việc thiết lập vương triều: tội
lỗi, sự dữ và cái chết bị dẹp tan; con người lãnh nhận được ơn tha thứ và sự
sống nhờ đức Kitô.
A. Hội
thánh phục vụ vương triều Thiên Chúa
Trong
quá khứ, ra như người ta giới hạn sứ mạng của Hội thánh vào việc “cứu rỗi các linh
hồn”. Những năm sau công đồng Vaticanô II, người ta muốn mở rộng sứ mạng ấy đến
việc “giải phóng toàn diện con người”. Con người gồm cả linh hồn và thân xác,
con người gồm cả cá nhân và xã hội. Việc phục vụ vương triều Thiên Chúa nhắm
tới việc giải phóng con người khỏi mọi thứ kìm hãm tự do của con người: tội
lỗi, nghèo đói, bệnh tật, dốt nát, mê tín, chiến tranh, kỳ thị, vv.
Đặt
trong bối cảnh ấy, sự kháng cự chống lại sự dữ bao gồm nhiều lãnh vực. Dĩ
nhiên, chúng ta đừng nên đồng hóa sự dữ với ma quỷ. Nguồn gốc sự dữ là chính ý
chí lệch lạc của con người, xét như cá nhân cũng như các cơ cấu xã hội. Hội
thánh phục vụ vương triều Thiên Chúa bằng những phương thế nào? Trong thông
điệp Redemptors missio (ngày
8/12/1975), ĐTC Gioan Phaolo II mô tả bốn hình thức chính của việc phục vụ
vương triều Thiên Chúa như sau: (1) loan báo đức Kitô và Tin mừng của Ngài; (2)
thiết lập Giáo hội địa phương, bởi vì Giáo hội là dụng cụ của vương triều Thiên
Chúa; (3) cổ võ những giá trị của vương triều Thiên Chúa (tựa như: đối thoại;
thăng tiến con người; dấn thân xây dựng công lý và hòa bình; giáo dục và săn
sóc người đau yếu bệnh tật; giúp đỡ người nghèo); (4) sau cùng Hội thánh cũng
phục vụ Nước Chúa khi cầu nguyện khẩn nài cho vương triều Thiên Chúa mau đến
trong thế gian. Hình thức thứ bốn đặt ở cuối cùng nhưng lại là quan trọng nhất,
bởi vì việc xây dựng vương triều Thiên Chúa tiên vàn là tác động của Thiên
Chúa: chính Ngài mới giữ vai trò chủ động, còn Hội thánh chỉ là “công cụ”.
B. Hội
thánh đối kháng tác động “thông thường” của ma quỷ
Việc
phục vụ vương triều Thiên Chúa đương nhiên bao gồm sự khử trừ tội lỗi, tội “cá
nhân” cũng như tội “xã hội” đã được nhắc đến trong mục trước. Kế hoạch này bao
gồm nhiều phương thế được ghi lại trong truyền thống tu đức của Kitô giáo: rao
giảng Lời Chúa, cầu nguyện, thực hành các nhân đức (nhất là ba nhân đức hướng
Chúa), khổ chế, ban các bí tích (đặc biệt là bí tích tha tội và Thánh Thể) và
các á-bi-tích, thực hành các công tác bác ái đáp ứng những nhu cầu tinh thần và
vật chất của con người. Đồng thời cũng cố gắng sửa đổi những tính hư tật xấu
của cá nhân hoặc bài trừ những phong tục xấu xa của các đoàn thể. Tất cả đều
nhằm tạo ra một xã hội xứng hợp hơn với phẩm giá con người. Chúng tôi không
muốn dài dòng ở đây, bởi vì Đức thánh cha Phanxicô đã bàn rộng trong tông huấn
“Niềm vui Tin mừng” (24/11/2013), chương bố (số 176-216).
II. HỘi
thánh kháng cỰ hành đỘng “chiẾm hỮu”: nghi thỨc trỪ tà
Các tác
động được gọi là “ngoại thường” vì ít khi xảy ra nhưng lại gây nhiều tiếng
vang, cách riêng nơi hiện tượng “quỷ ám” (possessio
diabolica). Trong mục trước, chúng ta thấy các tác giả đưa ra nhiều
danh sách khác nhau về các hiện tượng này (quấy rối vật thể hoặc thân thể),
nhưng chúng tôi chỉ chú ý đến sự “chiếm hữu”. Hội thánh kháng cự hiện tượng này
qua việc trừ tà (hoặc cũng gọi là “trừ quỷ”. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày
ba điểm: 1/ Khái niệm về trừ tà: 2/ Lịch sử về việc thực hành trừ tà trong Hội
thánh. 3/ Nghi thức trừ tà năm 1998. 4/ Vài thắc mắc liên quan đến việc chẩn
đoán, và không bỏ qua chuyện con người đi tìm ma quỷ, chứ không riêng gì ma quỷ
đi tìm người.
A. Khái
niệm về “trừ tà”
Cũng
như đối với nhiều từ ngữ khác, nguy cơ hiểu lầm rất dễ xảy ra. Trên đây, chúng
tôi đã nói đến “ma quỷ”:
từ này có thể mang một ý nghĩa trong tâm thức bình dân khác với ý nghĩa của
“Satan” trong Kinh thánh. Khi nói đến “trừ
tà” cũng vậy; nó có thể bị hiểu lầm là giống như phù phép trong các
tôn giáo khác!
Trong
ngôn ngữ của Kitô giáo, trừ tà là exorcismus,
gốc từ tiếng Hy lạp exorcismos,
(thuật ngữ chỉ lưu hành trong Giáo hội), do động từ exorkizo. Trong Kinh
thánh, động từ này có ba nghĩa: a) bắt phải thề (St 24,3); b) van nài (1V
22,16; Mt 26,63); c) giải thoát khỏi quyền lực ác thần (Cv 19,13). Việc trừ tà
theo nghĩa chuyên môn được hiểu theo nghĩa thứ ba, nghĩa là lời truyền khiến
nhân danh Thiên Chúa bắt buộc ma quỷ phải ngưng việc tác quái trên sự vật hay
trên một người nào đó.
Việc
trừ tà được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo xếp vào hạng các á-bí-tích,[59]
và giải thích như sau: “Khi Hội thánh, một cách công khai và với thẩm quyền,
nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa
bảo vệ khỏi Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì người ta gọi
đó trừ tà
(exorcismus). Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó, và chính bởi
Người, Hội thánh có quyền và có nhịêm vụ trừ tà. Với hình thức đơn giản, việc trừ tà đã
có trong nghi thức cử hành bí tích Rửa tội, Còn việc trừ tà long trọng, gọi là trừ tà
“đại thể”, chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục.
Trong việc này, phải tiến hành cách khôn ngoan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy
định của Hội thánh: Việc trừ tà nhằm trục xuất ma quỷ, hoặc giải thoát khỏi ảnh
hưởng của nó, nhờ quyền bính thiêng liêng Chúa Giêsu đã uỷ thác cho Hội thánh
của Người. Trường hợp bệnh tật, nhất là các bệnh tâm thần thì khác hẳn, việc
chữa trị các bệnh này là công việc của y khoa. Vì vậy, điều hết sức quan trọng
là, trước khi cử hành nghi thức trừ tà, phải rất chắc chắn rằng đây là trường hợp
quỷ ám chứ không phải là một bệnh tật nào đó” (số 1673).
Nên ghi
nhận vài điểm:
Đặc
trưng của việc trừ tà Kitô giáo là nhân danh Chúa Kitô để xin cho một người
được giải thoát khỏi ác thần.
Có hai
hình thức: a) đơn giản,
được thực hành lúc cử hành bí tích rửa tội; b) long trọng do một linh mục được giáo
quyền đề cử . Từ sự phân biệt này, gần đây người ta còn phân biệt giữa “lời cầu
nguyện giải thoát khỏi ác thần” và “lời truyền trục xuất ma quỷ”.
Việc
trừ tà thuộc lãnh vực tôn giáo, khác với việc chữa bệnh tâm thần.
Sự phân
biệt hai hình thức trừ tà có nhiều hệ luận thực hành về nhiều phương diện:
a) Việc
trừ tà “long trọng” chỉ được thực hiện do một linh mục được đức giám mục phê
chuẩn (chiếu theo điều 1172 của Bộ giáo luật), và giả thiết là nạn nhân bị “quỷ
ám” (possessio diabolica).
Công thức trừ tà mang tính “truyền lệnh” (exorcismus
imprecativus).
b) Việc
trừ tà “đơn giản” có thể được thực hịên bởi những người khác, và không giả
thiết là nạn nhân bị “quỷ ám”. Công thức trừ tà mang tính “khẩn nài” (exorcismus deprecativus).
Chúng ta có thể lấy một thí dụ trong nghi thức rửa tội cho nhi đồng:
Lạy
Thiên Cúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa xuống thế gian, để trục xuất
quyền lực của các ác thần Satan ra khỏi chúng con, giải thoát khỏi tối tăm vào
ánh sáng kỳ diệu của nước Chúa, chúng con nài xin Chúa làm cho (những) em này,
sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ của Chúa uy linh, và xin
Chúa cũng cho Thánh Thần ngự trong (các) em. Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.
Ở đây
chúng tôi muốn tìm hiểu việc trừ trà “long trọng”.
B. Lịch
sử nghi thức trừ tà
Trong
ba thế kỷ đầu của Kitô giáo, không có công thức và cách thức trừ tà chính xác,
một phần có lẽ vào thời đó, đặc sủng trừ tà được ban cho nhiều tín hữu. Đến khi
đặc sủng này giảm đi, Giáo hội mới nghĩ đến việc trao quyền năng cho một vài
người đặc biệt. Chức vụ trừ tà (exorcista)
cũng được thiết lập như một phẩm trật,[60]
tuy rằng việc trừ tà chỉ được uỷ thác cho vài linh mục đặc biệt.
Chứng
tích đầu tiên về một thủ bản dành cho người trừ tà được thấy trong bộ sưu tập
pháp luật Statuta
Ecclesia latinae được gán cho thánh Césaire giám mục Arles thế
kỷ VI.
Dần
dần, bên cạnh những công thức chính thức của Hội thánh, nhiều tác phẩm của tư
nhân cũng ra đời, với cao điểm hồi thế kỷ XVI-XVII. Trong số đó, những cuốn nổi
tiếng là Malleus
maleficarum (J. Sprengerus – H. Institoris, 1494), Flagellum daemonum (G.
Menghi, 1580), Compendio
dell’arte esorcistica (G. Menghi, 1580), Iugum ferreum Luciferi (D.
Gomez, 1676), Manuale
exorcistarum (1720), Gran dizionario infernale (F. Pique,
1871), Le livre secret
des grands exorcismes et bénédictions (Paris 1950).
Sách
Nghi thức phụng vụ chính thức được biên soạn sau công đồng Trentô và được phát
hành năm 1614, dưới thời đức thánh cha Phaolô V. Ấn bản cuối cùng trong thế kỷ
XX là Rituale
Romanum ở thiên chót (Titulus XII, De exorcizandis obsessis a daemonio),
gồm ba chương: 1/ Chương Một là phần quy tắc (Normae observandae circa exorcizandos a daemonio)
trình bày những quy tắc và gợi ý về việc trừ tà,, sự thận trọng trong việc sử
dụng, những gợi ý về sự phân định những người bị quỷ ám thực sự (chứ không phải
chỉ là bệnh hoạn), về thời gian, nơi chốn, thể thức thi hành. 2/ Chương Hai là
chính nghi thức trừ quỷ; cấu trúc này đã có từ cuối thế kỷ VIII (do ông Alcuinô
du nhập). 3/ Chương Ba mới được thêm từ đức thánh cha Lêô XIII, về việc trừ tà
trên các đồ vật bị quỷ ám.
C. Nghi
thức trừ tà năm 1998
Nghi
thức trừ tà là một trong những sách phụng vụ ra đời muộn nhất, hơn kém 35 năm
sau khi ban hành Hiến chế về phụng vụ của công đồng Vaticanô II. Nghị định ban
hành của Tổng trưởng Bộ Phụng vụ và Kỷ luật các bí tích đề ngày 22/11/ 1998 và
cuốn sách được giới thiệu với báo chí ngày 28/1/1999, mang tựa đề De exorcismis
et supplicationibus quibusdam. Đức Hồng y Jorge Medina Estevez cho biết là công
việc duyệt lại nghi thức đã mất 10 năm, vừa để nghiên cứu vừa để tham khảo ý
kiến các Hội đồng giám mục. Nên biết là trong khoảng thời gian này (năm 1985),
Bộ Giáo lý đức tin đã ra một Huấn thị lưu ý về việc thận trọng đừng lẫn lộn
giữa việc trừ quỷ và việc cầu nguyện cho các bệnh nhân.[61]
Có lẽ văn kiện này đã du nhập một sự phân biệt trong nghi thức giữa việc trừ
quỷ theo nghĩa chặt (exorcismus) và việc cầu nguyện xin giải thoát
(supplicationes).
Cấu
trúc của sách Nghi thức gồm bốn phần: trước hết là phần dẫn
nhập; kế đó là hính phần nghi thức; phần thứ ba giới thiệu những bài đọc và
kinh nguyện tuỳ nghi lựa chọn; sau cùng là phụ lục
(1)
Phần Dẫn nhập gồm Nhập đề và những Chỉ dẫn tổng quát
Nhập đề (prooemium)
nhắc vắn tắt ba điểm. 1/ Sự hiện hữu của ma quỷ là một chân lý thuộc đức tin
(trích từ sách Giáo lý Hội thánh Công giáo), tham chiếu về công đồng Latêranô
IV (năm 1215), Kinh Lạy Cha. 2/ Đức tin không chỉ nói đến sự hiện hữu của ma
quỷ mà còn nói đến việc chúng chống đối sứ mạng cứu độ của Đức Kitô. 3/ Hội
thánh biết rằng Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ, nhưng cuộc chiến đấu với ma quỷ
vẫn tiếp tục, bởi vì chúng vẫn gây nhiều tác hại trên thế giới (GS 22;37). Hội
thánh cầu xin để các tín hữu được giải thoát khỏi quyền lực sự dữ.
Mục Chỉ
dẫn tổng quát (proenotanda) đi sâu hơn vào những vấn đề thần học và
mục vụ, qua 6 điểm chính:
1/ Sự
chiến thắng của Đức Kitô và quyền năng của Hội thánh trên các ma quỷ (số 1-7).
Công trình cứu độ của Đức Kitô là giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự dữ,
trong đó bao hàm việc trừ tà; Người đã ban cho Hội thánh quyền năng tiếp tục sứ
mạng ấy.
2/ Các
cuộc trừ tà trong sứ mạng thánh hóa của Hội thánh (số 8-12).
3/ Tác
viên và những điều kiện của trừ tà trọng thể (số 13-19)
Như đã
nói, tác viên phải là một linh mục được giáo quyền chỉ định. Điều quan trọng
hơn là khi nào xác định được là trường hợp quỷ ám. Số 16 nhắc lại vài dấu chỉ
cổ điển (bởi vì đã được đề cập trong sách Rituale Romanum năm 1564): a) nói
trôi chảy những ngôn ngữ lạ hoặc hiểu những ngôn ngữ ấy; b) biết rõ những sự
kiện kín đáo hoặc xa xôi; c) biểu lộ sức mạnh vượt quá tuổi tác hoặc điều kiện
thể lý; tuy nhiền đó chỉ là vài dấu chỉ (và không hẳn là của ma quỷ); d) ngoài
ra cần lưu ý đến những dấu chỉ khác có tính luân lý hoặc tôn giáo, chẳng hạn
như tỏ ra sự kinh tởm đối với Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh,
Hội thánh, Lời Chúa, đồ vật thánh (các bí tích, ảnh tượng); tình trạng luân lý
đạo đức của nạn nhân. Số 19 cũng nhắc nhở rằng nghi thức phụng vụ là một buổi
cầu nguyện, cần diễn ra trong bầu khí đức tin, tránh sử dụng những phương tiện
truyền thông mang tính trình diễn.
4/ Mô
tả nghi thức (số 20-30). Chúng tôi sẽ trở lại dưới đây.
5/
Những thích nghi dành cho tác viên (số 31-36).
6/
Những thích nghi thuộc thẩm quyền của Hội đồng giám mục (số 37-38).
(2)
Phần chính là nghi
thức trừ tà trọng thể.
Nghi
thức bao gồm những lời
kinh và những hành
động và cử
chỉ (dấu thánh giá, đặt tay, thở hơi, rảy nước thánh, quỳ gối,
đứng thẳng).
1/ Nghi
thức mở đầu bằng việc rảy nước thánh, nhớ lại sự thanh tẩy đã lãnh nhận trong
bí tích rửa tội.
2/ Kinh
cầu các thánh. Nhờ lời chuyển cầu của các thánh, xin Chúa thương xót người tín
hữu đang bị ma quỷ hành hạ.
3/ Đọc
một hay nhiều thánh vịnh để xin Thiên Chúa che chở và tán dương sự chiến thắng
của Đức Kitô. Các thánh vịnh có thể đọc liên tục hoặc dưới hình thức đáp ca.
4/ Công
bố Tin mừng, dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đến để gặp gỡ những
nỗi đau khổ của con người. Đoạn Tin mừng được đề nghị là: Ga 1,1-14 (tuy cũng
có thể thay thế bằng các đoạn khác: Mt 4, 1-11; Mc 16,15-18; Mc 1,21b-28; Lc
10,17-20; Lc 11,14-24).
5/ Tác
viên đặt tay lên người tín hữu, để khẩn nài sức mạnh của Thánh Linh ngõ hầu ma
qủy ra khỏi kẻ đã được trở nên đền thờ của Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy.
Tác viên cũng có thể thở hơi trên mặt của người tín hữu. (Những cử chỉ này kèm
theo những lời nguyện khẩn nài)
6/ Đọc
kinh Tin kính, hoặc lặp lại những lời hứa lúc lãnh bí tích Thánh Tẩy. Đọc kinh
Lạy Cha để xin “cứu thoát chúng con khỏi Kẻ ác”
7/ Linh
mục trỏ cho người tín hữu cây thập giá của Chúa Kitô, nguồn mạch của mọi ơn
phúc, và làm dấu thánh giá trên toàn thân để ám chỉ quyền năng của Người trên
ma quỷ.
8/ Đọc
công thức trừ quỷ dưới hai dạng thức: a) khẩn nài Thiên Chúa (invocativa); b) truyền
khiến (imperativa)
nhân danh Chúa Kitô buộc ma quỷ phải ra khỏi người tín hữu. Có thể dùng dạng
khẩn nài mà không cần dạng truyền khiến; nhưng không thể chỉ dùng dạng truyền
khiến mà không có dạng khẩn nài. Những công thức này có thể lặp lại trong cùng
một buổi cử hành, hoặc nhiều lần cách nhau.
Sau đây
là mẫu của một công thức khẩn nài: Lạy
Cha là Đấng thánh, xin hãy lắng nghe lời kêu van của Hội thánh đang cầu nguyện:
xin đừng để cho người con cái của Cha bị chiếm hữu bởi người cha của dối trá;
xin đừng để người tôi tớ được máu đức Kitô cứu chuộc phải làm tôi tớ của ma
quỷ; xin đừng để đền thờ của thần khí của Cha trở nên nơi trú của thần khí ô
uế.
Công
thức truyền khiến: Satan,
thủ lãnh trần gian, ta truyền cho ngươi: hãy nhận biết quyền năng vô địch của
đức Giêsu Kitô, kẻ đã khuất phục ngươi trên sa mạc, kẻ đã thắng ngươi trong
vườn cây dầu, kể là tước khí giới của ngươi trên thập giá, kẻ đã mang những
chiến công của ngươi vào vương quốc ánh sáng. Hãy ra khỏi người này, ra khỏi T.
mà Chúa Cứu thế khi hạ sinh làm người đã nhận làm em và khi chết trên thập giá
đã cứu chuộc bằng bửu huyết… Satan, hãy cút đi, nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần. Hãy cút đi, vì đức tin và lời cầu của Hội thánh, Hãy trốn đi nhờ dấu
thánh giá của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Người hằng sống và hiển trị muôn
đời. Amen
9/ Nghi
thức kết thúc với một bài ca tạ ơn, lời nguyện và phép lành.
(3) Các
bản văn tuỳ chọn
Các
thánh vịnh (3; 10; 12; 21; 30; 34; 53; 67; 69; 90) với đáp ca và lời nguyện.
Những đoạn Tin mừng (Ga 1,1-14; Mc 1,21b-28; Lc 11,14-22; Mt 4,1-11; Mc
16,15-18; Lc 10,17-20). Các công thức trừ tà.
(4) Phụ
lục
1/
Những lời nguyện và trừ tà trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Công
thức trừ tà nói trên đây áp dụng cho những người bị quỷ ám.
Trong phần phụ lục, sách Nghi thức thêm những công thức dành cho trường hợp
những đồ vật bị quỷ nhập.
2/ Các
kinh dành cho các tín hữu đọc riêng: các lời nguyện; những lời khẩn cầu Chúa Ba
Ngôi; những lời khẩn cầu Chúa Kitô; những lời khẩn cầu Đức Mẹ; những lời khẩn
cầu thánh Micae; các kinh cầu. Những kinh này các tín hữu đọc cho bản thân
mình, chứ không đọc cho người khác.
D. Vài
thắc mắc
Chúng
tôi đã mô tả sơ lược nội dung của sách Nghi thức trừ tà. Nhiều vấn đề chắc chắn
sẽ được đặt lên chung quanh vấn đề “quỷ ám”, vượt quá giới hạn của các sách
phụng vụ. Chúng tôi chỉ nêu lên vài vấn đề cần được nghiên cứu thêm.
1/ Làm thế nào phân định hiện tượng quỷ
ám?
Dựa
theo kinh nghiệm cổ truyền, sách nghi thức đưa ra bốn dấu hiệu (Proenotanda số 16 nói
trên đây).[62]
Tuy nhiên, các hiện tượng này có thể chỉ là bệnh tâm thần, hoặc do những tài
năng phi thường. Việc hội ý với các nhà chuyên môn thật là cần thiết. Dĩ nhiên,
“nhà chuyên môn” được hiểu không những là các khoa học gia (đặc biệt là chuyên
viên về y khoa và bệnh tâm thần) nhưng cũng cần có hiểu biết về lãnh vực tôn
giáo (Praenotanda số
17). Sự xác định không đơn giản: khi nào là bệnh động kinh, khi nào là bị quỷ
ám? Khi nào là khả năng “cận-tâm-lý-học” (parapsychology)
khi nào là sự can thiệp của ma quỷ? Nếu không chắc chắn là nạn nhân bị quỷ ám
thì không sử dụng nghi thức “trừ tà trọng thể” nhưng có thể dùng các công thức
cầu nguyện xin giải thoát nói trong phụ lục.
2/ Nguyên nhân của hiện tượng quỷ ám
Việc
quỷ ám nằm trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Như đã nói trên đây,
ma quỷ không thể tự do tung hoành theo như ý muốn. Đôi khi một người sống trong
ơn nghĩa với Chúa mà cũng bị quỷ ám, do một chương trình bí nhiệm nào đó của
Thiên Chúa; nhưng phần lớn những trường hợp quỷ ám là vì đương sự đã có liên
lạc gì đó với ma quỷ, chẳng hạn như tham dự vào những việc gọi hồn, đã ký kết
hợp đồng với ma quỷ, đã sử dụng ma thuật để làm hại người khác.
3/ Quỷ tìm người hay người tìm quỷ?
Tại Âu
Mỹ ngày nay, xem ra số người đi nhà thờ ít đi, và từ đó kết luận rằng con người
của thời đại công nghệ đã trở thành “tục hóa”, “duy vật”, chẳng tin Chúa cũng
chẳng tin tưởng quỷ thần nào hết. Sự thực không phải như vậy. Các nhà khảo cứu
xã hội học tôn giáo cho biết rằng sự giảm sút những người đi nhà thờ kèm theo
sự tăng gia số những người tin theo bùa phép, ma thuật, bói toán, đó là chưa kể
tục bùa ngải còn thịnh hành ở nhiều nơi. Những tục này được Sách Giáo lý Hội
thánh Công giáo nhắc đến ở số 2117.[63]
Hơn thế nữa, có người lại tôn thờ Satan. Đây là một hiện tượng đáng lo ngại,
được đặt tên là Satanism.
Dĩ nhiên, phàm ai phạm tội trọng thì ra như đã nộp mạng làm tôi sự dữ (thay vì
làm tôi Thiên Chúa); tuy nhiên, theo một nghĩa chặt chẽ hơn, có những “tín
ngưỡng” được thành lập trong đó Satan được tôn thờ thay cho Thiên Chúa, và được
đăng ký hẳn hoi. Nên biết là các phong trào này không thịnh hành ở những nơi
dân trí thấp kém nhưng tại những quốc gia tiền tiến về kỹ thuật và khoa học.
Kết
luận
Sau khi
đã tìm hiểu nghi thức trừ tà được ban hành vào năm 1998, nhiều câu hỏi đã được
đặt lên. Đã có bao nhiêu người sử dụng nghi thức này? Nghi thức ấy đã được sử
dụng đúng mức hay chưa: có bao nhiều trường hợp thực sự là quỷ ám hay chỉ là
tâm bệnh? Những câu hỏi này khó trả lời. Khi viết về ma quỷ, Clive Staples
Lewis (1898-1963) nhận xét rằng cần phải tránh hai thái cực vừa sai lầm vừa tai
hại: hoặc là phủ nhận sự hiện hữu của nó (nhóm duy vật), hoặc bí ám ảnh bởi
quyền lực của hắn (ma thuật). Chúng ta tin có ma quỷ nhưng không tin vào ma quỷ
đến nỗi làm nô lệ cho hắn (x. The
Screwtape writer).
Dù sao,
ngay cả đối với những người bị quỷ ám (và hành hạ), phương pháp trị lịêu của
Giáo Hội không chỉ là dùng nghi thức trừ tà nhưng còn khuyến khích nhiều biện
pháp mục khác, được Hội đồng giám mục Ý thêm vào ở phần giới thiệu sách Nghi
thức như sau.
Nhắc
nhở các tín hữu đừng thích đi tìm những chuyện giật gân, cũng đừng nhẹ dạ vội
tin vào sự hiện diện của ma quỷ khi gặp khó khăn. Đồng thời cũng tránh thái độ
duy lý, loại trừ hoạt động của ma quỷ trên thế giới.
Cảnh
giác các tín hữu về việc theo dõi các sách báo, phim ảnh, khêu gợi tò mò vào
các hiện tượng thiếu lành mạnh.
Khuyến
khích các tín hữu đừng bao giờ tin theo những người tự khoe là có tài ma thuật,
hoặc có sức lực huyền bí, thông thương với thế giới bên kia.
Giúp
cho các tín hữu có sự hiểu biết đúng đắn về sư hiện diện và hoạt động của ma
quỷ trong thế giới, dựa trên Thánh Kinh và Thánh truyền.
Nhắc
nhở, qua việc huấn giáo và giảng thuyết, rằng mê tín, ma thuật là điều trái
nghịch với phẩm giá con người, và trái ngược với đức tin vào Thiên Chúa là Cha
toàn năng và vào Chúa Giêsu Kitô.
Đời
sống Kitô hữu chân chính là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa là
cha quan phòng (Lc 12,22-31), vâng theo ý Cha (Mt 6,10). Đời sống Kitô hữu dựa
trên bí tích rửa tội, được nuôi dưỡng nhờ việc đọc Lời Chúa và tham dự Thánh
Thể, được phục hồi nhờ bí tích Hoà giả, được nâng đỡ nhờ các bí tích khác và
các á-bí-tích, để ca ngợi Thiên Chúa và kêu cầu Chúa che chở trong mọi hoàn
cảnh của cuộc đời.
MỤC VI.
TÓM KẾT
Ma quỷ
theo Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
I. Ma
quỷ là ai?
II. Ma
quỷ làm gì?
III.
Chúa Giêsu đối phó với ma quỷ như thế nào?
IV. Tại
sao Thiên Chúa “cho phép” ma quỷ “làm khổ” loài người?
V.
Chúng ta chiến thắng ma quỷ bằng phương thế nào?
VI. Trừ
tà là gì?
___________
Để kết
thúc loạt bài này, chúng tôi xin trình bày giáo huấn Sách Giáo lý Hội
thánh Công giáo (viết tắt GLCG) về ma quỷ. Trước đây, ở cuối mục Hai, chúng tôi
đã điểm qua những nơi mà đề tài được bàn tới, đặc biệt là trong phần thứ nhất
và phần thứ ba. Bây giờ chúng tôi xin trình bày một tổng hợp hệ thống của Đức
Cha Raffaello Martinelli, giám mục giáo phận Frascati (từ năm 2009), đã từng
giữ chức vụ trưởng phòng phụ trách Sách GLCG của Bộ Giáo lý đức tin,[64]
xoay quanh 6 điểm như sau: 1) Ma quỷ là ai? 2) Ma quỷ làm gì? 3) Chúa Giêsu đối
phó với ma quỷ như thế nào? 4) Tại sao Thiên Chúa “cho phép” ma quỷ “làm khổ”
loài người? 5) Chúng ta chiến thắng ma quỷ bằng phương thế nào? 6) Trừ tà là
gì?
I. Ma quỷ là ai?
Ma quỷ
là những thiên thần tốt lành, được Thiên Chúa dựng nên, nhưng sau đó, do chính
sự lựa chọn tự do và dứt khoát của mình, đã trở nên xấu khi nổi dậy, chống lại
Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc sách GLCG:
Số 391. “Hội
Thánh dạy rằng thoạt đầu (Satan hay ma quỷ) là một thiên thần tốt lành cho
Thiên Chúa tạo dựng. ‘Chắc chắn ma quỷ và các thần dữ khác được Thiên Chúa tạo
dựng đều tốt lành theo bản tính, nhưng chính chúng đã làm cho mình nên ác xấu’
(Công đồng Latêranô IV – năm 1215 -, Cap. 1, De fide catholica: DS 800)”.
Số
2851. Trong lời cầu xin này (“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”), Sự
Dữ không phải là một điều trừu tượng nào đó, nhưng là một cá vị, là Satan, là
Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ (tiếng Hy lạp là Dia-bolos) là “kẻ phá
ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và “công trình cứu độ” Ngài thực hiện trong Đức
Kitô.
II. Ma quỷ làm gì?
Sách
GLCG nói nhiều về hoạt động của ma quỷ. Qua hoạt động của hắn mà chúng ta biết
rõ hơn ma quỷ là ai,
cách riêng khi móc nối với sự lựa chọn bất tuân phục của nguyên tổ loài
người, và khi nêu bật mối tương quan giữa sự sa ngã của các thiên thần và sự sa
ngã của ông Ađam và bà Eva. Mối tương quan này mang nhiều khía cạnh:
+ Ma
quỷ như là tiếng nói dụ dỗ:
Số 391: “Đàng
sau sự lựa chọn bất tuân của nguyên tổ chúng ta, có một tiếng nói dụ dỗ, chống
lại Thiên Chúa, đã vì ghen tương mà làm cho nguyên tổ sa vào cõi chết”.
+ Sự sa
ngã của ma quỷ cũng như của nguyên tổ cốt ở chỗ đã phạm tội:
Số 392:
“Thánh Kinh có nói đến tội của các thiên thần này (X. 2Pr 2,4). Sự “sa ngã đó
cốt tại một lựa chọn tự do của các thụ tạo thiêng liên này, họ chối bỏ Thiên Chúa và
Nước của Ngài một cách triệt để và không thể thay đồi.
+ Cả
hai đều thuộc một loại tội như nhau:
Số 392:
“Chúng ta thấy được sự phản ánh của cuộc nổi loạn này trong những lời tên cám
dỗ nói với các nguyên tổ chúng ta: ‘Các ngươi sẽ trở nên như Thiên Chúa” (St
3,5). “Ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu” (1Ga 3,8); “nó là kẻ nói dối và cha sự
gian dối” (Ga 8,44)
+ Đặc
trưng của tội: không
thể tha thứ
Số 393: “Tính
cách không thể thay đổi của
sự lựa chọn của các thiên thần, chứ không phải vì thiếu lòng thương xót vô biên
của Thiên Chúa, làm cho tội của chúng không thể được tha thứ. “Quả vậy, sau khi
sa ngã, chính chúng không chút thống hối, cũng như con người sau khi chết”
(Thánh Gioan Đamasênô, De
fide orthodoxa 2,4: PG 94,877).
+ Việc
làm nghiêm trọng nhất:
Số 394: “Con
Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1Ga 3,8). Trong các
hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá
dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa”.
+ Ma
quỷ: nguyên nhân của tội của các nguyên tổ và của các hậu quả (sự chết):
Số 2852 “Ma
quỷ ngay từ đầu đã là tên sát nhân … là kẻ nói dối và là cha sự gian dối (Ga
8,44), là Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ (Kh 12,9). Vì nó mà tội
lỗi và sự chết đã xâm nhập trần gian và nhờ nó vĩnh viễn bị đánh bại, mà toàn
thể thụ tạo đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết. “Chúng
ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng
có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người
ấy được (1Ga 5,18-19).
III. Chúa Giêsu đối phó với ma quỷ như thế
nào?
1/
Chính Đức Kitô đã bị ma quỷ cám dỗ:
– cách
trực tiếp trong hoang địa (x. Lc 4,1-13; x. GLCG 538-540):
“Các
cơn cám dỗ trong hoang địa cho thấy Chúa Giêsu, Đấng Mêsia khiêm nhường, đã
chiến thắng Satan nhờ việc Người gắn bó trọn vẹn với kế hoạch cứu độ theo ý
muốn của Chúa Cha” (GLCG 566). Đức Kitô chiến thắng ma quỷ bằng việc dựa vào
Lời Chúa (trưng dân Kinh thánh) và tái khẳng định quyền ưu việc của Thiên Chúa;
– hoặc
cách gián tiếp qua ông Phêrô (xc. Mt 16,23).
2/ Đức
Kitô đề cập trực tiếp về ma quỷ (chẳng hạn như Mt 4,10; Mc 4,15; Lc 10,18; Ga
8,44)
GLCG
392: “Ma quỷ là kẻ phạm tội ngay từ đầu” (1Ga 3,8), “cha của sự gian dối” (Ga
8,44). GLCG 394: “Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu
gọi là ‘tên sát nhân ngay từ đầu’ (Ga 8,44)”.
3/ Hơn
nữa Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ, và Người thắng nó bằng nhiều cách thức:
a) Khi
sinh bởi một phụ nữ được giữ gìn khỏi tội lỗi:
GLCG
2853: “Con rồng đuổi bắt người Phụ nữ (Kh 12,13), nhưng không bắt được bà. Bà
là Eva mới, “đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự
hư nát của cái chết (Sự Vô nhiễm nguyên tội và Lên trời của Mẹ rất thánh của
Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh), “Con Mãng xà nổi giận với
người Phụ nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi Bà” (Kh 12,17).
b)
Trong cơn cám dỗ trên hoang địa:
GLCG
539: “Trong việc này Chúa Giêsu đã toàn thắng ma quỷ. Người đã trói kẻ mạnh và
thu lại tài sản nó đã cướp (x. Mc 3,27). Chiến thắng của Chúa Giêsu trước kẻ
cám dỗ trong hoang địa báo trước cuộc chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng
phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha”
GLCG
540: “Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa là Đấng
Mêsia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán cho Người
(x. Mt 16,21-23). Chính vì thế, Đức Kitô chiến thắng Tên cám dỗ là chiến thắng
cho chúng ta: ‘Vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm
thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện
cũng như ta, nhưng không phạm tội’ (Hr 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội thánh kết
hợp với mầu nhiệm Giêsu trong hoang địa”.
c) Chúa
Giêsu rao giảng triều đại Thiên Chúa đã đến, đánh dấu cuộc thảm bại của triều
đại Satan : “Nếu tôi dựa vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là
triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28).
– Trong
Tin mừng Luca, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu truyền lệnh cho ma quỷ, và chúng
nhận ra Người là Con Thiên Chúa (x. Lc 4,41; 8,28…);
– Trong
các phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện, có những việc giải thoát khỏi sự chiếm hữu
của ma quỷ (x. Mc 1,25-26; 5,2-20): khi thực hiện những việc chữa lành ấy,
Người đã thắng ma quỷ, căn nguyên của những sự dữ ấy, đang khi “Người đã mang
lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Nhiều
lần các thánh sử thuật lại các cuộc trừ tà, giải thoát vài người khỏi sự hành
hạ của ma quỷ, như thế tiên báo cuộc chiến thắng vĩ đại trên thủ lãnh của thế
gian này (x. Mc 1,25-26) nhờ cái chết và Phục sinh của Người.
d) Nhất
là nơi cái chết và Phục sinh của Người:
Chúa
Giêsu thắng tất cả thế giới sự dữ nhờ cái chết và phục sinh, nhờ đó Người chiến
thắng Satan và bẻ gãy sự thống trị của ác thần (xc. Cl 2,15; Ep 1,21; Kh
12,7-12).
GLCG
1708: “Bẳng cuộc khổ nạn của Người, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi Satan
và tội lỗi. Người lập công cho chúng ta có sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.
Ẩn sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta”.
GLCG
2853: “Cuộc chiến thắng trên ‘thủ lãnh thế gian này’ (x. Ga 14,30) đã hoàn tất,
một lần cho mãi mãi, vào Giờ Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho
chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế
gian này ‘bị tống ra ngoài’ (x. Ga 12,31; Kh 12,10).
e) Khi
xuống âm tỉ:
Sau khi
chết, Đức Giêsu xuống âm ti, và nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên
lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ” (Hr 2,14).
GLCG
635: “Vì vậy, Đức Kitô đã xuống cõi thâm sâu của sự chết (x. Mt 12,40; Rm 10,7;
Ep 4,9) để ‘các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa thì sẽ được sống’ (Ga 5,25).
Chúa Giêsu, Đấng khơi nguồn sự sống (x.Cv 3,15), đã nhờ cái chết của Người,
Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức la ma quỷ, và đã giải
thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ’ (Hr 2,14-15).
Từ nay, Đức Kitô phục sinh ‘nắm giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ’ (Kh 1,18),
và ‘khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ (Pl 2,10”.f)
f) Khi
Chúa Giêsu phái cử các môn đệ, trong đó Người trao cho các ông quyền xua đuổi
ma quỷ (xc. Mc 3,15; 6,7.13; 16 17).
Chúa
sai họ ra đi, ngõ hầu “họ loan báo Con Thiên Chúa đã nhờ sự chết và sự
sống lại của Người, mà giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, và
đưa chúng ta vào Nước của Chúa Cha, nhưng còn để các tông đồ thực thi công
trình cứu độ, mà các ông đã rao giảng nhờ hy lễ và các bí tích, là trung tâm
điểm của toàn thể đời sống phụng vụ”. (GLCG 1086)
g) Bằng
cuộc trở lại cánh chung:
GLCG
2852: “Nhờ việc Satan vĩnh viễn bị đánh bại mà toàn thể thụ tạo đã được giải
thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết. Chúng ta biết rằng phàm ai đã
được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã
sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết
rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống
trị của Ác thần” (1Ga 5,18-19).
GLCG
2851: “Vì thế Thần khí và Hội thánh cầu nguyện: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến’
(Kh 22,17.20), bởi vì khi Người ngự đến, Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Ác
thần”.
IV. Tại sao Thiên Chúa “cho phép” Satan
“làm khổ” con người?
1/ Hoạt
động của Satan “được cho phép bởi Chúa quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của
loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép
ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng ‘chúng ta biết rằng Thiên
Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yếu mến Ngài’ (Rm 8,28)” (GLCG số 395).
Cuộc
đời trên trần thế là thời kỳ thử thách, trong đó Thiên Chúa đồng ý cho ma quỷ
cám dỗ và trắc nghiệm con người, nhưng không bao giờ vượt qua khả năng của nó.
Tuy nhiên, nhờ đức tin, chúng ta biết rằng từ sự dữ này Thiên Chúa rút ra một
điều tốt lành lớn lao hơn, ngõ hầu, với ơn thánh của Ngài, con tim được thanh
luyện nhờ thử thách và đức tin trở nên cứng cát hơn.
2/
Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng hoạt động của ma quỷ có giới hạn:
Số 395:
“Tuy nhiên, quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là
một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là
thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mặc dầu
Satan hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài
trong Chúa Giêsu Kitô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại
nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội – trong lãnh vực tinh thần và một cách
gián tiếp cả trong lãnh vực vật chất –, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa
quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh
mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm
lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích
cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).
Đức
Kitô là “người mạnh thế hơn” đã chiến thắng “người mạnh” (x. Lc 11,22). Chúa nói: “Các con hãy tin
tưởng đi, vì Thầy đã thắng thế gian rồi!” (Ga
16,33).
V. Chúng ta chiến thắng ma quỷ bằng phương
thế nào?
Bằng
nhiều phương thế, bổ túc lẫn nhau.
1/
Trước hết bằng cuộc đời đức tin nguyên tuyền, với đặc điểm là tin tưởng phó
thác vào tình yêu hiền phụ và quan phòng của Thiên Chúa (x. Lc 12,22-31), và vâng theo ý muốn của
Chúa (x. Mt 6,10), theo gương Chúa
Giêsu (x. Phần Ba của GLCG). Đó là khiên thuẫn an toàn nhất. Cuộc chiến thắng
rạng rỡ chống lại ảnh hưởng của Satan là không ngừng cải hoán cuộc đời, được
diễn tả cách đặc biệt nơi Bí tích Hòa giải (x. GLCG, Phần Hai, Chương Hai, Các
bí tish chữa lành), qua đó Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những tội lỗi đã
phạm sau khi rửa tội, Ngài ban lại cho ta tình thân hữu, và củng cố chúng ta
bằng ơn thánh để chống lại những cuộc tấn công của Ác thần.
2/ Bằng
việc tỉnh thức liên tục: “Anh chị em hãy tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em là ma
quỷ, như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr
5,8).
3/ Đón
nhận và làm chứng Tin mừng, bằng lời nói và việc làm. Vì thế cần loan báo cách
can đảm và toàn vẹn Tin mừng (x. Phần Một GLCG): không sợ nói đến ma quỷ, và
nhát là sự chiến tháng mà Đức Kitô đã mang lại và tiếp tục mang lại nơi các môn
đệ của Người. Thực vậy Dức Kitô đã liên kết với con người để cùng con người và
trong con người chống lại quyền lực của tối tăm.
4/
Chiến đấu
– Chống
lại các quyến rũ và cám dỗ của ma quỷ (x. Phần thứ Ba, đoạn thứ nhất, mục 5 và
8): “Toàn thể lịch sử nhân loại đã tràn ngập một cuộc giao tranh kinh khủng
chống lại các quyền lực tối tăm; cuộc giao tranh bắt đầu từ lúc bắt đầu thế
giới, và kéo dài, như Chúa nói, cho đến ngày cuối cùng. Bị đặt trong cuộc giao
tranh này, con người phải chiến đấu không ngừng ngõ hầu có thể kết hiệp với
điều thiện, và phải vất vả hết sức để có thể duy trì sự thống nhất nội tâm, với
sự trợ lực của ơn Chúa (Công đồng Vaticanô II, Gaudium et spes, số 37,2).
– Chống
lại các hình thức bói toán, ma thuật, hay pháp thuật:
GLCG
2116: “Phải loại bỏ mọi hình thức bói
toán: cậy nhờ Satan hay ma quỷ, gọi hồn người chết hay những thực
hành khác, là những việc người ta nghĩ cách sai lầm rằng sẽ “vén mở” được tương
lai” (Đnl 18,10; Gr 29,8).
GLCG
2117: “Các thực hành ma
thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức
mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người
khác – dù là để chữa bệnh – đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm
trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người hay cậy
nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường
gồm các thực hành bói toán. Hội thánh cũng khuyên các tín hữu phải xa lánh việc
đó. Khi dùng các phương thuốc, gọi là gia truyền, không được kêu cầu các quyền
lực sự dữ, cũng không được lợi dụng sự cả tin của những người khác”.
GLCG
2538: “Điều răn thứ mười đòi hỏi phải loại trừ sự ganh tị khỏi
trái tim con người. Sự ganh tị có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất (x. St 4,3-8; 1 V 21,1-29). Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế
gian (Kn 2,24)”.
5/
Tránh lánh tội lỗi, là “một sự xúc phạm đến Thiên Chúa”
“Con
đắc tội với Thiên Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,6). Tội chống lại tình yêu của
Thiên Chúa đối với chúng ta và đưa trái tim chúng ta lĩa xa khỏi tình yêu đó.
Cũng như tội đầu tiên, tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa
vì ao ước muốn ‘sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác’ (St 3,5) để nhận biết và quyết định
điều tốt và điều xấu. Như vậy tội là ‘yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa’
(GLCG 1850).
6/ Sử
dụng sự phân định.
“Chúa
Thánh Thần giúp chúng ta phân định đâu là thử thách, vốn cần thiết để con người
nội tâm tăng trưởng (x. Lc 8,13-15; Cv 14,22; 2Tm 3,12) và nhằm ‘thử thách nhân đức’ (x.Rm 5,3-5), và đâu là cám
dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết (x. Gc
1,14-15). Chúng ta còn phải biết phân biệt giữa ‘bị cám dỗ’ và ‘thuận theo’ cơn
cám dỗ. Cuối cùng, phân định vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài,
đối tượng cỏ vẻ ‘ngon, trông đẹp mắt và đáng quý’ (St 3,6), nhưng thật sự, kết quả của nó là sự chết” (GLCG
2847).
7/ Cầu
nguyện.
“Thật
vậy, nếu Thiên Chúa đứng về phía chúng ta, thử hỏi ai sẽ chống lại được chúng
ta?” (Rm 8,31). Trong kinh Lạy Cha,
chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cứu chúng con khỏi sự
dữ”. “Khi xin được giải thoát khỏi Ác thần, chúng ta cũng xin được cứu khỏi mọi
sự dữ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay lker chủ
mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội thánh mang đến trước Chúa Cha mọi nỗi
khốn cùng của trần gian. Cùng với ơn được giải thoát khỏi mọi sự dữ đang đè nén
nhân loại, Hội thánh nài xin hồng ân quý giá là sự bình an và ơn bền đỗ mong
đợi ngày trở lại của Đức Kitô. Khi cầu nguyện như thế, Hội thánh, trong sự
khiêm tốn của đức tin, tiền dự sự quy tụ mọi người và mọi sự trong Đấng nắm ‘chìa
khóa của cái chết và âm ti’ (Kh
1,18), “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn năng! (Kh 1,8)” (GLCG 2854).
8/ Đôi
khi sử dụng cả việc trừ tà nữa.
VI. Trừ tà là gì?
1/ Trừ
tà là một hình thức cầu nguyện cổ xưa và đặc biệt mà Hội thánh sử dụng chống
lại quyền lực ma quỷ. “Khi Hội thánh, một cách công khai và với thẩm quyền,
nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa
bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì
người ta gọi đó là Trừ tà (exorcismus)”
(GLCG 1673).
2/ Trừ
tà là một sự cầu nguyện thuộc loại á-bí-tích (sacramentale). Các á-bí-tích là “những dấu
chỉ thánh thiêng do Hội thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong
cuộc sống. Các á-bí-tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và
những dấu chỉ khác” (Bản Toát yếu sách GLCG số 351).
3/ Việc
trừ tà được thực hiện như thế nào?
Có hai
hình thức: đơn thường hoặc trọng thể.
a) Hình
thức đơn thường được thực hiện khi cử hành bí tích Rửa tội.
“Bởi
vì bí tích Rửa tội nói lên sự giải thoát khỏi tội lỗi và kẻ xúi giục tội lỗi là
ma quỷ, nên một (hay nhiều) lời
nguyện trừ tà được đọc trên ứng viên. Họ được xức dầu dự tòng
hay được vị chủ sự đặt tay, và họ minh nhiên từ bỏ Satan. Được chuẩn bị như vậy
xong, họ có thể tuyên
xưng đức tin của Hội thánh mà họ sẽ được “trao phó” cho đức
tin đó nhờ bí tích Rửa tội” (GLCG 1237).
b) Hình
thức long trọng
“Việc
trừ tà long trọng (sollemnis
exorcismus), gọi là ‘trừ tà đại thể’ (magnus exorcismus), chỉ được thực hiện bởi
một linh mục, với sự cho phép của Giám mục. Trong việc này, phải tiến hành cách
khôn ngoan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hội thánh (x. Bộ giáo luật,
điều 1172). Việc trừ tà nhằm trục xuất ma quỷ hoặc giải thoát khỏi ảnh hưởng
của nó, nhờ quyền bính thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội thánh của
Người. Trường hợp bệnh tật, nhất là các bệnh tâm thần, thì khác hẳn, việc chữa
trị các bệnh này là công việc của y khoa. Vì vậy, điều hết sức quan trọng là,
trước khi cử hành nghi thức trừ tà, phải rất chắc chắn rằng đây là trường hợp
hiện diện của ma quỷ chứ không phải là một bệnh tật nào đó” (GLCG 1673).
Trước
khi khép lại bài viết này, thiết tưởng nên tránh hai thái cực khi bàn về ma
quỷ. Một bên là chối bỏ sự hiện hữu của nó, một bên lại đề cao quyền năng của
nó. Đức tin Công giáo khẳng định sự hiện hữu của ma quỷ nhưng coi đó chỉ là mặt
trái của một thực tại vĩ đại hơn, đó là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúng
ta tin rằng có ma quỷ, nhưng chúng ta không tin tưởng vào nó. Niềm tin của
chúng ta đặt vào Đức Kitô, Đấng là “Alpha và Omega, Khởi nguyên và Cùng đích”
(Kh 1,8), Mọi vình quang và uy quyền thuộc về Người đến muôn thuở muôn đời (Kh
11,15). Người đã tống ra ngoài kẻ tố cáo các anh em và ban cho các anh em của
Người được chiến thắng (Kh 12,10-12). Duy Người mới hứa ban nước trường sinh
cho những ai chiến thắng sự dữ (Kh 21,6-8). Được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng
ấy, đoàn dân thánh trên đường lữ hành có thể dâng lên lời chúc tụng: “Kính dâng Đấng đã yêu mến chúng ta và
rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế
để phụng sự Thiên Chúa và Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền
đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 1,5-6).
[1] Summa Theologica, I pars,
q.1, art.7. “Omnia pertractantur in sacra doctrina sub ratione Dei: vel quia
sunt ipse Deus, vel quia habent ordinem ad Deum ut ad principium et finem”.
[2] [2] Xc.
Bài viết của Nt Maria Đinh Thị Sáng, Thần
học về các thiên thần, trong: “Thời sự thần học” số 64, (tháng
5/2014), trang 66-10. Xem thêm: Serge Th. Bonino, Angels and Demons. A Catholic
Introduction. The Catholic
[3] Đạo thờ Satan được
phổ biến không phải tại những nơi quê mùa lạc hậu, nhưng là ngay tại Hoa Kỳ.
Xc. Massimo Introvigne, Sự
bùng nổ các tôn giáo mới, trong “Thời sự thần học” số 98 (tháng
11/2022), trang 31-32. Francis Arinze, Các
tôn giáo mới trong các văn kiện Tòa Thánh, trang 126 và
132-133.
[4] Đây không phải là
một văn kiện chính thức, nhưng là một bài nghiên cứu do Bộ Đạo lý Đức tin uỷ
thác cho một chuyên viên ẩn danh. Văn kiện không được đăng trong công báo Acta Apostolicae Sedis nhưng
có thể đọc trên mạng internet.
Nguyên bản bằng tiếng Pháp, nhưng được
dịch ra các ngôn ngữ chính của Âu châu: www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19750626_fede-cristiana-demonologia_fr.html
[5] Theo Việt
[6] Cũng theo Việt
[7] Các tác giả không
nhất trí về nguyên nghĩa của từ daimon,
nhưng đều nhìn nhận rằng có sự tiến triển về ý nghĩa: a) có khi là một thần
linh nào đó; b) có lúc lại hiểu về một sức lực huyền bí mà con người không hiểu
nổi (chẳng hạn sự chết, số phận); c) có lúc hiểu về khí thiêng ở trong con
người. Đừng quên rằng danh từ eudaimonia (hạnh
phúc) được ghép bởi hai từ eu (tốt)
và daimon (tinh
khí).
[8] Chúng ta biết là dân
Do thái dễ bị cám dỗ chạy theo các ngẫu tượng (chẳng hạn baal) và nhiều người tin
vào đồng bóng, mặc dù đã bị ngăn cấm. Vua Saul là một thí dụ điển hình (1 Sm
28,7-20).
[9] Nên biết là tác giả
Sách thánh cũng “giải huyền” các ma quỷ của dân ngoại, chẳng hạn như: Lilith (Is 34,14) chỉ
là một con thú chứ không phải là ác quỷ; Asmodeus, kẻ thù của các đôi tân hôn (Tb
3,8.17), không đáng sợ. Tác giả sách Lêvi chế nhạo con quỷ Azazel (16,10.22).
Mặt khác, không phải lúc nào sự phân biệt giữa “ngẫu tượng” và “quỷ dữ”
cũng rõ ràng. Một trường hợp cụ thể là trong thánh vịnh 90 (được đọc vào giờ
Kinh Tối ngày chúa nhật), chúng ta gặp thấy ở câu 6: “Bạn không sợ cảnh hãi
hùng đêm vắng … cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại luc
ban trưa”. Ôn thần (qeteb)
là thần ôn dịch: là thần hay là quỷ? Dĩ nhiên, việc nghiên cứu các “ma quỷ”
trong các tín ngưỡng sống quanh dân
[10] Xem ra bản dịch LXX
nhận ra sự tiến triển này. Những bản văn cổ nhất dịch Satan là endiaballein (đặt
ngăn trở, chướng ngại: Ds 22,22), diabole (chướng
ngại: Ds 22,32); hay epiboulos (kẻ
thử thách: 1 Sm 29,4; 2 Sm 19,23), hoặc chỉ chuyển âm là satan (1 V 11,14.23),
nhưng không dịch là diabolos.
Với các sách Giob, Dacaria và Tv 108, 6, thì mới dùng thuật ngữ ho diabolos . Sang
sách Sử Biên niên thì bỏ mạo từ. Cũng nên biết Lucifer là danh từ
tiếng Latinh có nghĩa là “Sao mai” (Is 14,12), áp dụng cho vua
[11] “Vậy một ngày, con
cái Thiên Chúa (các thiên sứ) đến để trình diện trước Đức Chúa, Satan cũng đến
ở giữa họ. Đức Chúa phán với Satan: “Từ đâu ngươi tới?”. Satan trả lời Đức Chúa
và nói: Rảo quanh trên dất và lang thang ở đó. Đức Chúa phán với Satan: “Phải
chăng ngươi đã đặt con tim ngươi đến tôi tớ Ta là Gióp?..” (G 1,6-7).
[12] Có sự khác biệt
trong trình thuật cám dỗ nơi ba tác giả Tin mừng nhất lãm: Mc không nói “ba”
cơn cám dỗ; Mt theo thứ tự “bánh – đền thờ – thế gian”; còn ở Lk thì thứ tự là
“bánh – thế gian- đền thờ”.
[13] “Thần khí ô uế” tự
xưng là “Đạo binh” vì đông lắm.
[14] Beelzebul có lẽ gốc
bởi tiếng Hipri ba ‘al (chúa)
tên một vị thần
[15] Nên ghi nhận hai sự
kiện trái ngược. Một đàng, không phải lúc nào các môn đệ cũng thành công trong
việc trừ quỷ; xem quang cảnh các môn đệ ở dưới núi đang khi Chúa hiển dung (Mc
9,28; Lc 9,40). Đàng khác, có người không thuộc nhóm các môn đệ cũng có khả
năng trừ quỷ nhân danh Đức Giesu (Mc 9,38; Lc 9,49-50).
[16] x. bản dịch của Nhóm
Các Giờ kinh Phụng vụ: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng với
những quyền lực thần
thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái
ác chốn trời cao.” (Ep 6,12).
[17] Nên biết là trong
Tin mừng Gioan, “thế gian” hay “vũ trụ” (kosmos)
có ít là ba nghĩa: 1/ Nghĩa chung: mọi vật do Thiên Chúa tạo thành (xc. Ga 1,9;
17,5); 2/ Thế giới “loài người”, được Thiên Chúa yêu thương (xc. Ga 3,16); 3/
Nghĩa tiêu cực: thế giới này, tuy được Chúa yêu thương nhưng khép kín lòng với
Thiên Chúa (xc. Ga 17,9). Thủ lãnh thế gian thường được hiểu theo nghĩa thứ ba,
nhưng cũng có thể bao hàm tất cả ba nghĩa. Ma quỷ muốn thống trị tâm hồn con
người, gạt bỏ khỏi tương quan với Thiên Chúa.
[18] Satan được nhắc đến
ở Kh 3,9: “hội đường của Satan”.
[19] Thiết tưởng cũng nên
biết là daimon trong
văn hóa Hy-lạp không hoàn toàn có nghĩa xấu. Về sau này, khi được dùng như là
tương đương với diabolos theo
Kinh thánh thì nó mới mang nghĩa tiêu cực; khi dịch sang các ngôn ngữ khác cũng
vậy (demonio tiếng
Tây-ban-nha, démon tiếng
Pháp, devil tiếng
Anh).
[20] Thư mục. Thông tin
dồi dào nhất là mục từ “Démon” trong Dictionnaire
de Spiritualité, Beauchesne Paris 1955, tome III, col.141-238 do 5
tác giả biên soạn (Stanislas Lyonnet, Jean Daniélou, Antoine
Guillaumont, Claire Guillaumont, François Vandenbroucke). Ngoài ra,
Johann Michl “Satan” trong Encyclopedie
de la foi, Cerf Paris, 1965, vol.IV, 191-200. Jeffrev
[21] Xc. Phan Tấn
Thành, Truyền thống tâm
linh trong các Giáo hội Đông Phương (Đời sống tâm linh, tập
V), NXB Phương Đông, TPHCM 2017, trang 50-55.
[22] Xc. Sách đã dẫn, trang
276-286.
[23] Có lẽ được viết vào
khoảng năm 170-64 trước CN.
[24] Người ta đặt cơ sở
cho thuyết này trên thánh vịnh 95,5 theo bản dịch Vulgata “Omnes dii gentium daemonia”.
Bản dịch mới đã sửa lại “Omnes
dii gentium inania”:
[25] Thời Trung cố, bên
châu Âu, thiên thần và ma quỷ được đề cập trong tín ngưỡng dân gian, trong nghệ
thuật cũng như trong các ngành ma thuật; nhưng chúng tôi không muốn đụng đến
vấn đề này.
[26] Bốn tác phẩm này ra
đời vào những giai đoạn khác nhau: 1/ Chú giải Sententiae (Lib.II, dist.2-11) soạn
khoảng 1252-1256. – 2/ Summa
Contra Gentiles (II, c.46-65) vào những năm 1261-1262. –
3/ Summa Theologiae (I
pars , qq.44-119 bàn về việc tạo dựng) vào những năm 1266-68. – 4/ Quaestio
disputata De Malo,
năm 1267. Nên biết là thánh Tôma bàn về ma quỷ trong toàn bộ khảo luận về các
thiên thần trong Summa
Theologiae. Trước hết, tác giả bản về bản tính các thiên thần (I
pars, qq.50-53); hoạt động tri thức (qq.54-58) và ý muốn (qq.59-60). [Bản tính
các thiên thần không thay đổi sau khi sa ngã]. Kế đó là sự tạo thành bởi Thiên
Chúa (q.61), ơn gọi (q.62), sự sa ngã (q.63-64). Sau cùng là tác động của thiên
thần đối với nhau (q.106-109), đối với thế giới vật chất (q.110), đối với loài
người (q.111-114).
[27] SC 6: satanas; – LG
(7 lần): 5 daemonia; 16 Malignus; 17 daemon; 35 mundi rectores tenebrarum
harum, spiritualia nequitiae; 48 diabolus; 55 serpens; 63 serpens antiquus. –
DH: 11 potestates Deo adversae.- AG (4 lần): 3 potestas tenebrarum ac satanae;
9 diabolus, daemon; 14 potestas tenebrarum; 14 nota 19: daemon, tenebrae.- GS
(5 lần): 2 malignus; 13a malignus; 13b princeps huius mundi. 22 diabolus; 37
potestates tenebrarum.
[28] Điển hình là tác
phẩm của Herbert Haag, Farewell
to the Devil (nguyên bản tiếng Đức xuất bản năm 1969). Satan
được coi như là biểu tượng của sự dữ trên thế giới (Sự Dữ được nhân cách hoá,
cũng tựa như Sự chết được nhân cách hóa thành Tử thần). Cũng nên biết là vào
những năm sau công đồng, một luồng tư tưởng thêm một biểu tượng mới của sự dữ
nơi “tội xã hội”,
hoặc “cơ cấu tội lỗi”. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc đến đề tài
này ở số 1869. ĐGH Gioan Phaolô II giải thích trong tông huấn Reconciliatio et paenitentia số
16, và thông điệp Sollicituo
rei socialis số 36.
[29] www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19750626
_fede-cristiana-demonologia_fr.html
[30] Đừng kể những sách
cổ xưa, ngay trong những sách
phụng vụ được duyệt lại sau công đồng cũng còn nhắc đến
Satan, chẳng hạn như phụng vụ các bí tích khai tâm (lời từ bỏ Satan). Chúng tôi
sẽ trở lại trong mục Năm.
[31] Những tội trái nghịch
điều răn thứ nhất không thuộc về dĩ vãng xa xưa nhưng vẫn hiện hành: thờ ngẫu
tượng, bói toán, ma thuật hay pháp thuật, mang bùa, chiêu hồn. Xc. Sách Giáo lý
Hội thánh Công giáo, số 2112-2117.
[32] Một thí dụ về từ ngữ
hàm hồ. Trong tiếng Anh, “ma” là ghost (hoặc phantom, spirit, soul),
“quỷ” là devil, demon;
đó là hai khái niệm khác nhau.
[33] Nên biết là đoạn văn
Ed 28,14 theo bản dịch LXX “Ngươi là một Kêrubim giương ra” đã trở thành cơ sở
cho một vài giáo phụ giải thích là Satan trước đây vốn là một Kêrubim.
[34] Một câu hỏi khác
được nêu lên mà không ai trả lời nổi: Thiên Chúa dựng nên các thiên thần lúc
nào? Kinh thánh không nói gì hết. Vì thế nảy ra hai giả thuyết: một bên cho
rằng các thiên thần được tạo dựng trước khi trời đất được dựng
nên; bên kia cho rằng họ được dựng nên cùng lúc với trời đất,
hay nói cụ thể hơn, lúc Thiên Chúa dựng nên ánh sáng.
[35] Chẳng hạn như thánh
Augustinô, Chú giải sách Sáng thế (Lib.XI
Super Genesis ad Litteram,13-26) và Thành đô Thiên Chúa (De Civitate Dei, lib.XI,
13-14). Tuy nhiên, ở nhiều đoạn văn khác, thánh Augustinô đi theo lập trường
chung là các thiên thần được dựng nên tốt lành, rồi sau đó mới phạm tội.
[36] Đoạn văn này được
thánh Augustinô giải thích tội có nghĩa là tách rời khỏi chân lý tức là Chúa
Kitô (Tract. Io. Ev. XLII,
11); “ngay từ đầu” có nghĩa là ngay từ lúc tạo dựng con người, bởi vì con rắn
đã cám dỗ nguyên tổ phạm tội (De
Civ. Dei XV, 23).
[37] Xc Các giáo phụ:
Giustinô, Apol. II,
4[5],3; Athenágoras, Legatio, 24,5;
Ireneô, Adv. Haer. IV,
36,4; Clêmentê Alexandría, Strom. III,
59,2; V, 10,2; Tertulianô, De
Cultu Feminarum, I, 2,1-4; I, 4,1; Ciprianô, De habitu virginum, 14;
Ensebiô, De
praeparatione evangélica V, 4; Ambrosiô, De Virg. I,
52s; De Noe et arca, 4.
[38] Vita Adae et
Evae XII–XVI, ed. Wilhelm Meyer,
[39] Sura 32; xc. Sura 7,
10-12; 15, 28-35; 17, 63; 18, 48; 20, 115 e 38, 71-85.
[40] In Cantica Canticorum,
XVII, 5-6.
[41] Xc. F. Suarez, Tractatus de Angelis, lib.
VII, ch. 13, 880–91; Joannes a S. Thoma, Cursus theologicus, disp. 43, a. 3.
[42] Thực ra, sự phân
biệt giữa ganh tị và kiêu ngạo không phải lúc nào cũng rõ rệt. N. Adkin, Pride or Envy? Some Notes on the
Reason the Fathers Give for the Devil’s Fall, in Augustiniana, 34
(1984), pp. 348-351.
[43] Is 14,12-14: “Hỡi
tinh tú rạng ngời, con của bình minh, chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi
sao? Này kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ử? Chính ngươi đã
tự nhủ: Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của
Thiên Chúa; ta sẽ ngự trên núi Hội ngộ, chốn bồng lai cực bắc. Ta sẽ vượt ngàn
mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao”.
[44] Pietro
Cantoni, Appunti per
una teología
[45] Khái niệm phẩm trật
các thiên thần đã có từ lâu trong đạo Do thái. Trong cuộc tranh luận với nhóm
Phariseeu, Chúa Giêsu đã vặn lại lập luận của họ, cho rằng Người đã lấy quyền
của Beendebul tướng quỷ để trừ quỷ (Mc 3,23-26 và song song). Trong bối cảnh
này, có giáo phụ đặt Satan vào hàng tổng lãnh thiên thần (Ambrosiô, Expos. Ev. Lc. IV,
67; Augustínô, De Gen. III,
10), có người cho Satan ở vị trí cao nhất trong các thiên thần (Taxianô, Oratio ad Graecos 7,5;
Grêgoriô Cả, Moralia IV,
16; Hom, Ev. XXXIV,
7), hoặc thuộc hàng Kerubim (Athanasiô, Epistola
I ad Serapionem, 26) dựa theo sự chú giải đoạn Edekiel
(28,12.14), xc. Orígenes, Contra
Celsum VI, 44. Người ta cũng giải thích đoạn văn Kh 12,4 theo
nghĩa ấy: sau khi Satan sa ngã, hắn đã lôi cuốn một đám thuộc hạ đi theo.
[46] Công nghị
Constantinopolis năm 543 (Denz-Sch 409; 411).
[47] Thuật ngữ “hoàn
nguyên” hay cũng có thể dịch là “phục hồi vạn vật” (apokatastasis, restoration), tự nó có nghĩa
là trở về với lúc ban đầu. Danh từ này được sử dụng trong Cv 3,21. Theo Origène
(De principiis,
I, VI, 1), vào tận thế, sẽ diễn ra sự cứu chuộc phổ quát và tất cả muôn vật sẽ
được phục hồi trong sự sung mãn của Thiên Chúa. Vì thế Satan cũng như các hình
phạt hỏa ngục chỉ có tính cách thanh luyện chứ không vĩnh viễn. Ơn cứu độ phổ
quát sẽ không được hoàn tất nếu còn một thụ tạo bị loại trừ. Origène dựa lập
luận của mình trên đoạn văn 1Cr 15, 28: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô,
thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục
Người, ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”. Nên biết là quan điểm
của Origène cũng nhận được sự ủng hộ của thánh Grêgorio Nyssa (Oratio catechetica, 26,2t).
[48] Xem các đoạn: Lc 10,18 : “Thầy đã
thấy Satan như một tia chớp từ trời rơi xuống”. Mt 25,41: “Quân khốn kiếp
kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và
các sứ thần của nó”. Kh
12,9: “Con Mãng xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi
là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các
thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó”. Kh 20, 1-2: “Tôi thấy một thiên thần từ trời
xuống, tay cầm chìa khóa vực thẳm và một dây xích lớn. Người bắt lấy Con Mãng
Xà, tức là Con Rắn xưa, cũng là ma quỷ hay Satan, và xích nó lại một ngàn năm”. Kh 20,10: “Ma quỷ, tên mê hoặc
chúng, bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh, ở đó đã có Con Thú và tên ngôn sứ giả;
và chúng sẽ bị làm khổ ngày đêm đời đời kiếp kiếp”.
[49] ĐTC Gioan Phaolô II
đã giải thích thuật ngữ này trong tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (ngày
2-12-1984), số 14-18. Xem: Phan Tấn Thành, Bí tích Hòa giải. Những tài liệu hỗ trợ cho cha giải tội,
NXB Phương Đông TPHCM 2014, trang 185-205. Cũng cần thêm rằng, sau khi đã dành
một chương để tìm hiểu mysterium
iniquitatis, Đức thành cha tiếp tục bàn đến mysterium pietatis (xc.
1 Tm 3,16) trong chương kế tiếp (số 19-22).
[50] Nên biết là “thiên
thần bản mệnh” (có khi cũng được gọi là dịch là “thiên thần hộ thủ”, hoặc
“thiên thần giữ mình”) trong tiếng Latinh là angelus custos (trông nom, bảo vệ). Xem
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 336.
[51] Nói đúng ra, các tác
giả không chỉ phân biệt giữa “thần khí tốt” và “thần khí xấu”, mà còn giữa
“thần khí của Chúa” – “thần khí xấu” – “thần khí con người”. Xc. Phan Tấn
Thành, Thần học về đời
sống tâm linh Kito giáo, (Đời sống tâm linh tập III), NXB
Phương Đông 2015, trang 370-372.
[52] Xc. Summa theol., I, q.111,
a.1-4.
[53] Xc. Corrado
Balducci, El diablo
existe y se puede reconocerlo, Paulinas, Bogotá 1990, p.156-158.
Tuy nhiên tác giả nhìn nhận rằng nhiều học giả còn đưa ra những cách phân loại
khác, như sẽ nói sau khi bước sang các hành động bất thường.
[54] Xc. Phan Tấn
Thành, Thần học về đời
sống tâm linh, đã dẫn, trang 362-372. Truyền thống tâm linh trong các Giáo
hội Đông phương (Đời sống tâm linh tập V), NXB Phương Đông,
2017, trang 270-271. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2846-2854.
[55] Từ ngữ này cũng được
dùng trong đời sống hằng ngày hoặc trong các cuộc nghiên cứu khoa học: thử
nghiệm (thử đi thử lại một công thức toán học hay vật lý), trắc nghiệm khả năng
của một ứng viên, vv.
[56] Xem thêm: Gioan
Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo
rei socialis (30/07/1987) số 36-37.
[57] G. AMORTH , Nuovi racconti di un esorcista, ed.
Dehoniane, Roma 1992, p.60-63.
[58] Lưu ý về từ ngữ.
Theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, thuật ngữ Basileia tou Theou trong
tiếng Hy-lạp của Tân ước có thể hiểu theo ba nghĩa: a) Vương quyền (hoặc chủ
quyền; danh từ trừu tượng); b) Vương quốc (danh từ cụ thể, ám chỉ một lãnh thổ
địa lý, một nước hoặc quốc gia); c) Vương triều hay triều đại (danh từ chỉ việc
cai trị hoặc thời kỳ cai trị). Trong ngôn ngữ thông thường, chúng ta hay nói
“Nước Trời, Nước Thiên Chúa”, nhưng từ ngữ này chi hiều về nghĩa thứ hai, mà
cũng thiếu sót. Một “nước” hay “quốc gia” không đương nhiên đòi hỏi một vua cai
trị; nhưng “vương quốc” thì phải có vua.
[59] Á bi tích (hay cũng
có người dịch là “phụ bí tích”) là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội thánh
thiết lập với cấu trúc tương tự như các bí tích, để ám chỉ và khẩn nài những ơn
ích thiêng liêng. Hiệu lực của các á bí tích không chỉ tuỳ thuộc vào tâm tình
của người ban hoặc lãnh nhận, mà còn nhờ lời cầu nguyện của Hội thánh (Xem Sách
Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1667-1673.
[60] Chức “trừ tà” được
xếp vào bốn “chức nhỏ” (ordines
minores), và bị bãi bỏ do Đức Phaolô VI với tự sắc Ministeria quaedam (15/8/1972).
[61] Congregatio pro
Doctrina Fidei, Epistula
ordinariis locorum missa: in mentem normae vigentes de exorcismi revocantur,”
AAS 77 (1985) 1169-70. Lá thư gửi các Bản quyền, đề ngày 29/9/1985, nhắc
nhở các Đấng Bản quyền hãy tuân giữ những quy tắc của giáo luật về việc trừ tà
theo nghĩa chặt, cũng như canh chừng những cuộc hội họp để cầu nguyện xin ơn
giải thoát.
[62] Có tác giả dựa theo
Tân ước và truyền thống, còn liệt kê một danh sách các dấu chỉ dài hơn: 1/
Chống cự mọi ảnh hưởng của Thiên Chúa. 2/ Sức mạnh phi thường. 3/ Rối loạn của
các cơ quan. 4/ Một người nào khác nói thay cho nạn nhân. 5/ Tự gây thương tích
cho mình và mưu toan tự vẫn. 6/ Cung cách cư xử thô bạo, giận dữ. 7/ có tri
thức khác thường. 8/ Những hiện tượng kỳ quặc sau khi ma quỷ đã bị trục xuất
(la thét, nằm xoài ra đất). 9/ Kiệt lực tuy vẫn lành lặn, sau khi ma quỷ bị
trục xuất. X. Willem Cornelis Van Dam, Dämonen und Besessene: Die Dämonen in
Geschichte und Gegenwart und ihre Austreibung, Pattloch,
[63] Sách Giáo lý Hội
thánh Công giáo nhắc đến ma
thuật, pháp thuật, chiêu hồn ở số 2117. Tuy nhiên, đừng
vội gán các thực hành này cho ma quỷ, bao lâu có thể giải thich được theo khoa
học (Parapsychology).
[64] Raffaelo
Martinelli, L’insegnamento
sul diavolo nel “Catechismo della Chiesa Cattolica” (CCC), https://aiepressoffice.com/it/2017/05/07/linsegnamento-sul-diavolo-nel-catechismo-della-chiesa-cattolica-ccc/